Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 đã có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Với Bộ luật này, Tòa án nhân dântối cao kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy và thực hiện công cuộc cải cách tư pháp, tạo điều kiện để người dân tiếp cận công lý; hình thành tố tụng mang tính bình đẳng, minh bạch, trong đó mấu chốt là đảm bảo các tranh chấp về dân sự nói chung và tranh chấp kinh doanh thương mại nói riêng được thụ lý nhanh chóng và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật. Một số nét mới chính của BLTTDS 2015 liên quan đến tranh chấp kinh doanh thương mại bao gồm:
– BLTTDS 2015 khắc phục những điểm mà BLTTDS 2004 quy định chưa rõ về vấn đề tranh chấp kinh doanh thương mại vốn gây nên sự nhầm lẫn giữa thương mại và dân sự;
– Thực tiễn cho thấy khi giải quyết phần tranh chấp kinh doanh thương mại, nhiều Thẩm phán nhầm lẫn giữa việc thương mại và vụ án thương mại; do vậy BLTTDS 2015 quy định rõ tại các Điều 30 và 31 để tránh trường hợp việc thương mại nhưng lại giải quyết theo thủ tục áp dụng đối với vụ án thương mại;
– Nhằm cụ thể hóa quyền tại khoản 2 Điều 4 của BLTTDS, Điều 30 và 31 đã đưa quy định về việc khởi kiện vụ việc thương mại trong trường hợp không có luật định, tức là luật pháp của Việt Nam chưa quy định.
1. Xác định tranh chấp kinh doanh thương mại
Tranh chấp kinh doanh thương mại là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại của những cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh. Khác với quy định tại khoản 1 Điều 29 BLTTDS 2004 chưa rõ ràng, tại khoản 1 Điều 30 của BLTTDS 2015 đã quy định rõ hơn nhằm tránh việc nhầm lẫn giữa vụ việc thương mại với vụ việc dân sự. Thực tiễn trước đây, nhiều trường hợp một số vụ việc thuộc về thương mại thì được giải quyết thành vụ việc dân sự và ngược lại, một số vụ việc về dân sự thì lại áp dụng luật thương mại để giải quyết. Các đặc điểm của tranh chấp kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm:
(i) Chủ thể của tranh chấp phải là một tổ chức kinh tế hoặc hộ kinh doanh, cá nhân hoặc hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh. Các tranh chấp không có đặc điểm này là tranh chấp dân sự. Đối với cá nhân không có đăng ký kinh doanh, theo Điều 66 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP, sẽ không được coi là hoạt động thương mại, do vậy tranh chấp giữa họ không phải là tranh chấp kinh doanh thương mại;
(ii) Các bên trong hoạt động thương mại có tranh chấp phải có mục đích lợi nhuận. Tranh chấp nào chỉ có một bên có mục đích lợi nhuận còn bên con lại không vì mục đích lợi nhuận sẽ không phải là tranh chấp thương mại. Việc quy định như vậy sẽ tương thích, phù hợp với Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam.
BLTTDS 2015 bổ sung thêm quy định tranh chấp kinh doanh thương mại là tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty đối với giao dịch chuyển nhượng của công ty. Trong thực tiễn đã xảy ra nhiều tranh chấp về việc chuyển nhượng vốn của công ty mà một bên chưa phải là thành viên công ty.
BLTTDS 2015 bổ sung quy định các tranh chấp về kinh doanh thương mại khác đều là tranh chấp kinh doanh thương mại, trừ trường hợp pháp luật có quy định tranh chấp đó do các cơ quan khác giải quyết. Quy định này nhằm cụ thể hóa khoản 2 Điều 4 của BLTTDS là Tòa án không có quyền từ chối thụ lý những việc mà pháp luật không có quy định. Cụ thể hơn, bất cứ tranh chấp gì mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác thì tòa án phải thụ lý để giải quyết, ngay cả khi luật không có quy định điều chỉnh.
2. Xác định việc kinh doanh thương mại
Việc thương mại là những trường hợp các bên không có tranh chấp mà chỉ yêu cầu Tòa án công nhận một sự kiện pháp lý làm phát sinh quyền và nghĩa vụ. Điều 31 của BLTTDS 2015 có một số điểm khác như sau:
– Quy định rõ quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên là việc kinh doanh thương mại. Trước đây BLTTDS 2004 không quy định rõ vấn đề này nên một số tòa án giải quyết theo cách thức của vụ án, một số tòa giải quyết theo cách thức của việc dân sự. Đây là vấn đề công nhận hay không công nhận một sự kiện pháp lý, xác định tính hợp pháp của nghị quyết của Hội đồng thành viên hay Nghị quyết của Đại hội cổ đông phù hợp với quy định tại Điều 63 của Luật Doanh nghiệp 2014 về yêu cầu hủy quyết định của hội đồng thành viên và Điều 87 Luật Doanh nghiệp về hủy quyết định của Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần. Trong thực tế, HĐTP TANDTC đã xét xử giám đốc một việc kinh doanh thương mại mà tòa án hai cấp trước đây giải quyết sai và xem đó là vụ án kinh doanh thương mại;
– BLTTDS 2015 bổ sung thêm tại chương XXXII và chương XXXIV quy định việc bắt giữ tàu bay và tàu biển là việc kinh doanh thương mại. Quy định này đã được đưa ra tại Pháp lệnh bắt giữ tàu biển 2008 và Pháp lệnh bắt giữ tàu bay 2010. Việc bổ sung quy định này tại BLTTDS 2015 nhằm tương thích với các pháp lệnh nói trên;
– BLTTDS 2015 bổ sung thêm quy định các yêu cầu khác về kinh doanh thương mại cũng thuộc thẩm quyền của Tòa án. Yêu cầu khác này là đối với những trường hợp mà pháp luật chưa qui định thì tất cả những việc thương mại mà pháp luật không quy định sẽ được áp dụng quy định này.
3. Xác định tranh chấp kinh doanh thương mại và thẩm quyền giải quyết trong trường hợp luật không quy định
Các điều 43, 44 và 45 BLTTDS 2015 quy định về trường hợp giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại mà không có luật định. Nếu không có luật định thì phải xác định nó là vụ việc thương mại thì mới thụ lý để giải quyết theo thủ tục kinh doanh thương mại được; nếu không phải là vụ việc thương mại thì sẽ không thụ lý. Để được xác định là quan hệ thương mại, thứ nhất, quan hệ đó phải mang tính chất bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Thứ hai, chủ thể của nó phải là cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh.
Khi không có luật định, Tòa án cũng phải xác định thẩm quyền theo lãnh thổ, ví dụ TAND cấp tỉnh thụ lý thì phải dựa trên cơ sở Điều 35 BLTTDS trong đó quy định rằng TAND cấp huyện chỉ được thụ lý giải quyết tranh chấp hoạt động thương mại, còn các loại tranh chấp khác liên quan đến thương mại như tranh chấp trong nội bộ công ty hoặc tranh chấp trong trường hợp không có luật định hay tranh chấp sở hữu trí tuệ… phải thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
Việc xác định thẩm quyền theo lãnh thổ còn phải căn cứ vào Điều 39 và 40 của BLTTDS, đó là xác định theo nơi cư trú của bị đơn. Tòa án nơi cư trú của bị đơn hoặc trong trường hợp có chi nhánh thì thẩm quyền thuộc về Tòa án nơi có trụ sở chính của công ty. Trong trường hợp pháp luật không quy định, BLTTDS 2015 quy định rằng việc giải quyết sẽ trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không có thỏa thuận gì thì giải quyết theo tập quán; không có tập quán thì giải quyết theo quy tắc tương tự pháp luật; và nếu không có quy tắc tương tự thì giải quyết trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của BLDS, án lệ và lẽ công bằng. Tức là việc giải quyết phải theo thứ tự ưu tiên áp dụng.
4. Vấn đề kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng
Khi thay đổi chủ sở hữu của tổ chức và triển khai quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu cũ hết quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự. Đối với công ty TNHH một thành viên, doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh, khi có sự thay đổi chủ sở hữu và đã có việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ tố tụng cho chủ sở hữu mới thì chủ sở hữu mới sẽ kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng này. Đây là quy định xác định quyền và nghĩa vụ tố tụng trong hoạt động tố tụng.
Việc tổ chức chuyển giao quyền và nghĩa vụ tố tụng phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Thực tiễn vừa qua đã phát sinh vướng mắc trong trường hợp các tổ chức tín dụng bán nợ của mình cho tổ chức đi mua nợ như VMC. Khi tổ chức tín dụng đó bán nợ cho VMC mà trước đó phát sinh tranh chấp đối với việc thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng này thì khi họ chuyển giao quyền đó cho một tổ chức khác thì các tổ chức tiếp theo sẽ thừa kế quyền và nghĩa vụ này.
Một ví dụ khác: Trong BLDS 2005, tổ hợp tác vẫn được coi là có tư cách pháp nhân và có thể trở thành một chủ thể trong TTDS. Tuy nhiên BLDS 2015 không còn xác định tổ hợp tác là một chủ thể trong quan hệ dân sự nữa. Chính vì vậy, đối với những tổ chức không có tư cách pháp nhân, nếu người đại diện của họ không xác định được và họ không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó đã chấm dứt hoạt động, giải thể thì trách nhiệm rõ ràng thuộc về tất cả các thành viên. Tất cả các thành viên đều phải tham gia tố tụng với tư cách là kế thừa quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó. Quy định như vậy để áp dụng đối với những tổ chức không có tư cách pháp nhân khi họ tham gia tố tụng.
5. Về đại diện của đương sự
BLDS 2015 quy định tại Điều 134 về người đại diện có thể là pháp nhân hoặc cá nhân. Trước đây, theo Điều 139 BLDS 2005 thì người đại diện là người cụ thể cho nên chúng ta hiểu đó là các cá nhân. Đến BLDS 2015 quy định mới rằng đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân và BLTTDS cũng quy định tương ứng rằng người đại diện theo ủy quyền có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Một pháp nhân có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác. Vấn đề ủy quyền cho một pháp nhân hiện này đang được TANDTC chuẩn bị hướng dẫn bằng Nghị quyết của HĐTP về việc thực hiện ủy quyền cho một pháp nhân, trong đó một pháp nhân này có thể ủy quyền cho một pháp nhân khác. Khi tham gia tố tụng với tư cách là người ủy quyền, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó sẽ là người tham gia để nhân danh cho pháp nhân mà mình thực hiện việc ủy quyền.
6. Vấn đề thụ lý đơn và khởi kiện
Điều 190 và 191 BLTTDS 2015 quy định việc nộp đơn đơn giản hơn so với BLTTDS 2004: (i) trực tiếp nộp đơn; hoặc (ii) nộp qua đường bưu chính; hoặc (iii) nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử. Nếu chủ thể đó có đăng ký giao dịch điện tử thì có thể chỉ cần nộp đơn qua cổng thông tin điện tử là Tòa án đã thụ lý đơn mà không cần phải đến tòa. Việc quy định mới về các hình thức nộp đơn sẽ góp phần thụ lý kịp thời để giải quyết tranh chấp.
Tòa án phải cấp ngay xác nhận đã nhận đơn. Đây là điểm mới quan trọng của BLTTDS 2015. Việc làm này nhằm nâng cao trách nhiệm của Tòa án, tức là kể từ ngày đó Tòa án phải có trách nhiệm đối với yêu cầu của đương sự và phải giải quyết.
Quy trình xử lý đơn được quy định rất chặt chẽ. Tổng số thời gian xử lý đơn là trong vòng 8 ngày làm việc. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận đơn, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán đứng ra xử lý đơn và người Thẩm phán có 5 ngày để đưa ra quyết định về việc xử lý đơn yêu cầu, tức là việc xác định thụ lý hay không thụ lý chỉ có 5 ngày làm việc. Như vậy, so với BLTTDS 2004 thì đây là bước tiến bộ trong tố tụng, làm cho việc thụ lý giải quyết được nhanh chóng, đồng thời tránh tình trạng tòa án này thì thụ lý nhanh, có tòa án khác thì thụ lý chậm. Trong 8 ngày, Tòa án phải ra một trong bốn quyết định, đó là: trả lại đơn, tiến hành thụ lý, yêu cầu sửa đổi bổ sung, chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền.
Thực tiễn cho thấy vướng mắc gặp nhiều nhất ở việc trả lại đơn khởi kiện. Do vậy, BLTTDS 2015 quy định rất cụ thể là việc trả lại đơn khởi kiện tại Điều 192 trong đó khoản 1 có 7 trường hợp trả lại đơn khởi kiện: i) người khởi kiện không có quyền khởi kiện; ii) chưa đủ điều kiện khởi kiện; iii) sự việc đã được giải quyết bằng một bản án, quyết định của tòa án; iv) hết thời hạn mà không nộp tiền tạm ứng án phí; v) không thuộc thẩm quyền của tòa án; vi) người khởi kiện không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung; vii) người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
Trong 7 căn cứ trả lại đơn khởi kiện trên đây, hai căn cứ trước đây gặp nhiều vướng mắc nhất và có cách hiểu khác nhau, đó là: không có quyền khởi kiện và không có căn cứ khởi kiện. BLTTDS 2004 quy định vấn đề này chưa rõ nên có nhiều Thẩm phán nhầm lẫn giữa không có quyền khởi kiện với việc khởi kiện không có căn cứ. Cho nên, trong nhiều trường hợp Thẩm phán đòi hỏi người khởi kiện phải có đủ căn cứ bảo vệ cho mình thì mới nhận đơn còn nếu chưa đủ căn cứ thì lại cho rằng không có quyền khởi kiện. Do vậy, BLTTDS 2015 đã quy định rõ chỉ những trường hợp quy định tại Điều 186 và 187 BLTTDS là không có quyền khởi kiện, còn lại đều có quyền khởi kiện. Để cụ thể hóa quy định này, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP đã hướng dẫn chi tiết về quyền khởi kiện. Nghị quyết ghi rõ không có quyền khởi kiện là khi họ làm đơn nhưng không bảo vệ quyền và lợi ích cho mình hoặc là người đại diện hợp pháp; hoặc người làm đơn không thuộc trường hợp mà luật quy định có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 187 BLTTDS 2015. Các trường hợp còn lại là có quyền khởi kiện và Tòa án phải thụ lý đơn. Nếu Tòa án thấy rằng không đủ căn cứ thì bác yêu cầu chứ không thể chưa
xét xử mà cho rằng người đó không có quyền khởi kiện. Bên cạnh đó, BLTTDS 2015 quy định không được quyền từ chối, nên nếu pháp luật không quy định cơ quan khác có quyền giải quyết thì tất cả các yêu cầu đều thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Về điều kiện khởi kiện, BLTTDS 2015 nêu rõ khi nào luật quy định thì mới áp dụng, còn các trường hợp khác là có quyền khởi kiện. Ví dụ, luật quy định là tranh chấp đất đai hoặc tranh chấp lao động hoặc là tranh chấp thương mại phải qua hòa giải rồi mới được khởi kiện ra Tòa án thì khi nào đạt được điều kiện đó người khởi kiện mới được khởi kiện, còn nếu không thì không đủ điều kiện để khởi kiện.
7. Xác định địa chỉ của bị đơn
Trong nhiều trường hợp chủ thể sau khi xác lập quan hệ thương mại đã thay đổi nơi cư trú và người khởi kiện không tìm được nơi cư trú mới và khi đó Tòa sẽ trả lại đơn khởi kiện theo BLTTDS 2004. Để khắc phục vấn đề này, BLTTDS 2015 quy định: Tòa án không trả lại đơn khởi kiện nếu người khởi kiện ghi đúng địa chỉ trong giao dịch hợp đồng. Việc này phù hợp với Điều 40 của BLDS trong đó quy định rằng khi thay đổi nơi cư trú thì người có nghĩa vụ phải thông báo cho người có quyền biết. Ví dụ, lúc giao dịch hợp đồng người có nghĩa vụ địa chỉ A nhưng sau khi ký kết họ đi nơi khác mà không thông báo cho người có quyền biết thì người có quyền vẫn có thể khởi kiện và Tòa án không được trả lại đơn khởi kiện. Đối với trường hợp người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các tổ chức, Điều 79 BLDS 2015 quy định pháp nhân có thay đổi về trụ sở phải thông báo công khai. Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2014 cũngquy định là khi thay đổi nội dung đăng ký thì phải đăng ký lại, cho nên trong trường hợp các pháp nhân kinh tế thay đổi trụ sở nhưng không thông báo công khai thì xem như họ cố tình giấu địa chỉ. Trường hợp này Tòa vẫn nhận đơn và thụ lý.
8. Về việc dân sự
Có hai loại việc dân sự mới được bổ sung: (i) Điều 414 và 415 bổ sung thêm quy định về đăng ký phán quyết của trọng tài vụ việc. Theo Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 62, đối với phán quyết trọng tài vụ việc, theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp thì phán quyết trọng tài được đăng ký trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành phán quyết trọng tài. Quy định này là để tương thích với Luật Trọng tài thương mại 2010. Trình tự, thủ tục đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc này được thực hiện theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010; (ii) chương XXXIV của BLTTDS có 3 điều luật là 420, 421 và 422 quy định về thủ tục bắt giữ tàu bay và tàu biển để đảm bảo lợi ích của các bên trong tranh chấp về hàng hải, hay đảm bảo yêu cầu thi hành án, hay thực hiện một nghĩa vụ có liên quan đến tàu bay và tàu biển. Thủ tục bắt giữ tàu bay và tàu biển sẽ thực hiện theo Pháp lệnh bắt giữ tàu bay và Pháp lệnh bắt giữ tàu biển.
HỎI ĐÁP
Câu hỏi 1: Về tranh chấp kinh doanh thương mại, tranh chấp giữa một bên là pháp nhân và một bên là cá nhân thì điều kiện đăng ký kinh doanh đối với cá nhân có cần thiết không? Tranh chấp giữa các thành viên công ty, theo Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ có Cty TNHH mới có quy định là thành viên công ty, còn đối với Cty cổ phần, trong BLTTDS 2015 bổ sung khoản 4 Điều 30 quy định về tranh chấp giữa Hội đồng quản trị của công ty cổ phần thì đó có phải là tranh chấp giữa các thành viên công ty hay không?
Trả lời:
BLTTDS 2015 quy định rõ là tranh chấp thương mại có hai điều kiện: (i) về mặt chủ thể thì một là tổ chức phải là tổ chức kinh tế, tức là một pháp nhân kinh tế; và (ii) đối với cá nhân trong quan hệ đó phải có đăng ký kinh doanh, mà nhóm có đăng ký kinh doanh tức là chủ thể đó thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Nghị định 78 quy định rõ trường hợp không thuộc diện đăng ký kinh doanh, các hoạt động không phải là thương mại, như: cá nhân sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, làm muối, những người mua bán hàng rong, mua bán chuyến, đó là những người mà quy mô kinh doanh nhỏ dưới 10 lao động nên không có đăng ký kinh doanh. Do vậy, tranh chấp của họ không phải là tranh chấp kinh doanh thương mại. Nếu cá nhân thuộc diện đăng ký kinh doanh nhưng có các hoạt động trước khi đăng ký kinh doanh làm phát sinh tranh chấp thì vẫn coi là tranh chấp kinh doanh thương mại. Về tranh chấp giữa các thành viên công ty khoản 4 Điều 30, quy định về tranh chấp thành viên công ty giữa các thành viên của Hội đồng quản trị, đó vừa là tranh chấp trong nội bộ của công ty trách nhiệm hữu hạn. Đối với công ty cổ phần hoặc đối với các loại hình doanh nghiệp khác, hoạt động này thể hiện tranh chấp trong nội bộ công ty, kể cả trong công tác quản lý, trong việc xác định quyền của các thành viên trong việc tổ chức sắp đặt v.v.. Như vậy, quy định tại khoản 4 của Điều 30 bao hàm vấn đề nêu trên.
Câu hỏi 2: Có hai nhà đầu tư nước ngoài có tranh chấp hợp đồng đầu tư. Theo Điều 14 Luật Đầu tư 2014, tranh chấp liên quan đến hợp đồng đầu tư tại Việt Nam được giải quyết trước hết thông qua thương lượng, hòa giải. Nếu không thương lượng được thì mới giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án. Trước khi khởi kiện đến Tòa án, hai bên tranh chấp chưa có thương lượng và chưa diễn ra hòa giải. Như vậy, nguyên đơncó đủ điều kiện để khởi kiện đến Tòa án hay không? Trên thực tế, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP chỉ hướng dẫn một số quy định về việc hòa giải trước khi khởi kiện đối với một số tranh chấp liên quan đến đất đai. Vậy nguyên đơn có phải thực hiện thủ tục thương lượng, hòa giải trước khi khởi kiện ra tòa án theo Luật Đầu tư không?
Trả lời:
Điểm b khoản 1 Điều 192 quy định điều kiện khởi kiện có thể theo quy định của bất cứ luật nào. Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định rằng phải thỏa mãn điều kiện nhất định mới được khởi kiện thì khi nào có quy định như vậy mới được gọi coi là điều kiện khởi kiện. Nếu luật không bắt buộc phải thông qua điều kiện này để được khởi kiện thì không coi đó là điều kiện khởi kiện. Như vậy, về nguyên tắc chung, đối với tranh chấp đầu tư và các tranh chấp khác, chỉ khi trong luật có quy định là tranh chấp đó muốn đi khởi kiện phải đáp ứng điều kiện cụ thể thì mới coi là điều kiện khởi kiện. Nếu luật không định thì các bên có thể lựa chọn hòa giải, thương lượng hay thông qua tòa án vì đó là quyền của họ. Ví dụ: Luật Bồi thường Nhà nước quy định muốn bồi thường nhà nước cần phải thỏa mãn hai điều kiện: (i) phải có một bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi đó là trái pháp luật; và (ii) cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường phải tiến hành thương lượng, nếu không thương lượng được mới khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Trong trường hợp cụ thể của này, việc thương lượng giữa người giải quyết bồi thường và người yêu cầu là điều kiện khởi kiện.
Câu hỏi 3: Trong một vụ án, bị đơn là tổ chức nước ngoài thay đổi địa chỉ nhưng không thông báo địa chỉ mới cho nguyên đơn. Trường hợp này có được coi là cố tình giấu địa chỉ theo Nghị quyết 04 hay không?
Trả lời:
Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP quy định: trong trường hợp cá nhân có nghĩa vụ mà thay đổi nơi cư trú nhưng không báo cho người có quyền biết thì coi là cố tình giấu địa chỉ. Theo nghị quyết HĐTP TANDTC, nghĩa vụ ở đây phải được ghi trong giao dịch, hợp đồng, tức là nghĩa vụ đó ràng buộc đối với họ. Trường hợp tổ chức hoặc pháp nhân thay đổi trụ sở mà không đăng ký lại, không thông báo công khai thì coi như là pháp nhân, tổ chức đó cố tình giấu địa chỉ. Trong 2 trường hợp này Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án. Các tranh chấp có yếu tố nước ngoài cũng áp dụng tương tự. Nếu doanh nghiệp có quốc tịch Việt Nam, đăng ký ở Việt Nam và đã giao dịch hợp đồng nhưng sau đó thay đổi mà không thông báo công khai thì cũng thực hiện như trên. Trường hợp khi khởi kiện nguyên đơn không cung cấp địa chỉ của bị đơn ở nước ngoài, Tòa án sẽ yêu cầu bổ sung; quá trình giải quyết nếu không tống đạt được thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện. Việc xét xử vắng mặt đương sự là người nước ngoài khi không xác định được địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi liên quan cần căn cứ vào các điểm 5 và 6 Điều 477 BLTTDS.
Câu hỏi 4: Về tư cách của đương sự, Chi nhánh và văn phòng đại diện không phải là pháp nhân. Tuy nhiên, Quyết định thành lập của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam có ghi rõ Văn phòng giao dịch của Ngân hàng chính sách là đại diện pháp nhân. Vậy có được căn cứ vào Quyết định này để xác định Văn phòng đại diện của Ngân hàng chính sách xã hội có tư cách pháp nhân để tham gia tố tụng hay không hay đại diện đương sự tham gia tố tụng phải là Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam với tư cách là pháp nhân, sau đó Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam có văn bản ủy quyền cho Văn phòng giao dịch làm đại diện tham gia tố tụng? Hoặc có thể coi Quyết định thành lập văn phòng giao dịch với cụm từ là “phòng giao dịch là đại diện cho pháp nhân” để xác định đây là văn bản ủy quyền thường xuyên?
Trả lời:
Các tổ chức tín dụng, kể cả Ngân hàng chính sách là khi tham gia tố tụng phải là một pháp nhân. Việc đưa chi nhánh tham gia tố tụng với tư cách là một chủ thể độc lập trong tố tụng như một số bản án viết là không đúng quy định. Trong trường hợp này, tổ chức tín dụng là nguyên đơn, bị đơn hoặc người liên quan trong tố tụng thì phải ghi tên của tổ chức tín dụng có tư cách pháp nhân. Nếu tổ chức đó ủy quyền cho phòng giao dịch hoặc chi nhánh tham gia tố tụng thì đó là với tư cách người được ủy quyền, đại diện; tên tham gia tố tụng vẫn là tên của một pháp nhân. Chi nhánh không thể tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn, bị đơn. Trong bản án không được viết “Chi nhánh… là nguyên đơn, bị đơn” mà cần phải phải viết lại thành: “Ngân hàng chính sách xã hội, do ông/bà… Trưởng Chi nhánh, được ủy quyền đại diện”
Câu hỏi 5 và bình luận: Quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người khác được quy định tại Điều 187 BLTTDS 2015. So với BLTTDS 2004 trong đó quy định ba trường hợp, BLTTDS 2015 bổ sung thêm hai trường hợp, gồm: i) bảo vệ người lao động, bảo vệ người tiêu dùng; ii) bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng. Luật quy định: Thành viên công ty hay cổ đông công ty nhân danh công ty khởi kiện Hội đồng quản trị để bảo vệ lợi ích người khác. Điều 161 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ hơn tại Điều 50: thành viên có quyền khởi kiện Hội đồng thành viên công ty TNHH hoặc đối với người quản lý công ty nói chung. Các nước Anh, Pháp, Hàn Quốc, kể cả ở Đông Nam Á như Singapore cũng có quy định về quyền khởi kiện nhân danh công ty và coi đó là vụ kiện phái sinh (derivative action). Tòa án các nước có quyền xử những vụ án như thế, nhưng luật tố tụng Việt Nam chưa có quy định này, do vậy, trong thời gian tới, thành viên công ty có thể căn cứ vào Điều 50 hoặc Điều 161 của Luật Doanh nghiệp 2014 để khởi kiện người quản lý công ty vì người quản lý công ty vi phạm nghĩa vụ quản lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty và họ nhân danh công ty đi kiện. Vậy Việt Nam hiện nay có nhận đơn khởi kiện và thụ lý hay không đối với những trường hợp này? Hay Tòa án sẽ cho rằng theo BLTTDS thì thành viên công ty không có quyền nhân danh công ty vì họ không phải là người đại diện theo pháp luật và họ cũng không phải là người được đại diện theo pháp luật ủy quyền? Luật tố tụng cũng quy định thành viên công ty không có quyền nhân danh công ty khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Điều 187 BLTTDS 2015 không đưa ra một điều khoản phòng ngừa để bao hàm các trường hợp khác mà luật khác có quy định mà quy định cứng luôn các trường hợp cụ thể, không có các trường hợp khác. Do đó,nếu Tòa án từ chối các trường hợp khởi kiện như trên thì người khởi kiện có quyền khiếu nại không? Nếu khiếu nại thì tòa án trả lời như thế nào?
Trả lời:
BLTTDS 2015 không quy định vấn đề khởi kiện của thành viên công ty nhân danh công ty hoặc nhân danh thành viên công ty. Đối với quan hệ dân sự giữa một pháp nhân với chủ thể là một pháp nhân khác thì phải thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật. Do vậy, nếu khởi khởi kiện đối với cá nhân khác thì phải là người đại diện được Luật Doanh nghiệp quy định và phải phù hợp với BLTTDS. Điều 50 của Luật Doanh nghiệp quy định cá nhân thành viên công ty có thể nhân danh công ty để khởi kiện Hội đồng quản trị. Như thế, trường hợp này thuộc quy định tại khoản 4 Điều 30.
Câu hỏi 6 và bình luận: Về chủ thể có quyền khởi kiện, đương sự là cá nhân trong tranh chấp kinh doanh thương mại có bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh không? Khoản 1 Điều 50 BLTTDS quy định rõ là bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh; trong khi các khoản 2, 3, 4, 5 của Điều 50 không bắt buộc cá nhân phải có đăng ký kinh doanh; Ví dụ: giữa các thành viên công ty thì thành viên đó có phải cá nhân không vì Công ty có đăng ký kinh doanh nhưng cá nhân thành viên công ty khôngthể có đăng ký kinh doanh. Trường hợp tranh chấp về sở hữu trí tuệ v.v.. đã được Nghị quyết 01, Nghị quyết 03 hướng dẫn rằng đối với tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thì không bắt buộc các bên tranh chấp phải có đăng ký kinh doanh. Như vậy, rõ ràng, nếu áp đặt điều kiện cá nhân bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh mới được coi là chủ thể tranh chấp thương mại thì không ổn. Đối với khoản 5 Điều 50, Nghị quyết hướng dẫn cũng rất chung chung là tranh chấp về kinh doanh thương mại khác. BLTTDS 2004 có cụm từ “mà pháp luật có quy định” nhưng BLTTDS 2015 đã bỏ cụm từ này.Vậy định nghĩa thế nào là tranh chấp kinh doanh thương mại?Có nên yêu cầu cá nhân bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh mới có thể trở thành chủ thể của tranh chấp kinh doanh thương mại hay không, hay chỉ cần điều kiện về mục đích thôi? Nếu đó là điều kiện thì được áp dụng cho khoản nào?
Trả lời:
Yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh chỉ áp dụng đối với các trường hợp thuộc khoản 1 của Điều 30; các khoản 2 đến 4 của Điều 30 không yêu cầu. Hoạt động thương mại thì đòi hỏi người tham gia quan hệ đó phải là thương nhân. Khái niệm “Thương nhân” đã được quy định rõ tại khoản 1 Điều 6 của Luật thương mại,trong đó bao gồm hai chủ thể là tổ chức được thành lập hợp pháp và cá nhân có đăng ký kinh doanh. Câu hỏi 8: Trường hợp hành viên công ty khởi kiện nhân danh công ty, không phải bảo vệ lợi ích của mình Việc xét loại tranh chấp để xác định thẩm quyền của tòa án trong 3 khoản của Điều 30. Tuy nhiên nếu người khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại Điều 186 và Điều 187 mà không phải theo Điều 30 (Điều 187 quy định về quyền khởi kiện của thành viên công ty nhân danh công ty bảo vệ quyền và lợi ích của công ty chứ không phải của chính thành viên đó), thì Tòa án có thụ lý đơn kiện không? Điều 186 và Điều 187 quy định quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và của người khác. Trừ 5 trường hợp quy định tại Điều 187, thành viên của công ty có thể nhân danh công ty khi họ có phải là người đại diện hợp pháp của công ty hay không? Trong trường hợp này, thành viên công ty khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, cụ thể là của công ty chứ không bảo vệ lợi ích của mình. Ví dụ, Luật công ty ở Trung Quốc không cho phép thành viên công ty trực tiếp khởi kiện công ty để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính thành viên đó. Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2014 có trao quyền cho thành viên cổ đông công ty, nhưng BLTTDS 2015 lại không trao quyền hợp pháp đó. Khi đó, tòa án xử lý như thế nào? Trả lời Điều 186 chỉ quy định vấn đề khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, còn quyền khởi kiện để bảo vệ lợi ích cho người khác được quy định tại Điều 187. “Người khác” trong quy định này là người hoàn toàn không có liên quan đến quan hệ tranh chấp. Việc khởi kiện là do một cá nhân nhân danh một tập thể sẽ được xác định thuộc trường hợp quy định tại Điều 186, không do Điều 187 điều chỉnh. Do vậy, trong trường hợp một thành viên công ty nhân danh mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện để bảo vệ lợi ích của mình sẽ được áp dụng Điều 186. Nếu thành viên đó nhân danh công ty để khởi kiện thì sẽ thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 30.
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
SOURCE: KỶ YẾU TỌA ĐÀM “CÁC QUY ĐỊNH MỚI CỦA PHÁP LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH THƯƠNG MẠI”. TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO & USAID. Hà Nội, 1-2/8/2017.