Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Hòa giải (conciliation) là một phương thức giải quyết tranh chấp lao động được nhiều nước trên thế giới sử dụng một cách hiệu quả. Hòa giải giải quyết tranh chấp lao động có thể do các chủ thể khác nhau thực hiện.

Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, hòa giải giải quyết tranh chấp lao động do hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và tòa án nhân dân thực hiện ở các giai đoạn giải quyết khác nhau. Nhìn chung, trong quy trình giải quyết các tranh chấp lao động (bao gồm cả tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích) đều phải trải qua thủ tục hòa giải, vì lợi ích của hòa giải mang lại cho các bên tranh chấp và cho xã hội.

Điều 201 Bộ luật Lao động quy định về trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động.

–  Về nguyên tắc chung, việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, đối với một số tranh chấp lao động cá nhân do cần được giải quyết một cách dứt điểm càng nhanh càng tốt, có thể bỏ qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động, bao gồm:

+ Tranh chấp lao động cá nhân về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt họp đồng lao động.

+ Tranh chấp lao động cá nhân về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Tranh chấp lao động cá nhân giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.

+ Tranh chấp lao động cá nhân về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

+ Tranh chấp lao động cá nhân về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cần lưu ý khi áp dụng quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 là đối với các tranh chấp lao động cá nhân nêu trên, trước khi lựa chọn toà án giải quyết thì các bên tranh chấp vẫn có quyền yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải.

– Đối với các tranh chấp lao động cá nhân không thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 201 và các tranh chấp lao động cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động, khi các bên có yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết thì hòa giải viên lao động (được Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phân công) có trách nhiệm hòa giải trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Lao động.

Theo pháp luật cũng như yêu cầu thực tiễn của việc giải quyết tranh chấp lao động qua hoà giải, 05 ngày làm việc là khoảng thời gian hòa giải viên lao động phải thu thập tài liệu, chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị phương án hòa giải và chuẩn bị các điều kiện khác để tổ chức phiên họp hòa giải chính thức giữa các bên. Tuy nhiên, Bộ luật không quy định cụ thể về các vấn đề: liệu hòa giải viên lao động có quyền gặp gỡ các bên tranh chấp trước khi mở phiên họp hòa giải hay không? Có được xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Phòng Lao động — Thương binh và Xã hội khi xây dựng phương án hòa giải hay không?… Vì vậy, có thể cho rằng, nếu đây là những việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp lao động và pháp luật không có quy định cấm thì hòa giải viên lao động vẫn nên và có quyền thực hiện.

– Hòa giải viên lao động phải tổ chức và kết thúc phiên họp hòa giải tranh chấp lao động trong thời gian nói trên. Phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp hoặc đại diện theo ủy quyền của họ. Trường hợp một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Vì vậy, trước hết hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn để các bên tự thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Chỉ khi các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động mới đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét, quyết định. Neu hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành. Nếu hai bên không chấp nhận phương án hoà giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.