So sánh (phân biệt) chế định “Tha tù trước thời hạn có điều kiện”của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2105 với “Đặc xá” do Chủ tịch nước quyết định.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Quốc khánh 2/9, hàng vạn gia đình có con, em đang cải tạo trong các Trại cải tạo rất mong chờ Chủ tịch nước đặc xá để người thân được về xum họp với gia đình. Tuy nhiên, từ khi Quốc hội ban hành BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 có quy định chế định “tha tù trước thời hạn có điếu kiện”. Bài viết này giúp bạn đọc hiểu về chế định “tha tù trước thời hạn có điều kiện” với quy định đặc xá của Chủ tịch nước có gì khác nhau.
BLHS 1999 không quy định trường hợp “tha tù trước thời hạn có điều kiện”. Tuy nhiên, hàng năm các cơ quan tiến hành tố tụng cùng với các Trại cải tạo vẫn tổ chức xét “tha tù trước thời” hạn cho người bị kết án. Tuy nhiên, việc xét tha tù trước thời hạn cho người bị kết án lại chưa được quy định trong BLHS. Việc tha tù trước thời hạn tước đây, thường áp dụng đối với người bị kết án đã chấp hành gầy hết thời hạn tù và được xét giảm hết thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại và tha người bị kết án ra, nên gọi là “tha tù trước thời hạn” nhưng thực chất là giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại, chứ không dùng khái niệm “tha tù trước thời hạn”.
Ngoài ra hàng năm vào các dịp lễ tết, Chủ tịch nước còn đặc xá cho một số “phạm nhân” theo đề nghị của Hội đồng đặc xá Trung ương. Chế định “đặc xá” hoàn toàn khác với chế định “tha tù trước thời hạn”. Vì khi xét giảm mức hình phạt còn lại cho “phạm nhân” là căn cứ vào quy định của BLHS (mà mọi người thường gọi là “tha tù trước thời hạn”. Điều kiện để xét giảm phần còn lại của hình phạt tù đối với “phạm nhân” (người bị kết án) cũng chặt chẽ và nhất định phải theo quy định của BLHS. Có người được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù nhưng vẫn chưa được ra tù, vì thời hạn tù còn dài.
Còn việc Chủ tịch nước đặc xá cho người bị kết án (phạm nhân) lại theo quy định của Luật Đặc xá. Có thể nói, hàng năm trong các Trại cải tạo thường thực hiện hai trường hợp, đó là tha tù theo quyết định đặc xá và giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù theo BLHS. Phạm nhân nào được giảm hết thời hạn chấp hành hình phạt tù thì được tha luôn.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, BLHS 2015 chính thức quy định chế định: “Tha tù trước thời hạn có điều kiện” cho các “phạm nhân” cải tạo tốt trong các trại giam nhằm động viên người người bị kết án tích cực cải tạo nếu đủ các điều kiện. Do đó mới có chế định: “Tha tù trước thời hạn có điều kiện”.
Theo quy định tại Điều 66 BLHS thì, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện, đó là: “Phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí; đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn”.
Đối với người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba (1/3) mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
Các trường hợp được tha tù trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 66 BLHS phải là các trường hợp không thuộc một trong các trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2 Điều 66 BLHS, đó là: Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh), Điều 299 (tội khủng bố); người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV (các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người) do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại Điều 168 (tội cướp tài sản), Điều 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy), Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy) và Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) ; người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân thuộc trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ.
Tuy nhiên, theo quy định của Điều 66 BLHS, người phạm tội ít nghiêm trọng lại không thuộc đối tượng được xét “tha tù có thời hạn có điều kiện”, nên có ý kiến cho rằng, như vậy là không công bằng. Ví dụ: Nguyễn Văn A phạm tội “trộm cắp tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS (là phạm tội ít nghiêm trọng); thuộc trường hợp phạm tội lần đầu và bị tòa án phạt 03 tù giam. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, A bị đưa vào trại cải tạo để chấp hành hình phạt 03 năm tù và đã chấp hành được 18 tháng (1/2) mức hình phạt. Trong thời gian chấp hành hình phạt, A có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí nhưng lại không thuộc trường hợp được “tha tù trước thời hạn” theo quy định tại Điều 66 của BLHS. Vì vậy, trong trường hợp này, Trại cải tạo nên xét giảm hết thời gian còn lại của hình phạt tù cho A và trả tự do cho A. Có như vậy mới bảo đảm sự công bằng đối với các phạm nhân khác.
Theo quy định tại Điều 66 BLHS thì, sau khi được tha tù trước thời hạn, người được tha tù phải thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của hình phạt tù (khoản 3 Điều 66 BLHS). Quy định này, vừa thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước, nhưng cũng vẫn bảo đảm việc theo dõi, quản lý người bị kết án tù. Tuy nhiên, các nghĩa vụ trong thời gian thử thách là nghĩa vụ gì thì BLHS lại không quy định cụ thể. Đây cũng là vấn đề rất cần Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn.
Thời gian thử thách cũng như việc quy định người bị kết án tù phải thực hiện nghĩa vụ cũng tương tự như thời gian thử thách của án treo. Nếu trong thời gian thử thách người được tha tù cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Nếu trong thời gian thử thách người được tha tù trước thời hạn thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của BLHS (khoản 4 Điều 66 BLHS).
Nếu người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách (khoản 5 Điều 66 BLHS). Tuy nhiên, “cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền” gồm cơ quan nào cũng chưa được quy định trong BLHS.
Cần chú ý các quy định trên là quy định “tha tù trước thời hạn” chứ không phải là giảm mức hình phạt đã tuyên, nên trong thực tế có người vừa được giảm mức hình phạt tù đã tuyên, vừa được tha tù trước thời hạn, nếu họ có đủ điều kiện.
Chế định “tha tù trước thời hạn” cũng không phải là chế định “đặc xá” do Chủ tịch nước quyết định vào các dịp lễ, tết. Chế định “tha tù có thời hạn không nhất thiết phải vào dịp lễ, tết mà là việc làm thường xuyên của Cơ quan tiến hành tố tụng.
Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù do Chủ tịch nước quyết định thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta đối với người phạm tội phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm các yêu cầu chính trị, đối ngoại. Đặc xá thường được thực hiện vào các dịp lễ trọng đại của đất nước.
Ngoài ra, tuy không phải dịp lễ tết nhưng do yêu cầu về ngoại giao hoặc vì một lý do “đặc biệt” nào đó, thì Chủ tịch nước vẫn quyết định đặc xá cho một hoặc một số người bị kết án.
Để chế định “đặc xá” đúng với nghĩa của nó là “đặc biệt”, nên nhiều ý kiến đề nghị, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá cũng nên cân nhắc đến tiêu chuẩn, điều kiện được “đặc xá”. Ví dụ: Đối với trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí; chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng vẫn có thể được đặc xá.
Nay BLHS đã có chế định “tha tù trước thời hạn” thì việc đặc xá do Chủ tịch nước quyết định nên coi đó là trường hợp đặc biệt, chứ không nên làm thường xuyên như tha tù trước thời hạn.
Nếu chúng ta vẫn quy định điều kiện của đặc xá cũng giống điều kiện tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của BLHS thì không còn là “đặc xá” nữa. Trong khi Nhà nước ta đang có đồng thời nhiều chính sách khoan hồng đối với người bị kết án phạt tù thì chỉ coi đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước. Về đối tượng, chỉ áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ đang có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi v.v…Về thời gian đã chấp hành án cũng không nên quy định, mà dành cho Chủ tịch nước quyền quyết định trong từng trường hợp, sau khi đã cân nhắc đầy đủ các yếu tố về chính trị – xã hội, đối nội, đối ngoại, tình hình tội phạm.
ĐINH VĂN QUẾ (Nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).