30 bài tập định tội danh thông dụng

dinh-toi-danh

Chia sẻ nếu thấy bài hay

 

Định tội danh là việc xác nhận về mặt pháp lý sự phù hợp (đồng nhất) giữa các dấu hiệu của của một hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng được quy định trong Bộ luật hình sự.

 

Nói cách khác, việc xác định một người đã phạm tội gì chính là quá trình xác định hành vi của họ đã thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm nào trong số các cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Bởi vậy để thực hiện đúng đắn quá trình định tội danh cần phải xác định đầy đủ các tình tiết đã xảy ra trong thực tế liên quan đến vụ án, đồng thời phải có sự hiểu biết sâu sắc, chính xác pháp luật hình sự qua việc phân tích, đánh giá các dấu hiệu cấu thành tội phạm cụ thể, từ đó hình thành nên cơ sở thực tế, cơ sở pháp lý của quá trình định tội danh, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được chính xác, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai.

 

Dưới đây là 30 bài tập định tội danh để quý thầy cô, các bạn sinh viên và những người nghiên cứu chuyên sâu về bộ môn này tham khảo:

 

Bài tập số 1

Lê Quốc T và Mai Văn H đều là sỹ quan của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn đã di tản sang Mỹ từ năm 1975 (trong đó có Mai Văn H đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch Mỹ). Chúng đã tụ tập, lôi kéo những tên có nhiều tội ác với Cách mạng đang sống lưu vong ở nước ngoài để thành lập tổ chức phản động “Việt Nam phục quốc”. Tổ chức này hoạt động với sự tài trợ và chỉ đạo trực tiếp của CIA.

Ngày 10/ 7 Lê Quốc T và Mai Văn H đã cầm đầu gần 300 tên có trang bị vũ khí hiện đại từ Thái Lan đi qua biên giới Lào xâm nhập Việt Nam nhằm phối hợp với lực lượng phản động được CIA cài cắm lại trong nước để lật đổ chính quyền nhân dân. Do đã có kế hoạch chuẩn bị từ trước, quân và dân ta đã phối hợp với các bạn Lào bao vây, chặn đánh tiêu diệt hàng trăm tên và bắt sống nhiều tên trong số đó có Lê Quốc T và Mai Văn H.

Căn cứ vào các tình tiết của vụ án, khi xác định tội danh của Lê Quốc T và Mai Văn H có những ý kiến sau:

1. Lê Quốc T và Mai Văn H phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự) và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).

2. Lê Quốc T và Mai Văn H phạm tội phản bội Tổ quốc (khoản 1 Điều 78 Bộ luật hình sự) và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).

3. Lê Quốc T phạm tội phản bội Tổ quốc (khoản 1 Điều 78 Bộ luật hình sự). Mai Văn H phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào ? Tại sao ?

 

Bài tập số 2

Nguyễn Bá K và Lê Hữu Q là những phần tử xấu của chế độ cũ đã bị đư­a đi tập trung cải tạo 3 năm. Nhưng vì có sự hận thù giai cấp sâu sắc nên sau khi hết thời hạn cải tạo về địa phương K và Q vẫn ngấm ngầm chống chính quyền nhân dân. Chúng thường tụ tập với các phần tử bất mãn nói xấu chế độ mới.

Lợi dụng việc 2 thôn thuộc xã H có mâu thuẫn sâu sắc về đất đai, K và Q đã kích động nhân dân thôn X, viết đơn khiếu nại đòi lại đất mà chúng cho là thôn R lấn chiếm.

Mặc dù các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện và tỉnh N đã nhiều lần giải thích thuyết phục, K, Q và đồng bọn vẫn cố tình xuyên tạc chủ trư­ơng, chính sách của Nhà nước và cách giải quyết của chính quyền địa ph­ương. Chúng kích động, dụ dỗ, lôi kéo quần chúng thực hiện các cuộc mít tinh, biểu tình, phá bờ, cắm mốc, tự chia đất, đuổi đánh cán bộ xã, huyện khi đến can thiệp, bao vây trụ sở ủy ban nhân dân xã, gây khó khăn cho chính quyền trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, làm cho hoạt động của chính quyền xã H bị tê liệt một thời gian dài.

Với những tình tiết đã nêu trong vụ án, có những ý kiến khác nhau khi xác định tội danh của K và Q:

1. K và Q phạm tội gây rối trật tự công cộng (khoản 2 Điều 245 Bộ luật hình sự) và tội chống người thi hành công vụ (khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự);

2. K và Q phạm tội bạo loạn (khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự) và tội chống người thi hành công vụ (khoản 2 Điều 257 Bộ luật hình sự);

3.      K và Q phạm tội phá rối an ninh (khoản 1 Điều 89 Bộ luật hình sự);

4.      K và Q phạm tội bạo loạn (khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào ? Tại sao ?

 

Bài tập số 3

Hoàng Đình N và Lê Quốc V là những phần tử chống phá cách mạng. Biết Bùi Quang H đang cầm đầu một tổ chức chống chính quyền nhân dân, chúng đã gặp và đề nghị Bùi Quang H nhận vào tổ chức này. H đồng ý và phân công chúng vẽ sơ đồ, nắm tình hình các tỉnh miền Tây Nam Bộ, chuẩn bị tổ chức một số vụ nổ gây thanh thế, lôi kéo dư luận quốc tế.

Để có vũ khí hoạt động, H đã tổ chức cho N và V đột nhập kho vũ khí của một đơn vị quân đội lấy đi 3 khẩu AK, 5 quả lựu đạn và nhiều đạn dư­ợc.

Biết đư­ợc âm mư­u của bọn chúng, kịp thời hạn chế những thiệt hại có thể xẩy ra, lực l­ượng An ninh của ta quyết định phá án, bao vây bắt đư­ợc toàn bộ các tên trên.

Với các tình tiết trên, có hai quan điểm khác nhau về mặt định tội danh đối với hành vi của các tên trong vụ án:

1. H, N và V đồng phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự) và tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự);

2. H, N và V đồng phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về phương diện định tội danh đối với H, N và V ?

 

Bài tập số 4

Sau khi đảng Đại Việt (một tổ chức chống chính quyền nhân dân) bị lực lư­ợng An ninh nhân dân xóa sổ năm 1997, Văn Quốc Q và Lê Bá T là những tên cầm đầu tổ chức này chạy thoát vào vùng rừng núi gần biên giới Cămpuchia để ẩn náu.

Mặc dù bị thất bại như­ng Q và T vẫn không từ bỏ ý đồ chống phá chế độ ta. Chúng đã đột nhập vào Cơ quan công an huyện K lấy 01 khẩu súng AK và 20 viên đạn. Sau đó, lợi dụng sự hiểm yếu và phức tạp của vùng rừng núi, chúng đã mang vũ khí này lúc lén lút, lúc công khai vào các bản làng ở ven rừng đánh đập, đe dọa buộc dân chúng phải nộp tiền, lư­ơng thực và thực phẩm cho chúng.

Những hành vi phạm tội của Q và T đã làm cho nhân dân hoang mang, lo sợ, ảnh hư­ởng xấu đến trật tự an ninh, an toàn xã hội ở khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, đồng thời đe dọa trực tiếp tới sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.

Với những tình tiết nêu trên của vụ án, có các ý kiến khác nhau về   định tội danh đối với Q và T:

1. Q và T phạm tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự) và tội cướp tài sản (khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự);

2. Q và T phạm tội phạm tội chiếm đoạt vũ khí quân dụng (khoản 1 Điều 230 Bộ luật hình sự), tội cướp tài sản (khoản 1 Điều 133 Bộ luật hình sự) và tội hoạt động phỉ (khoản 1 Điều 83 Bộ luật hình sự);

3. Q và T phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự) và tội hoạt động phỉ (khoản 1 Điều 83 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về tội dnah của T và Q ?

 

Bài tập số 5

Trần X và Phạm Tiến L là Việt kiều nhập cảnh hợp pháp. Ngày 5/2 chúng đã móc nối với một số tên khác trong nư­ớc mua 10 kg thuốc nổ công nghiệp đặt ở các mục tiêu quan trọng trong thành phố K như: Nhà hát lớn, trụ sở ủy ban nhân dân thành phố, cầu… để cho nổ tung các cơ sở này nhân ngày quốc khánh 2/9 nhằm gây thanh thế cho các phần tử chống phá chính quyền nhân dân còn ẩn náu ở trong nư­ớc, gây hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân, làm mất ổn định về chính trị – xã hội ở Việt Nam. Thuốc nổ được đặt vào các vị trí đã định nhưng X, L và đồng bọn chưa kịp kích cho nổ thì đã bị lực l­ượng An ninh của ta bắt gọn kèm theo tang vật.

Căn cứ vào các tình tiết nêu trên, có hai ý kiến khác nhau về tội danh của các tên trong vụ án:

1. Trần X và Phạm Tiến L phạm tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 85 và Điều 18 Bộ luật hình sự) và tội mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ (khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự).

2. Trần X và Phạm Tiến L phạm tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia (khoản 2 Điều 231 và Điều 18 Bộ luật hình sự) và tội mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ (khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự).

3. Trần X và Phạm Tiến L phạm tội khủng bố (khoản 1 Điều 84 Bộ luật hình sự) và tội mua bán, sử dụng trái phép vật liệu nổ (khoản 2 Điều 232 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Hãy cho biết tội danh của X và L ?

 

Bài tập số 6

Hà Văn V chỉ huy một đơn vị vũ trang nư­ớc ngoài đóng giáp biên giới Việt Nam đã ra lệnh cho lính bố trí hệ thống loa có công suất lớn thư­ờng xuyên nói xấu, xuyên tạc đường lối chính sách đại đoàn kết dân tộc của Nhà nước Việt Nam, kích động t­ư tưởng chống đối chính quyền, gây hằn thù, miệt thị, chia rẽ những ngư­ời theo đạo cơ đốc với chính quyền nhân dân, giữa ngư­ời dân tộc kinh với ngư­ời dân tộc ít ng­ười, gây sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các dân tộc.

Ngày 15/12, V dẫn một toán ng­ười trang bị vũ trang xâm nhập sâu vào lãnh thổ của ta để móc nối với phần tử xấu trong n­ước nhằm thu thập tài liệu liên quan tới tình hình quân sự ở biên giới để sử dụng chống lại lực lượng vũ trang Việt Nam.

Bộ đội biên phòng của ta đã phát hiện bao vây, bắt được 2 tên, trong đó có V.

            Với những tình tiết nêu trên, có các ý kiến sau khi định tội danh đối với hành vi của Hà Văn V:

1. Hà Văn V phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự) và tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự).

2. Hà Văn V phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự) và tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào ? Tại sao ?

 

Bài tập số 7

Phan Hồng G và Phí Thanh S là những phần tử xấu đã lôi kéo một số tên nguyên là sỹ quan của chế độ cũ tham gia thành lập tổ chức “Phong trào thống nhất và xây dựng chủ nghĩa quốc gia”.

G, S và đồng bọn đã biên soạn tài liệu, dự tính tổ chức các cuộc hội thảo ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có mời đại diện nhiều n­ước nhằm hợp pháp hóa tổ chức của chúng, đấu tranh biến Việt Nam thành chế độ đa đảng, tiến tới lật đổ chính quyền. Chúng đã cử ngư­ời ra nước ngoài móc nối với CIA. CIA đã cung cấp vũ khí, tiền bạc cho tổ chức của chúng hoạt động.

Sau khi đã tiến hành điều tra thu thập được đầy đủ chứng cứ phạm tội, lực lượng công an an ninh tiến hành phá án bắt sống toàn bộ các tên trong tổ chức phản cách mạng nói trên.

Hỏi: Phan Hồng G và Phí Thanh S phạm tội phản bội tổ quốc (khoản 1 Điều 78 Bộ luật hình sự) hay là tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự) ? Tại sao ?

 

Bài tập số 8

Hoàng Quang L, nguyên là sĩ quan tình báo của chế độ Mỹ- Ngụy Sài Gòn, đã bị đưa đi tập trung cải tạo một thời gian dài. Sau khi đi cải tạo về và mặc dù còn bị quản chế tại địa phương, Hoàng Quang L đã lôi kéo Đặng Văn Y và một số tên khác bất mãn với chế độ mới thực hiện những hành vi sau nhằm chống chính quyền nhân dân:

Trong một lần nhậu tại nhà một người bạn, L và Y đã làm quen với Q là công nhân Nhà máy quốc phòng Z. Biết Q đang có mâu thuẫn sâu sắc với K Quản đốc Nhà máy, hai tên này đã kích động, xúi giục Q trả thù bằng cách gây thiệt hại cho Nhà máy Z về vật chất trong ca trực của K để đổ tội cho K. Mới đầu Q không dám hành động, nhưng trong những ngày sau đó L và Y thường xuyên mời Q đi ăn nhậu và tiếp tục thuyết phục, đồng thời gợi ý cho Q cách phá hỏng đồng hồ đo áp xuất nồi hơi để gây nổ nồi hơi.

Ngày 21/2 Q đã bí mật làm hỏng nồi hơi theo như sự chỉ dẫn của L và Y dẫn đến nổ nồi hơi làm thiệt hại về tài sản cho Nhà máy lên tới 200.000 triệu đồng.

Sau một thời gian điều tra lực lượng An ninh quân đội đã bắt được Q. Thấy nguy cơ bị lộ, L và Y đã trốn đến nhà Đặng Văn T (là anh họ Y) nói rõ sự việc và xin ở lại một thời gian để tìm cách trốn qua Hồng Công và từ đó bay sang Mỹ.

Trong thời gian chờ đợi để vượt biên, chúng đã liên lạc được với CIA và theo lệnh của tổ chức này L và Y đã móc nối với một số tên khác thu thập các tài liệu về tình hình an ninh, quốc phòng và kinh tế- xã hội cũng như các tài liệu thuộc bí mật Nhà nước khác để cung cấp cho cơ quan tình báo này.

Ngày 12/5 khi chúng đang trên tàu ra vùng biển quốc tế thì bị bộ đội biên phòng bắt gọn kèm theo tang vật.

Trong qua trình giải quyết vụ án có những ý kiến sau đây về việc định tội danh đối với hành vi của L, Y, S và T:

1. L, Y và Q đồng phạm tội phá hoại cơ sở vật chất- kỹ thuật của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự). Ngoài ra L, Y còn phạm tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự). T phạm tội che giấu tội phạm (khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự).

2. L và Y đồng phạm tội phá hoại cơ sở vật chất- kỹ thuật của nước   Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 85 Bộ luật hình sự) và tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự). Q phạm tội phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia (khoản 2 Điều 231 Bộ luật hình sự). T phạm tội che giấu tội phạm (khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Anh (Chị) đồng ý với ý kiến nào ? Tại sao ?

 

Bài tập số 9

Huỳnh Văn T, Lê Thị B và Trần Kim C đều là sĩ quan tâm lý chiến của chế độ ngụy quyền Sài Gòn trư­ớc đây.

Sau giải phóng, chúng nằm im một thời gian dài. Đến năm 1999, chúng đã móc nối được với nhau và lôi kéo thêm một số tên khác để thành lập tổ chức hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân lấy tên là “Việt Nam phục quốc đảng”. Sau đó chúng bàn bạc, tìm cách liên hệ với n­ước ngoài nhằm tranh thủ sự giúp đỡ về tiền của, vũ khí, lực lượng. Trong thực tế chúng đã móc nối đư­ợc với   CIA và được tổ chức này cung cấp vũ khí và tiền bạc.

Căn cứ vào các tình tiết trên, có ý kiến cho là  B, C và T phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự), nhưng có ý kiến khác lại khẳng định hành vi của B, C và T đã thoả mãn các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội phản bội tổ quốc (khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng ? Tại sao ?

 

Bài tập số 10

Sau sự kiện bạo loạn chính trị ngày 3/2/2001 ở Tây Nguyên bị trấn áp, một số tên tham gia được khoan hồng, không bị xử lý. Lợi dụng sự việc này Y Thuôn N và đồng bọn ngoan cố, vẫn tiếp tục bí mật móc nối với một số tên Fulro phản động đang sống lưu vong tại Mỹ để hoạt động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Y Thuôn N và đồng bọn đã phân công nhau đến nhiều buôn, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để tuyên truyền, lừa gạt và dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc một số người là đồng bào dân tộc thiểu số trốn khỏi địa phương, vượt biên trái phép sang Campuchia và buộc họ phải ở lại các trại tỵ nạn không được quay trở lại Việt Nam để cố tạo nên tình hình mất ổn định về an ninh – chính trị tạo dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, bài trừ tôn giáo, để tạo cớ can thiệp, gây sức ép đối với Nhà nước ta.

Nhóm Y Thuôn N còn bí mật thu thập để cung cấp tin tức, tài liệu không đúng sự thật về tình hình kinh tế – xã hội, về nhân quyền, về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta cho thế lực thù địch, bọn phản động lưu vong sống ở nước ngoài để vu cáo, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời chúng gây hằn thù, kỳ thị giữa các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Về mặt định tội danh đối với hành vi của Y Thuôn N và đồng bọn, có các ý kiến sau:

1. Y Thuôn N và đồng bọn phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự); tội trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự); tội gián điệp (khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự);

2. Y Thuôn N và đồng bọn phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự); tội trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Theo Anh (Chị) Y Thuôn N và đồng bọn phạm tội gì ? Tại sao ?

 

Bài tập số 11

Đào Lê H là sĩ quan thông tin cao cấp của chế độ ngụy quyền Sài Gòn cũ, sau giải phóng không chịu ra trình diện trước cơ quan chính quyền cách mạng ở địa phương. H đã thay đổi họ tên để trà trộn vào làm việc tại một cơ quan Nhà nước.

H đã móc nối với một số tên khác trước đây làm tay sai cho Mỹ- Ngụy bàn kế hoạch chống phá chính quyền nhân dân. Ngày 29/4, chúng tổ chức ám sát cán bộ chủ chốt của một số địa phương thuộc vùng dân tộc ít người ở Tây Nguyên nhân kỷ niệm ngày chiến thắng giải phóng Miền Nam, gây sự hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân. Ngày 30/4 chúng mang chất nổ đặt ở trụ sở một số lãnh sự quán nước ngoài để phá huỷ tài sản, giết người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, do sự cảnh giác cao độ của lực lượng An ninh ta nên chúng chưa kịp hành động đã bị bắt giữ.

Khi giải quyết vụ án về phương diện định tội danh và khung hình phạt áp dụng, có ý kiến cho rằng H và đồng bọn phạm tội khủng bố theo khoản 1 và 4 Điều 84 Bộ luật hình sự.

Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến trên đúng hay sai ? Tại sao ?

 

Bài tập số 12

Bùi Bá Q là sĩ quan cao cấp của ngụy quyền Sài Gòn sau khi đi tập trung cải tạo về vẫn thường lén lút tụ tập một số tên ngụy quân khác nói xấu chế độ và luôn có ý thức chống đối Cách mạng. Nhân 1 bữa tiệc chiêu đãi, Q làm quen với một cán bộ huyện đội, ép cho anh này uống rượu say rồi lấy 1 khẩu K54 và 5 viên đạn.

Để có thêm lực lượng chống chính quyền nhân dân và đồng thời cũng nhằm lên dây cót tinh thần cho lực lượng phản động chưa lộ mặt được bọn Mỹ cài cắm lại sau năm 1975 ở Miền Nam, Q và đồng bọn đã tấn công một trại giam để giải thoát cho một số ngụy quân thuộc chế độ cũ đang cải tạo ở đó, nhưng đã bị lực lượng bảo vệ trại tiêu diệt nhiều tên, Q và một số tên khác bị bắt giữ.

Hỏi: Hành vi của Bùi Bá Q và đồng bọn đã cấu thành tội chống phá trại giam theo khoản 1 Điều 90 Bộ luật hình sự chưa ? Tại sao ?

 

Bài tập số 13

Lý T là ngụy quân của chế độ cũ đã trốn ra nước ngoài từ năm 1977 và đã nhập quốc tịch Mỹ. Lý T từng tổ chức bọn phản động lưu vong ở Mỹ với âm mưu chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng đều bị lật tẩy.

Ngày 12/10/2000, T mua vé máy bay từ Mỹ qua Thái Lan và sau đó ngày 17/10/2000 bay tiếp về Việt Nam.

 Trước khi bay về Việt Nam, T đã chuẩn bị và đưa lên máy bay một số công cụ, phương tiện chiếm đoạt máy bay như dây trói, dù chính, dù phụ và mặt nạ dưỡng khí, dao làm hung khí…

Trên máy bay, T đã dùng dao uy hiếp tổ bay. Sau đó dùng dây dù trói tiếp viên, khống chế tổ lái hạ thấp độ cao máy bay rồi rải truyền đơn xuống thành phố Hồ Chí Minh với nội dung đả kích, xuyên tạc chế độ Xã hội chủ nghĩa, nêu những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt những điều không có thật nhằm làm cho nhân dân ta hoang mang lo sợ. Sau đó T nhảy dù xuống và bị lực lượng vũ trang của ta bắt giữ.

Căn cứ vào các tình tiết trên, có hai ý kiến khác nhau về tội danh mà Lý T đã thực hiện:

1. Lý T phạm tội chiếm đoạt tàu bay (khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự) và tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự);

2. Lý T phạm 3 tội: tội chiếm đoạt tàu bay (khoản 2 Điều 221 Bộ luật hình sự); tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 1 Điều 88 Bộ luật hình sự); tội xâm phạm an ninh lãnh thổ (khoản 1 Điều 81 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tội danh của Lý T ?

 

Bài tập số 14

Lê Chí Q sinh năm 1970, không nghề nghiệp, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ngày 21/2/2000, khi Q đang phát tán tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị Công an phường L, quận Đống Đa bắt quả tang.

Khám xét nơi ở của Q, Cơ quan điều tra đã thu được một số tài liệu do Q viết có nội dung bịa đặt, tung tin không đúng sự thật, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Những tài liệu trên đã được Q viết và phát tán từ tháng 4/2001. Trước Cơ quan điều tra, Q đã thú nhận tội lỗi của mình.

Hỏi: Theo Anh (Chị) hành vi của Lê Chí Q đã cấu thành đầy đủ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo điểm c, khoản 1, Điều 88 Bộ luật hình sự chưa ? Tại sao ?

 

Bài tập số 15

Nguyễn Đan Q (sinh năm 1942, quốc tịch Việt Nam, cư trú tại quận 5 thành phố Hồ Chí Minh) là phần tử bất mãn với chế độ Xã hội chủ nghĩa, có những hành vi và lời nói bôi nhọ Nhà nước ta. CIA và tổ chức phản động lưu vong với cái tên “Cao trào nhân bản” có trụ sở ở Hoa Kỳ đã cử người về Việt Nam móc nối và gây dựng Nguyễn Đan Q là cơ sở hoạt động thu thập tin tức, tài liệu về các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế- xã hội cho chúng.

Tối ngày 2/5/2002 khi Nguyễn Đan Q đang chuyển tài liệu có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho người của tổ chức “Cao trào nhân bản” thì bị lực lượng An ninh của ta bắt quả tang kèm theo tang vật.

Khám xét khẩn cấp nơi ở của Nguyễn Đan Q còn phát hiện nhiều bản tin do tên này soạn thảo gửi tổ chức “Cao trào nhân bản” chống Nhà nước Việt Nam.

Hỏi: Với những tình tiết nêu trên, theo Anh (Chị) đã có đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Đan Q về tội gián điệp theo khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự chưa ? Tại sao ?

 

Bài tập số 16

              Từ tháng 11/2000 đến tháng 6/2001, mặc dù biết Uỷ ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam và Đài Quê hương là những tổ chức phản động chống phá Việt Nam nhưng Nguyễn Vũ V (sinh 1975), nhân viên văn phòng liên lạc Chương trình hợp tác đào tạo du học giữa Đại học Văn Hiến thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Broward Hoa Kỳ, Nguyễn Trực C (sinh 1967) và Nguyễn Thị H (sinh 1959) (là chị ruột của V và C) vẫn thu thập và cung cấp tài liệu cho Ngô Thị H (làm việc tại Uỷ ban Tự do tôn giáo cho người Việt Nam) và Đoan T (làm việc tại đài Quê Hương) nhằm chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

      Theo các chứng cứ cơ quan An ninh thu thập được thì hành vi của các tên trong vụ án được thể hiện như sau:

  1. 1. Đối với Nguyễn Vũ V

       Nguyễn Vũ V đã trực tiếp cung cấp cho Ngô Thị H nhiều thông tin nhằm chống lại Nhà nước Việt Nam và đã được Ngô Thị H trả 2,9 triệu đồng.

       Biết Nguyễn Trực C cộng tác với Ngô Thị H và Đoan T nên Nguyễn Vũ V giúp đỡ C trong việc mua máy điện thoại di động để làm phương tiện liên lạc và nhắc nhở C sử dụng hai số điện thoại tránh bị lộ, đồng thời nhận của Ngô Thị H và Đoan T 650 USD, trong đó giữ lại 150 USD để sử dụng. Ngoài ra Nguyễn Vũ V còn tàng trữ nhiều loại tài liệu phản động.

  1. Đối với Nguyễn Trực C

    Thông qua sự giới thiệu của Nguyễn Thị H (chị gái), Nguyễn Trực C đã quan hệ trực tiếp với Ngô Thị H, Đoan T. Biết Đài Quê Hương là phương tiện hoạt động của các đối tượng thù địch nhằm chống chính quyền nhân dân Việt Nam, Nguyễn Trực C đã nhận từ Đoan T 500 USD mua máy điện thoại di động, máy chụp ảnh và ghi âm để làm phương tiện hoạt động sau đó chuyển thông tin thu thập được ra nước ngoài cho Đoan T.

  1. Đối với Nguyễn Thị H

              Đây chính là người trực tiếp liên hệ với Đoan T và động viên V, C thực hiện những yêu cầu của Đoan T sử dụng các tài liệu chống lại Nhà nước Việt Nam. H đã nhận từ Đoan T 2.300 USD để chuyển cho các địa chỉ theo chỉ định của Đoan T. Ngoài ra H còn tàng trữ một tập tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước do V mang về.

Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết Nguyễn Vũ V, Nguyễn Trực C và Nguyễn Thị H phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân theo khoản 1 Điều 79 Bộ luật hình sự hay là tội gián điệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 80 Bộ luật hình sự ? Tại sao ?

 

Bài tập số 17

    Sau khi hình thành bộ khung lãnh đạo của “Tổ chức Đề- Ga”, Y Tim Byă, Y Hét KĐăm, K’Sor Brũ và đồng bọn đã ráo riết hoạt động, liên tục điện thoại sang Mỹ xin ý kiến của bọn Ksor đang lưu vong ở Mỹ chỉ đạo và viện trợ kinh phí.

Chúng đã tập hợp lực lượng, tiến hành biên soạn, phát tán tài liệu có nội dung xuyên tạc lịch sử, đả kích chế độ, bôi nhọ uy tín, chỉ trích sự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Ê Đê, Gia Rai, Ba Na … nhằm chia rẽ đồng bào dân tộc kinh với đồng bào tiểu số. Chúng hô hào, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc ít người ở Tây nguyên tụ tập mít tinh, biểu tình, đập phá trụ sở chính quyền địa phương, đánh người đang thi hành công vụ, cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước ở địa phương. Chúng đòi thành lập Nhà nước Đề Ga ở Tây Nguyên.

Sau khi âm mưu chống phá chính quyền nhân dân của chúng bị đập tan, Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ cùng đồng bọn đã ép buộc, đe dọa lôi kéo được 58 người ở các huyện Ia Grai, Đăk Đoa, Chưpah… vượt biên trái phép qua Campuchia.

Sáng ngày 21/2/2002, đoàn người tập kết tại chân Thác Chúa, xã Ia Mơ Mông, huyện Chưpah để khởi hành. Sau gần 10 ngày họ đến làng Chon (Campuchia). Những người này bị Công an nước sở tại bắt giao trả Việt Nam. Trong số người bị lực lượng an ninh của ta bắt và được Campuchia giao trả có các tên cầm đầu là Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ.

Trong khi giải quyết vụ án về mặt định tội danh đối với Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ có các ý kiến khác nhau sau:

  1. Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ phạm tội bạo loạn (khoản 1 Điều 82 Bộ luật hình sự); tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 1 Điều 87 Bộ luật hình sự); tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự)
  2. Y Tim Byă, Y Hét Kđăm, K’SorBrũ phạm tội phá rối an ninh (khoản 1 Điều 89 Bộ luật hình sự) và tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tội danh của các tên trong vụ án ?

 

Bài tập số 18

Từ tháng 11/2000, tại họ đạo Nguyễn Biểu thành phố Huế, Nguyễn Văn L đã có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, gây chia rẽ giáo dân, làm ảnh hưởng tới trật tự, an ninh và cuộc sống bình yên của nhân dân.

Ngày 5/2, Toà Tổng giám mục Huế đã có biện pháp thuyên chuyển Nguyễn Văn L về làm quản xứ giáo xứ An Thuyên (thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Tại đây L không tự giác cải tạo mà chống đối lại chính quyền, kích động, lôi kéo giáo dân tụ tập gây cản trở việc thực hiện nghĩa vụ của nhân dân địa phương.

Ngày 26/2 ủy ban nhân dân tỉnh đã ra quyết định quản chế hành chính đối với L tại xã Phú An. Nhưng L đã không chấp hành lệnh quản chế, vẫn tiếp tục chống đối như: không nhận giấy triệu tập, không chấp hành quy định trình diện chính quyền…

L đã viết và phát tán nhiều tài liệu bóp méo sự thật, gây mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với chính quyền; chia rẽ giáo dân với chính quyền, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại phiên toà, Nguyễn Văn L đã nhận tội và xin được sự khoan hồng của Nhà nước. Hội đồng xét xử tuyên phạt L về tội không chấp hành quyết định quản chế hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Điều 269 Bộ luật hình sự) và tội phá hoại chính sách đoàn kết (Điều 87 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Theo Anh (Chị) phán quyết của Toà án đúng hay sai ? Tại sao ?

 

Bài tập số 19

Ngày 12/10 trong khi Lê Hoàng L đang trao tài liệu cho Michael Morron và Nick Mallnoli thì bị lực lượng an ninh của ta bắt giữ.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan công an được biết: Michael Morron và Nick Mallnoli là nhân viên CIA theo đường du lịch vào Việt Nam móc nối với Lê Hoàng L để trao tiền, vũ khí, các mệnh lệnh hoạt động thu thập tài liệu trên các lĩnh vực khác nhau nhằm chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Lê Hoàng L thực chất là một sỹ quan tình báo của chế độ Ngụy quyền Sài gòn được Mỹ cài lại sau năm 1975. Để tạo được vỏ bọc chắc chắn phục vụ cho hoạt động chống phá chế độ mới, Lê Hoàng L đã làm lý lịch giả là cán bộ kháng chiến có nhiều đóng góp cho cách mạng để chui sâu vào cơ quan Nhà nước ở một địa phương và đã leo lên vị cao trong nội bộ ta. Với cương vị đó Lê Hoàng L đã thu lượm được một số thông tin tuyệt mật về quốc phòng- an ninh, kinh tế – xã hội và đặc biệt là các tin tức về biên giới, hải đảo, nhân sự lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ta.

Hỏi: Lê Hoàng L phạm tội phản bội tổ quốc theo Điều 78 Bộ luật hình sự hay là tội gián điệp theo Điều 80 Bộ luật hình sự ? Tại sao ?

 

Bài tập số 20

Phạm Văn K bị xử tử hình về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đã viết thư cho chị ruột là Phạm Thị N yêu cầu gửi cho hắn một lưỡi cưa sắt để phá tường trại giam trốn ra ngoài. Nhận được thư của K, N đã lén lút bí mật gửi vào trại giam cho K 3 lưỡi cưa sắt cùng với tiền và sơ đồ chỉ dẫn cách trốn trại và nơi ẩn náu sau khi trốn thoát. K cùng với một số tên khác đã bị bắt giữ kịp thời ngay sau khi chúng cưa đứt song sắt để trốn khỏi trại giam.

Hỏi: Hãy cho biết cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Phạm Thị N về tội gì ? Tại sao ?

      

Bài tập số 21

Chiều ngày 12/5/2002 Ban chỉ huy dân quân xã X phân công C, D và N đi tuần tra canh gác bảo vệ hoa màu ở cánh đồng bên bờ sông Nhuệ.

C và N được giao mỗi người một khẩu súng K44 và 3 viên đạn. D và N đi về phía phải còn C đi về phía trái.

Khoảng 19 giờ tối, khi đang làm nhiệm vụ C phát hiện một người đang nhổ trộm lạc liền hô to “Ai! đứng lại”. Nghe tiếng hô của C kẻ gian sợ hãi bỏ chạy. C liền nổ súng cảnh cáo và đuổi bắt. Đến bờ sông C đuổi kịp và tóm được cổ áo người đó, nhưng bị chống trả lại quyết liệt. C nóng mặt dùng báng súng quật vào người kẻ gian.

Một lát sau D và N đến, C nói: “Thằng này nhổ trộm lạc, tôi bắt nó còn đánh lại tôi”. D nói: “Thằng này tên là V người làng bên, chuyên trộm cắp, đánh chết nó đi, vứt xuống sông”. Thấy D nói vậy, C liền dùng báng súng thúc mạnh vào đầu, vào ngực và sau đó đẩy V xuống sông. N thấy sự việc xảy ra  nhưng không có hành động gì. Khoảng 15 phút sau cả 3 người nhặt số lạc bị nhổ trộm cho vào bao tải mang về vứt ở kho hợp tác xã, sau đó ai về nhà nấy. Hai ngày sau dân ven sông vớt được xác V.

Khi xác định tội danh của các tên trong vụ án, có 3 ý kiến khác nhau sau:

  1. C, D và N đồng phạm về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự;
  2. C và D phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự; N phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự;
  3. C và D phạm tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự; N phạm hai tội: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo khoản 2 Điều 102 Bộ luật hình sự và tội không tố giác tội phạm theo khoản 1 Điều 314 Bộ luật hình sự.

Hỏi: Anh (Chị) hãy cho biết ý kiến của mình về tội danh của N ?

 

Bài tập số 22

Do có mâu thuẫn sâu sắc với H nên Đ, K và Q bàn nhau cho H một bài học nhớ đời. Chúng phân công nhau: Q sẽ gọi H ra cổng, sau đó đứng ngoài canh gác, còn Đ, K to khỏe hơn sẽ xông vào đánh.

Khoảng 19 giờ tối ngày 23/ 7/ 2003 theo kế hoach đã định cả bọn đến nhà H. Q gọi H ra để nói chuyện. H  vừa mới mở cổng để xem ai gọi thì Đ và K đã xông đến, lời qua tiếng lại giữa hai bên không ngờ làm cho Đ mất bình tĩnh rút dao găm giấu trong bụng từ trước mà bọn kia không tên nào biết, đâm liên tiếp nhiều nhát vào ngực, bụng làm N chết ngay tại chỗ.

Với các tình tiết nêu trên, có những ý kiến khác nhau trong việc xác định trách nhiệm hình sự của các tên trong vụ án:

  1. Đ, K và Q phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 và Điều 20 Bộ luật hình sự;
  2. Đ phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự; K và Q phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự;
  3. Chỉ có Đ mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, còn K và Q không phạm tội.

 Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về trách nhiệm hình sự của các tên trong vụ án ?

 

Bài tập số 23

Ông Lê Quang C bị bệnh hiểm nghèo đã nằm liệt giường hơn một năm. Biết sớm muộn gì thì cũng chết nên đã nhiều lần ông C nói với người nhà cho uống một liều thuốc độc để giải thoát cho ông. Nhưng vợ con không ai đồng ý và bản thân ông vì nằm liệt giường nên cũng không biết làm cách nào để chết được. Ông C nhớ đến ông Trần Văn Đ là bạn thân đang làm bác sỹ có thể giúp việc này.

Ngày 12/8/2002 ông C sai con trai tới nhà mời ông Đ đến  để ông gặp riêng. Khi ông Đ đến, ông C nói rõ ý định của mình và nhờ giúp. Thấy ông C nằm liệt giường đã lâu và mắc bệnh ung thư ác tính đang trong giai đoạn cuối không thể cứu chữa được nên ông Đ nhận lời.

Tối hôm đó, trong lúc mọi người trong gia đình ông C đang ngủ say, ông Đ đã tiêm cho ông C hai ống thuốc ngủ liều cao. Sáng hôm sau, khi người nhà vào phòng ngủ thì thấy ông C đã chết.

Khi giải quyết vụ án có hai ý kiến khác nhau sau:

  1. Ông Đ không phải chịu trách nhiệm hình sự về cái chết của ông C;
  2. Ông Đ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng ? Tại sao ?

 

Bài tập số 24

Phạm Quang L đã có quan hệ bất chính với vợ Đào Công Q. Biết được chuyện đó Q đã nhiều lần khuyên nhủ, cảnh cáo L không được duy trì mối quan hệ trái pháp luật đó nữa nhưng L không nghe. Thấy vậy Q nung nấu ý định trả thù, quyết định bằng mọi cách phải giết L cho hả giận.

Sau nhiều lần theo dõi, Q biết được L hay ngủ ở giường kê cạnh cửa sổ. Tối ngày 25/11/2001 Q mang khẩu súng K44 (Q là Trung đội trưởng dân quân được Xã đội trưởng giao khẩu súng này để làm nhiệm vụ) đến cạnh cửa sổ nơi L thường ngủ nhằm vào giường có người đang ngủ bắn liền hai phát rồi bỏ chạy. Hôm sau Q nghe tin không phải L chết mà là em trai của L (em trai của L là bộ đội về phép, ngủ ở giường tối hôm đó).

Khi tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Q có hai ý kiến sau:

  1. Q phạm tội giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự) và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự;
  2. Q phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự;
  3. Q phạm tội vô ý làm chết người (khoản 1 Điều 98 Bộ luật hình sự); tội giết người chưa đạt (khoản 2 Điều 93 và Điều 18 Bộ luật hình sự) và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng (khoản 2 Điều 230 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng ? Tại sao ?

 

Bài tập số 25

Phùng Lê M lái xe ô tô vận tải mang biển số 15A – 83 – 51 cố tình chạy trốn khỏi sự truy đuổi của cảnh sát vì trên xe có chở 2 kg thuốc phiện. Đến đoạn đường lên cầu Bến thủy, mặc dù M biết rõ xe mô tô ba bánh của cảnh sát đang áp sát ngang đầu xe của hắn và yêu cầu dừng xe lại, nhưng M vẫn cho xe chạy với tốc độ 80 km/giờ. Khi phát hiện có xe ô tô tải đi ngược chiều đến gần, M đột ngột đánh tay lái sang trái ép xe mô tô ba bánh của cảnh sát sang bên đường ngược chiều làm cho xe này bị xe ô tô 33K- 03-24 đi ngược chiều đâm phải gây hậu quả 1 cảnh sát chết ngay tại chỗ và một người khác bị thương nặng.

Trong kết luận điều tra, Thủ trưởng cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát truy tố M về tội giết người (khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự) và tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự), nhưng trong quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân lại xác định M phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự) và tội vận chuyển trái phép chất ma tuý (khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự).

Hỏi: Anh (chị) cho biết ý kiến của mình về tội danh của M ?

 

Bài tập số 26

               Ngô Văn H đứng trước vành móng ngựa, vẻ mặt hiền lành, chất phác vẫn còn chưa hết bàng hoàng về những chuỗi bi kịch đã xảy ra. Không ai có thể ngờ, và chính H cũng không thể nào hình dung nổi bản thân lại gây ra cái chết của người cha đã sinh ra mình.

        Người dân thôn Viên Khê (Hợp Tiến, Mỹ Đức, Hà Tây) từ lâu đã quen với cảnh chửi bới, quát tháo vợ con của ông Ngô Văn C. Hầu như không ngày nào ông C không uống rượu, chửi bới vợ con, trong đó mục tiêu chủ yếu ông nhằm vào H, bởi vì một mặt ông không hợp tính với H – dù con trai ông rất ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó mặt khác ông C nghi ngờ H không phải là con đẻ của mình.

        Ngày còn bé đã nhiều phen ông C đánh đập hắt hủi, bắt H phải bỏ học.    Lớn lên H đi bộ đội, rồi xuất ngũ về nhà tiếp tục làm ruộng. Cuộc sống đối với H có nhiều đổi thay, duy chỉ có một điều không hề thay đổi, đó là H vẫn bị bố đánh mắng, chửi bới, nhục mạ, đối xử tàn tệ dù không có tội tình gì.

         Bi kịch xảy ra vào ngày 29/11/2001, H đi làm đồng về mệt nhọc, vất vả mà chưa có cơm ăn, đã thế ông C ngồi uống rượu lại lèm bèm chửi rủa. H lẳng lặng vào bếp nấu cơm ăn một mình không mời bố. Ông C thấy thế vừa chửi con bất hiếu, vừa ném gạch vào mân cơm con đang ăn. H ném trả và bị ông C chạy vào buồng vác dao rượt đuổi. H chạy thoát, một lát thì quay trở về nhà vì thấy bố không đuổi theo nữa. Nhưng về đến nơi ông C lại cầm dao chém thấy thế H mới vớ lấy cây gậy đỡ và vụt liên tiếp mấy nhát vào đầu khiến ông C ngã vật xuống. Tuy đau nhưng ông C vẫn nắm lấy chân H cào cấu thấy thế H đạp ông C hai phát vào bụng, ngực sau đó bỏ đi làm đồng, tối về nhà thì được tin mọi người đưa ông C đi cấp cứu, nhưng do thương tích quá nặng chết không cứu được.

        Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh, H bị truy tố về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Còn tại phiên toà xét xử ngày 6/6/2002, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây tuyên phạt Ngô Văn H 30 tháng tù về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật hình sự.

         Hỏi: Hãy cho biết ý kiến của Anh (Chị) về tội danh của H ?

 

 Bài tập số 27

               Bàn Tôn T (sinh năm 1978), cư trú tại xã Nghĩa Sơn huyện Văn Yên. Cuối năm 1999 T lập gia đình với chị Bàn Thị A. Lúc đó, dù chị A đã có một con riêng với người chồng trước là cháu Bàn Toàn X (sinh năm 1998), nhưng T vẫn chấp nhận cháu X. Sau một thời gian chung sống, T và chị A đã có với nhau một con chung là Bàn Thọ Q.

              Vốn bản tính nóng nảy nên trong cuộc sống thường ngày, T hay chửi vợ đánh con. Ngày 17/1/2002 chị A đi làm nương chỉ có T và cháu X ở nhà. Do mải chơi trên giường nên cháu X đã “ị” ra quần rồi mới gọi bố. Đang làm ở ngoài sân, khi chạy vào thấy vậy T vung tay tát con một cái. Bị đau cháu X khóc ré lên nhưng T vẫn chưa nguôi cơn giận dữ chạy đi tìm chiếc chổi cọ dùng cán vụt liên tiếp vào lưng, vào ngực rồi dùng chân đạp cháu X bắn vào góc tường. Đến khi thấy máu chảy ra ở mũi ở miệng cháu X, T mới như bừng tỉnh. Hắn vội vàng bế cháu ra giếng thay quần áo, rửa mặt mũi cho cháu. Lúc này cháu X kêu buồn ngủ, T liền đưa cháu vào giường nằm rồi hắn đi ra xem ruộng mạ. Lát sau chị A đi làm nương trở về nhà thấy con kêu đau bụng mà máu vẫn chảy ở miệng, liền bảo T đưa đi cấp cứu tại trạm xá xã rồi chuyển lên bệnh viện huyện Văn Yên. Thấy tình trạng nguy kịch, cháu X được chuyển tiếp về bệnh viện đa khoa tỉnh nhưng đã chết trên đường cấp cứu.

             Theo giám định pháp y, cháu X chết do bị vỡ các tạng rỗng trong ổ bụng bởi tác động của ngoại lực do người cha tàn ác gây ra.

             Hỏi: Hãy cho biết T phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự hay là tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự ?

 

Bài tập số 28

      Vào khoảng 22 giờ ngày 29/3/2002, Nguyễn Văn H (sinh năm 1957), trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là tài xế xe tải mang biển số 43H– 4084 chạy trước xe tải BKS 43K- -4347 do em ruột là Nguyễn Văn M điều khiển chạy từ quốc lộ 1A tới địa phận xã Bình Tú, huyện Thăng Bình – Quảng Nam thì có xe khách BKS 35N- 2954 do Nguyễn R trú tại Ninh Bình điều khiển xin được vượt nhiều lần nhưng M không cho. Đến km 976+300, tài xế R cố ý vượt qua xe của M thì gặp H dừng xe lại ngáng đường không cho xe của R vượt rồi gây gổ, chửi bới và dùng cây tuýp đập vỡ kính xe và đèn chiếu sáng của xe 35N – 2954 do R điều khiển. Quá sót của chủ xe 35N – 2954 là bà Nguyễn Thị C và một số hành khách đứng cản trước đầu xe của H, H liền nhấn ga cho xe vượt tới làm bà C bị thương nặng và chết trên đường đi đến bệnh viện.

        Với các tình tiết nêu trên của vụ án, trong khi xác định trách nhiệm hình sự của H có hai ý kiến khác nhau:

  1. Nguyễn Văn H phạm tội giết người (khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự) và tội cố ý làm hư hỏng tài sản (khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự);
  2. Nguyễn Văn H phạm tội giết người (khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự);
  3. Nguyễn Văn H phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự và tội cố ý làm hư hỏng tài sản (khoản 1 Điều 143 Bộ luật hình sự).

        Hỏi: Theo Anh (Chị) ý kiến nào đúng ? Tại sao ?

 

Bài tập số 29

       17 giờ 50 phút ngày 19/4/2002, tại một quán nước ở phố Vũ Ngọc Phan xảy ra một vụ tạt axít gây thương tích nặng. Ngay sau khi vụ án xảy ra, Cơ quan công an đã bắt giữ đối tượng gây án đồng thời đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu. Kết quả điều tra cho biết:

      Trần Thế K (23 tuổi) và Vũ Thị Lan H (21 tuổi) cùng quê Hải Hậu, Nam Định đã yêu nhau từ khi còn học phổ thông. Học xong lớp 12, K lên Hà Nội, tạm trú tại tổ 42, phương Mai Dịch, quận Cầu Giấy và làm nghề thợ xây.

      Đến đầu năm 2001 H cũng rời quê lên Hà Nội và làm nhân viên một công ty thương mại có trụ sở đặt tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Thời gian này, đôi uyên ương vẫn thường xuyên gặp nhau. Nhưng sau đó K thấy H không còn mặn mà với mình nữa. Những cuộc hẹn hò giữa hai người thưa dần. K cho rằng H đã thay lòng đổi dạ phản bội lại tình yêu giữa hai người. Uất ức, K đã mua một chai gần nửa lít axit đặc đến chờ H ở cổng cơ quan. K rủ H vào quán nước để rồi nói chuyện. Khi biết H không còn yêu mình nữa, K đã hất thẳng chai axít vào đầu, mặt làm cho H bị bỏng nặng. Tỷ lệ thương tích H phải gánh chịu là 45%.

Trong khi giải quyết vụ án có những ý kiến sau:

  1. K phạm tội giết người chưa đạt theo khoản 1 Điều 93 và  Điều 18 Bộ luật hình sự.
  2. K phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự.

Hỏi: Anh (Chị) cho biết ý kiến của mình về tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với K ?

 

Bài tập số 30

Không muốn các cô gái trong làng yêu đương và kết bạn với thanh niên ở nơi khác đến, nên Ngụy Quốc H, Trần Văn T và một số tên khác ở thôn D, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch thường có thái độ hậm hực, ghen tức mỗi khi có những chàng trai lạ đến tìm hiểu, kết bạn với các cô gái trong làng.

Anh Trần Nam T, cán bộ trường trung học cơ sở xã Thái Hoà (cũng ở huyện Lập Thạch) tìm hiểu để xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị N ở thôn D. Anh T và chị N quen biết và tìm hiểu nhau từ cuối năm 2001. Từ đó đến nay, anh T vẫn thường bị nhóm thanh niên này ghen ghét và đánh tiếng đe dọa.

Sau nhiều lần theo rõi, rình rập, khoảng 22 giờ 30 phút ngày 1/6/2002    thấy anh T từ nhà chị N ra về, H và  L đã đón đường bất ngờ dùng gậy gộc xông vào đánh cho đến khi anh bất tỉnh bên lề đường. Sau đó bọn chúng bỏ về. Trên đường về, do vẫn chưa đã cơn ghen, H còn đi mượn dao và quay lại nơi anh T đang nằm bất tỉnh, chém nhiều nhát vào đầu và mặt cho đến khi anh chết hẳn.

Kết luận giám định pháp y cho biết anh Trần Nam T tử vong do bị đa thương tích, vỡ hộp sọ.

Có hai ý kiến khác nhau khi định tội danh đối với các tên trong vụ án:

  1. Ngụy Quốc H phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Trần Văn L phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo khoản 4 Điều 104 Bộ luật hình sự;
  2. Ngụy Quốc H và Trần Văn L phạm tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự.

Hỏi: Anh (Chị) cho biết ý kiến của mình trong việc định tội danh và khung hình phạt áp dụng đối các tên trong vụ án ?

 

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.