Luật sư Hoàng Văn Hướng tham gia hội thảo đóng góp sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự

Ngày 05/8/2023, Luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng đã tham gia hội thảo đóng góp sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự do liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức và đóng góp một tham luận ngắn về các vấn đề còn tồn tại trong thi hành bộ luật, rút kinh nghiệm từ thực tiễn hành nghề.
Sau đây là toàn văn tham luận:
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ra đời khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ và nguyên tắc cơ bản của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là bảo vệ quyền con người – quyền cơ bản của công dân được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Những quy định để đảo đảm quyền của người bào chữa nói chung và của Luật sư nói riêng khi tham gia vụ án hình sự đã được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 kế thừa và phát triển, bổ sung nội dung mới, tiến bộ hơn so với Bộ luật tố tụng năm 2003. Sau 05 năm thi hành trên thực tiễn, những quy định này đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, vướng mắc; gây khó khăn trong quá trính tác nghiệp của Luật sư khi tham gia các vụ án hình sự.
I- THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VÀ THÔNG BÁO NGƯỜI BÀO CHỮA:
1.1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự:
BLTTHS năm 2015 có những quy định chung liên quan đến thủ tục thực hiện việc đăng ký người bào chữa; thẩm quyền tiếp nhận và thời hạn cấp thông báo người bào chữa:
Điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thủ tục đăng ký bào chữa đối với Luật sư như sau:
“1. Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.
2. Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản…”
….
Điều 75 BLTTHS năm 2015 quy đinh về lựa chọn người bào chữa:
“1. Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Trong thời hạn 24 giờ kể khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
3. Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa….”
Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả trang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố:
“Điều 4. Tiếp nhận, xử lý đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam
1. Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm tiếp nhận đơn yêu cầu nhờ người bào chữa của người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam kèm theo giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. …
2. Sau khi nhận được thông báo về việc nhờ người bào chữa, nếu người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam đồng ý nhờ người bào chữa thì thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này. Trường hợp họ từ chối nhờ người bào chữa thì cơ quan đang quản lý người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam lập biên bản về việc từ chối và xử lý như sau:
a) Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đang ở trụ sở Cơ quan điều tra
Trong thời hạn không quá 12 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho người bào chữa mà người đại diện hoặc người thân thích của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt nhờ và Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản. Trường hợp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thông báo và thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt đã có quyết định tạm giữ.
b) Đối với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam
Trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Cơ quan điều tra, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam có trách nhiệm thông báo kèm theo biên bản cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, Cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án biết (trong trường hợp Nhà tạm giữ, trại tạm giam lập biên bản). Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản.
Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can và có lệnh tạm giam của người có thẩm quyền thì Điều tra viên hoặc Cán bộ điều tra vẫn phải thống nhất về thời gian với người bào chữa để gặp người bị tạm giữ đã có lệnh tạm giam.
Trường hợp người bị tạm giữ bị khởi tố bị can nhưng không bị áp dụng biện pháp tạm giam thì việc bảo đảm thực hiện quyền bào chữa được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
Trường hợp người bị tạm giữ được trả tự do, nếu vẫn còn tư cách tham gia tố tụng thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì vẫn tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa; nếu không thuộc trường hợp có quyền nhờ người bào chữa thì tạm dừng tiến hành các thủ tục đăng ký bào chữa.”
Bảo đảm cho người bào chữa, trong đó có Luật sư có thể nhanh chóng tham gia tố tụng để bào chữa cho người bị buộc tội và nhằm tránh nhận thức rằng người bào chữa tham gia tố tụng hoàn toàn phụ thuộc vào sự chấp thuận hay từ chối của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, BLTTHS năm 2015 đã quy định đăng kí bào chữa thay cho quy định cấp giấy chứng nhận người bào chữa tại BLTTHS năm 2003.
BLTTHS năm 2015 cũng quy định thời gian giải quyết thủ tục đăng kí bào chữa được rút ngắn hơn so với thời gian cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Theo đó, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho Luật sư, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữ và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp từ chối người bào chữa.
1.2 Thực trạng áp dụng các quy định của BLTTHS 2015 khi thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa và cấp thông báo người bào chữa và kiến nghị các giải pháp:
– Theo quy định, khi đăng ký bào chữa, Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội.
Việc phải xuất trình bản chính Thẻ luật sư ngay khi làm thủ tục đăng ký người bào chữa là quy định gây khó khăn trong quá trình đăng ký người bào chữa của Luật sư và là một trong những lý do để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối đăng ký người bào chữa.
Trên thực tiễn, đa số các Luật sư không thể xuất trình bản chính thẻ Luật sư cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tại thời điểm tiếp nhận thủ tục đăng ký vì rất nhiều vụ án do khoảng cách về địa lý xa xôi, Luật sư chỉ có thể gửi thủ tục đăng ký (trong đó có bản sao y chứng thực Thẻ luật sư) qua đường bưu điện.
Kiến nghị giải pháp:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính Phủ quy định: “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính.
Do vậy, nhằm đảm bảo quyền của người bị buộc tội, quyền của Luật sư tham gia tố tụng, tôi kiến nghị sửa đổi quy định này tại BLTTHS năm 2015 theo hướng: Đối với trường hợp không trực tiếp đăng ký người bào chữa tại cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, Luật sư chỉ cần xuất trình bản sao có chứng thực Thẻ luật sư và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội. Việc đối chiếu bản chính Thẻ luật sư được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gửi thông báo đăng ký bào chữa cho Luật sư. Hiện nay Bộ Công An đang thực hiện để hoàn thiện định danh cá nhân, thẻ luật sư hoàn toàn có thể nhập vào dữ liệu định danh cá nhân của luật sư để dễ kiểm tra đối chiếu khi đăng ký bào chữa mà không phải xuất trình thẻ chính thức.
– Bảo đảm thời gian đăng ký người bào chữa: Theo quy định, thời hạn đăng ký bào chữa là: 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải ban thực hiện 1 trong 2 công việc sau:
(i)​Vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án;
(ii) ​Nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Thời hạn này hiếm khi được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đảm bảo theo đúng quy định pháp luật khi áp dụng trên thực tiễn trong cả việc cấp thông báo người bào chữa hay từ chối đăng ký người bào chữa. Các Luật sư trong quá trình tác nghiệp rất vất vả kiến nghị đến các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan của Đảng và Nhà nước; các cơ quan bảo vệ quyền lợi của Luật sư nhưng không có hiệu quả.
Kiến nghị giải pháp: Cơ quan xây dựng pháp luật cần thiết phải:
(i) Xây dựng quy định về chế tài xử lý nghiêm, đủ sức răn đe với những hành vi tố tụng không đúng quy định pháp luật của cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
(ii) Thành lập một cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm các quy định pháp luật tố tụng hình sự.
– Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp từ chối người bào chữa nhưng trên thực tế, một số Tòa án vẫn yêu cầu các Luật sư thực hiện đăng ký lại khi vụ án thụ lý giải quyết theo trình tự phúc thẩm; nếu không đăng ký lại thì Luật sư không nhận được bất kỳ thông báo nào khi Tòa án tiến hành các hoạt động tố tụng tại giai đoạn này.
Kiến nghị giải pháp: đề nghị các CQTHTT có hướng dẫn chung liên quan đến vấn đề này để thống nhất
II – TRÁCH NHIỆM THÔNG BÁO CHO NGƯỜI BÀO CHỮA THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG:
(thông báo cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia)
2.1. Quy định của Bộ luật tố tụng năm 2015:
Điểm d khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015 quy định:
“Điều 73. Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa
1. Người bào chữa có quyền:
….
d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;…”
Điều 79 BLTTHS năm 2015 quy định về trách nhiệm thông báo cho người bào chữa như sau:
“1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật này.
2. Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 của Bộ luật này.”
2.2.​Thực trạng áp dụng các quy định và kiến nghị các giải pháp:
a.​Thông thường, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường gửi văn bản thông báo thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng cho Luật sư thông qua đường bưu điện. Điều này dẫn tới việc: Văn bản thông báo đến tay Luật sư có thể quá thời gian các hoạt động tố tụng được thực hiện hoặc quá gần thời gian tiến hành các hoạt động tố tụng, Luật sư không thể hoặc không kịp sắp xếp thời gian tham gia, không đảm bảo quyền của Luật sư và quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội.
b.​Trong văn bản thông báo, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ nêu chung chung khoảng thời gian, các địa điểm tiến hành các hoạt động tố tụng. Điều này gây khó khăn, khó hiểu, khó sắp xếp cho Luật sư vì không biết thời gian, địa điểm cụ thể nào tiến hành các hoạt động tố tụng với thân chủ của mình.
Kiến nghị giải pháp:
Công nghệ 4.0, công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu. Tại Việt Nam, công nghệ 4.0 đang len lỏi rất sâu vào các ngành nghề. Do vậy, việc thông báo thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng cũng cần được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng các cách thức phi truyền thống như gửi tin nhắn, email, fax,… cho Luật sư nhằm đảm bảo thời gian tham gia hoạt động tố tụng của Luật sư một cách kịp thời, nhanh chóng.
Việc vi phạm về thông báo thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng cho Luật sư tham gia của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần phải xây dựng các chế tài xử lý và biện pháp xử phạt đủ tính răn đe.
III – NGƯỜI BÀO CHỮA GẶP NGƯỜI BỊ BUỘC TỘI NƠI TẠM GIỮ, TẠM GIAM:
3.1. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự:
Điều 80 BLTTHS năm 2015 quy định về gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam:
“1. Để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
2. Cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.”
Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC:
“1. Việc phối hợp, tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa thực hiện theo quy định tại Điều 80 của Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 22, Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.
4. Trường hợp người bào chữa có yêu cầu gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại nơi khám bệnh, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ thì cơ sở giam giữ trao đổi với bác sỹ Điều trị; trường hợp được sự đồng ý của bác sỹ Điều trị thì cơ sở giam giữ thông báo cho người bào chữa biết, đồng thời thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án để có biện pháp phối hợp kịp thời. Người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ phải quản lý, giám sát chặt chẽ không để người bào chữa đưa, chuyển đồ vật cấm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc có vi phạm khác về việc thăm gặp, gây cản trở việc giải quyết vụ án.”
3.2. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị các giải pháp:
a.​Theo quy định, khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật. Nhưng trong quá trình tác nghiệp, các Luật sư luôn bị hạn chế quyền gặp người bị tạm giữ, tạm giam do cơ sở giam giữ lại yêu cầu có sự giám sát của cơ quan tiến hành tố tụng, dù văn bản thông báo được các Luật sư gửi trước cho cơ sở giam giữ.
b.​Các trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp chưa được quy định cụ thể dẫn đến khi áp dụng vào thực tiễn, quy định giám sát cuộc gặp được áp dụng chưa thống nhất, mang tính chủ quan của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Kiến nghị giải pháp:
(i) Cần quy định cụ thể các trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp giữa người bào chữa và người bị tạm giữ, tạm giam tại cơ sở giam giữ;
(ii) Cần phải xây dựng các chế tài xử lý, các biện pháp xử phạt đủ tính răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
IV – QUYỀN THU THẬP CHỨNG CỨ CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA VÀ CƠ CHẾ THỰC HIỆN:
4.1. Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa:
Điều 86. Chứng cứ
“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”
Điều 87. Nguồn chứng cứ
“1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.”
B khoản 1 điều 73 BLTTHS quy định người bào chữa được thu thập chứng cứ
Điều 88. Thu thập chứng cứ
“1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa.
3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.
5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.”
4.2. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị các giải pháp:
Thẩm quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa là quy định mới của BLTTHS năm 2015, mở rộng phạm vi tham gia tố tụng của người bào chữa trong vụ án hình sự. Quy định đã cụ thể tại BLTTHS nhưng cơ chế thực hiện quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa lại không được quy định. Thực tiễn áp dụng, các Luật sư khi thực hiện quyền của mình không có sự thống nhất về hình thức thu thập, loại chứng cứ được phép thu thập, hình thức biên bản được lập trong quá trình thu thập và hình thức giao nộp cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Kiến nghị giải pháp: Cần có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các cơ chế và phương pháp thực hiện quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa nhằm phát huy và nâng cao vai trò của người bào chữa trong vụ án hình sự;
V – VIỆC GHI NHẬN QUAN ĐIỂM, Ý KIẾN CỦA NGƯỜI BÀO CHỮA TRONG BẢN AN VÀ GIAO NHẬN BẢN ÁN:
5.1. Quy định của pháp luật:
Điều 322 BLTTHS năm 2015 quy định về việc tranh luận tại phiên tòa:
“1. Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
…..
4. Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.”
5.2. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị các giải pháp:
Theo quy định, các ý kiến, quan điểm của Luật sư tại phiên tòa phải được ghi nhận trong bản án. Tại phiên tòa, Luật sư đưa ra các căn cứ và lập luận chi tiết để bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng của mình; nhưng đa số các bản án thường chỉ ghi ý kiến của Luật sư bằng 3-4 câu, thậm chỉ chỉ ghi trong 1 dòng duy nhất; không phản ánh cơ bản quan điểm của Luật sư.
Việc giao bản án cho Luật sư cũng không được các Tòa án thực hiện theo đúng quy định, các Luật sư thường không nhận được bản án trong thời hạn quy định.
Kiến nghị giải pháp:
(i) Tòa án cần ghi nhận các ý kiến, quan điểm của Luật sư trình bày tại phiên tòa tại Bản án và gửi Bản án trong thời hạn quy định cho Luật sư, đảm bảo quyền của người bào chữa;
(ii) Cần phải xây dựng các chế tài xử lý, các biện pháp xử phạt đủ tính răn đe đối với những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
VI – VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ:
6.1. Quy định của pháp luật:
Thi hành án được quy định tại:
(i) Chương XXIII và Chương XXIV, Phần thứ năm của Bộ luật tố tụng năm 2015;
(ii) Luật thi hành án hình sự năm 2019.
Tại các quy định ày, vai trò của Luật sư trong giai đoạn thi hành án hình sự chưa được đề cập đến.
6.2. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị các giải pháp:
Luật sư là những người am hiểu pháp luật, thường có kinh nghiệm trong việc ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp cũng như thi hành án dân sự, vì vậy, sự tham gia của luật sư vào giai đoạn thi hành án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thi hành án để giúp người bị buộc tội chấp hành tốt bản án, thực hiện nội dung quyết định của bản án đã tuyên về trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự cũng như chứng minh các điều kiện để giảm án, đặc xá và tha tủ trước thời hạn có điều kiện theo Điều 66 BLHS 2017
Trong giai đoạn này, bản chất không còn là 1 giai đoạn tố tụng, nó chuyển sang 1 giai đoạn theo quan hệ pháp luật hành chính tư pháp nên tư cách của luật sư tham gia tố tụng đã chấm dứt cần có quy định để cơ quan có thẩm quyền xác định tư cách cho luật sư tiếp tục tham gia với tư cách là người bảo vệ và tư vấn pháp luật cho người bị buộc tội.
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Điều 66 về tha tù trước thời hạn có điều kiện, đây là một chế định mới, những người đang chấp hành hình phạt tù có thể được tha tù trước thời hạn khi chứng minh các điều kiện theo luật quy định, tuy nhiên để chứng minh được cái điều kiện này sẽ rất khó khăn với những người đang bị chấp hành, mặt khác về năng lực chứng minh cái điều kiện của họ cũng hạn chế, vậy nên rất cần vai trò tư vấn của luật sư và người bào chữa, tuy nhiên các văn bản hướng dẫn hay luật nguồn cụ thể thì chưa có chi tiết, cần có một hướng dẫn xác định rõ tư cách tham gia trong giai đoạn này của luật sư và các phương pháp cách thức để tư vấn và bảo vệ tốt nhất quyền và lấy gờ Pháp của người là đối tượng của chế định .
Trên đây là một số nội dung vướng mắc trong hoạt động thực tế của luật sư với tư cách là người bào chữa và bảo vệ trong các vụ án hình sự và thực hiện Bộ luật TTHS 2015, xin tham luận và đóng góp.
(Trích tham luận tại hội thảo Sơ kết 5 năm thi hành BLTTHS do Liên Đoàn luật sư Việt Nam kết hợp với Ban Nội chính TW; TANDTC, VKSNDTC, BCA tổ chức)
024 3755 8809