NGƯỜI THẨM PHÁN VÀ TÂM TỪ BI – tản mạn chào mừng ngày truyền thống Tòa án nhân dân

Cách đây đã hơn 15 năm, Văn phòng tôi nhận bào chữa một vụ án mà kết quả về mọi mặt đều thành công, nhưng trong đó thành công nhất đó là lòng tin vào lẽ phải và đạo đức xã hội đâu đó vẫn còn nguyên.
Thông qua điện thoại của một bác trưởng công an xã thay mặt cho gia đình các bị cáo đề nghị các luật sư Văn Phòng chúng tôi bào chữa cấp phúc thẩm cho 5 cháu là học sinh phổ thông trung học, tuổi đều dưới 18 trong vụ án: Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh Quốc gia. Cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định và quy kết 5 cháu có hành vi vi phạm pháp luật mức độ đặc biệt nghiêm trọng, đó là đã nhiều lần tổ chức phân công nhau trèo cột cắt dây điện thoại tổng, đốt lấy dây đồng bán chia nhau lấy tiền chơi game, cháu hưởng nhiều nhất là 70 ngàn đồng, cháu ít thì được chia 15 ngàn đồng. Hậu quả làm cho gần 1000 máy điện thoại mất liên lạc trong nhiều ngày, gấy thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nhà nước và ảnh hưởng đến thông tin liên lạc của một vùng rộng lớn. Bản án sơ thẩm đã áp dụng K2 Điều 231 BLHS 1999 xét xử cháu chủ mưu 6 năm tù và lần lượt các cháu khác thấp nhất là 24 tháng tù (khung hình phạt cho Khoản 2 Điều 231 là từ 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình). Hồi đó liên lạc cơ bản là máy điện thoại bàn.
Tòa Phúc thẩm TANDTC thụ lý và xét xử phúc thẩm vụ án, khi nghiên cứu hồ sơ và đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm lần đầu, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã hội đồng xét xử đã xét các điều kiện thực tế cho hoãn phiên tòa lần một và trao đổi với gia đình các cháu nên đi mời luật sư Hà Nội (mặc dù đã có luật sư bào chữa chỉ định) để các luật sư thu thập thêm tài liệu chứng cứ tốt nhất cho các cháu.
Tham gia vào vụ án, với bao nhiêu khó khăn, hồ sơ vụ án nhiều, phải sao chụp và nghiên cứu, trong số 5 cháu thì tất cả các gia đình đều là hộ nông dân nghèo và cận nghèo, tiếp cận và nhận thức xã hộ không cao, thời gian chuẩn bị xét xử lại đền gần, trong 5 cháu thì có 1 cháu bị tạm giam, 1 cháu không kháng cáo đã đi chấp hành hình phạt, còn 3 cháu tại ngoại thì cũng bị đình chỉ hoc tập… các luật sư chúng tôi nhanh chóng thu thập các chứng cứ: Văn bản đề nghị xin giảm nhẹ của Trường học, của Trung tâm viên thông (bị hại), bổ sung thêm để chứng minh các gia đình cận nghèo, các tình tiết cha, ông các cháu có thành tích tham gia kháng chiến… và viết văn bản trình bày quan điểm gửi về Tòa phúc thẩm TANDTC…
Ngày mở phiên tòa diễn ra, cả HĐXX và đại diện VKS đều xét hỏi vừa đủ, dành thời gian cho các luật sư trình bày bào chữa. Về hành vi và cấu thành cũng như việc áp dụng điều luật thì chúng tôi không tranh luận, bào chữa đi sâu và phân tích các nguyên nhân, điều kiện hoàn cảnh và động cơ mục đích phạm tội của các cháu, đặc biệt là nhận thức của các cháu về hành vi của mình, do còn quá non trẻ nên không thể suy xét hết được hậu quả, mục đích thì không phải nhằm phá hoại công trình an ninh quốc gia mà chỉ vì rất ít tiền bán dây đồng để chơi trò chơi điện tử… Bản án sơ thẩm tuy đã áp dụng các điều luật có lợi cho các cháu nhưng chưa triệt để, đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét chấp nhận kháng cáo, giảm hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo, mở lại cánh cổng để cho các em được tiếp tục đến trường và cũng là cơ hội để các em nhận và sửa lỗi lầm, bước tiếp vào đời trên con đường rộng mở và nhân ái..
HĐXX đã chấp nhận lời đề nghị của luật sư bào chữa, sửa án sơ thẩm, giảm án cho cả 5 em và cho hưởng án treo. Án tuyên xong đã hơn 17h, tại tòa địa phương cách Hà Nội gần 100km, cái khó cho cơ quan thi hành án là phải thả 1 cháu đã đi chấp hành tại trại giam trong Thanh Hóa (cách Hà nội hơn 200km) ngay sau khi án tuyên và trước 12h đêm nay. Không cơ quan nào chuyển kịp quyết định của Tòa, một lần nữa vị chủ tọa phiên tòa đã ra tay làm hết trách nhiệm với lương tâm và lòng từ bi đó là đã chạy xe thật nhanh về Hà Nội, đến thẳng Cục cảnh sát trại giam để tiếp nhận và chỉ đạo thả cháu bé ngay trong đêm.
Người thẩm phán xét xử vụ án nay đã nghỉ hưu, suy nghĩ trong tôi cũng như mỗi lần gặp lại vị luôn mang theo một sự trân trọng!
Hiến pháp 2013 quy định: lấy tòa án làm trung tâm thực hành quyền tư pháp, tòa án lấy xét xử phán quyết là hoạt động trọng tâm, phán quyết xét xử thì lấy thẩm phán là trọng tâm! Vâng, trọng tâm của quy định và cả trọng tâm của tâm con người đó ạ.
Hơn 15 năm đi qua, 5 cháu học sinh phạm tôi nay đã hơn 30 tuổi và đều có việc làm và gia đình hạnh phúc. Nếu như các cháu đi chấp hành xong hình phạt như bạn án sơ thẩm trở về thì chưa chắc đã có được những điều tốt đẹp hơn
Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống của Tòa án, kính mến chúc các bác, các anh chị đã và đang công tác trong Tòa án những điều tốt đẹp và sự trân trọng!
024 3755 8809