Tranh chấp đất đai xảy ra ngày càng phổ biến, nhất là khi giá trị quyền sử dụng đất ngày một tăng cao. Để giúp người dân biết về quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, sau đây là thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có Sổ đỏ theo quy định mới nhất.
Hòa giải tranh chấp tại UBND cấp xã
Hiện nay, tất cả các trường hợp tranh chấp đất đai thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 khi các bên không hòa giải được hoặc không hòa giải tại thôn, xóm…thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất để yêu cầu hòa giải.
Lưu ý: Hòa giải tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc. Nếu không qua hòa giải tại UBND cấp xã mà gửi đơn yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa thì sẽ bị trả lại đơn.
– Thời hạn hòa giải tại UBND cấp xã: Không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu.
Theo khoản 4 Điều 202 Luật Đất đai, việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ kỹ của các bên tranh chấp và có xác nhận là hòa giải thành hoặc không thành của UBND cấp xã.
Biên bản hòa giải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại UBND cấp xã.
– Hòa giải tranh chấp đất đai ở UBND cấp xã sẽ xảy tra 1 trong 2 trường hợp:
Trường hợp 1: Hòa giải thành (kết thúc tranh chấp đất đai)
+ Nếu có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.
+ Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Sổ đỏ cho hộ gia đình, cá nhân.
Trường hợp 2: Hòa giải không thành
Khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết.
Xem thêm: Các giấy tờ tại Điều 100 Luật Đất đai 2013.
Như vậy, trong trường hợp các bên tranh chấp có Sổ đỏ hoặc một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất…nếu muốn giải quyết tranh chấp thì chỉ có sự lựa chọn duy nhất là phải khởi kiện tại Tòa án.
Thủ tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân
Bước 1. Chuẩn bị đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ
Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:
– Đơn khởi kiện theo mẫu.
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như: Sổ đỏ hoặc một trong các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100.
– Biên bản hòa giải có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp.
– Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu; chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước nhân dân.
– Các giấy tờ chứng minh khác (Tùy theo yêu cầu khởi kiện của bên khởi kiện – vì theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, ai khởi kiện vấn đề gì thì phải có tài liệu, chứng cứ, chứng minh cho chính yêu cầu khởi kiện đó của mình).
Ví dụ: Tranh chấp ranh giới về thửa đất giữa các hộ gia đình, cá nhân thì phải có:
+ Văn bản đo đạc, xác minh về việc thửa đất bị lấn chiếm;
+ Trích lục hồ sơ địa chính đối với thửa đất có tranh chấp…
Bước 2. Nộp đơn khởi kiện
– Nơi nộp: Tòa án nhân dân cấp huyện có đất đang tranh chấp.
– Hình thức nộp: Nộp bằng 1 trong 3 hình thức sau (khoản 1 Điều 90 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3. Tòa thụ lý và giải quyết
– Nếu hồ sơ chưa đủ mà đúng thẩm quyền của Tòa án thì Tòa án yêu cầu bổ sung.
– Nếu hồ sơ đủ:
+ Tòa thông báo nộp tạm ứng án phí.
+ Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thuế theo giấy báo tạm ứng án phí và mang biên lai nộp cho Tòa.
+ Sau đó Tòa sẽ thụ lý.
Lưu ý:
– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo, người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí và nộp lại biên lai cho Tòa án
– Trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán sẽ thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Thủ tục chuẩn bị xét xử và xét xử
– Chuẩn bị xét xử: Thời hạn 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (Tổng 06 tháng – Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Trong giai đoạn này Tòa sẽ tổ chức hòa giải tại Tòa, nếu các bên không hòa giải thành thì sẽ Tòa sẽ đưa vụ án tranh chấp ra xét xử sơ thẩm (nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ).
– Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu không đồng ý với bản án nếu có căn cứ.
Trên đây là thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có Sổ đỏ hoặc các giấy tờ khác. Theo đó, có thể thấy việc giải quyết tranh chấp đất đai sẽ nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều nếu các bên tự hòa giải hoặc hòa giải thành tại UBND cấp xã.