Phương tiện bị cấm lưu hành khi gây ra tai nạn có bị khởi tố hay không?

Mặc dù xe công nông, xe tự chế 3,4 bánh đã bị cấm lưu hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn thấy có rất nhiều xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh tham gia giao thôngvận chuyển hàng. Nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã gây tai nạn với hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng.
Thông qua việc thụ lý, giải quyết các vụ tai nạn giao thông mà phương tiện tham gia giao thông là xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh thấy xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết loại án này. Cụ thể như vụ án sau đây:
“Anh Ngô Công Đ mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng, thuê Nguyễn Văn Q (sinh năm 1979, không có giấy phép lái xe)đi giao hàng cho khách mua vật liệu bằng xe 3 bánh tự chế của nhà anh Đ. Khoảng 14h00’ ngày 17/04/2018, anh Đ bảo Q điều khiển xe ba bánh chở xi măng bán cho anh Nguyễn Duy T ở thôn T.T, xã N.H, huyện Q.O thành phố HN. Sau khi giao 02 tấn xi măng cho anh T xong, Q điều khiển xe ba bánh đi trên đường liên xã theo hướng xã N.M đi xã H.T để về nhà, khi đến thôn V.Q, xã N.H lúc đó khoảng 19h00’ cùng ngày, Q điều khiển xe đi lấn sang làn đường bên trái và đâm va vào phần bên trái của đầu xe mô tô BKS 30H6 – 6680 do chị Nguyễn Thị H (sinh năm 1968, trú tại: thôn T.T, xã N.H, huyện Q.O) điều khiển đi theo hướng ngược chiều làm xe mô tô của chị H đổ về phía trước bên phải, chị H ngã về phía trước. Sau khi gây tai nạn Q không dừng lại giữ nguyên hiện trường, đưa chị H đi cấp cứu mà điều khiển xe công nông bỏ chạy khỏi hiện trường, khi bỏ chạy được khoảng hơn 01 km thì bị người dân đi xe máy đuổi kịp, yêu cầu Q điều khiển xe quay lại hiện trường. Lúc này, Q mới điều khiển xe quay lại hiện trường. Hậu quả: chị Nguyễn Thị H  tử vong trên đường đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Q.O.” Học luật
Trong quá trình giải quyết vụ án đã có những quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án:
1. Đối với bị can Nguyễn Văn Q: Có truy tố bị can Nguyễn Văn Q về tình tiết “không có giấy phép lái xe” theo điểm a Điều 260 BLHS 2015 không? Về vấn đề này có 02 quan điểm khác nhau:
+  Quan điểm thứ nhất: Phải truy tố bị can về tình tiết không có giấy phép lái xe  theo điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS 2015, bởi: Đối với Xe tự chế có phân khối trên 100 cm3 áp dụng tương tự như các phương tiện giao thông khác là các phương tiện có phân khối trên 100 cm3  thì người điều khiển phải có giấy phép lái xe và  thực tế có nhiều đơn vị đã truy tố và xét xử .
+ Quan điểm thứ hai: không truy tố đối với bị can về tình tiết không có giấy phép lái xe với lý do: Hiện nay, đối với xe công nông và xe tự chế bị cấm lưu hành, không có cơ quan có thẩm quyền nào đào tạo và cấp giấy phép lái xe đối với các phương tiện trên. Mặt khác, từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực chưa có văn bản hướng dẫn về trường hợp này, thực hiện nguyên tắc có lợi cho bị can, nên không truy tố Q theo tình tiết “không có giấy phép lái xe”.
2. Có xử lý hình sự anh Ngô Công Đ (là người giao phương tiện cho bị can Q, anh Đ biết rõ Q không có bằng lái xe) hay không? nếu có bị thì xử lý Đ về tội gì?
Theo quy định của BLHS năm 2015, hành vi của Ngô Công Đ có thể xem xét xử lý hình sự về tội “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông” quy định tại Điều 262 hoặc tội “giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264.
– Đối với Điều 262 BLHS 2015 quy định về Tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ…không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông có 02 quan điểm:
+ Quan điểm thứ nhất: Phải khởi tố và truy tố đối với Nguyễn Công Đ về tội phạm này theo điểm a khoản 1 Điều 262 BLHS, Bởi: Xe ba bánh tự chế nêu trên là phương tiện bị cấm lưu hành, nên bị coi là phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông, gây hậu quả 1 người chết.
+ Quan điểm thứ hai: Không khởi tố và truy tố đối với Nguyễn Công Đ về tội danh trên bởi cần hiểu phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông là không đảm bảo về phanh, còi, đèn chiếu sáng, lốp .v.v Ví dụ như xe không có phanh, không có đèn (chạy ban đêm) không có còi.. Đồng thời nguyên nhân dẫn đến hậu quả vụ tai nạn giao thông là do phương tiện không đảm bảo kỹ thuật gây nên. Đối với vụ án trên thì phương tiện xe ba bánh tự chế phanh có hiệu lực, lốp đảm bảo và nguyên nhân gây tai nạn là do Q điều khiển xe lấn đường phương tiện ngược chiều gây tai nạn giao thông. Hành vi của Nguyễn Công Đ là hành vi phạm hành chính và bị xử lý theo quy định.
– Đối với Điều 264 BLHS 2015 quy định về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ, cũng có 02 quan điểm:
+ Quan điểm thứ nhất là phải truy tố Q về tình tiết không có giấy phép lái xe, nên phải xử lý đối với Nguyễn Công Đ về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 264 BLHS 2015.
+ Quan điểm thứ hai là không truy tố Q về tình tiết không có giấy phép lái xe với lý do nêu trên, nên không xử lý đối với Nguyễn Công Đ về Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 264 BLHS 2015.
Để có sự thống nhất trong nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, tránh để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, cũng như tránh phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền  sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Ngoài ra, Để giảm bớt và chấm dứt các phương tiện giao thông đã bị cấm tham gia giao thông, đề nghị Cơ quan có thẩm quyền như Cơ quan Công an cần tích cực xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

024 3755 8809