Khi giải quyết vụ án có nhiều bị can, có một bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu thì Cơ quan điều tra (giai đoạn điều tra) phải chờ hết thời hạnđiều tra và Viện kiểm sát (giai đoạn truy tố) phải chờ hết thời hạn quyết định việc truy tố sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ án.T
Tại khoản 1 Điều 160 BLTTHS năm 2003 quy định “…Trong trường hợp chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu thì chỉ tạm đình chỉ điều tra khi đã hết thời hạn điều tra…”
Tại điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tạm đình chỉ trong giai đoạn điều tra “Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án…”
Tại điểm b khoản 1 Điều 247 BLTTHS năm 2015 quy định trong giai đoạn truy tố: “Viện kiểm sátquyết định tạm đình chỉ vụ án trong các trường hợp: a) khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố…”
Quá trình giải quyết vụ án có nhiều bị can (có thể trong giai đoạn điều tra hoặc giai đoạn truy tố), mặc dù thời hạn điều tra chưa hết nhưng cơ quan tiến tụng đã có đủ căn cứ xác định hành vi phạm tội của tất cả các bị can, đủ cơ sở để kết thúc điều tra đề nghị truy tố hoặc truy tố theo tội danh tương ứng.
Tuy nhiên, lúc này có bị can bỏ trốn, không biết rõ bị can đang ở đâu và việc kết thúc điều tra đề nghị truy tố (hoặc truy tố) các bị can còn lại không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Để giải quyết vấn đề trên, căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 229 BLTTHS năm 2015, điểm b khoản 1 Điều 247 BLTTHS năm 2015 và các phân tích ở trên thì Cơ quan điều tra (hoặc Viện kiểm sát) phải chờ đến khi hết thời hạn điều tra (hoặc hết thời hạn quyết định việc truy tố) để tiến hành tạm đình chỉ đối với bị can bỏ trốn và ban hành K tết luận điều tra đề nghị truy tố (hoặc Cáo trạng) để truy tố các bị can còn lại. Quy định này gây khó khăn trong công tác khi không thể sớm hoàn thành việc điều tra (hoặc truy tố), kéo dài thời gian giải quyết vụ án chỉ để chờ xác định bị can bỏ trốn đang ở đâu chứ không nhằm thực hiện thêm hoạt động tố tụng nào khác. Nếu vụ án có bị can đang bị tạm giam và sắp hết thời hạn tạm giam thì Cơ quan điều tra (hoặc Viện kiểm sát) không thể chủ động kết thúc giai đoạn điều tra (hoặc giai đoạn truy tố) để chuyển cơ quan tiến hành tố tụngkhác tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, tại điểm a khoản 2 Điều 242 BLTTHS năm 2015 quy định về việc tách vụ án khi bị can bỏ trốn trong giai đoạn truy tố như sau:
“Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can: a) Bị can bỏ trốn…” nhưng không có quy định tương tự về việc tách vụ án trong giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, theo quy định trên, Viện kiểm sát chỉ được tách vụ án khi đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Như vậy, quy định trên vẫn chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn trên. Viện kiểm sát vẫn phải chờ hết thời hạn quyết định việc truy tố để đồng thời ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can bỏ trốn, quyết định tách vụ án và ban hành Cáo trạng truy tố các bị can còn lại.
Theo ý kiến của tác giả thì BLTTHS nên quy định theo hướng: Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu và việc giải quyết các bị can còn lại không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án thì Cơ quan điều tra (hoặc Viện kiểm sát) tiến hành tách vụ án đối với bị can bỏ trốn. Sau đó, Cơ quan điều tra (hoặc Viện kiểm sát) ban hành Kết luận điều tra đề nghị truy tố (hoặc Cáo trạng) để truy tố các bị can còn lại. Đối với bị can bỏ trốn, khi hết thời hạn điều tra (hoặc hết thời hạn quyết định việc truy tố) mà vẫn không biết rõ bị can đang ở đâu thì tiến hành tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can trong vụ án đã tách.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)