Đây là tinh thần của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.
Ngoài việc điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến cán bộ, công chức, dự thảo này còn sửa đổi quy định liên quan đến viên chức.
Nhiều viên chức phải ký hợp đồng làm việc có thời hạn
Dự thảo sửa đổi Điều 25 của Luật Viên chức hiện hành như sau: Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực (01/01/2020), tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn.
Chỉ có cá biệt 03 trường hợp dưới đây được ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn:
– Viên chức đã ký hợp đồng xác định thời hạn trước ngày 01/01/2020,
– Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức
– Viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Như vậy, nếu như đề xuất nêu trên được thông qua, hàng loạt viên chức hiện nay chưa ký hợp đồng không xác định thời hạn đều phải ký loại hợp đồng xác định thời hạn (thời hạn từ 12 – 36 tháng). Chế độ “viên chức suốt đời” sẽ dần được xóa bỏ.
Thêm trường hợp viên chức bị cắt hợp đồng làm việc
Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm một trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, là “Viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự”.
Cũng theo dự thảo này, khi đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trừ một số trường hợp đặc biệt).
Hiện nay, Luật Viên chức chỉ quy định chung chung là khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng các chế độ nêu trên.
Đáng chú ý, dự thảo kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật với viên chức lên 60 tháng, thay vì chỉ có 24 tháng như hiện nay. Với một số hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng không áp dụng thời hiệu như: Viên chức là Đảng viên có vi phạm đến mức bị khai trừ; Vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Sử dụng bằng giả, chứng chỉ không hợp pháp…