Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định 07 nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội và 04 nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Các nguyên tắc xử lý người phạm tội và pháp nhân thương mại phạm tội theo quy theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015
Nguyên tắc xử lý đối với các đối tượng phạm tội quy đinh tại Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015:
1. Đối với người phạm tội:
a) Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
b) Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;
c) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
d) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;
đ) Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;
e) Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;
g) Người đã chấp hành xong hình phạt được tạo điều kiện làm ăn, sinh sống lương thiện, hòa nhập với cộng đồng, khi có đủ điều kiện do luật định thì được xóa án tích.
2. Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
a) Mọi hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật;
b) Mọi pháp nhân thương mại phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế;
c) Nghiêm trị pháp nhân thương mại phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;
d) Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra, chủ động ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả xảy ra.
Như vậy là có 07 nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội và 04 nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
7 nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội
Các nguyên tắc này đã được sửa đổi bổ sung từ 5 nguyên tắc xử lý quy định tại Điều 3 Bộ luật Hình sự được Quốc hội thông qua ngày 21- 12- 1999, sửa đổi bổ sung ngày 16- 9- 2009 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 1999). Các nguyên tắc này đã được áp dụng có hiệu quả trong thời gian thi hành Bộ luật Hình sự 1999 và các nguyên tắc này còn được quy định cụ thể thành từng điều luật.
Ví dụ có điều luật quy định “Khái niệm tội phạm”, có điều luật quy định phân loại tội phạm, có điều luật quy định “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với từng loại tội phạm, có điều luật quy định không áp dụng thời hiệu truy cập truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia và phạm các tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người và tội phạm chiến tranh. Có các điều luật giải thích từng loại hình phạt, giải thích về “cố ý phạm tội”, “vô ý phạm tội”, về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, về chuẩn bị phạm tội, về phạm tội chưa đạt, về tự ý nửa chừng.chấm dứt việc phạm tội…Có điều luật quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để khi giải quyết hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định loại hình phạt mức phạt tương xứng với hành vi phạm tội và thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Bộ luật Hình sự cũng có các điều luật quy định về không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với người phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia (chương XIII), các tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người, tội phạm chiến tranh (Chương XXVI), người phạm tội tham ô tài sản thuộc khoản 3 khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 và người phạm tội nhận hối lộ thuộc khoản 3 khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015. Có các điều luật quy định về miễn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án khi được đặc xá hoặc đại xá, quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên, quy định về giảm thời thời hạn chấp hành phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, về hoãn chấp hành hình phạt tù, về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, về xóa án tích. Có như vậy mới đảm bảo việc thực hiện thống nhất các nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội.
4 nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 là pháp nhân thương mại được hiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) được Quốc hội thông qua ngày 24/11 năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 (sau đây gọi là BLDS năm 2015). Điều 75 BLDS năm 2015 quy định pháp nhân thương mại như sau:
1. Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.
2. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
3. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Để thực hiện đúng và thống nhất 4 nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Bộ luật Hình sự 2015 có một số điều luật quy định cụ thể 4 nguyên tắc xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội cụ thể là:
– Điều 74 quy định về: “Áp dụng quy định của bộ luật hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội”
– Điều 75 quy định về: “Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại”
– Điều 76 quy định về: “Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” với nội dung là pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều: “Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196,200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226,227, 232, 234,235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 304 của Bộ luật Hình sự 2015.
– Điều 77 quy định về: “Phạt tiền”
– Điều 78 quy định về: “Đình chỉ hoạt động có thời hạn”
– Điều 79 quy định về: “Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn”
– Điều 80 quy định về: “Cấm kinh doanh hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định”
– Điều 81 quy định về: “Cấm huy động vốn”
– Điều 82 quy định về: “Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội”
– Điều 83 quy định về: “Căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội”
– Điều 84 quy định về: “Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại”
– Điều 85 quy định về: “Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại”
– Điều 186 quy định về: “Quyết định hình phạt trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm nhiều tội”
– Điều 187 quy định về: “Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
– Điều 188 quy định về: “Miễn hình phạt”
– Điều 189 quy định về: “Xóa án tích”
Về xóa án tích quy định là: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới”.
Theo quy định tại khoản 3 điều 60 Bộ luật Hình sự 2015 thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 05 năm và theo quy định tại khoản 4 Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015 thì thời hiệu thi hành bản án được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Xóa án tích được coi như chưa bị kết án./.
ĐỖ VĂN CHỈNH
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).