Nội dung của nguyên tắc “Suy đoán vô tội”

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) được 2015 xây dựng và thực hiện theo 27 nguyên tắc cơ bản (từ Điều 7 đến Điều 33). Trong 27 nguyên tắc cơ bản, có nguyên tắc: “Suy đoán vô tội” (quy định tại Điều 13).

Nguyên tắc này, mới bổ sung và quy định lần đầu tiên trong pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta. Nội dung nguyên tắc “Suy đoán vô tội” như sau:

 

Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

 

Nội dung nguyên tắc: “Suy đoán vô tội” rất ngắn gọn (có 90 từ), nhưng hiểu như thế nào là đúng để thực hiện mới là vấn đề mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng cần quan tâm. Vì đến nay, chưa có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện nguyên tắc này.

 

Nguyên tắc “Suy đoán vô tội” có các nội dung chính sau đây:

Nội dung 1: Thời gian người bị buộc tội được coi là không có tội được tính từ khi: người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự cho đến khi được chứng minh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và có bản án của Tòa án kết tội đã có hiệu lưc pháp luật. Thời gian này, nhiều hay ít là phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thiệt hại xảy ra và sự khai nhận của người thực hiện hành vi vi phạm. Ví dụ 1: A bị khởi tố về hình sự, trong thời gian điều tra vụ án, A thành khẩn khai nhận việc thực hiện hành vi phạm tội, cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về việc thực hiện tội phạm thì thời gian điều tra, truy tố được rút ngắn. Tại phiên tòa, bị cáo nhận đã thực hiện các hành vi phạm tội và thiệt hại xảy ra là do bị cáo gây ra, thì việc xét xử của Tòa án cũng tốn ít thời gian, sau phiên tòa sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, Bản án sơ thẩm có hiệu lực thi hành.

Ví dụ 2: B bị khởi tố về hình sự, trong thời gian điều tra vụ án, B không khai nhận thực hiện hành vi vi phạm. Việc điều tra, thu thập chứng cứ tốn nhiều thời gian. Khi Tòa án xét xử, bị cáo không thành khẩn. Việc xét xử của Tòa án phải xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thủ tục phúc thẩm và bản án phúc thẩm của Tòa án mới có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này, thời gian giải quyết vụ án kéo dài hơn trường hợp đối với A trong ví dụ 1.

 

Nội dung 2:  Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo quy định của BLTTHS thì cơ quanngười có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Quy định này là rõ ràng, dứt khoát ở chỗ khi không đủ căn cứ để buộc tội hoặc khi không thể làm sáng tỏ được căn cứ buộc tội, kết tội thì cơ quan điều tra vụ án hoặc Tòa án xét xử bị cáo phải kết luận bị can, bị cáo không phạm tội.

 

Nội dung 3: Trong nguyên tắc “Suy đoán vô tội” có các cụm từ: “buộc tội“, “kết tội“. Các cụm từ này được hiểu như thế nào là đúng? Nội dung này, theo nhận thức của chúng tôi thì: cụm từ “buộc tội” không đồng nghĩa với cụm từ “kết tội”. Vì theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì buộc tội được thực hiện từ khi khởi tố về hình sự đối với bị can cho đến khi Tòa án ra bản án tuyên bố bị cáo phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Viện Kiểm sát là cơ quan có chức năng thực hiện buộc tội đối với bị can bằng cách ra bản Cáo trạng truy tố trước Tòa án. Còn kết tội do Tòa án thực hiện chức năng xét xử đối với người bị buộc tội truy tố trước Tòa án. Khi Tòa án xác định Viện Kiểm sát truy tố, buộc tội bị cáo là có căn cứ và Tòa án ra bản án tuyên bố bị cáo phạm tội.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.