Vận dụng học thuyết về vật quyền trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự 2015

So với Bộ luật dân sự 2005, Bộ luật dân sự 2015 có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, một trong những thay đổi nổi bật là việc vận dụng học thuyết vật quyền trong việc xây dựng các phần và chế định. Việc vận dụng học thuyết vật quyền đối được thể hiện rõ nét thông qua việc ghi nhận các nguyên tắc, các đặc tính của vật quyền trong Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

1. Nguyên tắc vật quyền luật định (numerus clausus): nguyên tắc này có nguồn gốc từ học thuyết numerus clausus (numerus clausus doctrine)[1] – học thuyết pháp lý có lịch sử lâu đời, đã xây dựng nên hệ thống luật tài sản từ thời La Mã. Học thuyết numerus clausus rất ít thay đổi từ thời Justinian.
Trong luật tài sản hiện đại, học thuyết numerus clausus hiện diện trong các hệ thống pháp luật với những mức độ và bản chất không giống nhau. Trong hệ thống luật thành văn, cho dù minh thị hay ngầm định học thuyết numerus clausus luôn được ghi nhận trong BLDS. Danh sách cũng như nội dung của các vật quyền được ghi nhận mang tính giới hạn, thường là dưới 10 vật quyền. Ngược lại trong hệ thống common law, danh sách các vật quyền được ghi nhận thường phong phú, và có sự trộn lẫn giữa các loại vật quyền truyền thống.[2]
2. Nguyên tắc vật quyền tuyệt đối: sự chi phối thứ hai của học thuyết vật quyền đối với Bộ luật dân sự 2015 thể hiện qua nguyên tắc vật quyền tuyệt đối – khái quát hóa đặc tính hiệu lực tuyệt đối của vật quyền. Đặc tính này được thể hiện dưới hai khía cạnh:
+ Người có vật quyền được tác động trực tiếp lên đối tượng của vật quyền mà không phụ thuộc vào hành vi của người khác. Đặc tính này bắt nguồn từ lý thuyết cho rằng vật quyền là quyền nằm ngay trong vật (jus in re).
+ Người có vật quyền có thể viện dẫn vật quyền của mình để chống lại bất cứ chủ thể nào khác có hành vi cản trở sự hưởng thụ độc quyền của mình, tức là người có vật quyền có khả năng đối kháng với mọi chủ thể khác (erga omnes). Đặc tính này chính là tiêu chí quan trọng để phân biệt với trái quyền mà cụ thể là ảnh hưởng của quyền này đối với người thứ ba.
3. Nguyên tắc công khai: là nguyên tắc cơ bản nhằm bảo đảm tất cả mọi chủ thể đều có thể biết đến sự tồn tại của vật quyền cũng như sự dịch chuyển của nó. Bộ luật dân sự 2015 ghi nhận nguyên tắc này thông qua quy định buộc người nắm vật quyền có đối tượng là bất động sản phải đăng ký[3] và quy định đòi hỏi người nắm vật quyền đối với động sản phải chiếm hữu thực tế tài sản.[4]
4. Nguyên tắc kép: nguyên tắc này một mặt cho phép chủ thể nắm giữ vật quyền được tự do thực hiện trực tiếp các quyền năng luật định lên vật[5] và buộc mọi chủ thể khác đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng đó[6], mặt khác, cũng buộc chủ thể có vật quyền phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể khác[7] và phải chịu trách nhiệm trong trường hợp việc thực hiện vật quyền gây thiệt hại cho người khác[8].
5. Đặc tính cụ thể : sự ảnh hưởng của học thuyết vật quyền trong phần “quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” là sự thể hiện đặc tính cụ thể của vật quyền – một hệ quả của đặc tính công khai, cho phép xác định được đối tượng của vật quyền bởi đặc tính này chỉ rõ mỗi vật quyền chỉ có thể được xác lập và gắn với một vật xác định. Đặc tính này trong Bộ luật dân sự 2015, được ghi nhận dưới góc độ quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản sẽ chấm dứt khi đối tượng của các vật quyền này không còn tồn tại[9].
6. Đặc tính ưu tiên: đặc tính này cho phép người có vật quyền có lợi thế hơn so với các chủ thể không có vật quyền với ghi nhận trong quyền ưu tiên thanh toán của các chủ nợ có bảo đảm so với quyền của các chủ nợ không có bảo đảm trong việc cho phép chủ thể nắm vật quyền có quyền được ưu tiên thanh toán hơn so với các chủ nợ khác thông qua quy định về hiệu lực đối kháng với người thứ ba[10].
7. Đặc tính truy đòi: đặc tính truy đòi, cũng là hệ quả của đặc tính đối kháng.
8. Đặc tính tuyệt đối của quyền sở hữuvới tư cách là vật quyền chính, đặc tính tuyệt đối của quyền sở hữu thể hiện thông qua hai khía cạnh: thứ nhất là chủ sở hữu có quyền nắm giữ và thực hiện các quyền năng của mình trực tiếp trên đối tượng của quyền sở hữu, hưởng dụng và định đoạt đối tượng của quyền sở hữu hoàn toàn theo ý chí của mình một cách tuyệt đối nhất (dominium), miễn là không trái với quy định của luật[11]; thứ hai là chủ sở hữu có quyền chống lại mọi chủ thể khác có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình hay cho phép chủ sở hữu ngăn cấm (không cho phép) các chủ thể khác tiếp cận, khai thác, sử dụng hay hưởng hoa lợilợi tức do đối tượng của quyền sở hữu mang lại[12]. Nói cách khác, đặc tính này mang lại cho chủ sở hữu quyền thống trị tuyệt đối đối với đối tượng của quyền sở hữu. Như vậy, vật quyền của chủ sở hữu tồn tại ngay trên đối tượng của quyền sở hữu (jus in re) và tạo cho chủ sở hữu khả năng đối kháng với mọi chủ thể khác. Hệ quả của đặc tính đối kháng này là tạo cho chủ sở hữu quyền theo đuổi và quyền ưu tiên.
Đặc tính vĩnh viễn của quyền sở hữu cho phép quyền năng của chủ sở hữu tồn tại song hành với sự tồn tại của đối tượng quyền sở hữu[13]. Điều này có nghĩa là về nguyên tắc quyền sở hữu chỉ chấm dứt khi đối tượng của quyền sở hữu không còn. Nói cách khác, đặc tính này chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa chủ sở hữu và đối tượng của quyền sở hữu. Đây là lý do mà hệ thống pháp luật của một số quốc gia luôn xem xét đặc tính này trong mối quan hệ với đặc tính cụ thể (speciality)[14] của vật quyền.
9. Về các vật quyền khác: quyền sở hữu không phải là vật quyền duy nhất được thừa nhận mà hệ thống lý thuyết về vật quyền còn thừa nhận một số vật quyền được thiết lập trên tài sản của người khác. Ngay trong luật La Mã cổ, vật quyền được thiết lập trên tài sản của người khác đã được phân loại theo chức năng thành dịch quyền theo vật (praedial servitudes), dịch quyền theo người (personal servitudes) và các quyền bảo đảm.
* Quyền địa dịch
Quyền địa dịch là dịch quyền theo vật bắt nguồn từ thực tế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vùng đất của người có vùng đất liền kề với vùng đất của mình để khai thác hiệu quả mảnh đất của mình.  Chẳng hạn như có lối đi cho người và gia súc hay thoát nước… Căn cứ vào thực trạng đó các học giả La Mã đã đặt ra các quy tắc của quyền địa dịch. Đó là:
– Phải có tình trạng hai mảnh đất phải liền kề nhau hoặc rất gần nhau (vicinitas)
– Hai mảnh đất không thể thuộc quyền sở hữu của người. Dựa trên lý luận này, câu châm ngôn “nulli res sua servit” được áp dụng cho mọi địa dịch.
– Quyền địa dịch là không thể bị chiếm hữu. Điều này xuất phát từ lập luận quyền địa dịch là vô hình do đó không thể bị chiếm hữu có trước thời hoàng đế Justinian  và sau này không được áp dụng nữa.
– Quyền địa dịch phải đi kèm với một lợi ích vật chất hay nói cách khác là mảnh đất hưởng địa dịch cần phải được lợi từ sự tồn tại của tình trạng địa dịch, theo châm ngôn La Mã là “utilitas fundi”.
– Quyền địa dịch phải được thực hiện một cách hợp lý do đặc tính của quyền sở hữu là tính tuyệt đối và người La Mã nhận thức được quyền địa dịch đã đặt gánh nặng lên quyền sở hữu của người có mảnh đất chịu địa dịch.
– Quan trọng nhất là không thể áp đặt một nghĩa vụ tích cực lên mảnh đất chịu địa dịch (servitus in faciendo consistere nequit). Theo quy tắc này, chủ sở hữu của mảnh đất chịu địa dịch chỉ phải chịu tình trạng địa dịch nhưng không buộc phải thực hiện những nghĩa vụ mang tính tích cực. Nói cách khác là chủ sở hữu mảnh đất chịu địa dịch chỉ có nghĩa vụ duy nhất là đảm bảo chủ sở hữu mảnh đất hưởng địa dịch có thể thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, luật La mã cũng ghi nhận một ngoại lệ của servitus in faciendo consistere nequit là “oneris ferrendi”, theo đó chủ sở hữu tòa nhà chịu địa đó buộc phải hỗ trợ cho tòa nhà lân cận.
Việc ghi nhận quy tắc cuối cùng cho thấy các luật gia La Mã đã nhận thức được hiệu lực của quyền địa dịch đối với quyền sở hữu, đó là sự tồn tại của quyền địa dịch đã đặt một gánh nặng lên quyền sở hữu và do đó đã hạn chế quyền tự do của chủ sở hữu.
* Quyền hưởng dụng
Khác với loại dịch quyền thứ nhất, loại dịch quyền thứ hai tồn tại dưới dạng dịch quyền theo người – dịch quyền không gắn liền với đất mà gắn liền với người nắm giữ quyền không phải là chủ sở hữu của mảnh đất. Dịch quyền theo người bao gồm: ususfructus (quyền hưởng dụng); usus (quyền sử dụng) và habitation (quyền cư ngụ). Quyền hưởng dụng là quyền sử dụng một đối tượng nhất định và hưởng lợi từ đối tượng đó. Quyền hưởng dụng là một dịch quyền hoàn toàn theo người, điều đó có nghĩa là quyền này có mối liên hệ chặt chẽ với người hưởng dụng, do đó, quyền hưởng dụng sẽ chấm dứt khi người có quyền hưởng dụng chết. Ban đầu đối tượng của quyền hưởng dụng chỉ có thể là đất nhưng sau đó đối tượng của quyền hưởng dụng được mở rộng đến cả động sản, thậm chí còn có thể được xác lập trên toàn bộ tài sản của người khác.
Một trong những yêu cầu khắt khe đối với quyền hưởng dụng là đối tượng của quyền hưởng dụng phải tồn tại nguyên vẹn, có nghĩa rằng nếu đối tượng của quyền hưởng dụng bị thay đổi thì quyền này sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, người có quyền hưởng dụng có thể sử dụng đối tượng của quyền hưởng dụng, thậm chí còn có thể bán hoa lợi thu được từ đối tượng của quyền hưởng dụng. Như vậy, luật La mã đã chỉ ra việc trao cho người khác quyền hưởng dụng chính sẽ lấy đi hầu hết các quyền năng của chủ sở hữu.
Liên hệ mật thiết với quyền hưởng dụng là quyền sử dụng (usus). Đây là quyền cho phép người nắm quyền chỉ có quyền sử dụng một đối tượng nhất định nhưng không có quyền hưởng hoa lợi từ đối tượng đó. Theo đó các quy tắc áp dụng cho quyền sử dụng giống hệt các quy tắc áp dụng cho quyền hưởng dụng. Sau đó, người La mã đã tách quyền cư ngụ (habitation) từ quyền sử dụng.
Đặc tính tuyệt đối của quyền hưởng dụng thể hiện thông qua việc người hưởng dụng có thể thực hiện quyền của mình chống lại tất cả mọi người, thậm chí quyền của người hưởng dụng còn được bảo đảm trong mối tương quan với quyền sở hữu[15]. Đặc tính tuyệt đối còn thể hiện ở quyền của người hưởng dụng trong việc cho phép hoặc ngăn cấm các chủ thể khác tiếp cận, khai thác, sử dụng hay hưởng hoa lợi, lợi tức do đối tượng của quyền hưởng dụng mang lại[16].
Đặc tính theo người của quyền hưởng dụng thể hiện ở việc vật quyền này gắn liền với nhân thân của người hưởng dụng, điều đó có nghĩa là khi người có quyền hưởng dụng chấm dứt sự tồn tại thì quyền này cũng chấm dứt.[17]
Đặc tính có thời hạn của quyền hưởng dụng thể hiện thông qua thời hạn hưởng quyền không mang tính vĩnh viễn mà chỉ tồn tại trong một thời hạn nhất định[18].
Đặc tính bảo toàn giá trị của đối tượng của quyền hưởng dụng thể hiện ở nghĩa vụ của người hưởng dụng trong việc giữ nguyên giá trị đối tượng của quyền hưởng dụng và phải hoàn trả lại đối tượng này đúng với giá trị ban đầu khi hết thời hạn hưởng quyền.[19]
Quyền bề mặt
Lý thuyết vật quyền ghi nhận về việc cho phép một người được sử dụng các tài sản của người khác. Những quyền này ban đầu không phải là vật quyền mà là trái quyền. Về sau do sự phát triển của chúng, chúng được xem là vật quyền. Do luật La mã chỉ thừa nhận cho phép công dân La Mã (ius Civile) có quyền sở hữu đất ở Ý và đất ngoài nước Ý chỉ có thể trở thành đối tượng của một quyền tương tự với quyền sở hữu nhưng không phải là quyền sở hữu tuyệt đối (Dominium) nên ở ngoài nước Ý, người ta thừa nhận quyền thuê đất (ager vectigalis). Quyền này sẽ cho phép người thuê nắm giữ mảnh đất trong một thời hạn hoặc vĩnh viễn bằng việc trả một khoản tiền.
Bên cạnh ager vectigalis, ban đầu luật La Mã tiền cổ ban đầu còn thừa nhận quyền có nhà trên đất trống của thành phố và sau đó cũng thừa nhận quyền có nhà trên đất tư trên cơ sở trả một khoản tiền với thời hạn không xác định hoặc có thể xác định theo thỏa thuận của các bên. Quyền này, được gọi là quyền bề mặt (superficies). Quyền bề mặt là một quyền rất đặc biệt bởi về nguyên tắc luật La Mã cho rằng bất cứ vật gì gắn liền với đất đều là một phần của đất (superficies solo cedit), theo đó nhà trên đất được coi là một phần của đất và là một phần của quyền sở hữu đất. Tuy nhiên, do luật La Mã sử dụng thống nhất khái niệm quyền sở hữu nên việc chủ sở hữu của ngôi nhà và chủ sở hữu mảnh đất đều có quyền sở hữu trên cùng một đối tượng ở cùng một thời điểm là bất khả thi. Do vậy, luật La Mã thiết kế quyền bề mặt với ý nghĩa quyền này không trao cho người nắm quyền quyền sở hữu ngôi nhà trên đất mà cho phép người nắm quyền có nhà trên đất của người khác.
Quyền bề mặt được các phán quan La mã bảo vệ bằng biện pháp ngăn cấm (interdictum de superficiebus) và cùng với sự cấm chiếm hữu, các biện pháp này cho phép người có quyền bề mặt có thể chống lại bất cứ ai xâm phạm đến quyền của mình, do đó quyền bề mặt có đặc tính của vật quyền. Ban đầu quyền bề mặt được xác lập thông qua thừa kế, về sau người La mã còn thừa nhận quyền này được xác lập qua mua bán và tặng cho.
10. Về vật quyền bảo đảm
Ngoài những quyền được dự định để phục vụ cho việc sử dụng tài sản như quyền sử dụng tài sản của người khác hoặc nghĩa vụ để người khác sử dụng tài sản của mình, luật La Mã cũng ghi nhận những quyền nhằm để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bảo đảm trong luật La Mã gồm: bảo đảm đối nhân và bảo đảm đối vật. Trong đó bảo đảm đối nhân được hình thành trên cơ sở thoả thuận và chỉ có hiệu lực giữa các bên là hình thức bảo đảm rất phổ biến trong luật La Mã, theo đó chủ nợ có thể thu hồi nợ từ một người khác (người bảo đảm) trong trường hợp con nợ không thể trả được nợ của mình. Bên cạnh bảo đảm đối nhân, còn có những thỏa thuận bảo đảm có hiệu lực chống lại tất cả mọi người (bảo đảm đối vật).
Các biện pháp bảo đảm đối vật ra đời nhằm phá vỡ nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ nợ (Paritas creditorum) qua việc cho phép một chủ nợ đạt được một vị thế ưu tiên hơn so với các chủ nợ khác. Ý tưởng chính của việc tạo ra biện pháp bảo đảm đối vật là việc con nợ chuyển quyền chiếm hữu một hoặc một số tài sản nhất định là động sản hoặc bất động sản cho chủ nợ để bảo đảm cho khoản vay. Theo đó, tồn tại 4 dạng: Một là, con nợ trao cả quyền sở hữu và quyền chiếm hữu thực tế tài sản cho chủ nợ; Hai là, trao quyền sở hữu cho chủ nợ, nhưng vẫn giữ lại quyền chiếm hữu tài sản; Ba là, con nợ giữ quyền sở hữu tài sản, nhưng trao quyền chiếm hữu cho chủ nợ cho đến khi trả nợ; Bốn là, con nợ giữ cả quyền sở hữu và quyền chiếm hữu nhưng trao cho chủ nợ một quyền tài sản. Bốn dạng này đại diện cho các giai đoạn phát triển của biện pháp bảo đảm đối vật.
Luật La Mã biết đến bốn dạng này dưới thuật ngữ “macincipatio cum fiducia” hoặc “in iure cessia cum fiducia” thường được biết đến là fiducia; pignus, và hypotheca. Đặc tính chính xác của biện pháp bảo đảm đối vật  được thể hiện qua các thuật ngữ này rất khó xác định và sau đó đã gây ra một số tranh cãi trong giới học giả luật La Mã. Tuy nhiên, định nghĩa bước đầu của các thuật ngữ này đã chỉ ra rằng: fiducia là bảo đảm đối vật mà theo đó con nợ sẽ chuyển giao quyền sở hữu cho chủ nợ và đôi khi có thể trao cả quyền chiếm hữu thực tế cho chủ nợ; pignus là biện pháp bảo đảm theo đó con nợ giữ lại quyền sở hữu và chỉ chuyển giao quyền chiếm hữu thực tế cho chủ nợ; và hypotheca là biện pháp bảo đảm theo đó con nợ giữ lại cả quyền sở hữu và quyền chiếm hữu thực tế nhưng trao cho chủ nợ một quyền tài sản.[20]
Nội dung của pignus hay hypotheca được xác định theo thỏa thuận của các bên, theo đó chủ nợ có quyền đối với tài sản không phải là quyền sở hữu và trong trường hợp cần thiết chủ nợ có thể sử dụng quyền này đối kháng với tất cả mọi người. Thỏa thuận cũng có thể chỉ ra hình thức trả nợ cụ thể như nếu chủ nợ có quyền chiếm hữu thực tế tài sản và tài sản đó tạo ra hoa lợi thì hoa lợi được sử dụng để trả lãi (nếu có thỏa thuận về lãi) hoặc để trả cho chính khoản nợ đó hoặc chủ nợ sẽ được hưởng những hoa lợi trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực. Thỏa thuận cũng có thể dự liệu giải pháp cho phép chủ nợ được quyền giữ tài sản cầm cố nếu con nợ không trả được nợ. Ngoài ra, luật La Mã cổ còn cho phép chủ nợ được quyền bán tài sản cầm cố mặc dù chủ nợ không phải là chủ sở hữu bởi cho rằng quyền bán tài sản cầm cố đã được ngầm định trong thỏa thuận cầm cố. Tuy nhiên, luật La Mã cũng cho phép con nợ nhận lại số tiền còn lại từ số tiền bán tài sản sau khi đã thanh toán khoản nợ.[21]
Nhìn chung, ảnh hưởng rõ nét của học thuyết vật quyền trong các quy định của Bộ luật dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm đối vật được thể hiện rõ qua các quy định ghi nhận các đặc tính quan trọng của các biện pháp bảo đảm đối vật gồm: là vật quyền phụ thuộc, đặc tính đối kháng, đặc tính ưu tiên và đặc tính truy đòi.
Đặc tính vật quyền phụ thuộc của các biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản được thể hiện thông qua sự độc lập của chủ nợ (bên nhận bảo đảm) trong việc thực hiện quyền năng của mình thay vì phụ thuộc vào hành vi thực hiện nghĩa vụ của con nợ (bên bảo đảm), cho phép chủ nợ có thể tác động vào đối tượng bảo đảm, hay chính xác hơn là tác động vào giá trị tiền tệ của đối tượng bảo đảm[22] và do đó đối tượng bảo đảm hay đối tượng của vật quyền được xem là sự dự trữ về giá trị và được sử dụng khi chủ nợ không còn sự lựa chọn khác cho việc thực hiện trái quyền của mình.[23] Tuy nhiên, vật quyền bảo đảm không tồn tại độc lập mà được hình thành nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ chính và vật quyền bảo đảm chỉ được thực hiện khi nghĩa vụ được bảo đảm (nghĩa vụ chính) không được thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thoả thuận hoặc theo quy định của luật mà không thực hiện.
Đặc tính đối kháng của các biện pháp bảo đảm đối vật được thể hiện ở chỗ, mặc dù trong hầu hết các biện pháp bảo đảm đối vật[24] quyền của bên nhận bảo đảm được xác lập trên cơ sở hợp đồng bảo đảm (quan hệ trái quyền), nhưng quyền của bên nhận bảo đảm không chỉ có hiệu lực với bên kia trong quan hệ hợp đồng[25] mà còn có hiệu lực đối kháng (chống lại) bên thứ ba không tham gia xác lập hợp đồng bảo đảm[26] nếu đáp ứng được điều kiện về công khai vật quyền hay công khai hóa giao dịch bảo đảm.
Đặc tính ưu tiên là hệ quả của hiệu lực đối kháng, nghĩa là dựa trên hiệu lực đối kháng, các biện pháp bảo đảm đối vật đã tạo cho bên nhận bảo đảm một đặc quyền ưu tiên (đặc tính ưu tiên), theo đó các biện pháp bảo đảm đối vật cho phép bên nhận bảo đảm được ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ khác và rộng hơn là trước các chủ thể quyền khác có quyền, lợi ích xung đột với bên nhận bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm.[27]
Trên cơ sở các phân tích trên, có thể nhận thấy công cuộc pháp điển hóa luật dân sự ở Việt nam cũng không nằm ngoài quy luật pháp điển hóa nói chung là chịu ảnh hưởng bởi học thuyết vật quyền – một trong những học thuyết pháp lý quan trọng trong đời sống dân sự của nhân loại. Điều này giúp cho Bộ luật dân sự 2015 tương thích hơn với pháp luật tư thế giới cũng như giúp cho tư duy pháp luật dân sự Việt Nam có tính hệ thống cao hơn.

 Lê Thúy Nga – Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

[1] Xem Reinhard Zimmermann. The oxford handbook of comparative law. Oxford University Press. 2008. Page 1053.

[2] Xem Anna di Robilant. Property and Democratic Deliberation: The Numerus Clausus Principle and Democratic Experimentalism in Property Law.  American Journal of Comparative Law, Vol. 62, Issue 2 / Spring 2014. Page 302.

[3] Điều 106 Bộ luật dân sự 2015.

[4] Khoản 2 Điều 310 Bộ luật dân sự 2015.

[5] Khoản 2 Điều 160, Điều 190 Bộ luật dân sự 2015.

[6] Khoản 1 Điều 163 Bộ luật dân sự 2015.

[7] Khoản 2 Điều 160, Khoản 3 Điều 160 và các điều từ Điều 171 đến Điều 178, Điều 190 Bộ luật dân sự 2015.

[8] Điều 172 và khoản 3 Điều 177 Bộ luật dân sự 2015.

[9] Khoản 3 Điều 237, khoản 5 Điều 265, khoản 4 Điều 272 Bộ luật dân sự 2015

[10] Điều 297 Bộ luật dân sự 2015 “1. Biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba từ khi đăng ký biện pháp bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm nắm giữ hoặc chiếm giữ tài sản bảo đảm.
2. Khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba thì bên nhận bảo đảm được quyền truy đòi tài sản bảo đảm và được quyền thanh toán theo quy định tại Điều 308 của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

[11] Khoản 2 Điều 160 và khoản 3 Điều 160 Bộ luật dân sự 2015.

[12] Điều 164 Bộ luật dân sự 2015.

[13] Xem Điều 237.3 Bộ luật dân sự 2015.

[14] Xem National Reports on the Transfer of Movables in Europe. Volume 1: Austria, Estonia, Italy, Slovenia. Page 18, 234, 369,515; National Reports on the Transfer of Movables in Europe.Volume 3: Germany, Greece, Lithuania, Hungary Page 527 National Reports on the Transfer of Movables in Europe Volume 4: France, Belgium, Bulgaria, Poland, Portugal Page 602;

[15] Khoản 1 Điều 263, Điều 263.3, Điều 263.4 Bộ luật dân sự 2015.

[16] Khoản 1 Điều 261 Bộ luật dân sự 2015.

[17] Khoản 1 Điều 260 Bộ luật dân sự 2015.

[18] Điều 257 và Điều 260 Bộ luật dân sự 2015.

[19] Điều 262 Bộ luật dân sự 2015.

[20] Xem Roger J.Goebel. Reconstructing the roman law of real security. Tulane law review. Volume 36.1961. Page 29.

[21] Xem Bram Akkermans. The principles of Numerus Clausus in European property law. 2008. Page 37 – 42.

[22] Khoản 3 Điều 305, khoản 2 Điều 307, khoản 2 Điều 328, khoản 2 Điều 329, khoản 2 Điều 330, Điều 332, khoản 4 Điều 349 Bộ luật dân sự 2015.

[23] Nguyễn Ngọc Điện, “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự“, Tạp chí nghiên cứu lập pháp.

[24] Trừ cầm giữ là biện pháp bảo đảm được xác lập trên cơ sở luật định.

[25] Hiệu lực tương đối.

[26] Hiệu lực tuyệt đối.

[27] Xem Điều 297.2, Điều 308 Bộ luật dân sự 2015.

024 3755 8809