Quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới theo pháp luật Việt Nam

Quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới theo pháp luật Việt Nam

Sau khi tham gia các Công ước CCPR, CRC và CEDAW, Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật từng bước nội luật hóa các quy định của Công ước. Đến nay, bên cạnh nguyên tắc hiến định: “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”, Việt Nam còn ban hành nhiều văn bản quan trọng có những quy định liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật quy định về trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bạo lực còn có mức độ, tập trung vào các quy định sau:

Thứ nhất, quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý: 

Việc trợ giúp pháp lý được điều chỉnh bởi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Theo Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, người được trợ giúp pháp lý bao gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em (quy định này thậm chí còn mở rộng hơn so với quy định tại điểm d Điều 37, điểm b khoản 2 Điều 40 Công ước CRC); người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; những người có khó khăn về tài chính (người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng) thuộc một trong các trường hợp sau: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.
Như vậy, tiến bộ hơn Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 hiện hành đã quy định 02 nhóm đối tượng người được trợ giúp pháp lý độc lập liên quan chặt chẽ đến nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới (Người có khó khăn về tài chính là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người). Ngoài ra, nếu nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới thuộc một trong trong 12 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý còn lại thì vẫn được hưởng quyền trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, thông qua quy định việc “phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý” là một trong những hành vi bị cấm (Điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017) cũng cho thấy hoạt động trợ giúp pháp lý bảo đảm cho người được trợ giúp pháp lý có quyền ngang nhau khi thụ hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý mà không bị phân biệt đối xử dù họ là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới hoặc là nam hay nữ.
Nhằm bảo đảm sự tham gia bình đẳng của người được trợ giúp pháp lý trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và hỗ trợ thực hiện các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ cho người được trợ giúp pháp lý là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dụcThông tư số 11/2014/TT-BTP ngày 17/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về bảo đảm bình đẳng giới trong trợ giúp pháp lý (hiện vẫn còn hiệu lực) đã quy định một số biện pháp như tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận và thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ theo quy định của pháp luật mà không bị phân biệt đối xử về giới; không tạo áp lực hoặc sử dụng điểm yếu về giới tính của người được trợ giúp pháp lý để buộc họ phải quyết định ngay lập tức hướng giải quyết vụ việc; khi phát hiện người được trợ giúp pháp lý là nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dụctổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thông tin, phối hợp với cơ sở trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân để thực hiện biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và trợ giúp theo quy định của pháp luật; trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng trên, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc đề nghị cơ quan công an hỗ trợ, bảo đảm an toàn cho nạn nhân…
Nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới là người được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý theo hình thức tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn để được bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Điều 31, Điều 32, Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017). Riêng trong lĩnh vực tham gia tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền thi hành tạm giữtạm giam có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho họ. Đặc biệt, với việc quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trên trong việc giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý cho các đối tượng; thông báo, thông tin cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để có thể tiếp cận đối tượng kịp thời là một cơ chế quan trọng giúp giảm thiểu việc bỏ lọt những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, trong đó có nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Đồng thời, với quy định về chỉ định bào chữa cho trẻ em thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý đã tạo cơ sở cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng này (Điều 41 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC- TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng).

Thứ hai, quy định về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình: 

Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định khái niệm, hành vi, điều cấm, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình và bảo vệ nạn nhân của các hành vi trên. Các quy định trên là cơ sở để xác định hành vi bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và là cơ sở để các văn bản pháp luật khác quy định các biện pháp cụ thể trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi này, bảm đảm phù hợp với các quy định của các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, trên cơ sở quy định mang tính nguyên tắc “Phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn pháp luật để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình” (Khoản 1, Điều 24 Luật phòng Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007) đã tạo cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách trợ giúp pháp lý cho đối tượng này.

Thứ ba, quy định về phòng, chống mua bán người:

Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định: (1) Các khái niệm về “Bóc lột tình dục”, “Nô lệ tình dục”, “Cưỡng bức lao động” (Điều 2); (2) Các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người (Điều 3); (3) Các biện pháp trong phòng, chống mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật và tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân; (4) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống mua bán người. Đặc biệt, Điều 36 quy định nạn nhân được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại và được trợ giúp pháp lý để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến vụ việc mua bán người. Trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Thứ tư, quy định về hình sự và tố tụng hình sự: 

Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2017 (sau đây gọi chung là Bộ luật hình sự năm 2015) có nhiều điều luật quy định liên quan đến răn đe, trừng phạt hành vi bạo lực trên cơ sở giới đủ yếu tố cấu thành tội phạm và bảo vệ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới chống lại các hành vi này. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Tình tiết phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác… là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (Điều 52); các tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với các khung hình phạt tương ứng áp dụng đối với mức độ thương tật mà hành vi bạo lực gây ra cho nạn nhân (Từ Điều 134 đến Điều 139); tội hành hạ người khác (Điều 140); các tội khác liên quan đến chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em (Từ Điều 141 đến Điều 147), riêng Bộ luật Hình sự năm 2015 có bổ sung tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147); các tội mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt người (Điều 150 đến Điều 153); tội làm nhục người khácvu khống (Điều 155, Điều 156); các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình, trong đó bao gồm các tội xuất phát từ yếu tố bạo lực gây ra, đủ sức cấu thành tội phạm có thể bị xử lý theo các tội tương ứng (Điều 181, Điều 182, Điều 185). Đặc biệt, Bộ luật quy định “tội xâm phạm quyền bình đẳng giới” (Điều 165) có tính chất mở rộng so với Điều 130 “Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ” (Bộ luật tố tụng hình sự năm 1999).
Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định về việc nạn nhân trong các vụ án được bảo vệ đời tư thông qua quy định quyền của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền “Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa” (Điều 56); quy định khi tiến hành khám người hay xem xét thân thể người để tìm chứng cứ quan trọng đối với vụ án phải do người cùng giới tiến hành và có người cùng giới chứng kiến, trong trường hợp cần thiết thì có bác sỹ tham gia… (Điều 194 và Điều 203). Vận dụng quy định trên, nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới có cơ sở để được bảo vệ trong các vụ án hình sự.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho người bị hại thuộc diện được trợ giúp pháp lý về quyền được trợ giúp pháp lý, nếu họ đề nghị trợ giúp pháp lý thì phải thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước để cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho họ (Điều 71); Trợ giúp viên pháp lý và luật sư (bao gồm cả luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, luật sư của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý) được tham với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại (Điều 84). Đây là các quy định mới bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người bị hại thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Thứ năm, quy định về dân sự và tố tụng dân sự:

Bộ luật dân sự năm 2015 có nhiều quy định liên quan đến việc chống lại các hành vi bạo lực, kể cả bạo lực trên cơ sở giới: (1) Quy định các nguyên tắc trong dân sự như nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ dân sự, không phân biệt giới tính (Điều 5); nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự, cụ thể khi quyền dân sự của chủ thể bị xâm phạm (kể cả do hành vi bạo lực), chủ thể có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình, buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự, buộc bồi thường thiệt hại (Điều 9); nguyên tắc không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự (Điều 12); (2) Quy định các quyền về nhân thân và tài sản của cá nhân, nghiêm cấm việc xâm phạm các quyền này, kể cả sử dụng vũ lực và khi các quyền này bị xâm phạm, chủ thể quyền có thể có thể lựa chọn các giải pháp bảo vệ quyền của mình (Chương III); (3) Quy định giao dịch vô hiệu trong trường hợp do bị lừa dối, đe dọa và người tham gia giao dịch đó có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường (Điều 132 và Điều 137); (4) Quy định hạn chế năng lực hành vi dân sự xuất phát từ hành vi có tính chất bạo lực của người nghiện ma tuý hoặc chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình để bảo vệ tài sản cho người có liên quan (Điều 23).
Đồng thời, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định Thẩm phán có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý (Khoản 6 Điều 48). Đây là quy định bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý cho đương sự là đối tượng trợ giúp pháp lý trong vụ án dân sự.

Thứ sáu, quy định về trẻ em:

Luật Trẻ em năm 2016 có các quy định bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bao gồm cả bạo lực trên cơ sở giới: (1) Quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em, trong đó có các hành vi liên quan quan đến bạo lực; (2) Quy định các quyền của trẻ em, trong đó liên quan đến việc chống bạo lực đối với trẻ em; (3) Quy định riêng về trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để có chính sách riêng hỗ trợ các đối tượng này, trong đó có một số đối tượng có nguy cơ bị bạo lực (Điều 10 Luật Trẻ em năm 2016). Về trợ giúp pháp lý, Luật trẻ em năm 2016 quy định trẻ em có quyền được trợ giúp pháp lý trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính (Điều 30).

024 3755 8809