Bộ luật hình sự quy định về tội danh này như sau:
Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc
Các dấu hiệu cấu thành tội tổ chức đánh bạc, gá bạc
I. Mặt khách quan của tội phạm
Hành vi khách quan:
– Đối với tội tổ chức đánh bạc: có hành vi tập hợp, rủ rê, lôi kéo nhiều người (từ hai người trở lên) tham gia vào việc đánh bạc được thua bằng tiền, tài sản hoặc hiện vật dưới các hình thức như: lô, đề, cá độ bóng đá, đá gà, xóc đĩa, đánh bài, đánh cờ… Thông thường người đứng ra tổ chức có sự chuẩn bị, bàn bạc, sắp xếp kế hoạch đánh bạc rồi mới tập hợp, rủ rê những người khác tham gia.
– Đối với tội gá bạc: thể hiện ở hành vi tạo điều kiện về địa điểm cho việc đánh bạc, tức là có hành vi cho thuê, cho mượn hoặc đi thuê, mượn địa điểm (có thể là nhà ở, phòng làm việc, cơ sở kinh doanh…), phương tiện (xe, tàu…) để cho người khác sử dụng làm nơi tụ tập đánh bạc. Bản chất của gá bạc là mục đích trục lợi qua con bạc thông qua việc lấy tiền vào cửa, mua bán tài sản của con bạc với giá rẻ, kinh doanh các dịch vụ ăn uống,…. Hành vi gá bạc cũng là một biểu hiện của hành vi tổ chức đánh bạc và do vậy, hành vi gá bạc được nói đến khi người có hành vi đó không phải là người có hành vi tổ chức đánh bạc.
Cũng như tội đánh bạc, hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đó là hành vi trái phép, tức không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Đối với hành vi tổ chức đánh bạc đã được cấp phép thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
Hai hành vi trên chỉ cấu thành tội phạm nếu thoả mãn dấu hiệu về quy mô tổ chức, hoặc có yếu tố đã bị xử phạt hành chính, chưa xóa án tích. Cụ thể có 5 dạng hành vi như sau (tương ứng với khoản 1 Điều 322 BLHS):
- a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
Ví dụ: Ngày 29/9/2018, Công an huyện G, tỉnh Kiên Giang đã bắt quả tang tại nhà Trương Thúy A, ngụ ấp X, xã H, huyện G, tỉnh Kiên Giang do Lê Văn V tổ chức với 03 chiếu bạc trong phòng khách, phòng ngủ cho 26 con bạc tham gia đánh bài binh 6 lá ăn tiền. Lê Văn V thuê địa điểm, cung cấp chiếu, bài tây, dùng điện thoại rủ rê các con bạc đến địa điểm đánh bạc tại nhà Trương Thúy A. V phân công Lê Thị L trông coi, cung cấp bài, lấy tiền xâu khi V không có mặt tại sòng bạc, trả tiền thuê nhà. Phan Văn Đ thỏa thuận cùng Lê Văn V dùng thuyền đưa đón các con bạc đến địa điểm do V tổ chức. Tổng số tiền các con bạc sử dụng vào mục đích đánh bạc thắng thua tại chiếu bạc thứ nhất là 22.900.000 đồng, tại chiếu bạc thứ hai là 118.900.000 đồng, thứ ba là 192.500.000 đồng. Lê Văn V, Lê Thị L, Phan Văn Đ đủ yếu tố cấu thành tội “Tổ chức đánh bạc” theo điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS.
- b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
Ví dụ: Nguyễn Thị H thuê lô 1 đất và xây nhà nghỉ để làm nơi ở và kinh doanh cho thuê phòng. Quá trình kinh doanh, H cho các đối tượng là tài xế đậu đỗ xe khu vực xung quanh sử dụng căn gác lửng của căn nhà để đánh bạc nhằm bán nước, thuốc lá và thu tiền xâu. Ngày 02/3/2021, Bùi, Văn, Đới, Hoàng, Ngô, Chiến và Nguyễn, đều là tài xế lái xe tải, chạy tuyến Bắc Nam thuê phòng tại nhà nghỉ HT để ở. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, cả nhóm rủ nhau lên gác lửng căn nhà nghỉ của H để đánh bài cào ăn tiền. Lúc này, H đang ở tại quán nên biết và đồng ý cho cả nhóm sử dụng căn gác lửng của nhà nghỉ do H là người quản lý làm nơi đánh bạc. Đến khoảng 21 giờ 30 phút cùng ngày, công an phát hiện, bắt quả tang, tạm giữ tại sòng bạc số tiền 830.000 đồng (trong đó: Số tiền các con bạc đang đặt cược là 530.000 đồng và tiền xâu là 300.000 đồng) và tạm giữ tiền dùng để đánh bạc trên người các con bạc là 44.715.000 đồng.
- c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 01 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
Ví dụ: Trong vụ đánh bạc nêu ở điểm a, Lê Văn V, Lê Thị L, Phan Văn Đ ngoài việc bị truy cứu TNHS ở điểm a khoản 1 Điều 322 BLHS, còn bị TCTNHS về tội “Tổ chức đánh bạc” theo điểm c khoản 1 Điều 322 BLHS.
- d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
- đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc nêu trên hoặc hành vi đánh bạc quy định tại Điều 321 BLHS (Tội Đánh bạc) hoặc đã bị kết án về tội tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc tội đánh bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ví dụ 1: Ngày 24/12/2021, Công an xã Hùng Hòa tiến hành kiểm tra, phát hiện Hiền và một số đối tượng khác đang tổ chức đá gà ăn thua bằng tiền tại bãi đất trống thuộc khu vực ấp Cây Da, xã Hùng Hòa. Khi phát hiện có Công an đến kiểm tra, các đối tượng để gà lại và bỏ chạy. Qua xác minh, Hiền, Nhựt, Thạch Khum đều thừa nhận hành vi tổ chức và tham gia chơi đá gà ăn thua bằng tiền, với tổng số tiền cá cược là 2.000.000 đồng; trong đó Kim Hiền là người đứng ra tổ chức và chủ động tìm kiếm, rủ rê các đối tượng khác cùng tham gia để nhận tiền xâu là 50.000 đồng. Mặc dù số tiền cá cược dưới 5 triệu đồng chưa đủ định lượng để truy cứu TNHS về tội đánh bạc; tuy nhiên tại thời điểm tổ chức đá gà ăn thua bằng tiền, Kim Hiền đang có 01 tiền sự về hành vi đánh bạc trái phép đã bị Công an xã Hùng Hòa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 1.500.000 đồng, đến nay chưa nộp phạt nhưng tiếp tục tái phạm. Do đó, hành vi của Kim Hiền đã đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 322 BLHS.
Hậu quả:
Cũng như tội đánh bạc, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Chỉ cần người phạm tội có hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thỏa mãn dấu hiệu khách quan được quy định trong điều luật thì đã cấu thành tội phạm.
II. Khách thể của tội phạm
III. Mặt chủ quan của tội phạm
Động cơ của người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là tư lợi. Mục đích phạm tội là nhằm thu lợi bất chính từ các con bạc.
IV. Chủ thể của tội phạm
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì những người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc. Đối với những người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được áp dụng những quy định của pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Tham khảo thêm bài viết: Những khó khăn, vướng mắc khi xử lý, định tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo Điều 322 Bộ luật hình sự
V. Về hình phạt
Mức phạt của tội này được chia thành 02 khung tương ứng với 02 khoản được quy định tại Điều 322 như sau:
Khung cơ bản (tương ứng với khoản 1): phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm, áp dụng đối với 05 dạng hành vi (từ điểm a đến điểm đ) đã nêu tại mục I nêu trên
Khung tăng nặng (tương ứng với khoản 2): phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. áp dụng cho trường hợp phạm tội sau:
- a) Có tính chất chuyên nghiệp: Hiện chưa có quy định thế nào là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp. Tuy nhiên có thể vận dụng điểm 3 Điều 5 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 324 BLHS 2015 về tội rửa tiền thì tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 324 BLHS 2015 là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi rửa tiền từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu TNHS, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc rửa tiền làm nguồn thu nhập;
- b) Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. Thu lợi bất chính là toàn bộ số tiền mà cá nhân, tổ chức thu được từ hành vi tổ chức đánh bạc trái phép.
Ví dụ: Từ tháng 1 đến tháng 4/2019, Ngô Bá Khá đã có hành vi tổ chức đánh bạc dưới hình thức ghi số lô, số đề, ăn tiền với những người chơi lô đề trong 44 ngày, với tổng số tiền đánh bạc trên 4,6 tỷ đồng, thu lời bất chính số tiền trên 280 triệu đồng. Nguyễn Văn Quang có hành vi giúp sức cho Khá là trực tiếp ghi số lô, số đề của người chơi, sau đó chuyển lại bảng cáp lô, đề cho Khá, để hưởng phần trăm chênh lệch. Nguyễn Hữu Hội có hành vi giúp sức cho Khá trong việc tính bảng cáp lô đề do Khá chuyển cho để xác định thắng thua và được Khá trả tiền công 300.000 đồng/ngày. Khá bị truy cứu TNHS về tội “Tổ chức đánh bạc” theo điểm b, khoản 2, Điều 322 Bộ luật Hình sự.
- c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội. Công văn 196/TANDTC-PC ngày 04/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là việc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để đánh bạc trực tuyến (như hình thành nên các chiếu bạc online hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để tổ chức đánh bạc, gá bạc). Việc người phạm tội sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử khác như là phương tiện để liên lạc với nhau (ví dụ: nhắn tin qua điện thoại, qua email, zalo, viber…. để ghi số đề, lô tô, cá độ đua ngựa…) mà không hình thành nên các trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật trực tuyến thì không thuộc trường hợp “Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông và các phương tiện điện tử để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 BLHS.
Ví dụ: Khoảng tháng 7/2019, H nhờ T lấy hộ tài khoản tổng cá độ bóng đá để tổ chức cá độ bóng đá. T đã sử dụng điện thoại nhắn tin cho H số tài khoản và mật khẩu đăng nhập. Sau đó H sử dụng điện thoại vào mạng intenet chia nhỏ tài khoản do H cung cấp thành tài khoản nhỏ hơn giao cho N. N lại tiếp tục chia nhỏ thành tài khoản khác giao cho L. Ngày 26/11/2019, L đã sử dụng tài khoản cá độ hai trận bóng đá với tổng số tiền 10.950.000 đồng (Trong đó một trận cá độ 9.450.000 đồng và một trận cá độ 1.500.000 đồng). H, N bị truy cứu TNHS theo điểm c khoản 2 Điều 322 của Bộ luật hình sự về tội “Tổ chức Đánh bạc” với tình tiết định khung, sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội”
- d) Tái phạm nguy hiểm: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 BLHS, những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm: 1. Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc ở khoản 2; 2. Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội tổ chức đánh bạc.
Đối với trường hợp chưa thỏa mãn các dấu hiệu để cấu thành tội phạm tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc như trên, thì người có hành vi tổ chức đánh bạc sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 4, khoản 5 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể:
Điều 28. Hành vi đánh bạc trái phép
Người có hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung. Đối với người nước ngoài thì có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam./.