Phạm nhân chết trong khi đang tại ngoại chờ thi hành án: Giải quyết như thế nào?

Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng. Tuy nhiên trong thực tiễn thi hành Luật thi hành án hình sự năm 2010 còn có một số khó khăn, vướng mắc; cụ thể là trong việc áp dụng khoản 2 Điều 49 của Luật.
Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động lập pháp của Nhà nước ta nói chung, trong lĩnh vực thi hành án hình sự nói riêng, thể hiện chính sáchkhoan hồng, nhân đạo của Nhà nước ta đối với người chấp hành án, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính cũng như bảo đảm tốt hơn quyền tự do, dân chủ của công dân.
Tuy nhiên trong quá trình thi hành Luật thi hành án hình sự năm 2010 còn có một số khó khăn, vướng mắc; cụ thể là trường hợp phạm nhân bị chết trong khi đang được tại ngoại chờ thi hành án. Chúng ta cùng xem xét ví dụ sau:
Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 06/10/2018 của Tòa án nhân dân quận K, tuyên phạt Phạm Văn T 15 tháng tù về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy; sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, ngày 16/11/2018 Tòa án nhân dân quận K ra Quyết định thi hành án đối với bị án Phạm Văn T.
Do bị án Phạm Văn T có đơn đề nghị xin hoãn thi hành án với lý do bị bệnh nặng, quá trình xác minh Cơ quan thi hành án quận K xác định bị án T đang điều trị tại Bệnh viện, đã tiến hành thu thập bệnh án chuyển Tòa án quận đề nghị ra quyết định tạm hoãn thi hành án cho bị án T.
Trong quá trình Tòa án đang xem xét, giải quyết, đến ngày 21/02/2019 bị án Phạm Văn T bị chết.
Căn cứ vào khoản 2, Điều 49 Luật Thi hành án hình sự, ngày 28/02/2019 Tòa án nhân dân quận K đã ra Quyết định đình chỉ thi hành án hình phạt tù và chuyển Quyết định đến Viện kiểm sát nhân dân quận K.
Qua công tác kiểm sát thi hành án hình sự đối với Quyết định đình chỉ thi hành án hình phạt tùViện kiểm sát nhân dân quận K xem xét giải quyết dựa trên hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Do bị án Phạm Văn T không phải là phạm nhân đang ở Trại giam hoặc Trại tạm giam, nên Tòa án nhân dân quận K căn cứ vào khoản 2, Điều 49 Luật Thi hành án hình sự ra Quyết định đình chỉ thi hành án hình phạt tù là không có căn cứ, Viện kiểm sát nhân dân quận cần ban hành Bản kiến nghị đối với Tòa án nhân dân quận trong việc áp dụng sai điều luật.
Quan điểm thứ hai: Đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành về thi hành án hình sự, chưa có điều nào quy định để áp dụng đình chỉ thi hành án hình phạt tù đối với bị án Phạm Văn T, vì vậy việc Tòa án nhân dân quận K căn cứ vào khoản 2, Điều 49 ra Quyết định đình chỉ là có căn cứ.
Viện kiểm sát nhân dân quận K nghiêng về quan điểm thứ nhất để giải quyết; do Điều 49 Luật Thi hành án hình sự 2010 chỉ quy định: “Giải quyết trường hợp phạm nhân chết” tại Trại giam hoặc Trại tạm giam. Trong trường hợp cụ thể này bị án Phạm Văn T không phải là phạm nhân đang ở Trại giam hoặc Trại tạm giam; bị án Phạm Văn T đang tại ngoại chờ đi thi hành án.
Tuy nhiên, trong thực tế rất khó ban hành Bản kiến nghị về việc Tòa án nhân dân quận K áp dụng sai điều luật (khoản 2, Điều 49) trong Quyết định đình chỉ thi hành án hình phạt tù; do chưa chỉ ra được Tòa án nhân dân quận K cần phải áp dụng điều luật nào. Rất mong nhận được trao đổi, góp ý của bạn đọc để áp dụng giải quyết thống nhất./.

Khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về Giải quyết trường hợp phạm nhân chết:
1. Khi phạm nhân chết tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ sở chữa bệnh của Nhà nước thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm thủ tụckhai tử và thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người chết trước khi làm thủ tục an táng. Trường hợp phạm nhân chết ở cơ sở chữa bệnh thì cơ sở chữa bệnh đó làm giấy chứng tử gửi cho trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Trường hợp phạm nhân chết là người nước ngoài, Giám thị trại giam phải báo ngay cho cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cấp tỉnh, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi có phạm nhân chết để xác định nguyên nhân; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam có trách nhiệm tổ chức an táng.
2. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của phạm nhân chết và được cơ quan có thẩm quyền cho phép, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tổ chức an táng bằng hình thức hỏa táng hoặc địa táng tuỳ điều kiện địa lý, phong tục, tập quán và thông báo cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, Toà án đã ra quyết định thi hành án phải ra quyết định đình chỉ việc chấp hành án phạt tù và gửi cho thân nhân của phạm nhân chết, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân chết, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định đình chỉ có trụ sở. Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi phạm nhân chết có trách nhiệm phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong việc an táng và quản lý mộ của phạm nhân. Kinh phí cho việc an táng được Nhà nước cấp.
3. 
4. …

024 3755 8809