Trong những năm gần đây, số vụ án hình sự xâm hại trẻ em do Tòa án xét xử và số trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng và nghiêm trọng với nhiều thủ đoạn mới. Từ thực trạng nêu trên, cần phải đưa ra giải pháp đưa ra trong xét xử các vụ án xâm hại trẻ em. Tác giả bài viết nêu thực trạng xét xử các vụ án xâm hại trẻ em và đưa ra các giải pháp, kiến nghị …
Quy định của pháp luật và thực trạng xét xử các vụ án xâm hại trẻ em và kiến nghị hoàn thiện
Mục lục:
- Khái quát chung
- Thực tiễn xét xử các vụ án xâm hại trẻ em
- Thực trạng và giải pháp trong xét xử các vụ án xâm hại trẻ em
- Giải pháp đưa ra trong xét xử các vụ án xâm hại trẻ em
1. Khái quát chung
Theo Luật Trẻ em năm 2016, “trẻ em” là người dưới 16 tuổi. Xâm hại trẻ em được hiểu là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
Tội phạm xâm hại trẻ em, trong BLHS năm 2015, một số được quy định thành tội danh cụ thể như tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142), tội “Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (Điều 144), tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (Điều 145)… một số được quy định thành tình tiết định khung hình phạt như tội “Giết người” (“giết người dưới 16 tuổi” điểm b khoản 1 Điều 123), tội “Làm chết người trong khi thi hành công vụ” (“đối với người dưới 16 tuổi” điểm b khoản 2 Điều 127), tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (“đối với người dưới 16 tuổi” điểm c khoản 1 Điều 134)…hoặc được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (“phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” hoặc “xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội” các điểm i và o khoản 1 Điều 52).
So sánh với nội dung quy định của BLHS năm 1999, nội dung tại các điều luật quy định về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế tình hình diễn biến và tính chất của loại tội phạm này nhằm xử lý đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ nhất, thay đổi tên một số tội danh và cụ thể hóa độ tuổi của bị hại vào tên tội danh, giúp thể hiện rõ hơn các dấu hiệu pháp lý của tội phạm (thể hiện ngay trong tên điều luật), đây là một trong những điều kiện thuận lợi giúp các cơ quan hành pháp, tư pháp điều tra xử lý đúng hành vi, đúng tội đảm bảo tính nghiêm minh, tính răn đe của pháp luật. Cụ thể, tội “Hiếp dâm trẻ em” (Điều 122) thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142); tội “Cưỡng dâm trẻ em” (Điều 114) thành tội “Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (Điều 144); tội “Giao cấu với trẻ em” (Điều 115) thành tội “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (Điều 145); tội “Dâm ô trẻ em” (Điều 116) thành tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi” (Điều 146).
Ngoài ra, BLHS năm 2015 còn cụ thể hoá một số cụm từ khác như “người đã thành niên” được thay bằng “người đủ 18 tuổi trở lên”; “nhiều người” được thay bằng “từ 02 người trở lên”; “nhiều lần” được thay bằng “từ 02 lần trở lên”; “hiếp dâm trẻ em” được thay bằng “dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ” hoặc “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi”. Cùng với đó, cụm từ “cưỡng dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” cũng được khái niệm cụ thể để đảm bảo tính thống nhất trong cách hiểu và quá trình áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền.
Thứ hai, bổ sung thêm “hành vi quan hệ tình dục khác” vào mặt khách quan của tội phạm. Theo quy định của BLHS năm 1999 thì yếu tố bắt buộc để chứng minh trong một số tội xâm hại tình dục như tội hiếp dâm, cưỡng dâm là thực hiện việc “giao cấu” với nạn nhân. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay đã xuất hiện các hành vi quan hệ tình dục phi truyền thống như quan hệ tình dục bằng miệng… Do vậy, ngoài hành vi “giao cấu” BLHS năm 2015 bổ sung thêm hành vi “quan hệ tình dục khác” làm cơ sở để chứng minh tội phạm. Việc bổ sung thêm hành vi vào mặt khách quan của tội phạm giúp nâng cao tính bao quát, toàn diện, phát triển và đảm bảo sự phù hợp của các điều luật có liên quan được quy định trong BLHS năm 2015, tránh để loại tội phạm, loại bỏ hành vi “lách luật”, lợi dụng “kẽ hở” của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.
Thứ ba, mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm xâm hại tình dục và nạn nhân. Trong BLHS năm 1999, những tội phạm xâm hại tình dục được cấu thành bằng hành vi “giao cấu” như tội Hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm… Mặc định được hiểu chủ thể thực hiện là nam giới; đồng thời, nữ giới chỉ có thể trở thành chủ thể của Tội hiếp dâm trong trường hợp đồng phạm với vai trò người giúp sức. Tuy nhiên, với BLHS năm 2015, do công nhận các hành vi quan hệ tình dục khác trong mặt khách quan của tội phạm nên chủ thể của tội phạm xâm hại tình dục có thể là nam giới hoặc nữ giới.
Thứ tư, thay đổi khung hình phạt đối với các hành vi phạm các tội thuộc nhóm tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục: Đối với tội “Hiếp dâm” so với BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đã thêm trường hợp bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi hành vi hiếp dâm gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%; thêm trường hợp bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi hành vi hiếp dâm gây thương tích cho nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 46% trở lên. Việc thay đổi khung hình phạt đối với các tội danh thuộc nhóm tội phạm xâm hại tình dục đảm bảo khung hình phạt tương ứng với hậu quả do hành vi phạm tội, qua đó đảm bảo tính nghiêm minh, chính xác, tính răn đe của pháp luật.
Thứ năm, BLHS năm 2015 quy định thêm tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147). Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đấu tranh, phòng ngừa tội phạm vì trên thực tế, các hình thức khiêu dâm bùng nổ và gia tăng khắp nơi dưới nhiều hình thức. Trong đó, xuất hiện cả những hiện tượng sử dụng trẻ em, người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Mặc dù, BLHS năm 1999 đã quy định về tội dâm ô trẻ em, song quy định này chưa bao quát hết các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đã và đang diễn ra hiện nay. Hiện tượng ép buộc trẻ em phải biểu diễn các hành vi khiêu dâm, đóng phim khiêu dâm, xem những hình ảnh khiêu dâm… đang diễn ra khó kiểm soát. BLHS năm 2015 bổ sung thêm quy định về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm nhằm xử lý triệt để mọi hành vi xâm phạm tình dục trẻ em là rất hợp lý, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và hạn chế sự gia tăng của tội phạm này.
Có thể nói, BLHS năm 2015 đã khắc phục hạn chế của những quy định trước, kịp thời ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ, phù hợp và có hình phạt nghiêm khắc đối với loại tội phạm xâm hại trẻ em nói chung và đối với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
2. Thực tiễn xét xử các vụ án xâm hại trẻ em
Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, các Tòa án đã đưa ra xét xử 6.585 vụ với 7.339 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em. Trong tổng số các vụ án đã đưa ra xét xử, số trẻ em là nạn nhân bị các tội phạm này xâm hại là 7.654 em (trong đó có 7.121 em nữ, 533 em nam).
Trong số trẻ em là nạn nhân của hành vi xâm hại, phần lớn là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục (6.429 em, chiếm 84% tổng số trẻ bị xâm hại); bị bạo lực là 727 em (chiếm 9,5% tổng số trẻ bị xâm hại); bị mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt là 264 em (chiếm 3,4% tổng số trẻ bị xâm hại), còn lại là các hình thức gây tổn hại khác (như bóc lột; bắt cóc; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn và các hành vi xâm hại khác…).
Trong tổng số 7.339 bị cáo phạm tội xâm hại trẻ em đã đưa ra xét xử: 432 bị cáo là người ruột thịt, người thân thích khác với nạn nhân (chiếm 5,9%); 37 bị cáo là giáo viên, cán bộ, nhân viên tại các cơ sở giáo dục (chiếm 0,5%); 776 bị cáo là người có trách nhiệm chăm sóc, chữa bệnh, người quen của trẻ em (chiếm 10,6%); 20 bị cáo là người nước ngoài (chiếm 0,3%); còn lại chủ yếu là các đối tượng khác (82,7%).
Trong tổng số các tội phạm xâm hại trẻ em đã bị đưa ra xét xử:
+ Chiếm phần lớn là các hành vi xâm hại tình dục trẻ em: 5.851 vụ với 6.165 bị cáo đã đưa ra xét xử sơ thẩm (89% số vụ và 84% số bị cáo). Trong đó: chiếm tới 46% là hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; 29,2% hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 13,1% hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi; 0,7% hành vi cưỡng dâm người dưới 16 tuổi;
+ Hành vi bạo lực trẻ em: có 514 vụ/769 bị cáo đã đưa ra xét xử sơ thẩm (8,7% số vụ và 11,5% số bị cáo);
+ Mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em: có 180 vụ/350 bị cáo đã đưa ra xét xử sơ thẩm (2,7% số vụ và 4,8% số bị cáo);
+ Còn lại là các hành vi xâm hại khác.
Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em gây ra thường rất nghiêm trọng, kết quả xét xử các vụ án xâm hại trẻ em tại các Tòa án:
+ Số trẻ em tử vong do bị xâm hại: 100 em,
+ Số trẻ em bị thương tật do bị xâm hại: 199 em,
+ Số trẻ em bị rối loạn tâm thần do bị xâm hại: 51 em,
+ Số trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục: 251 em,
+ Số trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại: 84 em,
+ Số trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại: 6.969 em.
Một số tội phạm xâm hại trẻ em ngoài việc gây tổn hại về thể chất như thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; từ 61% trở lên; có trường hợp trẻ em bị hoảng loạn tinh thần, tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý…
Từ thực tiễn nêu trên cho thấy, số các vụ án về tội phạm xâm hại trẻ em là rất lớn, trong đó nhiều nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Thời gian qua, các tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai các quy định của BLHS, BLTTHS, các đạo luật có liên quan và hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; ngày 20/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết gồm 08 điều, trong đó có các nội dung hướng dẫn cụ thể về các tình tiết xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục hoặc dụng cụ khác được sử dụng vào hoạt động tình dục; giải thích cụ thể thế nào là hành vi giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác, hành vi dâm ô, trình diễn khiêu dâm, các hình thức biểu hiện trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm…
Nghị quyết cũng hướng dẫn cụ thể về một số tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt; các trường hợp loại trừ xử lý hình sự; nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi. Tóm lại, Nghị quyết được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 2015 về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đảm bảo áp dụng đúng, thống nhất, phù hợp với quy định pháp luật trong nước cũng như quốc tế.
Ngoài ra, TANDTC đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương trong việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống loại tội phạm này, cụ thể: Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 quy định về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự. Chánh án TANDTC ban hành Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Toà gia đình và người chưa thành niên. Thông tư này đã quy định về việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.
3.Thực trạng và giải pháp trong xét xử các vụ án xâm hại trẻ em
Thực trạng xét xử các vụ án xâm hại trẻ em thời gian từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, cho thấy các Tòa án đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp từ giai đoạn điều tra, truy tố để giải quyết kịp thời, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội và áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với những hành vi xâm hại trẻ em, nhất là hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Ví dụ: Vụ án Liễu Diệp Quần (sinh năm 1987; trú tại thôn Dục Thanh, thị trấn Bách Thạch Sơn, thành phố Giao Hà, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc), Quần và Quách Đại Phát nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, ngày 26/02/2014, đột nhập vào nhà anh Long Văn Linh (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn), bị cháu Long Thanh Tuyền phát hiện (cháu Long ở nhà một mình, khi bị xâm hại là 10 tuổi), Quần và Phát đã dùng dao cắt cổ cháu Tuyền đến chết. TANDCC tại Hà Nội xử phạt Liễu Diệp Quần tử hình về tội “Giết người” với tình tiết định khung tăng nặng “giết trẻ em” (Bản án hình sự phúc thẩm số 307/2016/HSPT ngày 23/5/2016).
Tuy nhiên, việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp, khi xảy ra sự việc trẻ bị xâm hại, gia đình ngại tố cáo tội phạm hoặc chính tội phạm là người thân trong gia đình nên dấu kín vì sợ tai tiếng và mặc cảm. Hoặc do tác động tiêu cực của văn hóa phẩm kích động, bạo lực, phim ảnh khiêu dâm, kích dục trên internet. Tình trạng không có việc làm, trình độ văn hóa thấp, không hiểu biết pháp luật, coi thường pháp luật. Sự xuống cấp về đạo đức của một số không ít người là nguyên nhân chính gây ra tình trạng xâm hại trẻ em, có nhiều trường hợp là cha đẻ.
Ví dụ: Vụ án Phạm Văn Hoanh (sinh năm 1982; trình độ văn hóa: Lớp 3/12; trú tại thôn Trường An, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi), sau khi ly hôn vợ, Hoanh ở cùng con gái là cháu Phạm Thị Hiếu (khi bị xâm hại là 12 tuổi 04 tháng). Trong khoảng thời gian từ tháng 4/2015 đến tháng 3/2016, Hoanh đã 03 lần thực hiện hành vi dùng miệng, tay kích thích vào bộ phận sinh dục của cháu Hiếu nhằm giao cấu với cháu Hiếu nhưng không thành. TANDCC tại Đà Nẵng đã xử phạt Phạm Văn Hoanh 15 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em” (Bản án hình sự phúc thẩm số 68/2017/HSPT ngày 27/3/2017).
Ví dụ: Vụ án Đoàn Huy Hoàng (sinh năm 1982; trình độ văn hóa: Lớp 6/12; trú tại ấp Cấp Rang, xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), do có mâu thuẫn với vợ, ngày 07/01/2015, Hoàng đã dùng dao giết vợ và đâm một nhát vào ngực con trai là cháu Đoàn Phi Long (khi bị xâm hại là 12 tuổi) gây thương tích cho cháu Long tỷ lệ thương tật 57%. TAND tỉnh Đồng Nai xử phạt Đoàn Huy Hoàng tử hình về tội “Giết người” với tình tiết định khung tăng nặng “giết trẻ em” (Bản án hình sự sơ thẩm số 35/2017/HSST ngày 27/6/2017).
Do đặc điểm về tâm sinh lý của trẻ em, sự bồng bột thiếu suy nghĩ và non nớt về trí tuệ, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức về xã hội và pháp luật là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại. Về thể chất, các em còn chưa phát triển đầy đủ, chưa có khả năng chống cự lại những hành vi xâm hại của tội phạm.
Ví dụ: Vụ án Nguyễn Văn Mười (sinh năm 1972; trú tại tổ 25, ấp Thành Phú, xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), sau khi uống rượu và xem phim sex, thấy cháu Phạm Ngọc Bích đi ngang qua nhà, Mười đã thực hiện hành vi hiếp dâm cháu Bích (khi bị xâm hại là 07 tuổi 07 tháng); sau đó, Mười giết cháu Bích để che giấu tội phạm. TANDCC tại Tp Hồ Chí Minh kết án Nguyễn Văn Mười tử hình về tội “Giết người”, 12 năm tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của cả hai tội là tử hình (Bản án hình sự phúc thẩm số 465/2017/HSPT ngày 30/8/2017).
Đối với việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em hiện nay cho thấy, việc phát hiện, thu thập tài liệu chứng cứ ban đầu như các dấu vết, mẫu tinh dịch, mẫu AND của đối tượng gây án để lại trên người và quần áo của nạn nhân hoặc ở hiện trường còn gặp nhiều khó khăn vì có nhiều trường hợp, trẻ em bị xâm hại tình dục, khi gia đình biết đã lưỡng lự trong việc giải quyết dẫn đến khai báo muộn, hoặc không biết cách thu giữ vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng, dẫn đến việc vô hình chung đã tạo điều kiện để người phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết. Do đó, việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn (không thu được tinh dịch, vùng kín bị hóa sẹo…) nên rất khó để xác định người bị hại có bị hiếp dâm hay không và ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Có trường hợp, việc xác định độ tuổi của trẻ bị xâm hại có nhiều mâu thuẫn, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến việc vụ án phải điều tra lại nhiều lần, kéo dài thời gian giải quyết.
4. Giải pháp đưa ra trong xét xử các vụ án xâm hại trẻ em
– TAND các cấp cần tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo việc rà soát hồ sơ, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em để xử lý dứt điểm, có giải pháp tích cực trong việc xử lý các vụ án xâm hại trẻ em, không để tồn đọng, kéo dài.
– Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ xét xử để nâng cao năng lực và kỹ năng xét xử cho các Thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết các vụ án về xâm hại trẻ em, bảo đảm nhận thức, áp dụng đúng đắn thống nhất pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đối với các vụ án xâm hại trẻ em đã xảy ra, bên cạnh việc đấu tranh, xử lý đối tượng phạm tội thì Thẩm phán phải là người hiểu tâm lý và thân thiện với trẻ em là nạn nhân trong vụ án.
– TAND các cấp cần chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, VKSND cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố để kịp thời nắm bắt diễn biến vụ án để lên kế hoạch xét xử, đảm bảo kịp thời giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em được nhanh chóng, đúng thời hạn luật định và xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm xâm hại trẻ em; rà soát hồ sơ, xử lý dứt điểm không để tồn đọng việc xâm hại trẻ em. Ngoài ra, tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả quy trình, thủ tục xét xử thân thiện đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại tình dục.
– Nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, cần xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật, kiên quyết đấu tranh không để lọt tội phạm. Trong công tác tổ chức các phiên tòa xét xử các vụ án hình sự về các tội xâm hại đối với trẻ em, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em, các Tòa án cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo vừa làm rõ các tình tiết của vụ án, đồng thời đảm bảo thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hóa, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Hình phạt áp dụng đối với các tội xâm hại trẻ em cần phải đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về xâm hại trẻ em nói riêng.
– Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử, góp phần xử lý nghiêm minh các vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng.
– Hiện nay, Tòa gia đình và người chưa thành niên đã được triển khai ở 03 TANDCC và 38 tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Đây là một cột mốc quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp cũng như cụ thể hóa chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xử lý người chưa thành niên phạm tội. Trong thời gian tới, với việc tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, cần thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em là nạn nhân trong các vụ án hình sự nói riêng cần được quan tâm hơn nữa; cần đổi mới cách thức và tổ chức hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng mà trước hết là Tòa án để bảo đảm việc tiến hành tố tụng không gây tác động xấu đến tâm sinh lý của trẻ em; xây dựng cơ chế hữu hiệu để tư vấn, hỗ trợ các nạn nhân là trẻ em bị tổn hại về tinh thần và sức khỏe, giúp các em phục hồi và phát triển lành mạnh.
PHẠM THỊ BÍCH NGỌC (Vụ Giám đốc, kiểm tra 1, TANDTC)
Nguồn: Hocluat.vn