Việc tham gia của Điều tra viên khi được triệu tập đến phiên tòa xét xử các vụ án hình sự

Mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội; quyền con người ngày càng được nâng cao và bảo vệ.
Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 ra đời, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Những chế định quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015 là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền tố tụng thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; mọi hành vi phạm tội đều được phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời, chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội; quyền con người ngày càng được nâng cao và bảo vệ.
Bộ luật TTHS năm 2015 đã được sửa đổi căn bản và toàn diện gồm 510 điều, được bố cục thành 9 phần, 36 chương. Trong đó, bổ sung mới 176 điều, sửa đổi 317 điều, giữ nguyên 17 điều, bãi bỏ 26 điều. Các chế định quy định trong Bộ luật TTHS năm 2015 thể hiện tính khoa học, tiến bộ và có tính khả thi cao; đã tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định. Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung thẩm quyền của Toà án nhân dân đó là: Trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án (Điều 296 Bộ luật TTHS). Khi tiến hành xét xử vụ án, xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến của mình để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố (Điều 317 Bộ luật TTHS).
Trong phạm vi bài viết, tác giả muốn đề cập từ góc độ thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự về sự tham gia của Điều tra viên thuộc lực lượng Công an nhân dân tại phiên toà xét xử hình sự và một số kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt trách nhiệm của Điều tra viên khi được triệu tập đến phiên toà hình sự.
Vậy, vấn đề đặt ra là sự cần thiết phải bổ sung chế định xét thấy cần thiết Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên đến phiên toà và sự cần thiết phải yêu cầu Điều tra viên trình bày ý kiến tại phiên toà. Trường hợp nào được coi là cần thiết để Hội đồng xét xử quyết định triệu tập Điều tra viên đến phiên toà và tại phiên Toà xét xử thì trong trường hợp nào Hội đồng xét xử yêu cầu Điều tra viên trình bày ý kiến và những nội dung mà Điều tra viên cần trình bày để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng của mình trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự. Từ góc độ thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân cho thấy cần thiết phải làm rõ những vấn đề sau đây:

1. Về sự cần thiết phải bổ sung chế định Toà án có thẩm quyền triệu tập Điều tra viên thụ lý vụ án đến phiên toà xét xử hình sự

Bộ luật TTHS quy định mô hình tố tụng hình sự Việt Nam là tố tụng thẩm vấn và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, theo đó trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra; cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Cơ quan Viện kiểm sát và Cơ quan Toà án). Người bị buộc tội có quyền, nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Do đó, các tài liệu, chứng cứ được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên…) thu thập trong giai đoạn điều tra có trong hồ sơ vụ án là chứng cứ rất quan trọng, được coi là có giá trị chứng minh để Hội đồng xét xử đánh giá, xác định hành vi phạm tội của bị cáo. Chính vì vậy, để giúp Hội đồng xét xử ban hành Bản án hình sự được chính xác, khách quan, minh bạch, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người người vô tội, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, Điều 296, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án là hết sức cần thiết, quy định này đã giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ ở giai đoạn xét xử.
Qua thực tiễn xét xử nhiều vụ án hình sự do các Cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ, trong giai đoạn xét xử nhiều Điều tra viên thụ lý vụ án đã được Toà án triệu tập đến phiên Toà để trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng của mình đang điều tra vụ án. Như vụ án Hoàng Thị Vấn, bị truy tố, xét xử về tội giết người xảy ra ngày 5/2/2012 tại phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, vụ án đã được đưa ra xét xử nhiều lần, đến các ngày 15 – 16/8/2018 khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, Hội đòng xét xử của Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã triệu tập Điều tra viên thụ lý vụ án đến để làm rõ một số nội dung; đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tiếp tục triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên thụ lý vụ án đến phiên toà. Vụ án Bùi Văn Thành trú tại xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, Hà Nội cùng đồng phạm can tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác”. Ngày 10/8/2018 khi xét xử vụ án, Hội đồng xét xử vụ án của Toà án nhân dân huyện Mê Linh đã triệu tập Điều tra viên thụ lý vụ án đến làm rõ tính khách quan trong việc hỏi cung bị can. Kết quả xét xử các vụ án trên cho thấy, lời trình bày của các Điều tra viên tại phiên tòa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ban hành Bản án hình sự được minh bạch, khách quan, chính xác.

2. Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc triệu tập Điều tra viên, những người có thẩm quyền tố tụng đến phiên Toà và việc tổ chức để tạo điều kiện cho họ trình bày ý kiến của mình tại phiên Toà

Điều 296 Bộ luật TTHS quy định: Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án. Điều luật chưa quy định rõ thế nào là: “khi xét thấy cần thiết” thế nào là “có thể”. Quy định như vậy mang tính tuỳ nghi, dẫn đến không thống nhất về nhận thức, sẽ xảy ra trường hợp áp dụng điều luật theo ý chủ quan của Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Nếu chỉ quy định Hội đồng xét xử mới có thẩm quyền triệu tập thì trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, thấy có một số nội dung cần thiết phải yêu cầu Điều tra viên nêu ý kiến để làm rõ, thì Thẩm phán phải chờ đến khi xét xử tại phiên toà, Hội đồng xét xử mới triệu tập Điều tra viên đến phiên toà.
Điều 317 Bộ luật TTHS quy định: Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố. Như vậy, tư cách tham gia tố tụng của những người này như thế nào, có phải là người chứng kiến hay không. Trong giai đoạn điều tra, truy tố thì Họ là những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đặc biệt là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm thông thường là người tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án trong các giai đoạn điều tra, truy tố, dẫn đến sự không thống nhất trong việc nhận thức vai trò, vị trí của những người đã tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử khi được triệu tập đến phiên tòa.
Cần có hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất nhận thức, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử áp dụng hiệu quả hai điều luật này.

3. Trường hợp nào được coi là “cần thiết” để Toà án quyết định triệu tập Điều tra viên đã thụ lý vụ án đến phiên Toà

Mặc dù Bộ luật TTHS không quy định rõ trường hợp nào là cần thiết để triệu tập Điều tra viên đến phiên Toà. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự do Cơ quan điều tra thuộc lực lượng Công an nhân dân tiến hành điều tra cho thấy một số trường hợp sau đây được coi là cần thiết triệu tập Điều tra viên đã thụ lý điều tra vụ án đến phiên Toà để Hội đồng xét xử làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng của họ:
Thứ nhất, kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án và xét hỏi tại phiên toà phản ánh quá trình điều tra, ban đầu bị cáo nhận tội, sau đó phản cung không khai nhận hành vi phạm tội và tại phiên toà bị cáo có khiếu nại hoặc tố cáo cho rằng Điều tra viên đã có những hành vi bức cung, mớm cung, dùng nhục hình buộc bị cáo phải khai theo theo ý chủ quan của Điều tra viên, các nội dung ghi nhận tội trong các biên bản hỏi cung bị can là do Điều tra viên ép phải khai, không khách quan, không phản ánh sự thật của vụ án. Trong phần xét hỏi, Hội đồng xét xử vẫn chưa làm rõ được.
Thứ hai, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án, bị cáo có đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh trong quá trình điều tra vụ án, Điều tra viên đã có hành vi bắt bị can ký khống các biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, sau đó tự điền nội dung lời khai theo ý của Điều tra viên, dẫn đến nội dung lời khai của bị cáo không đúng với ý trí của bị cáo. Nhưng đến phần xét hỏi, vẫn chưa làm rõ được tính khách quan của lời tố cáo của bị cáo.
Thứ ba, tại phiên toà xét xử vụ án, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị cáo, người làm chứng, người bị hại và người liên quan có ý kiến cho rằng nội dung bản kết luận điều tra vụ án của Cơ quan điều tra là không có căn cứ, không khách quan, không đúng với bản chất nội dung vụ án và tố cáo Điều tra viên có những hành vi tố tụng trái pháp luật (Giả mạo các tài liệu, chứng cứ; tạo ra các tài liệu chứng cứ không có thật…) dẫn đến làm sai lệch hồ sơ vụ án, ảnh hưởng đến quyền của bị cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác đã đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên đến để làm rõ.
Thứ tư, trong quá trình xét xử, Hội đồng xét xử thấy có dấu hiệu xác định Điều tra viên đã thực hiện các hành vi tố tụng trái pháp luật (xử lý vật chứng không đúng quy định, có dấu hiệu sửa chữa nội dung các biên bản điều tra; việc thu thập tài liệu, chứng cứ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định của khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 của Liên ngành Tư pháp Trung ương, xét thấy cần thiết phải triệu tập Điều tra viên đến phiên toà để làm rõ.
Thứ năm, những người tham gia tố tụng khác (Người làm chứng; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; Người chứng kiến…) có ý kiến cho rằng quá trình điều tra, Điều tra viên không đảm bảo quyền của họ khi tham gia tố tụng như từ chối yêu cầu bồi thường trách nhiệm dân sự; không phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ khi được Cơ quan điều tra triệu tập đến làm việc…thấy cần thiết phải triệu tập Điều tra viên để làm rõ.
Thứ sáu, trong giai đoạn xét xử đối với vụ án, Hội đồng xét xử có nghi ngờ về tính khách quan của các tài liệu, chứng cứ chứng minh do Điều tra viên đã thu thập trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cần thiết phải triệu tập Điều tra viên đến phiên toà để làm rõ.
Thứ bảy, trong quá trình xét xử đối với vụ án, theo yêu cầu của Kiểm sát viên giữ quyền công tố, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác nếu xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên thụ lý vụ án đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.

 4. Những kiến nghị, giải pháp để triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chế định (triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa) quy định tại Điều 296, Điều 317 Bộ luật tố tụng hình sự

Để việc triển khai thực hiện thẩm quyền triệu tập Điều tra viên và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác đến phiên toà trình bày ý kiến để làm rõ những hành vi, quyết định tố tụng của mình trong giai đoạn điều tra theo đúng trình tự quy định của tố tụng hình sự, bảo vệ quyền, lợi ích của các bên trong tố tụng hình sự, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử ban hành Bản án, Quyết định tố tụng khác được khách quan, chính xác, đúng pháp luật, theo chúng tôi cần thực hiện một số nội dung sau:
– Đề nghị liên ngành Tư pháp Trung ương ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 296, Điều 317 Bộ luật TTHS. Cần quy định rõ những trường hợp nào được coi là cần thiết phải triệu tập Điều tra viên và những người có thẩm quyền đã tiến hành tố tụng đến phiên toà; Tại phiên toà thì trường hợp nào Hội đồng xét xử được coi là cần thiết yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác phải trình bày ý kiến về hành vi, quyết định tố tụng của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự; cần xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của Điều tra viên, người có thẩm quyền tố tụng khác khi được triệu tập đến phiên toà; xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác đã tiến hành tố tụng đối với vụ án khi được Hội đồng xét xử yêu cầu trình bày ý kiến tại phiên toà về hành vi, quyết định tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án.
– Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam là tố tụng thẩm vấn và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Do đó, các tài liệu, chứng cứ đã thu thập trong giai đoạn điều tra có trong hồ sơ vụ án là chứng cứ rất quan trọng, được coi là có giá trị chứng minh để Hội đồng xét xử đánh giá, xác định hành vi phạm tội của bị cáo. Chính vì vậy, để giúp Hội đồng xét xử ban hành Bản án hình sự được chính xác, khách quan, minh bạch, không làm oan người người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, trong giai đoạn điều tra vụ án Điều tra viên nói chung, Điều tra viên của các Cơ quan điều tra thuộc Công an nhân dân cần nâng cao, nhận thức trách nhiệm khi trình bày ý kiến về hành vi, quyết định tố tụng của mình trong giai đoạn điều tra vụ án.
Để thực hiện tốt vấn đề này thì khi được phân công thụ lý xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; khởi tố, điều tra vụ án hình sự Điều tra viên cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự; khi thực hiện các hành vi, quyết định tố tụng của mình để điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh vụ án, chứng minh hành vi phạm tội của bị can, Điều tra viên phải công tâm, khách quan, minh bạch, quan tâm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Gắn trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp với công việc được phân công. Chú trọng việc nghiên cứu, trau đồi chuyên môn nghiệp vụ thông qua các văn bản pháp luật, các quy định hướng dẫn của ngành, liên ngành để thực hiện công tác điều tra đạt hiệu lực, hiệu quả cao. Tránh tình trạng điều tra vụ án mang tính chất cảm tính, chủ quan, tương tự.
Khi được triệu tập tham gia phiên tòa, Điều tra viên cần rà soát lại toàn bộ kết quả điều tra vụ án, kiểm tra lại những hành vi, quyết định tố tụng của mình trong quá trình điều tra thu thập chứng cứ đối với vụ án có đúng quy định pháp luật hay không. Từ đó, có thể trả lời đầy đủ, chính xác những nội dung theo yêu của Hội đồng xét xử. Tránh trường hợp Điều tra viên tham gia phiên tòa một cách hình thức, trình bày ý kiến một cách qua loa hoặc lúng túng, thiếu tự tin, bản lĩnh tại phiên tòa dẫn đến không bảo vệ được kết luận điều tra của Cơ quan điều tra hoặc trả lời không đúng hoặc không đầy đủ những nội dung đã thực hiện trong quá trình điều tra gây nên hiểu lầm cho Hội đồng xét xử hoặc những người tham gia phiên tòa khác, dẫn đến hậu quả vụ án có thể bị hủy, bị đình chỉ hoặc bị trả hồ sơ vụ án yêu cầu điều tra bổ sung. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò, trách nhiệm của Cơ quan điều tra nói chung, Cơ quan điều tra thuộc lực lượng Công an nhân dân nói riêng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
– Để việc thực hiện thẩm quyền triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa và việc yêu cầu Điều tra viên và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác trình bày ý kiến về hành vi, quyết định tố tụng đã thực hiện trong giai đoạn điều tra vụ án. Khi tiến hành xét xử vụ án, Hội đồng xét xử cần phải thật thận trọng, khi xem xét quyết định triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác đến phiên Toà phải thấy thực sự cần thiết mới triệu tập. Tại phiên toà, mặc dù đã triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác đến phiên Toà nhưng phải thận trọng khi yêu cầu họ trình bày ý kiến. Các vấn đề yêu cầu Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác trình bày ý kiến và việc điều hành những người khác tham gia phiên toà trình bày nội dung phải rõ ràng, minh bạch, tránh yêu cầu chung chung không cần thiết.

TS. Lê Minh Long

Viện trưởng VKSND tỉnh Cao Bằng

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

024 3755 8809