Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chỉ đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu Bệnh viện K báo cáo, làm rõ thông tin phản ánh, nghiêm túc rà soát lại các quy trình, hành vi thái độ của cán bộ y tế.
Trao đổi với VietNamNet chiều 21/8, ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết đã nắm được thông tin lan truyền trên mạng xã hội liên quan Bệnh viện K trong những ngày gần đây. Vị lãnh đạo này cũng khẳng định cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra.
“Chúng tôi đang chỉ đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu bệnh viện báo cáo cụ thể, làm rõ những thông tin phản ánh, nghiêm túc rà soát lại các quy trình, hành vi thái độ của cán bộ y tế với bệnh nhân, đảm bảo đúng quy định”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Bệnh viện K là đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế, hiện có 3 cơ sở là Quán Sứ, Tam Hiệp, Tân Triều và đang có kế hoạch xây dựng cơ sở 4 tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội).
Mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận gần nửa triệu lượt bệnh nhân khám và điều trị; thực hiện hơn 30.000 cuộc phẫu thuật, hơn 35.000 lượt hóa trị và hơn 15.000 lượt xạ trị.
“Rất nhiều người phản ánh trên mạng, bệnh viện nên xem xét nghiêm túc”
Sau khi VietNamNet đăng tải bài viết “Bệnh viện K phản hồi sau khi bị người phát cháo từ thiện tố cáo” trong đó có thông tin “bệnh nhân đưa 200.000 đồng để được xạ trị sớm”, rất nhiều bạn đọc bày tỏ cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Một độc giả để lại số điện thoại +8497153xxxx cho biết vợ anh bị ung thư gần 1 năm nay, điều trị tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội). “Thực sự, cứ mỗi lần xạ trị phải kẹp 200.000 đồng vào sổ cho nhân viên xạ trị, mỗi lần vệ sinh cá nhân lại phải kẹp 100.000 đồng cho nhân viên. Riêng bác sĩ điều trị thì bồi dưỡng không lấy, còn bảo để tiền chữa bệnh cho bệnh nhân”, vị độc giả này cho biết.
Bạn đọc có tên Trần Linh cho rằng: “Rất nhiều người phản ánh trên mạng xã hội thì bệnh viện nên xem xét nghiêm túc. Hầu hết các bác sĩ viện K mà tôi biết đều có chuyên môn và nhân phẩm tốt nhưng vẫn còn vài cá nhân thì không được như vậy”.
Trong khi nhiều độc giả khác cho rằng việc này rất cần cơ quan điều tra vào cuộc, nếu có cần chấn chỉnh xử lý để bệnh nhân ung thư vơi bớt gánh nặng vì “đã vào đến đây là rất khổ rồi”.
Trước đó, ngày 20/8, Bệnh viện K đã lên tiếng chính thức về những thông tin được lan truyền trên mạng xã hội gần đây.
Cụ thể, thông cáo của bệnh viện nêu: “Trong thời gian qua trên một số nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều video được đăng dưới tên tài khoản TikTok DTT và một số tài khoản khác với nội dung thông tin xuyên tạc, lan truyền có mục đích vu khống, bôi nhọ hình ảnh Bệnh viện K, uy tín cá nhân các y bác sĩ, cán bộ y tế”.
Bệnh viện đã gửi đơn trình báo, tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan quản lý ban ngành, cơ quan chức năng trung ương và địa phương xảy ra vụ việc. Dù “vụ việc đang trong quá trình xử lý theo quy trình pháp luật để nhanh chóng làm rõ và đưa ra kết luận” nhưng phía bệnh viện đã khẳng định “các nội dung trong video đều là những lời bịa đặt, vu khống”.
Nghiêm cấm hành vi “nhũng nhiễu” trong hoạt động khám chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi, có hiệu lực từ năm 2024) nêu rõ 6 nguyên tắc trong khám bệnh, chữa bệnh, trong đó phải “tôn trọng, bảo vệ, đối xử bình đẳng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh” và “tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành”.
Cùng đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh là “nhũng nhiễu”. Khái niệm “nhũng nhiễu” được định nghĩa tại khoản 6 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, đó là “hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”.
Quyết định 2088/BYT-QĐ năm 1996 quy định về 12 điều thuộc tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế nêu rõ: Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh.
Cùng đó, điểm b, khoản 6 Điều 38 Nghị định 117/2020 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi “đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám bệnh, chữa bệnh”; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 3 đến 6 tháng.
Về phía người bệnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi nêu rõ người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề; không được đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.