LUẬT SƯ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ VỚI NHÂN PHẨM, LƯƠNG TÂM, ĐỘC LẬP, LIÊM CHÍNH VÀ NHÂN ĐẠO!

Chia sẻ nếu thấy bài hay

(LSNN) – Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp. Ngày 11 tháng 4 năm 2013, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phối hợp với Đoàn Luật sư Paris (Cộng hòa Pháp) tổ chức Hội thảo “Nghề luật sư tại cộng hòa Pháp” mang đến cơ hội cho các luật sư Việt Nam tìm hiểu thông tin liên quan đến nghề luật sư cũng như các chương trình đạo tạo nghề nghiệp của Pháp, đồng thời tìm kiếm cơ hội giao lưu, học hỏi, làm việc giữa các luật sư của Việt Nam và Pháp.

Đại diện Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Đoàn Luật sư Paris chủ trì Hội thảo. Ảnh:PVĐại diện Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Đoàn Luật sư Paris chủ trì Hội thảo. Ảnh:PV
Tại hội thảo, Bà Christiane Feral Schuhl – Chủ nhiệm đoàn luật sư Paris đã cung cấp rất nhiều thông tin liên quan đến các chương trình đào tạo, hành nghề của luật sư tại Pháp. Theo đó, mỗi một luật sư khi bắt đầu hành nghề phải tham gia lễ tuyên thệ “Với tư cách là luật sư sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình với nhân phẩm, lương tâm, độc lập, liêm chính và nhân đạo”. Lời tuyên thệ này được đưa ra trước khi các luật sư được cấp bằng Đại học Luật (với thời gian đạo tạo là 4 năm) và 18 tháng đào tạo tại Trường Đào tạo của đoàn luật sư Paris, nhận chứng chỉ đào tạo nghề luật.
Bà Christiane Feral Schuhl cho biết, nghề luật sư ở Pháp phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp rất chặt chẽ, đảm bảo cho các luật sư hành nghề một cách công bằng. Theo đó mỗi một luật sư đều phải tuân thủ các nguyên tắc như: đảm bảo tôn trọng bí mật nghề nghiệp, bảo mật thông tin một cách tuyệt đối, tôn trọng nguyên tắc tranh tụng đảm bảo cho việc xét xử trước tòa được trung thực, công bằng, tránh xung đột lợi ích (luật sư không thể vừa là đại diện của nguyên đơn, vừa là đại diện của bị đơn)…
Bà Christiane Feral Schuhl, Chủ nhiệm đoàn luật sư Paris chia sẻ thông tin về nghề luật sư tại Pháp
Mối quan tâm chính của đoàn luật sư Paris là cung cấp các chương trình đào tạo có chất lượng và thúc đẩy tiếp cận pháp lý cho tất cả mọi người. Ở Paris, có một khẩu hiệu mà tất cả các luật sư đều biết, đó là “Để một luật sư tự hào về nghề nghiệp của mình, trước tiên để cho họ tự hào về chương trình đào tạo mà họ thụ hưởng”. Đoàn luật sư Paris  mở các chương trình đào tạo ở mọi cấp độ phù hợp với mọi lứa tuổi khác nhau từ các trường trung cấp và trường phổ thông trung học…
Trả lời câu hỏi chung của các luật sư Việt Nam liên quan đến chương trình đào tạo của đoàn luật sư Hà Nội, đó là việc các luật sư Việt Nam có thể tham gia tuyên thệ vào đoàn luật sư Paris có khó khăn gì không? Liệu có thể giảm bớt thời gian đào tạo được không? Bà Christiane Feral Schuhl cho rằng việc đăng ký thi vào đoàn Luật sư Paris mang tính cạnh tranh rất cao, hàng năm trong số các thí sinh đăng ký thi, có đến ¼ thí sinh bị trượt, tuy nhiên không phải là không thể. Hiện nay, chưa có một quy định giảm thời gian đào tạo cho các luật sư và đoàn luật sư cũng đang xem xét, có thể có các chương trình đạo tạo tương đương cấp các văn bằng, chứng chỉ hành nghề thì có thể giảm bớt thời gian đào tạo.
Hội thảo thu hút được sự quan tâm rất lớn của các luật sư đến từ các văn phòng luật trên địa bàn Thủ đô
Tại hội thảo, Luật sư Sơn ở Văn phòng Luật sư Hoàng Đạo mang đến cho đoàn luật sư Paris 2 câu hỏi, trong đó liên quan đến việc có hay không giới hạn độ tuổi hành nghề luật sư tại Pháp và việc tập sự hành nghề đối với những người đã từng là thẩm phán, điều tra viên… khi chuyển sang hành nghề luật sư có được miễn thời gian tập sự hành nghề? Đại diện đoàn luật sư Paris cho biết, cũng giống như ở Việt Nam, Pháp không giới hạn độ tuổi hành nghề. Tất cả những luật sư, họ có thể tham gia công tác, cống hiến theo khả năng, năng lực của mình và việc nghỉ hưu sớm hay muộn tùy thuộc vào việc họ tham gia đóng bảo hiểm xã hội.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội tặng quà lưu niệm cho bà Christiane Feral Schuhl
Còn vấn đề miễn khóa học đào tạo, phía đoàn luật sư Paris nhấn mạnh rằng, việc miễn thời gian tập sự hành nghề tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Theo đó, có 3 trường hợp sẽ được miễn là:Trường hợp thứ nhất là những người từng học thẩm phán, được công nhận là giáo sư chuyên ngành luật thì họ có thể trở thành luật sư dễ dàng mà không cần phải chứng minh thời gian công tác, hành nghề.
Trường hợp thứ 2 được miễn là những người đã từng hành nghề bổ trợ tư pháp với thâm niên 5 năm hành nghề liên lục.
Tiếp theo là trường hợp những cử nhân luật, những luật gia làm việc trong những doanh nghiệp hay hiệp hội mà đa số thời gian làm về luật, và thời gian tối thiếu là 8 năm.
Ngoài ra, cón có trường hợp đã từng là công chức ngạch A-ngạch cao nhất trong ngành tư pháp, với điều kiện tốt nghiệp chuyên ngành luật và có 8 năm hành nghề luật.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Với những thông tin cung cấp tại Hội thảo, đoàn luật sư Paris mong muốn đem đến cho các luật sư Việt Nam một cái nhìn sâu sắc nhất về nghề luật tại Pháp. Qua đây, tạo cơ hội cho các luật sư Việt Nam và Pháp có thể tìm kiếm các cơ hội đào tạo, hợp tác, học hỏi lẫn nhau, góp phần tăng cường củng cố, phát triển nghề luật sư giữa 2 quốc gia trong thời gian tới./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.