Về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015.

Hành vi cho vay nặng lãi hiện nay đang có xu hướng lan rộng ở cả thành thị và nông thôn; tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội, làm gia tăng tội phạm khác như: cố ý gây thương thương tích, cướp tài sản hoặc cưỡng đoạt tài sản… Việc xử lý hình sự đối với tội phạm “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là hết sức cần thiết và có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Tóm tắt nội dung vụ án:
Trong thời gian từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2018 Nguyễn Văn B đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết về pháp luật và hoàn cảnh khó khăn của người dân, nên Nguyễn Văn B  đã làm các tờ rơi quản cáo có nội dung cho vay nhanh, gọn; không cần thế chấp; giải ngân trong ngày, Nguyễn Văn B đã cho 53 người với 119 lượt vay tại các huyện  trong tỉnh QN, tổng số tiền 524.000.000 đồng, đến lúc bị bắt Nguyễn Văn B đã thu được 463.470.000 đồng. Trong đó: tiền gốc là 355.385.240 đồng, tiền lãi là 108.084.760 đồng, lãi suất thấp nhất là 319%/năm, cao nhất là 473%/năm cao hơn so với quy định trong Bộ luật dân sự từ 16,45 đến 23,65 lần (trong đó lãi xuất 20% theo Bộ luật dân sự là 6.572.603 đồng, lãi suất vượt trên 20% là 101.512.157 đồng) và 25.050.000 đồng tiền công thu thêm.
Trong quá trình truy tố và xét xử, các Cơ quan tiến hành tố tụng đã thống nhất về tội danh Nguyễn Văn B phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015; Tuy nhiên trong việc áp dụng các biện pháp tư pháp vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến xác định tư cách của người vay (bên nhận nợ) là người Bị hại được quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 hay Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Quan điểm thứ nhất: Người vay (bên nhận nợ) là người Bị hại được quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do đó trong quá trình xét xử phải tuyên trả lại người vay đối với tiền lãi vay 108.084.760 đồng và tiền thu thêm (phụ thu) 25.050.000 đồng vì đây là thiệt hại của người vay theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với tiền cho vay 524.000.000 đồng : Đây là phương tiện sử dụng vào việc phạm tội căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 nên phải tuyên sung công quỹ nhà nước.
Quan điểm thứ hai: Người vay (bên nhận nợ) là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 do đó số tiền thu lợi bất chính là 101.512.157 đồng mà Nguyễn Văn B đã phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” (108.084.760 đồng – 6.572.603 đồng) phải bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước theo điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đối với khoản lãi được pháp luật cho phép (20%/năm) là 6.572.603 đồng và số tiền cho vay 524.000.000 đồng là giao dịch dân sự mà nhà nước không cấm nên các bên tự thỏa thuận.
Quan điểm thứ ba: Người vay (bên nhận nợ) là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được quy định tại Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và xác định hợp đồng vay mượn này là giao dịch dân sự vô hiệu vì vi phạm điều cấm của pháp luật nên áp dụng Điều 123, 131 Bộ luật Dân sự năm 2015, các bên “hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” tức là bên cho vay hoàn trả toàn bộ khoản lãi vay 108.084.760 đồng và khoản thu thêm 25.050.000 đồng cho bên vay và bên vay trả lại toàn bộ gốc cho bên cho vay là 524.000.000 đồng.
Tác giả bài viết cho rằng, quan điểm thứ hai là đúng, vì:
Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” là loại tội phạm nằm trong chương xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; giao dịch dân sự vay và cho vay tài sản  nhà nước không cấm và được quy định từ Điều 463 đến Điều 471 Chương “ Hợp đồng vay tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất quy định tại Điều 468 cao nhất không được vượt quá 20%/ năm; như vậy nhà nước chỉ điều chỉnh khoản lãi xuất vượt trên 20% và chỉ bị điều chỉnh bởi pháp luật hình sự khoản lãi vay gấp 5 lần mức cao nhất do Bộ luật Dân sự quy định;
Do đó Số tiền thu lãi vượt quy định  101.512.157 đồng ( số lãi suất trên 20%)  và số tiền thu thêm là 25.050.000 đồng (tiền thu ngoài lãi xuất) là tiền thu lợi bất chính nên phải bị tịch thu nộp ngân sách Nhà nước; bởi vì Bên vay chấp nhận lãi suất mà Nguyễn Văn B đã đưa ra tuy không bị ép buộc nhưng so với quy định của pháp luật là trái pháp luật hình sự,  bên đi vay cũng có lỗi. Căn cứ điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015 phải bị tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
Đối với số tiền gốc  524.000.000 đồng ( tiền cho vay)  và lãi vay trong khoảng 20% theo quy định của Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là giao dịch dân sự các bên tự thỏa thuận vì không vi phạm điều cấm của pháp luật./.
024 3755 8809