Tình thế cấp thiết theo quy định của BLHS 2015

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Điều 23. Tình thế cấp thiết

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về cấu trúc điều luật cách sắp xếp quy phạm của Điều luật này khá tương đồng với Điều luật về phòng vệ chính đáng. Chúng ta sẽ cùng phân tích điều luật này Tình thế + cấp thiết:

Nếu như Điều luật về phòng vệ chính đáng chú trọng đến tính chính đáng và giới hạn của sự cần thiết thì điều luật về tình thế cấp thiết này lại chú trọng đến tính cấp thiết và thiệt hại gây ra của hành vi. Cụ thể, sự cấp thiết ở đây đã đến mức đưa người thực hiện hành vi vào tình thế – đúng nghĩa đen – không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải gây ra một thiệt hại. Thông thường việc gây ra thiệt hại là một hành vi vi phạm pháp luật có thể là hình sự, nhẹ hơn là hành chính hay nhẹ hơn nữa là dân sự nhưng trong trường hợp này hành vi gây thiệt hại đó không phải là hành vi vi phạm NẾU thiệt hại đã gây ra nhỏ hơn thiệ hại cần ngăn ngừa.

Như vậy điều kiện cần (1) chủ thể thực hiện hành vi đã không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải gây thiệt hại và điều kiện đủ (2) thiệt hại đó phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa thì khi đó chủ thể sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự (thông thường là các tội phạm liên quan đến khách thể là quan hệ sở hữu như tội hủy hoại hoặc cố ý làm hỏng tài sản, chiếm hữu sử dụng tài sản trái phép v.v…)

Ví dụ: Vì muốn ngăn chặn đám cháy đang lây lan trong dãy dân cư liền nhau F bắt buộc phải đập nhà anh G để ngăn đám cháy lại. Trường hợp này có thể thấy F đã không còn sự lựa chọn nào khác và thiệt hại xảy ra đối với nhà anh G rõ ràng nhỏ hơn thiệt hại của cháy nhà của cả khu dân cư do đó hành vi của F thỏa dấu hiệu của tình thế cấp thiết và sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.

Tuy nhiên 2 Khoản trên của điều luật đã bỏ ngỏ trường hợp thiệt hại đã gây ra bằng với thiệt hại cần ngăn ngừa.

Khoản 1 “…gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa…”

Khoản 2 “…thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết…”

Sẽ là lý tưởng và tuyệt đối nếu thiệt hại đã gây ra = thiệt hại cần ngăn ngừa (do vậy nhà làm luật không quy định trường hợp này cũng là điều dễ hiểu). Thiệt hại đã gây ra thì có thể cân đo đong đếm được nhưng thiệt hại cần ngăn ngừa (chưa xảy ra) thì rất khó để xác định và trong một số trường hợp gần như là không thể xác định được.

Do đó vẫn theo quan điểm áp dụng quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội thì trong những trường hợp không thể xác định được hoặc xác định được nhưng cán cân thiệt hại đã gây ra và thiệt hại cần phòng ngừa tương đương nhau thì sẽ áp dụng theo hướng áp dụng tình thế cấp thiết. Trong trường hơp muốn áp dụng quy định tại Khoản 2 cơ quan công tố phải có nghĩa vụ chứng minh.

Sau khi phân tích Điều 22 Phòng vệ chính đáng và Điều 23 Tình thế cấp thiết chúng ta có thể thấy được quan điểm lập pháp của nhà làm luật. Một mặt trao quyền và khuyển khích công dân chủ động thực hiện quyền bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và của người khác nhưng để đảm bảo việc sử dụng quyền này không bị lạm dụng khi thực hiện nhà làm luật cũng đã dự liệu luôn trường hợp vượt quá quyền thì sẽ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự mặc dù mức hình phạt sẽ có phần nhẹ hơn so với phạm tội trong trường hợp thông thường.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.