Nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
BLHS 2015 là văn bản đầu tiên và duy nhất trong lịch sử lập pháp hình sự của Nhà nước ta quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Đây là điểm mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự của nước ta. Sự điều chỉnh về chính sách hình sự này làm thay đổi căn bản nhận thứctruyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung giới thiệu các quy định của BLHS năm 2015 về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật Hình sự năm 2015 – văn bản đầu tiên và duy nhất quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại2015
Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018[1](sau đây viết tắt là BLHS năm 2015) là văn bản đầu tiên và duy nhất trong lịch sử lập pháp hình sự của Nhà nước ta quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại[2]. Đây là điểm mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự của nước ta. Sự điều chỉnh về chính sách hình sự này làm thay đổi căn bản nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. Cùng với việc quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự, BLHS năm 2015 quy định hệ thống chế tài áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội tại Điều 33 và Điều 46 của BLHS năm 2015 (bao gồm 03 hình phạt chính (phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn), 03 hình phạt bổ sung (cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính) và 04 biện pháp tư pháp (tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thườngthiệt hại; buộc công khai xin lỗi; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra)). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung giới thiệu các quy định của BLHS năm 2015 về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự.
– Quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại: BLHS năm 2015 đã buộc pháp nhân thương mại phải chịu TNHS tại 22 điều luật (quy định 30 tội danh) trong chương[3]. Cùng với đó, BLHS năm 2015 còn sửa đổi quy định về cơ sở của TNHS (Điều 2), nguyên tắc xử lý (Điều 3), khái niệm tội phạm (Điều 8), các quy định về hình phạt và các biện pháp tư pháp, đồng thời dành hẳn 01 chương (Chương XI “Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội”) để có thể truy cứu TNHS của pháp nhân thương mại theo đúng chính sách hình sự mà Nhà nước đã đề ra. Việc quy định TNHS đối với pháp nhân thương mại trong thời điểm này là vô cùng cần thiết và phù hợp, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và xử lý tội phạm trong tình hình mới.
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (nhóm tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại)
Tội buôn lậu (Điều 188)
Theo quy định tại khoản 6 Điều 188 thì pháp nhân thương mại bị xử hình sự khi buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hàng hóa trị giá dưới 200 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chínhcủa pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 300 triệu đồng, cao nhất có thể lên đến 15 tỷ đồng hoặc hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 trăm đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới (Điều 189)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 189 thì pháp nhân thương mại bị xử hình sự khi vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hàng hóa trị giá dưới 200 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 200 triệu đồng, cao nhất có thể lên đến 05 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 trăm đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 190 thì pháp nhân thương mại bị xử hình sự khi thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của BLHS: (1) sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít; (2) buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; (3) sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam; (4) sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; (5) sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; (6) sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 5 Điều 190 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) phạm tội có tổ chức; (2) có tính chất chuyên nghiệp; (3) thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít; (4) thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; (5) pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam; (6) hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (7) hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng. Ngoài ra, nếu pháp nhân mà thực hiện hành vi buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu; tái phạm nguy hiểm cũng bị áp dụng tình tiết tại khoản 2 Điều này.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm c khoản 5 Điều 190 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên; (2) thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên; (3) pháo nổ 120 kilôgam trở lên; (4) hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500 triệu trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; (5) hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700 triệu đồng trở lên.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 1 tỷ đồng, cao nhất có thể lên đến 09 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 191 thì pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự khi thực hiện một trong các hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 239, 244, 246, 249, 250, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của BLHS: (1) thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít; (2) thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao; (3) pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam; (4) hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100 trăm triệu đồng đến dưới 300 trăm triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 trăm triệu đồng; (5) hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200 trăm triệu đồng đến dưới 500 trăm triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 trăm triệu đồng đến dưới 300 trăm triệu đồng; (6) hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 5 Điều 191 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) phạm tội có tổ chức; (2) có tính chất chuyên nghiệp; (3) thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít; (4) thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; (5) pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam; (6) hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 trăm triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (7) hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500 trăm triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm c khoản 5 Điều 191 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên; (2) thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên; (3) pháo nổ 120 kilôgam trở lên; (4) hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500 trăm triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 trăm triệu đồng trở lên; (5) hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700 triệu đồng trở lên.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 300 triệu đồng, cao nhất có thể lên đến 05 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 192 thì pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự khi thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 193, 194 và 195 của Bộ luật này (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (2) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; (3) Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng; (4) Gây thiệt hại về tài sản từ 01 tỷ đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 5 Điều 192 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) phạm tội có tổ chức; (2) có tính chất chuyên nghiệp; (3) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (4) thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (5) làm chết người; (6) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (7) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; (8) gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu pháp nhân mà thực hiện hành vi vận chuyển qua biên giới; tái phạm nguy hiểm cũng bị áp dụng tình tiết tại khoản 2 Điều này.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm c khoản 5 Điều 192 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên; (2) thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; (3) làm chết 02 người trở lên; (4) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; (5) gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 01 tỷ đồng, cao nhất có thể lên đến 09 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193)
Theo quy định tại khoản 6 Điều 193 thì pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự khi thực hiện một trong các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà không cần căn cứ vào trị giá, số lượng hay thiệt hại cụ thể của hàng giả.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 6 Điều 193 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) phạm tội có tổ chức; (2) có tính chất chuyên nghiệp; (3) tái phạm nguy hiểm; (4) buôn bán qua biên giới; (5) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (6) thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (7) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; (8) gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm c khoản 6 Điều 193 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên; (2) thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; (3) gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; (4) làm chết người; (5) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (6) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm d khoản 6 Điều 193 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) thu lợi bất chính 1,5 tỷ đồng trở lên; (2) gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên; (3) làm chết 02 người trở lên; (4) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 1 tỷ đồng, cao nhất có thể lên đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194)
Theo quy định tại khoản 6 Điều 194 thì pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự khi thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà không cần căn cứ vào trị giá, số lượng hay thiệt hại cụ thể của hàng giả.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 6 Điều 194 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) phạm tội có tổ chức; (2) có tính chất chuyên nghiệp; (3) tái phạm nguy hiểm; (4) Buôn bán qua biên giới; (5) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (6) thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (7) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; (8) gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm c khoản 6 Điều 194 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên; (2) thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 02 tỷ đồng; (3) làm chết người; (4) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; (5) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; (6) gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm d khoản 6 Điều 194 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) thu lợi bất chính 02 tỷ đồng trở lên; (2) làm chết 02 người trở lên; (3) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; (4) gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 1 tỷ đồng, cao nhất có thể lên đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195)
Theo quy định tại khoản 6 Điều 195 thì pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự khi thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi thuộc một trong các trường hợp (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; (2) gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (3) thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 6 Điều 195 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) phạm tội có tổ chức; (2) có tính chất chuyên nghiệp; (3) tái phạm nguy hiểm; (4) buôn bán qua biên giới; (5) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; (6) gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; (7) thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm c khoản 6 Điều 195 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên; (2) gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng; (3) thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 02 tỷ đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm d khoản 4 Điều 195 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) gây thiệt hại về tài sản 03 tỷ đồng trở lên; (2) thu lợi bất chính 02 tỷ đồng trở lên.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 1 tỷ đồng, cao nhất có thể lên đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 79 của BLHS thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tội đầu cơ (Điều 196)
Theo quy định tại khoản 5 Điều 196 thì pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự khi thực hiện hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp (1) hàng hoá trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng; (2) thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm b khoản 5 Điều 196 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) phạm tội có tổ chức; (2) hàng hóa trị giá từ 1,5 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng; (3) thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 01 tỷ đồng; (4) gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Pháp nhân có thể bị áp dụng khung tăng nặng TNHS tại điểm c khoản 5 Điều 196 nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) hàng hóa trị giá 03 tỷ đồng trở lên; (2) thu lợi bất chính 01 tỷ đồng trở lên; (3) tái phạm nguy hiểm.
Về hình phạt: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân thương mại phạm tội mà hình phạt chính đối với pháp nhân trong tội này có thể được áp dụng là hình phạt tiền với mức thấp nhất không dưới 300 triệu đồng, cao nhất có thể lên đến 09 tỷ đồng. Bên cạnh đó, pháp nhân thương mại còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng (nếu hình phạt chính không phải là hình phạt tiền); cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
(Còn nữa)
TS. NGUYỄN CHÍ CÔNG – CN. HOÀNG THỊ SONG MAI (Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
[1] Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự).
[2] Nội dung quy định thể hiện tập trung tại Chương XI, gồm 16 điều (từ Điều 74 đến Điều 89) và một số điều khoản của thể khác của Bộ luật (các điều 2, 3, 8, 9, 33, 46 và 33 điều về các tội phạm cụ thể, gồm: Điều 188 (tội buôn lậu); Điều 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (tội trốn thuế); Điều 203 (tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ); Điều 209 (tội cố ý công bốthông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã); Điều 235 (tội gây ô nhiễm môi trường); Điều 237 (tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường); Điều 238 (tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông); Điều 239 (tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản); Điều 243 (tội huỷ hoại rừng); Điều 244 (tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm); Điều 245 (tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên); Điều 246 (tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại), Điều 300 (tội tài trợ khủng bố) và Điều 324 (tội rửa tiền)).
[3] Xem chú thích số 2, trang 1.