Trong phạm vi bài viết này, những hạn chế của việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án được chỉ ra, cùng với đó là những nguyên nhân cũng như định hướng khắc phục những hạn chế đó.
1. Quy định về trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án cấp sơ thẩm
1.1. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
Có 4 căn cứ để Tòa án trả hồ sơ cho VKS để yêu cầu điều tra bổ sung. Các căn cứ này được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP về quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cụ thể:
Thứ nhất, khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong số những vấn đề được quy định tại Điều 85 BLTTHS mà không thể bổ sung tại phiên tòa được. Theo khoản 2, 3 Điều 3 Thông tư số 02/2017 thì chứng cứ để chứng minh những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự theo điểm a khoản 1 Điều 280 BLTTHS là chứng cứ dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85, Điều 441 của BLTTHS mà nếu thiếu những chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật. Các chứng cứ để chứng minh: có hành vi phạm tội xảy ra hay không; thời gian, địa điểm, những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi; có năng lực trách nhiệm hình sự không; mục đích, động cơ phạm tội; có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không; tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội; những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt; xác định tuổi đối với người dưới 18 tuổi; vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong đồng phạm, phạm tội có tổ chức; xác định trách nhiệm dân sự của từng bị cáo và chứng minh điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
Thứ hai, khi có căn cứ cho rằng bị can hoặc bị cáo còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm. Theo đó, có hai trường hợp có thể xảy ra:
– VKS đã truy tố bị can về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ trong hồ sơ lại cho thấy hành vi của bị can, bị cáo đã thực hiện cấu thành một hay nhiều tội khác.
– Ngoài hành vi phạm tội mà VKS đã truy tố, chứng cứ lại cho thấy còn có căn cứ để khởi tố bị can, bị cáo về một hay nhiều tội khác.
Tuy nhiên, có một vài trường hợp bị can, bị cáo có thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm nhưng Tòa án không trả hồ sơ điều tra bổ sung, đó là:
– Trường hợp VKS truy tố về một hay nhiều tội nhưng chứng cứ lại cho thấy có thể xử bị can, bị cáo về một hay nhiều tội khác tương ứng bằng hoặc nhẹ hơn, xử ít tội hơn số tội mà VKS truy tố.
– Đã có quyết định tách vụ án hoặc có căn cứ để tách vụ án nếu xứt thấy việc tách vụ án đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án (khoản 2 Điều 242 BLTTHS năm 2015).
Thứ ba, khi có căn cứ cho rằng còn đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Thứ tư, khi việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Có thể hiểu, “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là trong quá trình điều tra, tuy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, do đó xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án (khoản 1 Điều 4 thông tư liên tich số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC). Các trường hợp cụ thể được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được liệt kê trong khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tích số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC_BCA-BQP.
1.2. Thẩm quyền, thủ tục, số lần, thời hạn trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
Thứ nhất, về thẩm quyền: Căn cứ khoản 1 Điều 280 BLTTHS, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa là người có thẩm quyền ra quyết định trả hồ sơ bổ sung cho VKS. Nội dung yêu cầu điều tra bổ sung phải ghi rõ trong quyết định.
Thứ hai, về thủ tục trả hồ sơ: Trước tiên, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, nếu phát hiện một trong các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung thì Thẩm phán phải trao đổi với Kiểm sát viên để có biện pháp khắc phục mà không cần trả hồ sơ. Nếu Kiểm sát viên phát hiện căn cứ trả hồ sơ thì có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ. Quyết định trả hồ sơ phải gửi cho VKS cùng cấp kèm theo hồ sơ trong thời hạn 3 ngày từ ngày ra quyết định.
Thứ ba, về số lần Tòa án được trả hồ sơ để điều tra bổ sung: Theo quy định tại khoản 2 Điều 174 BLTTHS 2015 thì trường hợp Tòa án trả hồ sơ thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng, đồng thời Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 lần và HĐXX được trả hồ sơ điều tra bổ sung 01 lần.
Thứ tư, về thời hạn điều tra bổ sung: Theo khoản 2 Điều 274, trường hợp Tòa án trả lại hồ sơ điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng, tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ và yêu cầu điều tra. Vấn đề đặt ra ở đây là luật không có quy định thời hạn VKS chuyển hồ sơ và quyết định điều tra bổ sung cho CQĐT bởi Tòa án trả hồ sơ cho VKS chứ không trả trực tiếp cho cơ quan điều tra. Liên quan đến vấn đề này, Thông tư liên tích số 02/2017 đã có quy định hướng dẫn tuy nhiên cũng mới dừng lại ở quy định chung chung là “VKS ra quyết định…chuyển ngay cho cơ quan điều tra…”. Vậy, “ngay” là bao lâu hiện nay vẫn chưa được giải thích cụ thể.
1.3. Căn cứ, thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên tòa sơ thẩm
Hiện nay, pháp luật TTHS vẫn chưa có quy định cụ thể về căn cứ cũng như thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 326 BLTTHS lại quy định rằng khi kết thúc nghị án, HĐXX phải quyết định một trong số các vấn đề luật định, trong đó có vấn đề “Trả hồ sơ vụ án để VKS điều tra bổ sung; yêu cầu VKS bổ sung tài liệu, chứng cứ”. Như vậy, tại phiên tòa sơ thẩm, khi xét thấy có một trong các trường hợp cần trả hồ sơ điều tra bổ sung như giai đoạn chuẩn bị xét xử, HĐXX hoàn toàn có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
1.4. Thủ tục, số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm.
Thứ nhất, về thủ tục trả hồ sơ: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2017 thì việc trả hồ sơ phải lập thành văn bản, có chữ ký của người có thẩm quyền và ghi rõ nội dung cần điều tra bổ sung, những vi phạm thủ tục tố tụng cần khắc phục. Sau khi nhận được hồ sơ và quyết định trả hồ sơ của Tòa án, nếu xét thấy không thể tự bổ sung, VKS phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định trả hồ sơ của Tòa án không có căn cứ thì VKS gửi văn bản nêu rõ lý do và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án. Đối với cơ quan điều tra, sau khi nhận được hồ sơ phải tiến hành điều tra những nội dung trong quyết định. Sauk hi kết thúc điều tra phải ra kết luận điều tra bổ sung. Tùy thuộc vào kết luận điều tra, VKS thông báo, gửi văn bản cho Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
Thứ hai, về số lần trả hồ sơ của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm: Theo khoản 2 Điều 174 BLTTHS, HĐXX chỉ được trả hồ sơ điều tra một lần.
Như vậy, vấn đề trả hồ sơ điều tra bổ sung trong pháp luật TTHS nước ta đã ngày càng chi tiết và đầy đủ hơn, đáp ứng yêu cầu, diễn biến ngày càng phức tạp của tội phạm.
2. Thực trạng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự những năm gần đây
Theo báo cáo tổng kết công tác ngành và số liệu thống kê kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của ngành kiểm sát, từ năm 2013 đến 2017, Tòa án đã tiến hành trả hồ sơ điều tra bổ sung 9895 vụ trong tổng số 363503 vụ đã thụ lý, chiếm 2,72%. Đồng thời, số vụ trả hồ sơ tăng đỉnh điểm vào năm 2015 (tới 2.578 vụ trong tổng số 71.804 chiếm 3,59%). Trong đó, các vụ trả hồ sơ điều tra bổ sung nhìn chung tập trung vào các tội: Cố ý gây thương tích; cướp tài sản; vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tàng trừ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Thực trạng các trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung tập trung vào các trường hợp: thiếu chứng cứ quan trọng mà không thể bổ sung ngay tại phiên tòa; có mâu thuẫn về chứng cứ trong lời khai của người tham gia tố tụng…
Trước tiên, việc trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn xét xử sơ thẩm có một số ưu điểm sau:
Thứ nhất, nhìn chung các vụ trả hồ sơ đều là cần thiết và có căn cứ. Những vấn đề cần bổ sung cũng được ghi rõ trong các quyết định trả hồ sơ, giúp VKS và cơ quan điều tra nhanh chóng bổ sung những chứng cứ cần thiết để làm rõ vấn đề. Đồng thời, các quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung đều được VKS tiếp nhận và tiến hành điều tra, chuyển cho cơ quan điều tra.
Thứ hai, việc trả hồ sơ được Tòa án thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo pháp luật TTHS. Việc trả hồ sơ được lập thành văn bản ở dạng quyết định, do chủ thể có thẩm quyền ký nhận. Việc giao nhận hồ sơ, quyết định cũng được tiến hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật TTHS.
Thứ ba, các quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án có căn cứ xác đáng, được VKS, cơ quan điều tra thực hiện nghiêm túc, kịp thời, bảo đảm việc xét xử nhanh chóng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là:
Thứ nhất, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án vẫn còn nhiều nhìn chung ở mức khoảng từ 2,26 – 3,59% (theo tổng hợp của vụ Thống kê tổng hợp VKSNDTC từ 2013-2017). Việc trả hồ sơ do thiếu chứng cứ quan trọng thường chiếm tỷ lệ cao, điều này cho thấy khả năng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chưa tốt.
Thứ hai, vẫn còn tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung không có căn cứ xác thực dẫn đến việc VKS từ chối không tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án (Cũng theo thống kê của Vụ thống kê tổng hợp VKSNDTC từ 2011-2015, có 433/9096 vụ Tòa án trả hồ sơ nhưng VKS không chấp nhận). Cá biệt, có trường hợp chứng cứ, tài liệu cần bổ sung nằm trong khả năng của Tòa án khi xét xử, không cần thiết phải trả hồ sơ nhưng vẫn ra quyết định trả hồ sơ cho VKS, làm chậm quá trình giải quyết án cũng như kinh phí phục vụ.
Thứ ba, nhiều trường hợp do kết luận của cơ quan điều tra đã nêu rõ nên Tòa án không thể trả hồ sơ điều tra bổ sung trong khi kết quả nghiên cứu hồ sơ lại cho thấy dấu hiệu chưa khách quan trong kết luận đó. Trong trường hợp này, cách xử lý mà hầu hết các Tòa án áp dụng là làm rõ tại phiên tòa. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn ở mức nhiều như hiện nay.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân khách quan có thể kể đến như: Tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, phạm vi ngày càng lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng ngày càng cao; số lượng án lớn và có xu hướng gia tăng theo các năm trong khi nhiều địa phương còn thiếu cán bộ so với biên chế và sự bất cập, hạn chế của pháp luật trong những quy định về vấn đề này. Bên cạnh đó là nguyên nhân chủ quan, xuất phát từ trình độ, năng lực của những người tiến hành tố tụng còn hạn chế, phiến diện, tinh thần trách nhiệm chưa cao hay sự phối hợp giữa các cơ quan, người tiến hành tố tụng chưa chặt chẽ, chưa có nhiều trao đổi, phối hợp trong hoạt động.
3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
Thứ nhất, quy định của BLTTHS 2015 về vấn đề này nhìn chung có nhiều thay đổi, bổ sung so với quy định trước, có nhiều nội dung mới hoàn toàn. Do đó, cần tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, cơ quan, người tiến hành tố tụng về những nội dung này. Đồng thời, cần nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Tòa án, VKS, Cơ quan Điều tra trong việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong cơ chế phối hợp giải quyết án.
Thứ hai, hiện nay quy định tại điểm b khoản 1 Điều 280 BLTTHS còn tạo ra nhiều trường hợp cho phép Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo đó, chỉ cần có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà VKS đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm thì Tòa án sẽ tiến hành trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không phụ thuộc vào việc hành vi đó có liên quan đến vụ án đang xét xử hay không. Do đó, có thể loại bỏ bớt những trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung bằng cách sửa đổi quy định này theo hướng chỉ nên quy định trường hợp hành vi khác của bị can đã thực hiện có liên quan đến vụ án VKS đã truy tố. Cụ thể, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 280 thành: “Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà VKS đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm và có liên quan đến vụ án mà VKS đã truy tố. Trường hợp bị can thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm nhưng không liên quan đến vụ án sẽ tiến hành khởi tố vụ án mới”.
Thứ ba, hiện nay đang có sự mâu thuẫn giữa quy định tại điểm d khoản 1 Điều 280 BLTTHS và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 02/2017 ở chỗ: Quy định của Thông tư nói rằng, Tòa án không trả hồ sơ điều tra bổ sung nếu có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng trong khi BLTTHS lại quy định vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo quan điểm của tác giả, quy định trong Thông tư là chưa phù hợp bởi như đã trình bày ở trên, hiện nay, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được hiểu là trường hợp BTLLHS quy định bắt buộc phải làm nhưng cơ quan, người tiến hành tố tụng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người tham gia tố tụng. Do đó, khi đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đương nhiên sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người tham gia tố tụng, do đó cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Vì vậy, nên điều chỉnh theo hướng bỏ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 TTLT số 02/2017/TTLT- VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP.
Thứ tư, pháp luật hiện hành không quy định về thời hạn cho VKS xem xét quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án. Đây là thiếu sót và nguyên nhân làm chậm quá trình giải quyết vụ án bởi khi Tòa án trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, VKS sẽ tiến hành xem xét, quyết định tự bổ sung hoặc chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra tiến hành bổ sung các vấn đề mà Tòa án yêu cầu. Vì vậy, nếu không quy định thời hạn cho VKS, việc bổ sung có thể bị chậm và không cơ quan nào có trách nhiệm về sự chậm trễ đó. Do đó, cần bổ sung thêm quy định về thời hạn để VKS xem xét quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án, quyết định tự bổ sung hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để rút ngắn thời gian tố tụng. Theo đề xuất, nếu như thời hạn Tòa án chuyển quyết định, hồ sơ cho VKS là 03 ngày thì cũng nên ghi nhận thời hạn VKS xem xét quyết định: “Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của Tòa án, VKS phải xem xét, quyết định tự bổ sung hoặc chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra”.
Thứ năm, hiện nay Tòa án chỉ được trả hồ sơ điều tra bổ sung tối đa hai lần, một lần ở giai đoạn chuẩn bị xét xử và một lần tại phiên tòa. Quy định như vậy là nhằm hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung một lần vẫn còn những vấn đề cần điều tra bổ sung thêm mới có thể giải quyết vụ án một cách chính xác và khách quan. Trong những trường hợp đó, mặc dù rất cần thiết nhưng vẫn không thể trả hồ sơ điều tra bổ sung, dẫn đến khó khăn trong khi xét xử, ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án. Do đó, cần thay đổi quy định về số lần trả hồ sơ điều tra bổ sung của Tòa án bằng quy định: “Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung chỉ được thực hiện một lần đối với một nội dung nhất định”.
Thứ sáu, cùng với việc ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa án cần phải ra quyết định hoãn phiên phiên tòa. Bản chất của hai quyết định này hoàn toàn khác nhau và việc ban hành mỗi loại quyết định cũng dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau. Bản thân quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung sẽ khiến phiên tòa không thể tiếp tục, nhưng không có nghĩa, khi có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung là phiên tòa sẽ chấm dứt về mặt hình thức. Thay vào đó, phiên tòa vẫn đang tiếp tục được xét xử mặc dù trên thực tế phiên tòa này đã bị dừng lại để chờ kết quả điều tra bổ sung. Do đó, cần bổ sung quy định việc Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa đi kèm với quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thời hạn hoãn phiên tòa trong trường hợp này không giống như các trường hợp quy định tại Điều 297 BLTTHS năm 2015. Do đó, cần có quy định riêng cho trường hợp này là “Thời hạn hoãn phiên tòa sẽ hết khi Tòa án nhận lại hồ sơ và tiếp tục giải quyết vụ án”.
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)