Hiện nay tại các địa điểm CLUB, karaoke, vũ trường… có cung cấp bóng cười cho khách hàng sử dụng. Vậy bóng cười có phải là một dạng của chất ma túy không? Các cơ sở bán bóng cười sẽ bị xử phạt như thế nào?
Bóng cười có bị cấm sản xuất tại Việt Nam không?
Bóng cười là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hoá học là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide).
Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.
Việc sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu chi và đi đứng loạng choạng; các rối loạn khí sắc; rối loạn trí nhớ; rối loạn giấc ngủ; các rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp; thiếu máu, thiếu B12…
N2O là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công Thương, thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP).
Như vậy, việc nhập khẩu, mua bán… chất N2O để sử dụng trong công nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội… vẫn được thực hiện nhưng phải đảm bảo đúng những quy định chặt chẽ của pháp luật.
Bóng cười có phải là một dạng của chất ma túy không? (Hình từ Internet)
Bán bóng cười cho người khác sử dụng sẽ bị xử phạt như thế nào?
Hiện tại không có chế tài cụ thể đối với hành vi tàng trữ, mua bán bóng cười.
Tuy nhiên “bóng cười” có chứa N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide) là hóa chất thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP); do đó có thể áp dụng chế tài đối với các ngành nghề yêu cầu phải có giấy phép.
Theo Điều 17 Nghị định 71/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 17/2022/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
a) Cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp, bán, chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp;
b) Thuê, mượn, nhận cầm cố, nhận thế chấp, mua, nhận chuyển nhượng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.”;
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về cấp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp khi có thay đổi về thông tin của cá nhân, tổ chức.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh không đúng địa điểm, quy mô, chủng loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ghi trong Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp hoặc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất trong thời gian bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.”;
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp bị viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung cho cơ quan cấp Giấy phép đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 5 và khoản 6 Điều này.”
Theo đó, sản xuất bóng cười trái phép sẽ bị xử phạt từ 20 – 25 triệu đồng. Đồng thời buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, mức phạt tiền này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (Điều 4 Nghị định 71/2019/NĐ-CP).
Bóng cười có phải là một dạng của chất ma túy không?
Bóng cười, cũng như khí N20 trong bóng cười không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP (Có hiệu lực 25/08/2022) nên:
Sử dụng bóng cười (chứa chất N2O) tuy chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm, song việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là sai phạm vì trước tiên gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng và không được cấp phép để mua bán, sử dụng cho người.