Những vướng mắc bất cập trong công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm

Nguồn tin về tội phạm

Chia sẻ nếu thấy bài hay

Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (nguồn tin về tội phạm) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; là căn cứđể kịp thời phát hiện hành vi phạm tội xảy ra, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để xem xét, quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS)  quy định thành một chương riêng (Chương IX); ngày 29/12/2017, Liên ngành Trung ương cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC hướng dẫn áp dụng. Tuy nhiên, qua nghiên cứuvà thực tiễn áp dụng những quy định của BLTTHS năm 2015, TTLT số 01/2017 trong công tác tiếp nhận, thụ lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể:

Nguồn tin về tội phạm

Nguồn tin về tội phạm được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự gồm: “tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhânlời khai của người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”, đây cũng là các căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng Quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Điều 143 BLTTHS quy định:

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

1. Tố giác của cá nhân;

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

6. Người phạm tội tự thú.

Về căn cứ pháp lý, trình tự thủ tụcchức năng nhiệm vụ của Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc thụ lý, giải quyết một số nguồn tin được quy định từ Điều 144 đến Điều 152 Bộ luật Tố tụng hình sự và TTLT số 01/2017, cụ thể: Tố giác của công dân; Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước và Người phạm tội tự thú. Tuy nhiên, nguồn tin do “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm” chưa được quy định trong BLTTHS và TTLT số 01/2017 gây khó khăn cho việc thụ lý, giải quyết về trình tự, thủ tục, thời hạn của Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nói chung và Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) nói riêng trong công tác thực hành quyền công tốkiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Thực tiễn tại nhiều địa phương, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (chủ yếu là Cơ quan Cảnh sát điều tra) đã phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm qua “hoạt động nghiệp vụ”, mặc dù đã tiến hành kiểm tra, xác minh nhưng không tiến hành thụ lý, phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và  không chuyển nguồn tin đến Viện kiểm sát để Viện kiểm sát thụ lý, phân công Kiểm sát viêntheo quy định. Có một số vụ việc kéo dài, không giải quyết triệt để; một số vụ đã vi phạm nghiêm trọng trình tự, thủ tục tố tụng trong quá trình kiểm tra, xác minh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia tố tụng. Do pháp luật hiện hành (BLTTHS, TTLT số 01/2017) không quy định về trình tự, thủ tục thụ lý và giải quyết nguồn tin này nên VKSND cũng không có căn cứ để ban hành Kiến nghị khắc phục vi phạm và Yêu cầu Cơ quan CSĐT thụ lý, giải quyết theo đúng quy định của TTLT số 01/2017 và BLTTHS về trình tự và thời hạn giải quyết theo Điều 147 BLTTHS.

Đối với một số nguồn tin về tội phạm do “Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện”. Sau khi kiểm tra, xác minh có đủ dấu hiệu của tội phạm (không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 9 TTLT số 01/2017) được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, bị can và chuyển hồ sơ đến VKSND đề nghị phê chuẩn theo quy định. Quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, VKSND nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm. Tuy nhiên, việc này không được thụ lý, kiểm tra, xác minh theo trình tự của BLTTHS và TTLT số 01/2017, dẫn đến những tài liệu, chứng cứ thu thập trong hồ sơ không có giá trị pháp lý và không dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án. Hoạt động của Cơ quan CSĐT đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm nên không có căn cứ để xét phê chuẩn.

Điều 86 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Khoản 2 Điều 87 BLTTHS quy định: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Điều 102 BLTTHS quy định: “Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tốxét xử được lập theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ”.

Về trình tự, thủ tục tố tụng

Khoản 3 Điều 147 BLTTHS quy định:

Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

b) Khám nghiệm hiện trường;

c) Khám nghiệm tử thi;

d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

Như vây chúng ta có thể thấy: Sau khi tiếp nhận, thụ lý Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng 04 nhóm biện pháp (quyền) nêu trên và trong thời hạn luật định (tối đa 120 ngày) phải ban hành 01 trong 03 Quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTHS, cụ thể: Quyết định khởi tố vụ án hình sựQuyết định không khởi tố vụ án hình sự và Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thực tiễn, quy định nêu trên gây rất nhiều khó khăn đối với Cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cụ thể:

Một là, Một số biện pháp kiểm tra, xác minh: Một số vụ việc, sau khi khám nghiệm hiện trường, thu thập tài liệu có liên quan đối với tổ chức, cá nhân và lấy lời khai của những người tham gia tố tụng nhưng còn mâu thuẫn trong lời khai, nhiều tình tiết chưa rõ hoặc các vụ tai nạn giao thông, cố ý gây thương tích,…Sau khi xảy ra vụ việc, hai bên không yêu cầu khởi tố hình sự mà tự thỏa thuận bồi thường dân sự, một thời gian sau, do không thống nhất được mức bồi thường dân sự nên có bên yêu cầu khởi tố hình sự. Đối với các vụ việc nêu trên, cần thiết và bắt buộc phải dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, đối chấtnhận dạngkhám xét,…thì mới có đủ căn cứ Quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án. Tuy nhiên, Luật chỉ cho phép Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng 01 trong 04 nhóm biện pháp kiểm tra, xác minh như đã nêu trên.

Hai là, Công tác Giám định: Trong giai đoạn kiểm tra, xác minh tin báo, điểm d khoản 4 Điều 147 và Điều 206 BLTTHS quy định về “Trưng cầu giám định” có 06 trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật giám định tư pháp ngày 20/6/2012, lại quy định: “Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương phápkhoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám địnhtheo quy định của Luật này”. Quy định này được hiểu: Cơ quan giám định, Giám định viên được trưng cầu giám định chỉ thực hiện giám định những vấn đề liên quan đến hoạt động điều tra (từ khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự), truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Thực tiễn, một số trường hợp Cơ quan giám định tư pháp và Giám định viên từ chối giám định với lý do cơ quan trưng cầu giám định chưa khởi tố vụ án, gây khó khăn cho cơ quan trưng cầu giám định trong giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Một số địa phương Cơ quan điều tra và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra (Cơ quan Kiểm lâm) trong quá trình hoạt động đã thu giữ cá thể động vật hoang dã. Khi xử lý tội phạm này nhất thiết phải xác định tên, loài cá thể để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự (khởi tố vụ án, bị can). Tuy nhiên, Điều 206 BLTTHS quy định 06 trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định và  Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 của Liên ngành Trung ương quy định có 06 trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định thì “động vật hoang dã” không thuộc trường hợp bắt buộc hoặc cần thiết phải trưng cầu giám định; trong khi điểm d khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 lại quy định: “Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”. Mâu thuẫn, bất cập này khiến các Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gặp khó khăn, vướng mắc khi xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến động vật hoang dã.

Về tạm đình chỉ 

Khoản 1 Điều 148 BLTTHS quy định:

Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;

b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả.

Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, các Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thường gặp vướng mắc khi áp dụng khoản 1 Điều 148 BLTTHS, cụ thể:

Về quy định “cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định…”. Có thể khẳng định, đây là quy định mang tính định tính, tùy theo cách hiểu của từng người. Khi đã hiểu tùy nghi, đồng nghĩa việc áp dụng cũng tùy nghi và khác nhau giữa các địa phương và giữa những người tiến hành tố tụng. Ví dụ: A tố cáo B Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi thụ lý, Cơ quan điều tra đã triệu tập và xác minh nhiều lần với gia đình và chính quyền địa phương nhưng không xác định được B đang ở đâu, chưa lấy lời khai của B. Do vậy, không đủ căn cứ để khởi tố hoặc không khởi tố vụ án. Vậy, nội dung này có được coi là “đã yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định…” để tạm đình chỉ việc kiểm tra, xác minh không.

Đối với một số vụ việc bị hại trình báo mất tài sản, qua khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai và áp dụng các biện pháp kiểm tra, xác minh theo quy định nhưng chưa đủ căn cứ khởi tố vụ án hay không khởi tố vụ án và cũng không thuộc trường hợp tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS thì giải quyết như thế nào.

Về phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm

Khoản 1 Điều 149 BLTTHS quy định:

1. Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.

Chế định “phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm” là quy định mới của BLTTHS năm 2015, nhằm khắc phục những bất cập khi thực hiện BLTTHS năm 2003 và TTLT số 06/2013 trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tuy nhiên, Điều luật chỉ quy định phục hồi nguồn tin trước đó đã tạm đình chỉ, không đề cập việc phục hồi (giải quyết) nguồn tin trước đó đã tạm dừng. Thực tế, rất nhiều địa phương khi thực hiện BLTTHS năm 2003, TTLT số 06/2013 và Quyết định số 1319/QĐ-BCA-C41 ngày 20/3/2015 của Bộ Công an về Quy trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong Công an nhân dân đã tạm dừng việc kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm rất nhiều vụ việc; đối với những nguồn tin này hiện nay chưa biết giải quyết như thế nào.

Mặc dù có nhiều tiến bộ và giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế áp dụng; tuy nhiên, quá trình thực hiện, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập đặc biệt là thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm như đã phân tích nêu trên. Trong thời gian chờ sửa đổi bổ sung Bộ luật, thiết nghĩ Liên ngành Trung ương cần sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2017 để công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp phápcủa người tham gia tố tụng, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa./.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.