Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều điểm mới, khác biệt căn bản so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trước đây. Dưới góc độ quyền con người, Luật Xử lý vi phạm hành chính có những điểm mới sau đây:
Thứ nhất, quy định các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm tôn trọng quyền con người, như: nguyên tắc bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, tôn trọng quyền giải trình của cá nhân, tổ chức; nguyên tắc người có thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bằng việc áp dụng các biện pháp hợp phápđể xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính… Để phân định mức phạt tiền giữa cá nhân và tổ chức vi phạm, phù hợp với tính chất vi phạm, một trong những nguyên tắc mới được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính là “đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
Thứ hai, mở rộng đối tượng xử lý vi phạm hành chính nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng trong xử lý. So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định mở rộng hơn: “Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác”.
Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định cụ thể hơn về trường hợp: cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi vùng tiếp giáp lãnh hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác); công dân, tổ chức Việt Nam vi phạm pháp luật hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật.
Thứ ba, quy định về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính và thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.
– Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính có bổ sung quan trọng về cách xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính: đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, Luật nhấn mạnh: thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Đây là thay đổi cơ bản so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, Luật quy định chỉ tính lại thời hiệu trong trường hợp cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy được rút ngắn hơn so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, từ 6 tháng xuống 3 tháng.
– Về thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính: Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo hướng rút ngắn hơn so với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính: đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 1 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính; đối với cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 1 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Thứ tư, quy định cụ thể về cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Cách tính thời gian, thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp trong Luật này có quy định cụ thể thời gian theo ngày làm việc”. Đây là điểm mới so với cách tính trước đây, Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định: Nếu tính theo tháng hoặc năm thì khoảng thời gian đó được tính theo tháng, năm dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động; nếu tính theo ngày thì khoảng thời gian đó được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Thứ năm, quy định về tình tiết tăng nặng.
Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có bổ sung quan trọng trong việc xác định nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng để làm cơ sở xem xét xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, khi những tình tiết này đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng để tránh sự lúng túng của người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật (Khoản 2 Điều 10).
Thứ sáu, quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính.
Để phù hợp với thực tiễn và khoa học pháp lý, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định bổ sung thêm một trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính là: Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng.
Thứ bảy, quy định về những hành vi bị nghiêm cấm.
Để hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, lạm quyền của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ, Luật cũng quy định bổ sung một điều về các hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính bao gồm 12 khoản, trong đó có 11 khoản quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (Điều 12).
Thứ tám, quy định về các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng. Hệ thống các hình thức xử phạt của Luật được thiết kế đa dạng, bao gồm 5 hình thức xử phạt chính và 3 hình thức xử phạt bổ sung với nguyên tắc áp dụng linh hoạt. Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung ba hình thức xử phạt chính là: tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và một hình thức xử phạt bổ sung là trục xuất.
Thứ chín, quy định chặt chẽ hơn các biện pháp khắc phục hậu quả.
Luật đã tách biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép từ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thành 2 biện pháp là: buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.
Ngoài ra, Luật đã bổ sung các biện pháp khắc phục hậu quả mới mà Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định, cụ thể sau đây: buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật.
Thứ mười, quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
– Sửa đổi, bổ sung tên các chức danh có thẩm quyền xử phạt VPHC: Luật quy định bổ sung thêm một số chức danh khác có thẩm quyền xử phạt để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước như quy định tại Khoản 4 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Luật cũng sửa đổi tên gọi của một số chức danh có thẩm quyền xử phạt theo quy định hiện hành của các văn bản có liên quan như: Trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện đổi thành Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng thi hành án cấp quân khu, Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (Luật Thi hành án dân sự năm 2008); Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Cục trưởng Cục theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường.
– Bổ sung thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả mới. Bên cạnh việc quy định một số hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả mới so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật giao thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả mới cho các chức danh trên cơ sở đánh giá sự phù hợp giữa tính chất của các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả mới với nhiệm vụ quản lý nhà nước của chức danh đó.
– Tăng thẩm quyền xử phạt của các chức danh cơ sở để bảo đảm hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính. Quy định về mức phạt tiền của các chức danh từ Điều 38 đến Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính được điều chỉnh theo hướng tăng cường phân cấp, tăng thẩm quyền xử phạt cho các chức danh cơ sở – là cấp trực tiếp phát hiện, thụ lý phần lớn các vụ việc vi phạm hành chính, nhằm nâng cao sự chủ động của các chức danh có thẩm quyền xử phạt ở cấp cơ sở, giảm tình trạng dồn việc xử phạt lên cấp trên, góp phần nâng cao tính kịp thời, thiết thực, hiệu quả của việc xử phạt vi phạm hành chính.
– Thay đổi cách thức quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tiền. Luật thay đổi cách thức quy định về thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt tiền theo hướng không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo một mức phạt tiền cố định đối với tất cả các chức danh như Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mà quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) so với các mức phạt tối đa được quy định tại Điều 24 của Luật, đồng thời có khống chế mức trần đối với một số chức danh có thẩm quyền chung hoặc xử phạt trong nhiều lĩnh vực.
– Xác định và phân định thẩm quyền xử phạt.Luật bổ sung nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt tại Điều 52. Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 2 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỷ lệ phần trăm quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với chức danh đó. Trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định áp dụng trong nội thành. Bên cạnh đó, Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Luật này có sự thay đổi về tên gọi thì các chức danh đó có thẩm quyền xử phạt, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong việc áp dụng quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Mười một, quy định về thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.
– Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản và có lập biên bản.Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250 nghìn đồng đối với cá nhân, 500 nghìn đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ. Thủ tục xử phạt có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định có thể áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân từ 250 nghìn đồng trở lên và áp dụng mức phạt tiền đối với tổ chức từ 500 nghìn đồng trở lên, áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…
– Lập biên bản vi phạm hành chính.Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định: trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó.
– Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính. Đây cũng là quy định mới so với Pháp lệnh. Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh có hay không có vi phạm hành chính xảy ra trên thực tế; chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt cũng có thể trưng cầu giám định và việc giám định phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định. Quá trình xác minh phải được thể hiện bằng văn bản để bảo đảm tính khách quan, tính chính xác của các tình tiết của vụ việc vi phạm.
– Xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.Về trình tự, thủ tục định giá được quy định tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng minh bạch, chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của cá nhân, tổ chức vi phạm, đồng thời đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt trong quá trình giải quyết vụ việc. Về thẩm quyền định giá, Luật quy định, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định: cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ có trách nhiệm chi trả mọi chi phí liên quan đến việc tạm giữ, định giá và thiệt hại do việc tạm giữ gây ra.
– Quyền được giải trình của đối tượng vi phạm. Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung quy định mới về quyền giải trình. Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15 triệu đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30 triệu đồng trở lên đối với tổ chức thì cá nhân, tổ chức vi phạm có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
– Những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Luật bổ sung một điều luật (Điều 65) quy định các trường hợp không ra quyết định xử phạt, bao gồm: các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 11 của Luật; không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; hết thời hiệu xử phạt, hết thời hạn ra quyết định xử phạt; cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt và trường hợp chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm.
– Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bao gồm quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt: Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt trong các trường hợp thông thường, thời hạn này được rút ngắn hơn so với quy định của Pháp lệnh. Mặt khác, Luật cũng quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về các trường hợp áp dụng thời hạn xem xét ra quyết định xử phạt 30 ngày, 60 ngày để bảo đảm áp dụng thống nhất. Theo đó, thời hạn chung đối với tất cả các trường hợp ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày được áp dụng đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61; thời hạn tối đa 60 ngày chỉ được áp dụng đối với những vụ việc vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ.
– Quy định về ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và nội dung quyết định xử phạt: Điều 67 của Luật bổ sung trường hợp ban hành 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt trong vụ việc có nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính và trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức. Luật Xử lý vi phạm hành chính bổ sung thêm quy định về thời hạn thi hành quyết định. Thời hạn thi hành quyết định được ghi trong quyết định xử phạt là 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, hoặc có thể nhiều hơn nhưng phải được ghi rõ trong quyết định để thi hành.
Mười hai, quy định về thi hành quyết định xử phạt.
Điều 72 Luật quy định: “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”. Đây là quy định mới so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, các quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm miễn tiền phạt (Điều 76, Điều 77), nộp tiền phạt nhiều lần (Điều 79) là những quy định mới so với Pháp lệnh.
Mười ba, quy định về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Luật Xử lý vi phạm hành chính đã thể hiện sự tiến bộ trong việc quy định cụ thể về các thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Theo quy định trước đây, các biện pháp xử lý hành chính bao gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục; đưa vào cơ sở chữa bệnh; quản chế hành chính. Những biện pháp này được áp dụng với những đối tượng vi phạm nhưng chưa đến mức truy cứu về hình sự. Thực chất, quy định này đã hạn chế quyền tự do của đối tượng vi phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền tự do của cá nhân được Hiến phápquy định và bảo vệ. Việc xem xét áp dụng các biện pháp này lại do cơ quan quản lý hành chính thực hiện nên chưa đảm bảo nguyên tắc được xét xử công bằng khách quan. Vì thế, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định đối với hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì do Chủ tịch UBND cấp xã (tức cơ quan hành chính) quyết định. Còn lại những biện pháp khác thì đều phải chuyển hồ sơ cho Tòa án xem xét để ra hình thức áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Việc giao Toà án quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nêu trên sẽ tạo điều kiện cho đương sự, luật sư, người bào chữa được tham dự để bảo vệ quyền lợi của đương sự, bảo đảm dân chủ, khách quan; phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.
Một nội dung quan trọng mang tính cải cách lớn của Luật nhìn từ góc độ quyền con người là cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho người bị áp dụng, cha mẹ hoặc người đại diện của họ về việc lập hồ sơ để những người này đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết (Khoản 4 Điều 97, Khoản 3 Điều 99, Khoản 3 Điều 101 và Khoản 3 Điều 103). Trên cơ sở xem xét các tài liệu trong hồ sơ, người bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính có thể chuẩn bị ý kiến để tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong cuộc họp tư vấn trong trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và trước Tòa án trong trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Mười bốn, quy định về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Một nội dung quan trọng được bổ sung tại Khoản 10 Điều 125 là: đối với phương tiện giao thông vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện bến bãi, bảo quản phương tiện hoặc khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mười lăm, quy định đặc thù đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.
Điều 134 Luật Xử lý vi phạm hành chính đưa ra các nguyên tắc xử lý mới, đặc thù để áp dụng đối với vi phạm hành chính do người chưa thành niên, cụ thể là: Việc xử lý chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành côngdân có ích cho xã hội; Bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên được áp dụng trong quá trình xử lý người chưa thành niên; Nguyên tắc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được thực hiện khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; Việc áp dụng hình thức, quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính; Nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ bí mật riêng tư của người chưa thành niên; Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.
Trên cơ sở các nguyên tắc về xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên, Khoản 1 Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 3 hình thức xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên là: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trong khi đó có 5 hình thức xử phạt quy định chung áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm do cá nhân, tổ chức thực hiện quy định tại Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Trên cơ sở cân nhắc về độ tuổi, mức độ trưởng thành và năng lực trách nhiệm hành chính của người chưa thành niên khi tham gia các quan hệ pháp luật, Khoản 2 Điều 135 Luật đã quy định chỉ áp dụng 4 trong số 9 biện pháp khắc phục hậu quả đã được quy định tại Điều 28 của Luật. Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, nâng cao trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, Khoản 3 Điều 134 của Luật quy định: trường hợp người chưa thành niên không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.
Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định 2 biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với người chưa thành niên là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (áp dụng chung cho cả người chưa thành niên và người thành niên) và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (chỉ áp dụng riêng đối với đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật hành chính).
Ngoài ra, để bảo đảm tính răn đe và đạt được mục đích của công tác giáo dục, Khoản 5 Điều 140 quy định: trong thời gian quản lý tại gia đình (đây là 1 trong 2 biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thanh niên) nếu người chưa thành niên tiếp tục vi phạm pháp luật thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015
TS Nguyễn Thị Báo
Ban Thanh tra,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh