Rút quyết định truy tố theo quy định của BLTTHS 2015

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 quy định về rút quyết định truy tố, đây là hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng.

Sau khi nghiên cứu quy định này trong việc nhận thức và giải quyết trong thực tiễn của các Tòa án, đối chiếu với quy định của BLTTHS 2003 và những văn bản pháp luật trước đây, tác giả có một số ý kiến đưa ra trao đổi như sau:

Tại Công văn 328/NCPL ngày 22/6/1993 của TANDTC về việc rút quyết định truy tố có hướng dẫn: “Quyết định truy tố của VKS chính là bản cáo trạng mà kiểm sát viên đọc tại phiên tòa”. Như vậy, có thể hiểu rút quyết định truy tố chính là rút cáo trạng. Rút toàn bộ quyết định truy tố tức là rút toàn bộ cáo trạng mà VKS đã truy tố người phạm tội; rút một phần quyết định truy tố tức là kiểm sát viên đề nghị HĐXX không xét xử người phạm tội về một tội hoặc về một số tội nào đó hoặc không áp dụng các tình tiết tăng nặng TNHS đã nêu trong cáo trạng. Việc rút quyết định truy tố thường được thực hiện ở hai giai đoạn: giai đoạn từ khi nhận hồ sơ vụ án đến trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử; giai đoạn từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử tới khi mở phiên tòa.

Bộ luật TTHS 2015 quy định việc rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát tại Điều 285: “Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 (Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự) của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 (Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội) hoặc Điều 29 (Các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự) hoặc khoản 2 Điều 91 (Quy định về người dưới 18 tuổi phạm tội) của Bộ luật hình sự thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án”; Điều 319: “Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn”.

Việc giải quyết việc rút quyết định truy tố được quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 282: “Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:… b) Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa”; Điều 325: “1. Khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án; 2. Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó” và khoản 4, Điều 326: “Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp”.

Như vậy, BLTTHS 2015 cơ bản vẫn kế thừa những quy định của BLTTHS 2003 và các văn bản hướng dẫn trước đây về trường hợp rút quyết định truy tố của VKS. Cụ thể , theo quy định tại khoản 2, Điều 222 BLTTHS 2003, Điều 29 Quyết định 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 27/9/2007 của Viện trưởng VKSNDTC ban hành quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự và hướng dẫn tại Công văn 328/NCPL ngày 22/6/1993 của TANDTC về việc rút quyết định truy tố thì nếu việc rút quyết định truy tố của kiểm sát viên có căn cứ thì Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa án đã tạm đình chỉ vụ án đó biết. Nếu VKS cấp trên nhất trí với kiến nghị của Tòa án thì ra quyết định hủy việc ra quyết định rút truy tố của VKS cấp dưới và chuyển hồ sơ cho Tòa án đã tạm đình chỉ vụ án. Tòa án thụ lý lại và xét xử trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý lại.

Theo quy định của BLTTHS 2015 nếu Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án; nếu tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố, hoặc kết luận về một tội nhẹ hơn thì HĐXX vẫn tiếp tục xét xử vụ án; Nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó, nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Việc nhà làm luật quy định các trường hợp như trên là để khắc phục những sai sót trong việc truy tố sai người phạm tội và đồng thời khắc phục những hạn chế, tiêu cực trong việc rút quyết định truy tố không có căn cứ của kiểm sát viên.

Về thủ tục, tại khoản 2 Điều 299 BLTTHS 2015 quy định: “Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản”. Như vậy, BLTTHS 2015 chỉ quy định quyết định đình chỉ vụ án của hội đồng xét xử phải được thông qua tại phòng nghị án và được lập thành văn bản mà chưa quy định trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định truy tố khi Tòa án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, trước khi phiên tòa được mở.

Về mặt thực tiễn, các quy định của BLTTHS 2015 về việc rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát như vậy là đầy đủ, không có trở ngại gì cho việc giải quyết án, tuy nhiên xét dưới góc độ khoa học pháp lý thì có một số vấn đề cần được nghiên cứu điều chỉnh.

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 320, Điều 325, khoản 4 Điều 326 của BLTTHS năm 2015 thì cùng với việc luận tội nếu kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án. Nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến về việc rút đó. Khi nghị án, nếu Hội đồng xét xử cho rằng việc rút quyết định truy tố đúng đắn thì ra bản án tuyên bị cáo vô tội; nếu thấy bị cáo có tội và rút quyết định truy tố không đúng, thì ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị lên Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

Điểm bất cập là, khi kiểm sát viên rút quyết định truy tố, nhưng Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ án hoặc kiến nghị lên kiểm sát viên cấp trên, điều này không phù hợp bởi lẽ nếu kiểm sát viên đã rút quyết định truy tố (rút toàn bộ cáo trạng) thì đương nhiên sẽ không có lời luận tội, cũng không có việc đối đáp tranh luận giữa các bên và nếu Tòa án vẫn tiếp tục xét xử, vẫn ra bản án thì trái với chức năng xét xử của Tòa án, qua đó xâm phạm đến quyền lợi của người bị buộc tội.

Đáng lẽ ra, khi kiểm sát viên rút quyết định truy tố phần nào, thì Hội đồng xét xử chỉ được xét xử phần còn lại, và nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì vụ án phải được tuyên bố bị cáo vô tội, chứ không phải Hội đồng xét xử lựa chọn là tiếp tục xét xử. Như vậy, thẩm quyền của Tòa án trong vấn đề rút quyết định truy tố đã mâu thuẫn với chức năng xét xử. Vì giới hạn xét xử và quyền công tố của kiểm sát viên đặt ra yêu cầu nếu không có buộc tội thì không phát sinh việc xét xử. Ở đây, cũng không nên lo ngại việc rút quyết định truy tố tùy tiện, bởi vì pháp luật tố tụng hình sự đã tạo ra nhiều quy phạm tổng hợp, như quyền kháng cáo, kháng nghị, chế độ kiểm tra, giám sát, trách nhiệm pháp lý ràng buộc đối với người tiến hành tố tụng rất chặt chẽ.

Thứ hai, đối với trường hợp sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trước khi phiên tòa được mở, Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố và thông báo đến Tòa án thì cần phải được nghiên cứu, hiện có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Căn cứ vào điểm b khoản 1, Điều 282 BLTTHS 2015 Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án.

Quan điểm thứ hai cho rằng, khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử mà không phải thuộc về thẩm phán nữa vì luật đã quy định trong thời hạn chuẩn bị xét xử thì thẩm phán phải ra một trong các quyết định: đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án. Điều này để đảm bảo tính hiệu lực của quyết định đưa vụ án ra xét xử và nguyên tắc xét xử có hội thẩm tham gia. Do vậy, Tòa án phải mở phiên tòa và thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.

Tác giả nhất trí với quan điểm thứ hai đối với trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định truy tố khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trước khi mở phiên tòa thì thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử với những lý giải như trên, tuy nhiên theo tác giả thì trong trường hợp này Tòa án không cần thiết phải mở phiên tòa nữa mà Hội đồng xét xử đảm bảo rằng trong một thời gian hợp lý, tiến hành mở phiên họp để giải quyết việc rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Việc này vừa tiết kiệm tiền của cho ngân sách Nhà nước vừa đảm bảo cho việc giải quyết vụ án một cách nhanh gọn. Do vậy, từ những phân tích trên, sau khi nghiên cứu các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 về trường hợp rút quyết định truy tố của Viện kiểm sát, tác giả đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể như sau:

+ Bổ sung Điều 282 của BLTTHS 2015 quy định về trường hợp Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, trước khi mở phiên tòa như sau: “1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:… b) Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa. Trường hợp viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì thẩm quyền thuộc về Hội đồng xét xử”;

+ Bổ sung vào khoản 2 Điều 299 BLTTHS 2015 quy định: “2. Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản; đối với trường hợp đình chỉ vụ án trước khi mở phiên tòa do viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố, thì Hội đồng xét xử tiến hành họp và ra quyết định đình chỉ vụ án mà không phải mở phiên tòa”.

+ Bổ sung vào Điều 319 quy định về việc Kiểm sát viên rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa: “Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn.

Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử chỉ xét xử phần mà Viện kiểm sát vẫn truy tố. Nếu Kiểm sát viên kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án và quyết định trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

+ Sửa đổi khoản 4, Điều 326: “…4. Trong trường hợp kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án và tuyên trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì tuyên bố bị cáo không có tội”.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.