Quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự

Con người luôn là trung tâm, là mục tiêu hướng đến đầu tiên của quá trình phát triển, do đó, song song với việc phát triển về mọi mặt của xã hội thì vấn đề con người cũng ngày càng được tôn trọng và bảo vệ. Tương tự các quốc gia khác trên thế giới, tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến yếu tố con người, theo đó, ghi nhận các quyền con người bao gồm: quyền về kinh tế, quyền về chính trị, quyền về dân sự,… trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một trong những bộ phận quan trọng của quyền dân sự và được cụ thể hóa tại các Bộ luật dân sựđó là quyền nhân thân của cá nhân.

1. Khái niệm quyền nhân thân

Quyền nhân thân với tư cách là một thuật ngữ pháp lý, lần đầu tiên được nhắc đến trong Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995, nó ra đời và có ý nghĩa là cơ sở pháp lý để bảo vệ cho cá nhân tồn tại với tư cách là một thực thể, một chủ thể độc lập trong cộng đồng. Thông qua việc cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người về dân sự, BLDS năm 1995 xác định quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đây được xem là một bước đổi mới quan trọng trong tư duy, nhận thứccủa các nhà làm luật Việt Nam, cũng là bước tiến đáng ghi nhận, có ý nghĩa đặt nền móng cho sự phát triển quy định về quyền nhân thân trong hệ thống pháp luật dân sự Việt Nam.
Về khái niệm quyền nhân thân, hiện nay trong pháp luật thực định cũng như trong các công trình nghiên cứu khoa học chưa có một định nghĩa nào thống nhất, cụ thể về quyền nhân thân. Dưới nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, các nhà lập pháp, nhà nghiên cứu luật học đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm này.
Quan điểm thứ nhất: tiếp cận quyền nhân thân dưới hai góc độ là góc độ chủ thể và góc độ khách thể. Theo đó:
– Dưới góc độ chủ thể, quyền nhân thân về dân sự được hiểu là quyền con người về dân sự gắn liền với mỗi cá nhân được thụ hưởng với tư cách là thành viên của cộng đồng kể từ thời điểm người đó được sinh ra và bằng các quyền đó, mỗi cá nhân được khẳng định địa vị pháp lý của mình trong giao lưu dân sự, do đó mỗi cá nhân đều có quyền nhân thân riêng và quyền này không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, theo cách hiểu này, quyền nhân thân chính là quyền con người mà cá nhân đó được toàn quyền hưởng và toàn quyền tự định đoạt, có mối quan hệ hữu cơ với mỗi cá nhân kể từ thời điểm cá nhân đó được sinh ra và gắn liền với cá nhân trong suốt cuộc đời.
– Dưới góc độ khách thể, quyền nhân thân về dân sự của cá nhân được hiểu là chế định pháp luật bao gồm các quy định của pháp luật về các quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân để bảo đảm địa vị pháp lý cho mọi cá nhân, là cơ sở pháp lý để cá nhân thực hiện các quyền con người về dân sự trong sự bảo hộ của nhà nước và pháp luật. Theo cách hiểu này, quyền nhân thân chính là các điều luật quy định về quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để cá nhân thực hiện các quyền đó và được bảo vệ quyền khi có hành vi xâm phạm xảy ra.
Với việc tiếp cận khái niệm theo cách này có ý nghĩa cơ bản làm rõ nội hàm quyền nhân thân ở hai góc độ khác nhau nhưng lại có một hạn chế lớn do sự tách biệt hai yếu tố chủ thể và khách thể của quyền nhân thân, dẫn đến định nghĩa quyền nhân thân không có tính hệ thống, bao quát và toàn diện.
Quan điểm thứ hai: cho rằng chỉ những giá trị nhân thân được pháp luật ghi nhận mới được xem là quyền nhân thân, còn những giá trị nhân thân không được ghi nhận thì sẽ không được xem là quyền nhân thân. Quan điểm này có một hạn chế lớn đó là chưa xác định được quyền nhân thân chính là quyền dân sự. Mặt khác, với cách nhìn nhận chỉ những giá trị nhân thân được pháp luật ghi nhận mới được coi là quyền nhân thân, định nghĩa này đã vô hình chung thu hẹp phạm vi quyền nhân thân của con người.
Quan điểm thứ ba: cho rằng quyền nhân thân là quyền dân sự chủ quan gắn liền với cá nhân do nhà nước quy định cho mỗi cá nhân và các cá nhân không thể chuyển giao quyền này cho người khác. So với hai quan điểm trên, quan điểm này được xem là đầy đủ và toàn diện hơn khi nêu được các thuộc tính của quyền nhân thân như: là quyền dân sự, gắn liền với cá nhân, được nhà nước quy định và không thể chuyển giao, đồng thời, khắc phục được hạn chế mà quan điểm thứ hai mắc phải.
Quan điểm thứ tư: nhìn nhận quyền nhân thân theo hai vấn đề, đó là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác. Quan điểm này đã được chuyển hóa vào nội dung quy định trong BLDS năm 2015.
Kế thừa những điểm tiến bộ trong quy định của BLDS năm 2005 về quyền nhân thân, tại khoản 1 Điều 25 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Quy định này phần nào làm rõ khái niệm quyền nhân thân với hai đặc điểm cơ bản: là quyền dân sự gắn liền với cá nhân và không thể chuyển giao cho người khác.
Như vậy, qua việc tìm hiểu những quan điểm khoa học pháp lý đến luật thực định về khái niệm quyền nhân thân cho thấy, hiện nay, còn có nhiều cách nhìn nhận, tiếp cận về quyền nhân thân khác nhau ở nhiều góc độ nhất định.
Tuy nhiên, về cơ bản, các quan điểm nói trên đều thống nhất ở một số điểm chung như sau:
Thứ nhất, quyền nhân thân là một bộ phận của quyền dân sự và quyền này thuộc về cá nhân.
Thứ hai, quyền nhân thân luôn hướng tới những giá trị tinh thần không định giá được như quyền đối với họ tên; quyền được khai sinh; quyền được khai tử; quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền đối với hình ảnh cá nhân; quyền bí mật đời tư; quyền tác giả… Tất cả những quyền này liên quan mật thiết đến những nhu cầu cần có của một cá nhân sống trong xã hội và bất cứ ai cũng không được phép xâm phạm.
Thứ ba, quyền nhân thân không thể chuyển giao cho người khác, nghĩa là quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó có quyền thực hiện hoặc do người đại diện của họ thực hiện trong một số trường hợp do pháp luật quy định.
Xuất phát từ những điểm thống nhất trong một số quan điểm nêu trên và quy định về quyền nhân thân tại Điều 25 BLDS năm 2015, có thể đưa ra định nghĩa về quyền nhân thân như sau: “Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với giá trị tinh thần của mỗi chủ thể, không định giá được bằng tiền và không thể chuyển giao cho chủ thể khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. 

2. Đặc điểm quyền nhân thân

Với bản chất là một bộ phận quyền dân sự, quyền nhân thân có đầy đủ các đặc điểm của quyền dân sự nói chung. Ngoài ra, nó còn mang một số đặc điểm riêng biệt nhằm phân biệt với quyền tài sản. Cụ thể như:
Thứ nhất, quyền nhân thân mang tính chất phi tài sản
Khác với quyền tài sản, đối tượng của quyền nhân thân là một giá trị tinh thần, do đó, quyền nhân thân không biểu hiện bằng vật chất, không quy đổi được thành tiền và mang giá trị tinh thần. Giá trị tinh thần và tiền tệ không phải là những đại lượng tương đương và không thể trao đổi ngang giá. Do vậy, quyền nhân thân không thể bị định đoạt hay mang ra chuyển nhượng cho người khác. Một người không thể kê biên quyền nhân thân của con nợ. Pháp luật quy định cho mọi chủ thể đều bình đẳng về quyền nhân thân. Mỗi một chủ thể có những giá trị nhân thân khác nhau nhưng được pháp luật bảo vệ như nhau khi các giá trị đó bị xâm phạm.
Thứ hai, quyền nhân thân gắn liền với một chủ thể nhất định và không thể chuyển dịch
Mỗi một chủ thể mang một giá trị nhân thân đặc trưng, do đó, quyền nhân thân luôn gắn liền với một chủ thể nhất định. Mặc dù vậy, quyền nhân thân không bị phụ thuộc, chi phối bởi bất kỳ yếu tố khách quan nào như độ tuổi, trình độ, giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội,….
Quyền nhân thân không thể chuyển dịch cho người khác, tức là, quyền nhân thân của mỗi cá nhân chỉ do chính cá nhân đó hoặc trong một số trường hợp do chủ thể khác được pháp luật quy định thực hiện. Quyền nhân thân không thể là đối tượng trong các giao dịch mua bán, trao đổi, tặng, cho,… Trên thực tế xuất hiện nhiều hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân, ví dụ: một người mẫu ký hợp đồng với công ty quảng cáo về việc cho phép công ty đó sử dụng bức ảnh của mình để quảng cáo. Vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu trong trường hợp này có được xem là đối tượng chuyển dịch? Thực chất, đối tượng chuyển dịch trong trường hợp này chính là những bức ảnh của người mẫu đã được chụp mà không phải là quyền nhân thân đối với hình ảnh của người mẫu. Bởi, như đã phân tích ở trên, quyền nhân thân mang giá trị tinh thần, do đó, không thể định đoạt và chuyển giao cho người khác. Trong nghiên cứu mới đây về quyền nhân thân, có quan điểm phân loại quyền nhân thân thành quyền nhân thân cơ sở (hay còn gọi là quyền nhân thân gốc) và quyền nhân thân phái sinh. Quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân theo đúng bản chất của nó, không thể chuyển nhượng. Quyền nhân thân phái sinh là quyền khai thác danh tiếng của một cá nhân với mục đích thương mại. Liên quan đến hình ảnh của cá nhân, quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền nhân thân cơ sở, còn quyền đối với từng bức ảnh cụ thể của cá nhân trong trường hợp ký hợp đồng với công ty quảng cáo nói trên là quyền nhân thân phái sinh.

3. Các quyền nhân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của BLDS năm 2005, hiện nay, tại BLDS năm 2015 ghi nhận quyền nhân thân của cá nhân bao gồm các quyền cụ thể sau: Quyền có họ, tên (Điều 26); Quyền thay đổi họ (Điều 27); Quyền thay đổi tên (Điều 28); Quyền xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29); Quyền được khai sinh, khai tử (Điều 30); Quyền đối với quốc tịch (Điều 31); Quyền của cá nhân đối với hình ảnh (Điều 32); Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (Điều 33); Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 34); Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (Điều 35); Quyền xác định lại giới tính (Điều 36); Chuyển đổi giới tính (Điều 37); Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 38) và Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình (Điều 39). Các quyền nêu trên chính là các quyền nhân thân của cá nhân nhằm xác định tư cách của chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự (ví dụ: quyền về họ, tên, dân tộc, nơi cư trú..) và có tính đặc thù trong quan hệ dân sự, chưa được quy định cụ thể trong Hiến pháp (ví dụ: quyền được khai sinh, khai tử,..) hoặc dễ bị phân biệt đối xử do các định kiến xã hội (ví dụ: quyền xác định lại giới tính). Xét từ vị trí, vai trò của Bộ luật dân sựmối quan hệ của Bộ luật này với Hiến pháp, các luật khác có liên quan và sự thay đổi không ngừng của các lợi ích tinh thần của cá nhân trong đời sống xã hội thì việc BLDS năm 2015 tập trung quy định các quyền này cũng là phù hợp.
– Quyền có họ, tên: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng. Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
– Quyền thay đổi họ: Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây: Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại; thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi; khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ; thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồngtrong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi (đây là một trong những điểm mới được bổ sung nhằm giải quyết kịp thời những bất cập phát sinh từ đời sống xã hội); thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ; trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
– Quyền thay đổi tên: Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây: Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó; theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt; theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con; thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình; thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi; thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính; trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
– Quyền xác định, xác định lại dân tộc: Cá nhân có quyền xác định, xác định lại dân tộc của mình. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn (đây là một trong những điểm mới quan trọng của BLDS năm 2015 liên quan đến các quy định quyền nhân thân của cá nhân). Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo dân tộc của cha nuôi hoặc mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì dân tộc của trẻ em được xác định theo dân tộc của người đó. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì được xác định dân tộc theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ em vào thời điểm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
– Quyền được khai sinh, khai tử: Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh. Cá nhân chết phải được khai tử. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
– Quyền đối với quốc tịch: Cá nhân có quyền có quốc tịch. Việc xác định, thay đổi, nhập, thôi, trở lại quốc tịch Việt Nam do Luật quốc tịch Việt Nam quy định. Quyền của người không quốc tịch cư trú, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam được bảo đảm theo luật.
– Quyền của cá nhân đối với hình ảnh: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. So với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã bổ sung một quy định mới là: Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
– Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể: Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
– Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín: Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Đây là một trong những điểm mới tiến bộ của BLDS năm 2015 so với BLDS năm 2005 nhằm bảo đảm cho các cá nhân tự mình bảo vệ quyền của bản thân khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
– Quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác: Cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
– Quyền xác định lại giới tính: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
– Chuyển đổi giới tính: Một trong những điểm nổi bật về quyền nhân thân của cá nhân trong BLDS năm 2015 chính là việc chuyển đổi giới tính. Điều 37 BLDS năm 2015 quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”. Quy định này nhằm tạo cơ chế pháp lý chống phân biệt đối xử đối với người chuyển đổi giới tính, qua đó, góp phần bảo đảm cho họ có địa vị pháp lý bình đẳng như những cá nhân khác, đồng thời, bảo đảm sự minh bạch trong việc thực hiện các quyền nhân thân, tài sản của chủ thể này trong các quan hệ dân sự. Đây là một trong những quy định tiến bộ, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia có quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền của người chuyển đổi giới tính nói riêng và quyền của nhóm người đồng tính, song giới, chuyển giới nói chung, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc được thông qua vào tháng 9/2014 về nhân quyền, xu hướng tình dục và giới tính.
– Quyền về đời sống riêng tưbí mật cá nhânbí mật gia đình: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
– Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình: Cá nhân có quyền kết hônly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình.
Như vậy, các quyền thân thân của cá nhân trong pháp luật dân sự có phạm vi rộng và đa dạng, liên quan đến mối quan hệ giữa cá nhân với các cá nhân, tổ chức và giữa cá nhân với Nhà nước. Thông qua các nội dung được quy định cụ thể tại BLDS năm 2015, các quyền nhân thân của cá nhân được quy định chặt chẽ hơn, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền của cá nhân, khắc phục được những bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật về quyền nhân thân và dần đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

024 3755 8809