VTV.vn – Luật sư Hoàng Văn Hướng cho rằng người tài xế bẻ lái cứu 2 nữ sinh không hoàn toàn không có lỗi trong vụ việc nhưng xã hội cần có cái nhìn nhân văn đối với anh.
Sự việc người tài xế bẻ lái để giữ tính mạng 2 nữ sinh bị ngã trên đường sau khi va chạm với một xe máy đi phía trước trên đường 359C thuộc địa phận huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đang gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Nhiều người cho rằng hành động của anh Tiến là một hành động rất nhân văn khi bảo toàn được tính mạng cho 2 nữ sinh. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện ấy, tài xế Đỗ Văn Tiến đang phải đối diện với việc phải bồi thường cho chủ nhân hai chiếc ô tô mà xe của anh tông phải trước khi bị lật. Khoản bồi thường này có lẽ không hề nhỏ đối với một người lái xe thuê như anh Tiến.
Trong câu chuyện này, có người quan niệm rằng người làm việc tốt sẽ bị thiệt thòi, người thì kêu gọi ủng hộ, người khác lại nói rằng trách nhiệm không hoàn toàn thuộc về anh Tiến. Nhưng hiểu như thế nào mới là đúng về vụ việc? Cùng lắng nghe những chia sẻ của luật sư Hoàng Văn Hướng – Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng – Đoàn luật sư TP Hà Nội trong chương trình Café sáng với VTV3 dưới đây:
Theo ông, hành động đánh lái của tài xế Tiến có đúng luật hay không?
Luật sư Hoàng Văn Hướng: Việc đầu tiên chúng ta phải hết sức chia sẻ và trân trọng việc tài xế Tiến đã kịp thời xử lý một tình huống trong tham gia giao thông cứu được tính mạng của 2 nữ sinh và có thể của nhiều người khác nữa. Và có thể nói là cũng phải cảm ơn tài xế Tiến.
Để xảy ra tình trạng như thế có nhiều nguyên nhân nhưng về phía anh Tiến không thể nói là không có lỗi vì trong tham gia giao thông, Luật An toàn giao thông buộc các chủ phương tiện, những người tham gia giao thông phải làm chủ tốc độ.
Theo một số thông tin chúng tôi nhận được, tốc độ anh Tiến di chuyển trên đường lúc đó là khoảng 30km/h. Tôi cho rằng đây tốc độ cho phép trong đường nội thành.
– Tốc độ cho phép nhưng luật còn buộc các chủ phương tiện – những người điều khiển phương tiện và tham gia giao thông – phải làm chủ tốc độ trong mọi tình huống để có thể dừng xe và đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khác.
Theo đoạn clip được chia sẻ trên mạng, vấn đề đầu tiên nguyên nhân là 2 nữ sinh chạy xe máy quá tốc độ, va chạm với một xe máy đi phía trước. Tôi khẳng định đó là hành vi vi phạm an toàn giao thông, kể cả chạy đúng tốc độ nhưng va chạm vào phương tiện đang đi phía trước mình rõ ràng là không chấp nhận được. Sau đó, 2 cô gái đó ngã ra đường và ngã sang phần đường của xe tải.
Những người chịu thiệt thòi nhiều nhất ngoài anh Tiến ra còn là chủ của hai chiếc ô tô bị va chạm. Theo ông, việc đền bù cho hai chủ xe đó có hoàn toàn là trách nhiệm của anh Tiến hay không?
– Dù con người không bị thiệt hại lớn nhưng rõ ràng về phương tiện và tài sản thì thiệt hại lớn nên nhìn về góc độ luật pháp, buộc các cơ quan điều tra về an toàn giao thông phải vào cuộc. Khi điều tra, phân tích về lỗi, về tất cả các khía cạnh cần thiết của vụ tai nạn, cơ quan điều tra mới đưa ra một kết luận. Căn cứ vào kết luận đó mới xác định được lỗi của các bên tham gia để từ đó có thể áp dụng các chế tài, vấn đề phạt, vấn đề đền bù. Về những thiệt hại trong vụ tai nạn này, đầu tiên phải nhìn đến vấn đề bồi thường của các cơ quan bảo hiểm phương tiện.
Khi các cơ quan bảo hiểm phương tiện không đền bù, lúc này mới là trách nhiệm dân sự của các bên trong vụ tai nạn. Và tôi cần lưu ý rằng đây một vụ tai nạn giao thông có thể nói là hết sức nhân văn, đặc biệt là đối với vai trò của anh Tiến. Cá nhân tôi, tôi kêu gọi những người bị thiệt hại khác cần chia sẻ với anh Tiến bởi là một người lái xe tải không thể nói là giàu có được. Và vụ việc này cũng cần sự chia sẻ của xã hội. Qua đó, chúng ta khơi dậy tính nhân văn khác trong vấn đề tham gia giao thông.
Anh Tiến có nói rằng thầy của anh ấy đã dạy: “Tính mạng của con người trong an toàn giao thông là trên hết” chính vì vậy anh Tiến mới có hành động như thế. Tôi cho rằng hành động này chúng ta cần phải nhân lên. Rất may là vụ việc xảy ra trong một khu phố, chứ nếu bên một bờ vực thẳm hoặc một địa điểm khác không an toàn khác thì kể cả tính mạng của anh Tiến cũng không bảo đảm được. Vì thế, chính những người trong cuộc cần có sự chia sẻ với nhau.
Theo ông, liệu rằng hai nữ sinh bị ngã ra đường có trách nhiệm gì trong vụ việc này hay không?
– Tôi nghĩ rằng đã có một clip quay lại rất đầy đủ thì chắc chắn phải xem xét, xử phạt hành chính và cũng phải có chế tài có tính răn đe qua đó để giáo dục bởi khởi sự đầu tiên của vụ tai nạn này chính là vấn đề đi quá tốc độ dẫn đến va chạm với một phương tiện khác. Điều này không còn gì phải bàn cãi.
Theo quan điểm của tôi, khi các cơ quan điều tra vào cuộc phải triệu tập hai nữ sinh và xử lý, có thể là xử lý hành chính, phải làm nghiêm, qua đó mới có đủ tính giáo dục và răn đe.
Nếu hai nữ sinh không đến cảm ơn anh Tiến thì bố mẹ của các em cũng phải nhắc nhở các em đến chia sẻ với anh Tiến và cả với những người đang bị thiệt hại khác về tài sản. Tôi nghĩ rằng cách nhìn đó sẽ nhân văn hơn, tốt đẹp hơn trong cuộc sống của chúng ta.
Theo ông, cái kết như thế nào là đẹp nhất cho câu chuyện này?
– Cá nhân tôi cũng phải cảm ơn anh Tiến, quả là một cách ứng xử hết sức nhân văn. Tôi nghĩ rằng trong xã hội chúng ta không chỉ riêng anh Tiến mà sẽ có hàng ngàn, hàng vạn anh Tiến như thế. Chúng ta đều coi trọng tính mạng và sức khỏe con người là quan trọng. Tôi cũng rất mong muốn cộng đồng mạng và xã hội có chia sẻ nhất định và động viên về tinh thần, vật chất để anh Tiến có thể khỏe lên.