Để đảm bảo thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng và các chủ thể khác có liên quan, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đã có nhiều quy định về việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự nói chung. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về vấn đề xử lý vật chứng của vụ án hình sự là tài sản thế chấp, gây vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật.
Xử lý vật chứng vụ án hình sự là tài sản thế chấp
1. Quy định của pháp luật về xử lý vật chứng vụ án hình sự là tài sản thế chấp
1.1. Chủ thể có thẩm quyền xử lý vật chứng
Vật chứng trong tố tụng hình sự (TTHS) là phương tiện quan trọng để chứng minh tội phạm. Vật chứng là những vật thể tồn tại ngoài thế giới khách quan có chứa đựng dấu vết của tội phạm được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập dùng làm căn cứ để chứng minh tội phạm[1]. Vật chứng thu giữ được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn và hư hỏng. Việc xử lý vật chứng được thực hiện theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Bộ luật Tố tụng hình sự).
Theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra thì thẩm quyền xử lý vật chứng thuộc về Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố thẩm quyền xử lý vật chứng thuộc về Viện kiểm sát. Thẩm quyền xử lý vật chứng thuộc về Chánh án Toà án nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử và thẩm quyền này thuộc về Hội đồng xét xử nếu vụ án đã đưa ra xét xử.
1.2. Biện pháp xử lý vật chứng
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định việc xử lý vật chứng được thực hiện như sau: vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy (khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự). Ngoài ra, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền cũng có thể: i) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; ii) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; iii) Nếu vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không được bán thì tiêu huỷ; iv) Nếu vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự). Bộ luật Tố tụng hình sự cũng hướng dẫn trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì tranh chấp này được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy, khi thu được vật chứng là tài sản nói chung, tuỳ vào từng giai đoạn cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ xử lý vật chứng theo nguyên tắc chung là tịch thu nộp ngân sách nhà nước, tịch thu tiêu huỷ, trả lại cho chủ sở hữu/người quản lý hợp pháp, bán hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý. Tuy nhiên, trong trường hợp vật chứng thu được là tài sản thế chấp thì hiện nay pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về phương án xử lý.
1.3. Xử lý vật chứng là tài sản thế chấp
Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) về thế chấp tài sản quy định:
“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp”.
Theo tinh thần của BLDS hiện hành, các bên trong giao dịch dân sự có thể áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là thế chấp tài sản. Tức là, bên thế chấp dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên nhận thế chấp và không phải chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp[2]. Nói cách khác, khi áp dụng biện pháp bảo đảm này, bên thế chấp không cần giao tài sản cho bên nhận thế chấp giữ, nếu không có thoả thuận khác thì bên thế chấp vẫn sử dụng tài sản bảo đảm bình thường, có thể thu các hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc sử dụng tài sản đã dùng để thế chấp.
Điều 318 BLDS quy định, tài sản thế chấp có thể là bất động sản hoặc động sản. Nếu tài sản thế chấp có liên quan đến vụ án hình sự thì tài sản này sẽ bị xử lý theo quy định.
Để phù hợp với tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự, hiện nay chưa có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết về việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản thế chấp. Trước đây, khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 còn hiệu lực, liên ngành Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTC-BTP ngày 24/10/1998 hướng dẫn một số vấn đề về bảo quản và xử lý tài sản là vật chứng, tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự[3]. Theo đó, đối với vật chứng là kho tàng, nhà xưởng, khách sạn, nhà, đất, cũng như các phương tiện sản xuất, kinh doanh khác mà trước đó bị can, bị cáo đã thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án xử lý như sau[4]:
Trường hợp thứ nhất, vật chứng là tài sản được thế chấp hợp pháp cho một hoặc nhiều bên mà hợp đồng thế chấp tài sản vẫn còn thời hạn, thì tuỳ trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho một hoặc nhiều bên đang giữ tài sản thế chấp (người có tài sản thế chấp, người nhận thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp) tiếp tục khai thác, sử dụng tài sản đó. Trong trường hợp, bên đang giữ tài sản thế chấp là người có tài sản thế chấp hoặc người nhận thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì họ được tìm đối tác để khai thác, sử dụng. Cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản thế chấp hoặc người nhận thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản thế chấp là người thứ ba và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản thế chấp hoặc bên nhận thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp, họ không tìm được đối tác thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức hoặc cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.
Trong trường hợp, hợp đồng thế chấp hợp pháp đã hết thời hạn mà bên thế chấp tài sản không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, tài sản thế chấp được giao cho bên nhận thế chấp khai thác, sử dụng hoặc xử lý để thu hồi vốn và lãi sau khi đã lập đầy đủ hồ sơ bảo đảm giá trị chứng minh của tài sản là vật chứng. Phương thức xử lý do các bên trong hợp đồng thế chấp thoả thuận; nếu không thoả thuận được, thì bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bán đấu giá tài sản thế chấp, cầm cố để thanh toán nợ.
Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng tài sản thế chấp và số tiền thu được từ việc xử lý tài sản thế chấp được dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Người khai thác, sử dụng phải lập sổ hạch toán, theo dõi riêng để phục vụ cho việc thi hành bản án, quyết định của Toà án sau này. Nếu Toà án quyết định bên nhận thế chấp không được quyền thanh toán như trên, thì hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền thu được từ việc xử lý tài sản phải trả lại cho người có quyền nhận hoa lợi, lợi tức hoặc số tiền đó, sau khi trừ các chi phí hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng và chi phí việc xử lý tài sản và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Trường hợp thứ hai, hợp đồng thế chấp không hợp pháp, thì trong thời gian chưa có tuyên bố hợp đồng đó bị vô hiệu của Toà án, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án tạm giao tài sản thế chấp cho bên đang giữ tài sản thế chấp tiếp tục khai thác, sử dụng. Trong trường hợp, người đang giữ tài sản là bên có tài sản thế chấp hoặc bên nhận thế chấp không có điều kiện khai thác, sử dụng, nhưng họ tìm được đối tác để khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao cho đối tác đó khai thác, sử dụng tài sản sau khi có thoả thuận bằng văn bản giữa người có tài sản thế chấp hoặc người nhận thế chấp và đối tác nhận khai thác, sử dụng tài sản. Nếu người đang giữ tài sản thế chấp là người thứ ba và họ không có điều kiện khai thác, sử dụng, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp tài sản, người đó phải trả lại tài sản cho bên có tài sản thế chấp hoặc bên nhận thế chấp để những người này tìm đối tác khai thác, sử dụng. Trong trường hợp, họ không tìm được đối tác khai thác, sử dụng, thì cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án có thể giao tài sản cho tổ chức, cá nhân có điều kiện khai thác, sử dụng trên cơ sở thoả thuận bằng văn bản giữa cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án và tổ chức, cá nhân nhận khai thác, sử dụng tài sản.
Người khai thác, sử dụng tài sản có trách nhiệm bảo quản, khai thác, sử dụng và không được làm mất mát, hư hỏng, không được phát mại, chuyển quyền sở hữu cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Hoa lợi, lợi tức thu được tạm thời giao cho người đang giữ tài sản hoặc người khai thác, sử dụng quản lý cho đến khi có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Trường hợp thứ ba, tài sản là vật chứng được dùng để thế chấp cho nhiều bên, trong đó có bên hợp pháp và có bên không hợp pháp, thì tuỳ từng trường hợp cụ thể, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ án chỉ cho phép bên có tài sản thế chấp, bên nhận thế chấp hợp pháp hoặc người thứ ba đang giữ tài sản của họ nhận khai thác, sử dụng. Trong trường hợp này, tài sản được giao để bảo quản, sử dụng, khai thác không được xử lý để thu hồi vốn trước khi kết thúc vụ án.
Hoa lợi, lợi tức thu được được tạm thời dùng để thanh toán nợ cho bên nhận thế chấp hợp pháp cho đến khi có quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Toà án, sau khi đã trừ các chi phí thực tế hợp lý cho việc bảo quản, khai thác, sử dụng tài sản thế chấp và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực”. Đồng thời, Mục 10 Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ cũng hướng dẫn: “Đối với các văn bản quy định chi tiết của các luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản thay thế, Chính phủ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới được ban hành…”. Vì vậy, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 đã hết hiệu lực nhưng liên ngành Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp chưa ban hành Thông tư liên tịch mới thay thế cho Thông tư liên tịch số 06/1998, đồng thời những nội dung được hướng dẫn trước đây vẫn có những điểm còn phù hợp với tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự nên có thể sử dụng Thông tư liên tịch số 06/1998, làm cơ sở hướng dẫn xử lý vật chứng là tài sản thế chấp trong vụ án hình sự.
2. Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
2.1 Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng áp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản thế chấp
Như đã phân tích, do chưa có văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề xử lý vật chứng là tài sản thế chấp nên trên thực tế, việc áp dụng luật trong xử lý vật chứng gặp những vướng mắc nhất định. Ví dụ trong vụ án hình sự[5]sau:
Ngày 21/9/2018 và ngày 22/9/2018, Phan Ngọc R điều khiển xe ôtô tải đi trộm cắp tài sản là gỗ keo nguyên liệu. Công an đã thu giữ xe ô tô tải. Quá trình điều tra đã xác định được xe ô tô tải mà Phan Ngọc R dùng làm phương tiện đi trộm cắp là tài sản chung của vợ chồng R mua năm 2016 với số tiền là 137.000.000 đồng. Ngày 07/3/2018, Phan Ngọc R dùng xe ô tô tải thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để vay số tiền 70.000.000 đồng, đến ngày 07/3/2019 thì hết hạn hợp đồng. Giấy tờ gốc của xe ô tô (đăng ký, đăng kiểm, chứng nhận bảo hiểm) do Ngân hàng quản lý. Phan Ngọc R bị Viện kiểm sát nhân dân huyện P truy tố về tội “trộm cắp tài sản”.
Trong vụ án này, có nhiều quan điểm khác nhau về việc xử lý vật chứng được thu giữ (xe ô tô tải) như:
Quan điểm thứ nhất: Xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Phan Ngọc R được xác định là phương tiện phạm tội, R dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản, thì áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS), điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, tịch thu sung vào ngân sách nhà nước (nếu vợ Phan Ngọc R biết R dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản). Tịch thu ½ giá trị xe để sung vào ngân sách nhà nước, trả lại cho vợ Phan Ngọc R ½ giá trị xe ô tô tải (nếu vợ R không biết R dùng xe ô tô tải làm phương tiện đi trộm cắp tài sản). Việc Phan Ngọc R dùng xe ô tô tải để thế chấp tại Ngân hàng không làm mất đi quyền sở hữu của Phan Ngọc R khi Phan Ngọc R dùng làm phương tiện phạm tội thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Quan điểm thứ hai: Xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Phan Ngọc R, nhưng Phan Ngọc R đã dùng xe ô tô tải để thế chấp tại Ngân hàng vay số tiền là 70.000.000 đồng. Vì vậy, giao lại xe cho Ngân hàng để Ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo (vì đã hết thời hạn vay, nhưng Phan Ngọc R không có khả năng trả nợ).
Quan điểm thứ ba: Xe ô tô tải là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Phan Ngọc R, nhưng Phan Ngọc R đã dùng xe ô tô tải để thế chấp tại Ngân hàng vay số tiền là 70.000.000 đồng. Tuy nhiên, xe ô tô tải mua ban đầu với số tiền là 137.000.000 đồng. Do đó, áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 BLHS; điểm a khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu xe ôtô tải, giao cho Ngân hàng bán đấu giá để thu hồi số tiền mà bị cáo R đã vay là 70.000.000 đồng và tiền lãi (vì đã hết thời hạn vay, nhưng Phan Ngọc R không có khả năng trả nợ). Số tiền bán xe ôtô tải sau khi trừ tiền vay, lãi và chi phí bán đấu giá còn lại (nếu còn) chia đôi, trả cho vợ Phan Ngọc R ½ số tiền. Tịch thu sung vào ngân sách nhà nước ½ số tiền (phần của Phan Ngọc R).
Thực tế cũng đã có trường hợp, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử lý vật chứng là tài sản bảo đảm hướng theo điểm thứ nhất ở vụ án trên[6]:
Nguyễn Thị A (ngụ tại thành phố Vũng Tàu) là chủ sở hữu 3 tàu đánh cá (số hiệu: BV-9244-TS, BV-9342-TS, BV-5741-TS) và đã thế chấp cho Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu (cho 3 hợp đồng tín dụng với tổng nợ gốc 2.250.000.000 đồng, thời hạn vay 12 tháng và 60 tháng) theo các hợp đồng thế chấp số 0612.0278 ngày 24/11/2006, số 0612.0299 ngày 28/12/2006 và số 0744.0003 ngày 10/01/2007 (các hợp đồng thế chấp đã được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch bảo đảm tại TP. Hồ Chí Minh). Tháng 4/2007, Nguyễn Thị A cùng 4 đồng phạm khác dùng 3 tàu trên đi biển để cắt cáp viễn thông. Khi bị khởi tố hình sự, cơ quan điều tra đã kê biên và giao 3 tàu cá cho gia đình A quản lý. Tại Bản án sơ thẩm số 83/2008/HS-ST ngày 04/04/2008, Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên: Nguyễn Thị A và các đồng phạm khác phạm vào tội “phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”, với các mức án từ 3 đến 12 năm tù; xét thấy: trước khi các bị cáo sử dụng 3 tàu đánh cá làm phương tiện phạm tội thì 3 tàu này đã được thế chấp hợp pháp cho ngân hàng nên bản án đã giao cho Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng thi hành án và gia đình bà A thanh lý trước hạn 3 hợp đồng tín dụng, xử lý bán 3 tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay, phần giá trị còn lại, nếu có, tịch thu sung quỹ nhà nước. Ngày 18/4/2008, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có kháng nghị số 210/VKS đề nghị Toà phúc thẩm căn cứ Điều 41 BLHS tuyên xử tịch thu 3 chiếc tàu để sung quỹ nhà nước (các bị cáo cũng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt).
Tại phiên toà phúc thẩm ngày 19/9/2008, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên kháng nghị và Hội đồng xét xử đã tuyên bác các kháng cáo và chấp nhận kháng nghị về việc xử lý tịch thu 3 tàu cá là vật chứng, với nhận định mặc dù 3 tàu cá được thế chấp hợp lệ nhưng việc thế chấp không làm mất đi quyền sở hữu (của A với 3 tàu cá) nên vẫn đủ điều kiện tịch thu.
Có thể thấy rằng, nếu hiểu và áp dụng pháp luật như quan điểm thứ nhất sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận thế chấp hợp pháp và cũng không đúng với tinh thần của Thông tư liên tịch số 06/1998.
Đối với quan điểm thứ hai, nếu chỉ xử lý vật chứng theo hướng giao tài sản cho bên nhận thế chấp cùng những người có liên quan phát mại, thanh lý hợp đồng thế chấp giữa các bên trước đó sẽ không phù hợp với quy định về hướng xử lý vật chứng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tác giả cho rằng, việc xử lý vật chứng là tài sản thế chấp như quan điểm thứ ba là hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người tham gia tố tụng và những chủ thể khác có liên quan, đồng thời phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, BLDS. Tuy nhiên, hướng xử lý này vẫn chỉ dừng lại ở quan điểm cá nhân, cần thiết phải có hướng dẫn chính thức từ cơ quan có thẩm quyền để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, hiệu quả.
2.2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Để bảo đảm việc áp dụng quy định của pháp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được thống nhất, hiệu quả, tác giả cho rằng, cần ban hành văn bản mới thay thế cho Thông tư liên tịch số 06/1998 theo hướng đối với vật chứng của vụ án hình sự là tài sản mà bị can, bị cáo đã thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán thì Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ án xử lý như sau:
a) Trường hợp thứ nhất, vật chứng là tài sản thế chấp chỉ thuộc quyền sở hữu/sử dụng của người bị buộc tội. Nếu hợp đồng thế chấp đúng pháp luật, còn thời hạn, tài sản còn giá trị sử dụng thì giao cho bên nhận thế chấp sử dụng, khai thác cho đến khi hết hạn hợp đồng. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc sử dụng, khai thác đó được khấu trừ vào nghĩa vụ hợp đồng thế chấp sau khi đã thanh toán các chi phí phát sinh từ việc sử dụng, khai thác tài sản cho đến khi bên nhận thế chấp được thanh toán đủ giá trị hợp đồng thế chấp. Hết thời hạn hợp đồng thế chấp mà hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác, sử dụng đã đủ để thanh lý hợp đồng thì tịch thu tài sản, sung quỹ Nhà nước. Trường hợp hết thời hạn trong hợp đồng thế chấp mà hoa lợi, lợi tức chưa đủ để thanh toán nghĩa vụ thì phát mại tài sản để thanh lý hợp đồng thế chấp sau khi đã thanh toán các chi phí phát sinh từ việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp. Giá trị tài sản thế chấp sau khi bán phát mại còn lại sau khi thanh lý hợp đồng thế chấp được tịch thu, sung quỹ Nhà nước. Nếu bên nhận thế chấp không thể trực tiếp sử dụng, khai thác thì có thể thoả thuận với bên thứ ba theo quy định của BLDS để khai thác, sử dụng.
Nếu hợp đồng thế chấp đúng pháp luật, hết thời hạn, tài sản thế chấp còn giá trị sử dụng: phát mại để thanh lý hợp đồng, phần giá trị của tài sản nếu còn thì tịch thu, sung quỹ Nhà nước. Trường hợp phát mại tài sản thế chấp nhưng vẫn không đủ để thanh lý hợp đồng thì hướng dẫn các bên trong hợp đồng thế chấp giải quyết tiếp theo thủ tục tố tụng dân sự.
Nếu hợp đồng thế chấp đúng pháp luật nhưng tài sản thế chấp hư hỏng/không còn giá trị sử dụng thì hướng dẫn bên nhận thế chấp yêu cầu giải quyết quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu hợp đồng thế chấp không đúng pháp luật thì yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng vô hiệu, tịch thu tài sản, sung quỹ Nhà nước.
b) Trường hợp thứ hai, vật chứng là tài sản thế chấp thuộc quyền sở hữu/sử dụng của nhiều người trong đó có người bị buộc tội nhưng nghĩa vụ của hợp đồng thế chấp chỉ liên quan đến người bị buộc tội. Nếu hợp đồng thế chấp đúng pháp luật, còn thời hạn, tài sản còn giá trị sử dụng thì giao cho những chủ sở hữu/người sử dụng còn lại hoặc bên nhận thế chấp tiếp tục khai thác, sử dụng. Sau khi thanh toán chi phí cho việc khai thác, sử dụng, phân chia quyền lợi cho đồng chủ sở hữu/sử dụng, việc thanh lý hợp đồng thế chấp giữa người bị buộc tội và bên nhận thế chấp được thực hiện tương tự như đoạn 1 mục a.
Nếu hợp đồng thế chấp đúng pháp luật, hết thời hạn, nghĩa vụ trong hợp đồng thế chấp chỉ liên quan đến người bị buộc tội, tài sản còn giá trị sử dụng thì phát mại, chia theo phần để xác định giá trị tài sản thuộc sở hữu của người bị buộc tội sau đó thanh lý hợp đồng thế chấp, nếu giá trị không đủ để thanh lý thì hướng dẫn bên nhận thế chấp yêu cầu giải quyết quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự. Sau thanh lý hợp đồng thế chấp, giá trị tài sản nếu còn được tịch thu, sung quỹ Nhà nước. Phần giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu của các bên khác thì thanh toán cho các bên khác, nếu các bên khác không đồng ý thì hướng dẫn giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản đúng pháp luật, tài sản thế chấp hư hỏng, không còn giá trị sử dụng thì hướng dẫn các bên giải quyết quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự. Trường hợp hợp đồng thế chấp tài sản không đúng pháp luật thì yêu cầu Toà án tuyên hợp đồng vô hiệu, phát mại tài sản để xác định giá trị tài sản thuộc sở hữu của người bị buộc tội để tịch thu, sung quỹ Nhà nước. Giá trị tài sản thuộc sở hữu của các bên khác thì trả lại cho các bên khác, nếu họ không đồng ý thì hướng dẫn họ yêu cầu giải quyết quyền lợi theo thủ tục tố tụng dân sự./.
THS. NGUYỄN PHƯƠNG ANH
Khoa Pháp luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội
Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 01 (401), tháng 01/2020
Dẫn nguồn từ Chuyên trang học luật trực tuyến
[1]PGS,TS. Nguyễn Ngọc Chí – TS. Lê Lan Chi (đồng chủ biên) (2019), Giáo trình Luật TTHS Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.222.
[2]ThS. Đoàn Thị Ngọc Hải (2018), “Thế chấp tài sản – Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2376, truy cập ngày 15/ 01/2020.
[3]Sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 06/1998.
[4]Mục 5 Phần I Thông tư liên tịch số 06/1998.
[5] Phan Thị Lan (TAND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) (2019), Xử lý vật chứng của vụ án là tài sản thế chấp như thế nào cho đúng?, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/xu-ly-vat-chung-cua-vu-an-la-tai-san-the-chap-nhu-the-nao-cho-dung, truy cập ngày 15 tháng 01 năm 2020.
[6] LS. Đỗ Hồng Thái (2008), “Vấn đề xử lý vật chứng là tài sản bảo đảm tiền vay nhìn từ một vụ án”, Tạp chí Ngân hàng , Hà Nội, số 21/2008.