Cần hoàn thiện pháp luật ưu đãi người có công

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang triển khai kế hoạch Tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để có căn cứ xây dựng Pháp lệnh mới, thay thế Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng 2012.

Khoảng 9 triệu người có công

Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sỹ” đến nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, bảo đảm chất lượng để từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, là cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân; cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Đặc biệt là từ năm 1986 đến nay, trong vấn đề ưu đãi đối với người có công, hệ thống pháp luật nước ta đã có những thay đổi quan trọng, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong cùng năm 1994.

Năm 1998 và năm 2000, Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 lại được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện mới và quá trình cải cách hành chính.

Năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thay thế Pháp lệnh ưu đãi năm 1994.

Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005.

Ngày 9/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Ngày 15/5/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân.

Như vậy, hành lang pháp lý để thực hiện chính sách ưu đãi người có công đã tương đối đầy đủ. Những quy định đó đã góp phần quan trọng trong công tác ưu đãi người có công. Do đó, nhiều vấn đề bất hợp lý do lịch sử để lại cũng như vấn đề mới nảy sinh trong quá trình chuyển đổi cơ chế và những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh, như vấn đề xác nhận liệt sỹ, thương binh; chính sách ưu đãi đối với thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; chính sách ưu đãi về giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, chế độ trợ cấp đối với một số đối tượng người có công với cách mạng được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết hiệu quả.

Việc xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công đạt được kết quả tích cực. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công, trong đó: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: gần 9.000 người; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; Liệt sỹ: gần 1.2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người; Bệnh binh: gần 185.000 người; Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, cơ bản người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được hiệu quả thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được chú trọng và đạt được kết quả tích cực.

Khắc phục những bất cập, hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách ưu đãi người có công, vẫn còn một hạn chế, bất cập đòi hỏi phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện để bảo đảm công bằng đối với người có công.

Trước hết là một số quy định liên quan đến công tác xác nhận người có công, thực hiện chính sách ưu đãi còn bất cập, gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện. Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội từng phát biểu: Đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách ưu đãi ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày càng nâng cao, song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nguyện vọng chính đáng của đối tượng người có công. Vẫn còn một số đối tượng người có công chưa được công nhận để thụ hưởng chính sách ưu đãi, đời sống của một số bộ phận người có công còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay cũng chưa có chế độ bảo hiểm y tế ( BHYT) cho thân nhân của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; chưa quy định chế độ BHYT, hỗ trợ nhà ở đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã lấy chồng hoặc vợ khác.

Đại tá Ngô Quang Phúc, Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong 10 năm (2007-2017), Quân đội đã xác nhận cho hơn 1.000 liệt sĩ, cấp giấy chứng nhận cho hơn 7.000 thương binh và gần 6.500 bệnh binh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đã nảy sinh một số bất cập. Ví dụ, theo quy định Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13, có 12 nhóm đối tượng người có công không có đối tượng người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế bị đối phương bắt, giam giữ trong nhóm đối tượng “Người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù, đày”. Hay điểm 1, khoản 1, Điều 17, mục 3 và điểm g, khoản 1, Điều 27, mục 6 Nghị định 31 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh lại quy định hẹp hơn với đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ quân đội.

Theo đại diện của Cục Chính sách, vướng mắc, bất cập lớn nhất về thủ tục, hồ sơ, giải quyết chế độ với người có công còn tồn đọng. Do lịch sử, điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước, trình độ quản lý với thời gian chiến tranh kéo dài, ác liệt, nhiều thời kỳ nên nhiều hồ sơ, thủ tục không đáp ứng được yêu cầu của quy định hiện nay, nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh công phu mới có căn cứ để xem xét, giải quyết…

Bên cạnh đó, các đối tượng như thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ trong các thời kỳ kháng chiến bị ốm đau, bệnh tật; người tham gia bảo vệ tổ quốc bị địch bắt, tù đầy sau ngày 30/4/1975, hoặc người có công là người Việt Nam ở nước ngoài… hiện chưa được hưởng chính sách ưu đãi người có công.

Do đó, có một số vấn đề cụ thể được đặt ra nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về người có công, tạo thuận lợi cho người có công trong kê khai, thụ hưởng chính sách. Chúng tôi đồng tình với ThS. Nguyễn Thị Phương Thanh (Trường Trung cấp Luật Đồng Hới, Quảng Bình) các vấn đề cần quan tâm, xử lý hiện nay cụ thể như sau:

Đối với đối tượng lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa cần thiết mở rộng thêm căn cứ xác nhận, đặc biệt là đối với người còn sống, vì theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thì người còn sống phải có lý lịch mới được xác nhận, trong khi người đã hy sinh, từ trần thì được sử dụng những căn cứ khác để công nhận như: Lịch sử đảng bộ địa phương, các giấy tờ, tài liệu lưu trữ…; đồng thời cần thiết thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa còn sống.

Đối với liệt sỹ, thương binh chưa có hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ xác nhận liệt sỹ đối với trường hợp bị bắt, tra tấn. Trường hợp vợ liệt sĩ tái giá chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng, như vậy sẽ thiệt thòi cho họ.

Việc khám giám định vết thương còn sót cũng gặp nhiều trở ngại. Cần thiết phải quy định rõ ràng việc giám định vết thương còn sót, sót là do trước đây bản thân đối tượng người có công với cách mạng khai còn sót, hay vì lý do Hội đồng giám định y khoa giám định còn sót.

Chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học: Chưa có hướng dẫn với trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh và cũng đồng thời là người mất sức lao động mà bị mắc bệnh, hoặc sinh con dị dạng, dị tật thì có được xem xét giải quyết chế độ chất độc hóa học không và giải quyết hưởng chế độ như thế nào. Hiện tại chỉ có hướng dẫn chế độ đối với thương binh, bệnh binh đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học (Điều 31 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP).

Đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày: Theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH thì trường hợp hưởng chế độ tù đày được trả trợ cấp theo tháng kể từ ngày 01/9/2012 đối với trường hợp đã hưởng trợ cấp 1 lần (tức là truy nhận từ ngày 01/9/2012), nhưng có trường hợp vừa mới làm hồ sơ được hưởng thì không nhận được tiền truy lĩnh, trong khi có trường hợp làm hồ sơ trước thì được hưởng cả tiền theo tháng và truy lĩnh, dẫn đến sự bất công giữa các đối tượng, vì thực tế cho thấy công lao của họ vẫn giống nhau, thậm chí những người làm hồ sơ sau thời gian bị tù, đày lại nhiều hơn.

Việc ủy quyền về thờ cúng liệt sĩ, ký giấy xác nhận về phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng có một số trường hợp là anh em trong gia đình không chịu xác nhận nên việc lập hồ sơ gặp khó khăn. Đồng thời, số tiền phải chi trả cho các trường hợp này thì địa phương cũng lúng túng trong xử lý, vì không thể giao trực tiếp cho đối tượng khi còn vướng mắc mà cũng không thể giữ lại. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp gia đình có tranh chấp.

Trong trợ cấp một lần cho đối tượng hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, vẫn áp dụng mức trợ cấp 120.000 đồng/năm, mức trợ này ít và chậm thay đổi kể từ năm 1995. Trong khi mức trợ cấp của đối tượng khác thì thường xuyên được cải thiện nâng lên.

Chúng tôi cho rằng Chính phủ cần tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh và các văn bản có liên quan đề từ đó nghiên cứu xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung đầy đủ các vấn đề bất cập, vướng mắc liên quan đến chính sách, bảo đảm tính khả thi về nguồn lực để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc ban hành Pháp lệnh mới thay thế Pháp lệnh năm 2012.

Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống pháp luật ưu đãi người có công phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, cần phải được tiến hành từng bước, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, để bảo đảm cân đối nguồn lực, quy định dễ dàng đi vào cuộc sống. Về lâu dài, cần phải sớm xây dựng Luật Ưu đãi người công với cách mạng để nhằm mục đích thực hiện tốt hơn chính sách đối với người có công, hoàn thiện hệ thống pháp luật ưu đãi người có công, đánh giá đúng tầm quan trọng của pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng trong hệ thống pháp luật Việt Nam cũng như trong đời sống xã hội…

 

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.