Chứng cứ điện tử trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại

Chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự là gì? Ai là người xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử; và những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn sẽ được đề cập đến trong bài biết dưới đây.

Thế nào là chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự?

Theo Điều 93 BLTTDS năm 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân và cơ quan, tổ chức cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.
Trong Luật Giao dịch điện tử thì quy định về giá trị chứng cứ của thông điệp được giải thích tại khoản 1, 2 Điều 14 như sau: “Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu.
Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.
Như vậy, Luật Giao dịch điện tử công nhận giá trị pháp lý như văn bản của thông điệp dữ liệu chứ không đưa ra khái niệm về chứng cứ điện tử nên khi thu thập, đánh giá chứng cứ cần sự vận dụng nhiều quy phạm trong các điều luật, luật khác nhau để xác định tính hợp pháp của chứng cứ điện tử.
Từ  những phân tích nêu trên, có thể tóm tắt khái niệm về chứng cứ điện tử như sau:
“Chứng cứ điện tử là thông điệp dữ liệu được khởi tạo, lưu trữ, truyền tải, nghe, nhìn được bằng phương tiện điện tử và đảm bảo các yêu cầu của pháp luật về cách thức khởi tạo và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu cũng như các yếu tố phù hợp khác. Chứng cứ điện tử do các chủ thể tham gia quan hệ thương mại điện tử lưu giữ, thu thập cung cấp cho Tòa án hoặc do Tòa án, cơ quan có thẩm quyềnthu thập nhằm chứng minh cho các yêu cầu của các chủ thể này khi giải quyết các vụ án kinh doanhthương mại bằng các phương thức khác nhau trong đó có phương thức giải quyết bằng các thủ tục tố tụng”.

Sử dụng, đánh giá chứng cứ điện tử trong thực tiễn

Trong thực tế, Tòa án đã xét xử một số vụ án kinh doanh thương mại mà một phần quá trình chào hàng, đề nghị giao kết hợp đồng và các thỏa thuận phát sinh được thực hiện bằng phương tiện điện tử.
Ví dụ: Công ty TNHH AQ có trụ sở tại tỉnh TH, có nhận được thư mời hợp tác của một Công ty Liên doanh giữa Việt Nam và Hàn Quốc có tên là Công ty HN. Công ty này có trụ sở tại quận LB, thành phố Hà Nội chuyên sản xuất các mặt hàng điện tử gia dụng thông qua hộp thư điện tử. Sau khi nhận được thư chào hàng, hai bên đã trao đổi các nội dung của hợp đồng như giá cả, phương thức thanh toán, địa điểm giao hàng, phương thức giao nhận hàng hóa, điều kiện bảo hành sản phẩm, tất cả các thông tin này đều được trao đổi qua email của hai Pháp nhân, tuy nhiên địa chỉ email không được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của pháp nhân Việt Nam là Công ty TNHH AQ và Chứng nhận đầu tư của pháp nhân nước ngoài là Công ty Liên doanh HN.
Sau khi đã đạt được các thỏa thuận, hai bên đã giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa số 09/2009/HĐMBHH/HN-AQ ngày 24/7/2009. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đều thực hiện việc bán hàng hóa và thanh toán bảo hành theo như hợp đồng đã ký kết, tuy nhiên các thông tin về thanh toán, bảo hành sản phẩm, giao nhận hàng đều thực hiện thông qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử và thông qua nhân viên kinh doanh của cả hai doanh nghiệp.
Hợp đồng được thực hiện trong thời gian khá dài, do thị trường hàng điện tử gia dụng bị thu hẹp, việc sản xuất kinh doanh không có lợi nhuận, phía Công ty Liên doanh HN chuyển đổi ngành nghề kinh doanh và phía nước ngoài thoái vốn tại Liên doanh dưới hình thức chuyển nhượng phần vốn cho phía đối tác Việt Nam là Công ty điện tử HN. Sau khi thông báo ngừng cung cấp hàng hóa dịch vụ theo hợp đồng số 09/2009/HĐMB/HN-AQ, hai bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng này và chốt công nợ, theo đó Công ty TNHH AQ còn nợ Công ty Liên doanh HN số tiền 8.980.000.000 VND (Tám tỷ chín trăm tám mươi triệu đồng) với thời gian thực hiện thanh toán là 01 năm. Trong thời hạn này, phía Công ty TNHH AQ tại TH đã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo cam kết và đưa ra lý do chưa nhận đủ hàng hóa, các giấy tờ giao nhận không do người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH AQ ký…
Do có tranh chấp, Công ty Liên doanh HN đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân (TAND) thành phố TH và được thụ lý giải quyết, trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn đã sao lục và cung cấp cho Tòa án những chứng cứ điện tử như email, tin nhắn, danh sách các cuộc gọi điện thoại, bản sao kê thanh toán qua Ngân hàng.
Phía bị đơn thì cho rằng họ không nhận được các thông tin trao đổi qua hộp thư điện tử, các số máy điện thoại không phải của người đại diện theo pháp luật hay các văn bản ủy quyền hợp lệ, không chấp nhận các tập quán thương mại mà hai bên đã thực hiện vì không có thỏa thuận.
Để giải quyết vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, TAND thành phố TH đã tiến hành thu thập và kiểm tra tính xác thực của các chứng cứ mà nguyên đơn cung cấp, tuy nhiên do thời gian thực hiện hợp đồng tương đối dài, các máy chủ không đặt tại Việt Nam cũng như một bên không cung cấp nên các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp đều không được chấp nhận.
Ngày 20/5/2014, TAND thành phố TH đã tiến hành xét xử và ra bản án bác yêu cầu khởi kiện của Công ty Liên doanh HN.
Từ thực tiễn trên đã cho thấy một số vấn đề phát sinh trong việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại được thực hiện một phần bằng phương tiện điện tử như:
Thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án
Trong vụ án trên thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết sẽ căn cứ vào BLTTDS xác định Tòa án nơi cư trúcủa bị đơn để giải quyết, tranh chấp được xác định là tranh chấp hợp đồng giữa hai pháp nhân (quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp viết tắt là B2B). Tuy nhiên, nếu các quan hệ thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp với người tiêu dùng (viết tắt là B2C), hay người tiêu dùng với doanh nghiệp (viết tắt là C2B) thì việc xác định thẩm quyền như trong các quy định của BLTTDS sẽ gặp nhiều khó khăn khi xác định thẩm quyền giải quyết vụ án, đặc biệt là thẩm quyền trong việc dưa ra yêu cầu ủy thác tư pháp (chỉ TAND cấp tỉnh mới có thẩm quyền giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài), thực tiễn cho thấy việc sử dụng các phương tiện điện tử có thể được thực hiện không giới hạn về không gian, hay nói chính xác là thực hiện ở bất kỳ địa điểm nào trên thế giới, đây cũng là một thực tiễn sinh động khi xác định thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp liên quan.
Thủ tục, điều kiện để thụ lý vụ án
Ngoại trừ các điều kiện về chủ thể hay giấy tờ chứng minh về nhân thân hay tư cách của pháp nhân khởi kiện. Trên thực tế, có rất ít các vụ án được Tòa án thụ lý mà chỉ sử dụng các chứng cứ điện tử, thông thường nó được thể hiện dưới dạng văn bản viết được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án mới thụ lý, sau đó xác minh theo yêu cầu của các đương sự nhằm chứng minh cho yêu cầu của họ. Còn theo các thủ tục tố tụng thì khi chưa thụ lý, Tòa án hay các đương sự không thể tự mình hay theo yêu cầu mà thu thập chứng cứ trên nguyên tắc của BLTTDS đó là: “Nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự”.
Như vậy, nếu chỉ có các chứng cứ điện tử liên quan đến hành vi mua bán hàng hóa dịch vụ bị tranh chấp thì người có giả thiết có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại rất khó để khởi kiện với tư cách nguyên đơn dân sự. Khi vụ án chưa được thụ lý giải quyết thì yêu cầu phản tố của bị đơn hay yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng không được xem xét giải quyết.
Về thu thập và đánh giá chứng cứ
Về mặt bản chất thì các chứng cứ điện tử có giá trị tương đương thuộc tính đối với văn bản, các nguyên tắc này được quy định trong Luật Giao dịch điện tử(1), Luật Thương mại (2), Nghị định về Thương mại điện tử(3) cũng như các văn bản có liên quan nhưng trên thực tế thì giá trị pháp lý và nguyên tắc tương đương thuộc tính vẫn còn nhiều khó khăn khi áp dụng các chứng cứ điện tử. Do quy định mang tính nguyên tắc, tức là có ý nghĩa trong việc áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý nhà nước cũng như áp dụng để giải quyết tranh chấp nhưng không có các văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền như Ủy ban Thường vụ Quốc Hội hay Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc không được quy định cụ thể trong BLTTDS thì sẽ không thể giải quyết các tranh chấp thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử.
Mặc dù, luật quy định rằng “Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được” nhưng không có các quy định cụ thể về hình thức vật chất chứa đựng chứng cứ điện tử, trình tự thu thập, xác minh chứng cứcũng như hướng dẫn các trình tự thủ tục tố tụng chuyên biệt để thụ lý giải quyết các tranh chấp thương mại có các chứng cứ điện tử.
Với đặc điểm là thương mại điện tử có mức độ ảnh hưởng rộng lớn, tiếp cận mang tính phổ biến, các vụ việc mang tính chất tương tự xảy ra với nhiều người, nhiều tổ chức, ở nhiều địa phương nên nếu chỉ căn cứ vào giá trị tranh chấp hay quy định cứng về thẩm quyền giải quyết thì sẽ khó giải quyết. Thông thường, để thu thập một chứng cứ quan trọng trên máy tính, người tiêu dùng phải sử dụng dịch vụ Thừa phát lại để lập Vi bằng xác nhận tính xác thực của các nội dung hợp đồng điện tử đã giao kết, theo quy định thì giá ngạch của một dịch vụ có mức tối thiểu nhiều triệu đồng trong khi giá trị tranh chấp chỉ có thể bằng hoặc có khi thấp hơn thì rõ ràng bên bán hàng hóa, dịch vụ đã né tránh trách nhiệm của mình vì không lo sợ bị khởi kiện ra Tòa án. Trong thực tiễn giải quyết các vụ án thương mại có những chứng cứ điện tử thì đường lối xét xử vẫn ưu tiên các chứng cứ vật chất dễ chứng minh như: Văn bản, hợp đồng có chứng thựccông chứng… Còn các chứng cứ điện tử được xem xét mang tính hỗ trợ cho các chứng cứ khác nếu phù hợp mà rất hiếm khi được sử dụng độc lập. Pháp luật về thương mại điện tử cũng quy định các nguyên tắc về việc các chủ thể tham gia thương mại điện tử có quyền tự lựa chọn loại phương tiện điện tử, phương thức thực hiện và tự thỏa thuận về loại công nghệ để sử dụng trong mua bán hàng hóa dịch vụ, đồng thời nguyên tắc không một loại công nghệ nào là duy nhất trong thương mại điện tử nên các cá nhân tổ chức hoàn toàn có thể chỉ có các chứng cứ điện tử để chứng minh cho yêu cầu của mình. Việc Tòa án không chấp nhận các chứng cứ điện tử có tính độc lập và có giá trị pháp lý như văn bản viết hoặc các chứng cứ khác sẽ làm ảnh hưởng tới quyền của các cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, đồng thời nguyên tắc của BLTTDS cũng không được tôn trọng trong thực tiễn.

Kiến nghị hoàn thiện

Hoàn thiện pháp luật về tố tụng dân sự về chứng cứ điện tử và các phương thức giải quyết
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử hiện nay, nhu cầu giải quyết các tranh chấp phát sinh trong các quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ của các chủ thể tham gia hoạt động thương mạiđược thực hiện bằng phương tiện điện tử sẽ gia tăng tương ứng. Vì vậy, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ pháp luật thương mại điện tử là cần thiết và cần có các quy định chuyên biệt. Hiện nay, trong BLTTDS không có các quy định riêng về các trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với thương mại điện tử, không có các quy định về việc thu thập, lưu giữ chứng cứ điện tử nên dẫn đến không thể giải quyết được các tranh chấp phát sinh, không bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử.
Pháp luật tố tụng dân sự cũng cần quy định về thủ tục rút gọn thời gian giải quyết đối với các vụ án kinh doanh thương mại có sử dụng một phần hay toàn bộ bằng phương tiện điện tử để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đồng thời BLTTDS phải bổ sung các quy định về thu thập chứng cứ điện tử để đảm bảo tính xác thực, tính hợp pháp để chứng minh cho các yêu cầu của các đương sự trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Một yêu cầu nữa là các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thương mại điện tử cần quy định về thiết kế kỹ thuật đối với giao diện của các website bán hàng trực tuyến. Sàn giao dịch điện tử phải ghi rõ các phương thức giải quyết tranh chấp để người tiêu dùng lựa chọn ngay từ khi giao kết hợp đồng.
Ngoài ra, để đảm bảo cho việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên trong quan hệ thương mại điện tử, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đối với các vụ án liên quan đến hoạt động này, trình tự, thủ tục thu thập lưu giữ chứng cứ điện tử và giải thích một cách thống nhất hay án lệ đối với các vụ án kinh doanh thương mại được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động thương mại điện tử sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ này, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như các chủ thể khác một cách kịp thời, nhanh chóng.
Nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng của những người tiến hành tố tụng
Để giải quyết các tranh chấp các vụ án phát sinh trong lĩnh vực thương mại điện tử như mua bán hàng hóa, dịch vụ, mà các bên tranh chấp sử dụng phương tiện điện tử, đồng nghĩa với việc sẽ dùng chứng cứ điện tử để chứng minh cho yêu cầu của mình thì những người tiến hành tố tụng phải có trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin viễn thông tương ứng. Việc thu thập, xác minh, đánh giá chứng cứ điện tử đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải am hiểu và biết cách sử dụng các kỹ năng cần thiết mới có thể thu thập được đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ để giải quyết vụ án. Để nâng cao trình độ về tin học cũng như kỹ năng sử dụng các phương tiện điện tử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên và Thư ký Tòa án thì cần có các chương trình đào tạo phù hợp, tập huấn, hội thảo thường xuyên mới đáp ứng được các yêu cầu này.
Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ và phù hợp để đáp ứng các yêu cầu giải quyết tranh chấp các vụ án liên quan đến thương mại điện tử và có sử dụng các chứng cứ điện tử.
Khi đáp ứng được các yêu cầu trên thì việc giải quyết các vụ án sẽ nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm chi phí của các chủ thể liên quan và tiết kiệm chi phí xã hội, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Ls. Lê Văn Thiệp/ TCKS số 5/2016


(1) Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005.                                                                                   
(2) Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005.
(3) Nghị định về Thương mại điện tử số 52/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013.

024 3755 8809