Nhìn lại vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương: từ lý luận khoa học luật hình sự đến biểu hiện thực tế trong vụ án – kỳ 3

Trong kỳ này, tiếp nối kỳ trước, chúng tôi sử dụng cách đánh số các tiểu mục sao cho tất cả các kỳ đăng là một tổng thể thống nhất, Kỳ này sẽ trình bày Mục 2, Phần 1 – Bài 1: Hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương.

BÀI 1: TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ VÀ TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG

PHẦN MỘT: HÀNH VI VI PHẠM QUY TẮC AN TOÀN THÔNG THƯỜNG VỀ ĐẢM BẢO TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI – HÀNH VI KHÁCH QUAN CỦA TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI VÀ BIỂU HIỆN TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG

  1. Hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người – xét về mặt khoa học luật hình sự
  2.  Hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương

(Các cụm từ “lọc máu”, “chạy thận”, “chạy thận nhân tạo”, “chạy thận chu kỳ”, “lọc máu chu kỳ” được chúng tôi quy ước sử dụng với nghĩa chung cho hoạt động “lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo”; Đơn nguyên lọc máu = Đơn nguyên thận nhân tạo, viết tắt là Đơn nguyên TNT).

2.1. Xác định các nghĩa vụ pháp lý và quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ trong vụ án

Liên quan đến hệ thống nước RO dùng để lọc máu cho các bệnh nhân suy thận thì quy tắc an toàn chung mang tính bắt buộc để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ là: Nước RO dùng cho lọc máu phải đảm bảo chất lượng (an toàn) khi được đưa vào cơ thể các bệnh nhân.

Nguyên nhân chết của 8 nạn nhân trong vụ án đã được xác định theo các kết luận giám định là do ngộ độc Florua từ hệ thống nước RO số 2 dùng cho lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Kéo theo đó phải xác định các hoạt động tác động trực tiếp đến tình trạng của nước RO và hoạt động sử dụng nước RO để chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân, đồng thời phân định được trách nhiệm của các chủ thể trong từng hoạt động.

Theo xác định của Cơ quan điều tra, đối với hoạt động tác động trực tiếp đến tình trạng nước RO dẫn đến việc nước RO nhiễm hóa chất Florua – thuộc về trách nhiệm thay thế, sửa chữa màng lọc RO số 2 của đơn vị sửa chữa vào ngày 28/5/2017 mà người trực tiếp thực hiện là Bùi Mạnh Quốc; đối với hoạt động sử dụng nước RO để chạy thận nhân tạo cho các bệnh nhân – thuộc về trách nhiệm của Đơn nguyên thận nhân tạo vào ngày 29/5/2017 (gồm các Bác sĩ, Điều dưỡng).
Trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương, tội Vô ý làm chết người được xác định cho 2 chủ thể là Bùi Mạnh Quốc và Bác sĩ Hoàng Công Lương.

Vậy các nghĩa vụ pháp lý, kéo theo các quy tắc an toàn mà các chủ thể này phải tuân thủ/thực hiện bao gồm những gì?

2.1.1. Nghĩa vụ pháp lý và Quy tắc an toàn trong việc bảo dưỡng, sửa chữa (vệ sinh, sục rửa, thay thế) hệ thống lọc nước RO số 2

2.1.1.1. Theo Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án HSST, Bản án HSPT thì:

Bùi Mạnh Quốc là người tiến hành sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 (vệ sinh, sục rửa, thay thế), đã có hành vi sử dụng hóa chất Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCl) trong khi vệ sinh, thay thế màng lọc RO và sục rửa các cột lọc RO dẫn đến tồn dư hóa chất trong hệ thống nước RO số 2. Sáng ngày 29/5/2017, Bùi Mạnh Quốc đến Đơn nguyên TNT để lấy mẫu nước đi xét nghiệm. Mặc dù biết việc sửa chữa chưa hoàn thành, chưa có kết quả xét nghiệm nước và đơn nguyên TNT đã sử dụng hệ thống nước đang trong quá trình sửa chữa để cấp nước cho máy chạy thận nhưng Quốc đã không cảnh báo, không can ngăn dẫn tới hậu quả là chết 8 người và 10 người khác bị ảnh hưởng sức khỏe.

Theo đó, quan điểm của Cơ quan tố tụng cho rằng nghĩa vụ pháp lý và quy tắc an toàn mà Bùi Mạnh Quốc phải tuân thủ/thực hiện bao gồm cả việc phải lấy nước đi xét nghiệm AAMI, có kết quả nước RO đạt tiêu chuẩn AAMI thì mới được bàn giao để phía Đơn nguyên TNT đưa hệ thống RO vào sử dụng. Quan điểm này của cơ quan tố tụng có hợp lý không, chúng tôi sẽ giải quyết ở phía dưới.

2.1.1.2. Theo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án của chúng tôi, Bùi Mạnh Quốc với tư cách là người trực tiếp thực hiện hoạt động sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, phải có các nghĩa vụ pháp lý, kéo theo việc phải tuân thủ, thực hiện (thi hành, chấp hành) các quy tắc an toàn sau đây:

a) Thứ nhất, về nghĩa vụ pháp lý của Bùi Mạnh Quốc:

Bùi Mạnh Quốc phải có nghĩa vụ bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 sao cho chất lượng nước RO sau sửa chữa phải đảm bảo an toàn dùng cho lọc máu: Đây là nghĩa vụ mang tính nguyên tắc, xuất phát từ Hợp đồng thay thế, sửa chữa hệ thống nước RO số 2 ký kết giữa Công ty Thiên Sơn với BVĐKTHB trong đó Công ty Thiên Sơn cử Bùi Mạnh Quốc trực tiếp thực hiện công việc này. (Nghĩa vụ nói trên của đơn vị thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO cũng đã được Bộ Y tế xác nhận trong Công văn số 4342/BYT-PC V/v phối hợp điều tra theo đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hòa Bình ngày 02/8/2017). Nghĩa vụ này cũng chính là Quy tắc an toàn mang tính nguyên tắc chung, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của Bùi Mạnh Quốc khi tiến hành sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2.

b) Thứ hai, các quy tắc an toàn cụ thể mà Bùi Mạnh Quốc phải tuân thủ, thực hiện:

Để đảm bảo chất lượng nước RO an toàn dùng cho lọc máu, về nguyên tắc thì việc thay thế, sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 của Bùi Mạnh Quốc phải được điều chỉnh bởi một quy trình an toàn do Bộ Y tế ban hành. Tuy nhiên, đáng tiếc là tại thời điểm xảy ra vụ án, Bộ Y tế chưa ban hành bất kỳ một hướng dẫn cụ thể nào về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế vật tư y tế đối với hệ thống lọc nước RO. Do đó, để đảm bảo chất lượng nước RO dùng cho lọc máu, Bùi Mạnh Quốc phải tuân thủ, thực hiện tổng hợp tất cả các quy định, quy tắc liên quan đến hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng vật tư thiết bị y tế dùng trong chạy thận sao cho chất lượng nước RO được đảm bảo an toàn sau sửa chữa, xuất phát từ nghĩa vụ pháp lý mang tính nguyên tắc đã được xác định ở trên. Quá trình nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, trên cơ sở đánh giá biện chứng giữa các quy định của pháp luật lẫn các vấn đề thuộc về chuyên môn y khoa trong lĩnh vực chạy thận nhân tạo, chúng tôi nhận định, Bùi Mạnh Quốc phải có nghĩa vụ tuân thủ, thực hiện tổng hợp các quy tắc an toàn sau đây trong quá trình thay thế, sửa chữa hệ thống nước RO số 2 thì mới đảm bảo chất lượng nước RO dùng cho lọc máu:

  • Quy tắc 1: Không được dùng hóa chất không thuộc danh mục hóa chất được Bộ Y tế cho phép dùng (sau đây quy ước gọi là hóa chất cấm) để vệ sinh, tẩy rửa màng RO, sục rửa các cột lọc RO. Đây là quy tắc xuất phát từ luật định, đó là Luật Hóa chất: Theo quy định của Luật Hóa chất thì các hóa chất dùng trong y tế phải thuộc danh mục hóa chất được phép dùng trong y tế do Bộ Y tế ban hành. Cho đến thời điểm xảy ra vụ án, HF và HCl chưa có trong danh mục hóa chất được phép dùng trong y tế. Bộ Y tế cũng chưa có văn bản nào cho phép sử dụng hóa chất HF và HCl để vệ sinh màng lọc nước, sục rửa hệ thống cột lọc nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo. (Nội dung này cũng được Bộ Y tế xác nhận trong Công văn số 4342/BYT-PC V/v phối hợp điều tra theo đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra
  • Quy tắc 2: Thực hiện đúng, đủ các thao tác kỹ thuật trong vệ sinh, thay thế, sửa chữa hệ thống màng lọc RO theo đúng quy định của nhà sản xuất, cung ứng hệ thống lọc nước RO để đảm bảo các chất cặn bẩn và cả các hóa chất cấm phải được xả hết ra ngoài và không gây nhiễm sang nước RO trong tank (bồn RO) số 2. (Nghĩa vụ này được Bộ Y tế xác nhận trong Công văn số 4342/BYT-PC V/v phối hợp điều tra theo đề nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hòa Bình ngày 02/8/2017). Đây là một nghĩa vụ đương nhiên, xuất phát từ đặc thù công việc của Quốc và do xử sự thực tế trước đó của Quốc – đã dùng hóa chất cấm để vệ sinh màng lọc, sục rửa các cột lọc RO, thì càng phải thực hiện chuẩn xác, kỹ càng, cẩn thận và nhiều hơn nữa các thao tác kỹ thuật trong việc vệ sinh, tiệt trùng, sục rửa, bơm nước để đẩy hết các chất cặn bã, tồn dư hóa chất ra ngoài và tránh để nhiễm sang tank RO số 2.
  • Quy tắc 3: Quá trình sửa chữa phải chịu sự giám sát của đại diện Phòng Vật tư, thiết bị y tế của BVĐK tỉnh HB. Đây là một nghĩa vụ đương nhiên, bởi theo quy chế tổ chức BVĐKTHB, Trần Văn Sơn được Trưởng Phòng Vật tư thiết bị y tế phân công là cán bộ giám sát hoạt động sửa chữa của Bùi Mạnh Quốc. Việc sửa chữa phải có giám sát thì mới đảm bảo bên sửa chữa tuân thủ, thực hiện đúng các quy tắc an toàn bắt buộc, với điều kiện bên giám sát phải đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của vị trí giám sát (để biết và đánh giá được bên sửa chữa có thực hiện đúng các quy tắc an toàn bắt buộc hay không nhưng tất nhiên, trách nhiệm về việc đảm bảo trình độ chuyên môn của vị trí giám sát là trách nhiệm của phía Bệnh viện).
  • Quy tắc 4: Kiểm tra chất lượng nước ngay sau khi sửa chữa bằng dụng cụ hỗ trợ giúp phát hiện tồn dư hóa chất, kết hợp cả đồng hồ đo độ dẫn điện chứ không chỉ được căn cứ duy nhất vào đồng hồ đo độ dẫn điện của hệ thống RO số 2. Đây là nghĩa vụ đương nhiên để người sửa chữa tự xác định được kết quả hoạt động sửa chữa của mình có đảm bảo chất lượng nước RO dùng cho lọc máu hay không. Trong trường hợp của Bùi Mạnh Quốc, quy tắc 4 bao gồm phải test tồn dư Clorua lẫn tồn dư Florua, đây là loại nghĩa vụ pháp lý xuất phát từ xử sự trước đó của Bùi Mạnh Quốc – do đã dùng hóa chất cấm để vệ sinh, sục rửa màng lọc RO. Đồng thời, nghĩa vụ này cũng xuất phát từ đặc điểm khoa học kỹ thuật của đồng hồ đo độ dẫn điện: Không phải trong mọi trường hợp, đồng hồ đo độ dẫn điện đều phát hiện được hàm lượng vượt quá chỉ số cho phép của một số hóa chất nhất là khi các hóa chất này không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong y tế.

Đối với Quy tắc 1, 2 và 3, Bùi Mạnh Quốc có đủ điều kiện để tuân thủ, thực hiện đúng (vấn đề về điều kiện thực hiện nghĩa vụ pháp lý là nội dung liên quan đến Lỗi của chủ thể, sẽ được đánh giá chi tiết ở phần phân tích về Lỗi), nhưng Quốc đã vi phạm như sau: Dùng hỗn hợp HF và HCl để lau chùi 02 màng lọc cũ, thay 02 màng lọc mới và dùng hỗn hợp chất trên đổ vào các cột lọc, cho vận hành và sục rửa các cột lọc, sau đó bơm nước vào các cột lọc để sục đẩy các chất cặn bẩn và hóa chất ra ngoài. Quá trình vừa lau chùi 02 màng lọc cũ bằng HF và HCl, vừa thay 02 màng lọc mới (sai thao tác kỹ thuật) đã khiến hóa chất bị theo nước truyền sang khu vực tank RO số 2. Tiếp nữa, việc bơm nước vào các cột lọc để sục rửa chỉ được Quốc thực hiện trong 1 giờ đồng hồ và không có dụng cụ để test độ dẫn điện của nước mà chỉ nhìn đồng hồ đo độ dẫn điện của hệ thống nước RO số 2 và thấy báo chỉ số an toàn nhưng thực tế nước trong các cột lọc lúc này vẫn tồn dư lượng lớn các hóa chất mà Quốc dùng để sục rửa (Đồng hồ này không đo được độ dẫn điện của nước ở trong các cột lọc trong quá trình sục rửa, nhưng Quốc lại nhìn đồng hồ để xác nhận chất lượng nước ở các cột lọc). Tiếp đó, Quốc mở van nối giữa các cột lọc với tank RO số 2, để hệ thống bơm và cung cấp nước vào đầy tank RO số 2. Do đó, số hóa chất HF và HCl trong các cột lọc tiếp tục theo hệ thống nước hòa vào nước trong tank RO số 2. Quá trình Quốc thực hiện hoạt động sửa chữa này không có mặt Trần Văn Sơn (là đại diện của Phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện) để giám sát (tất nhiên lỗi này không thuộc về Quốc nhưng Quốc hoàn toàn có thể từ chối tiến hành sửa chữa nếu không có mặt người giám sát của Bệnh viện; Trần Văn Sơn cũng đã phải chịu TNHS riêng về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng – sẽ được chúng tôi đề cập ở bài viết về tội danh này).

Đối với Quy tắc 4, mặc dù Quốc không thực hiện đúng nhưng để xác định Bùi Mạnh Quốc có phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm quy tắc 4 hay không thì cần đánh giá Bùi Mạnh Quốc có đủ điều kiện để thực hiện quy tắc này hay không, tức là thực trạng khoa học kỹ thuật liên quan đến thiết bị hỗ trợ cho việc test nhanh dư lượng hóa chất trong nước RO tại thời điểm xảy ra vụ án như thế nào, đã đảm bảo có đủ các thiết bị, dụng cụ để Quốc thực hiện việc này hay chưa? Vấn đề này chúng tôi xin phép không đi sâu ở bài viết này.

  • Quy tắc 5: Là quy tắc về thủ tục bàn giao sau sửa chữa và nghĩa vụ cảnh báo về việc đã dùng hóa chất cấm

+ Thứ nhất, về thời điểm bàn giao để đưa hệ thống RO vào sử dụng, đây là vấn đề gây tranh cãi lớn nhất: Thời điểm nào được coi là đủ an toàn để có thể bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa cho Đơn nguyên TNT được sử dụng trở lại để phục vụ cho hoạt động lọc máu chu kỳ bằng thận nhân tạo? – Chỉ cần bàn giao sau sửa chữa là đã có thể thỏa mãn tính an toàn hay phải chờ có kết quả xét nghiệm Endotoxin, AAMI?

(Các cơ quan tiến hành tố tụng đều cho rằng, phải sau khi có kết quả xét nghiệm Endotoxin hoặc AAMI thể hiện nước RO đạt tiêu chuẩn, thì mới đủ điều kiện để bàn giao hệ thống nước RO số 2 cho Phòng Vật tư để Phòng Vật tư bàn giao cho Đơn nguyên thận nhân tạo đưa vào sử dụng.)

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, trên cơ sở khoa học pháp lý và đặc biệt là trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu và được sự tham vấn từ các chuyên gia y khoa về lọc máu, chúng tôi xác định được 04 nội dung liên quan đến chuyên môn y khoa về lọc máu như sau : (i) Lọc máu có lọc máu thông thường và lọc máu bằng kỹ thuật tiên tiến hơn (chẳng hạn như HDF – online là hình thức chạy thận tiên tiến hơn và có thể thay thế chạy thận thông thường) trong đó chất lượng nước dùng cho lọc máu thông thường chỉ cần đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo tiêu chuẩn TCVN 9865:2003 (tương đương ISO 13959-2009) về nước dùng trong lọc máu và trị liệu liên quan do Viện trang thiết bị và công trình y tế biên soạn, Bộ Y tế đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố; (ii) Tại thời điểm trước và trong khi xảy ra vụ án, không có bất kỳ văn bản nào của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về việc phải bắt buộc xét nghiệm nước RO sau khi sửa chữa mà theo TCVN 9865:2003 thì các phép thử về sự phù hợp với các yêu cầu vi sinh và hóa học chỉ là hoạt động mang tính được khuyến cáo (khuyến cáo khác với bắt buộc) dành cho các nhà sản xuất và các nhà cung cấp các hệ thống xử lý nước; (iii) Về nguyên tắc, việc thay màng RO mới và việc sửa chữa hệ thống RO nếu đảm bảo tuân thủ đúng các Quy tắc an toàn số 1, 2 nêu trên (Nước RO không bị can thiệp hóa chất cấm, việc sửa chữa đảm bảo đúng thao tác kỹ thuật), đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số an toàn, thì chất lượng nước RO đương nhiên sẽ tốt hơn trước khi sửa chữa và chắc chắn đã đủ tiêu chuẩn tối thiểu để phục vụ cho lọc máu thông thường, chỉ khi có dấu hiệu của sự can thiệp hóa chất cấm thì mới cần xét nghiệm nước; (iiii) Việc phải lấy nước RO sau sửa chữa đi xét nghiệm Endotoxin, AAMI (xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu của AAMI) chỉ là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng, nhằm đánh giá nước RO có đạt tiêu chuẩn để lọc máu theo hình thức HDF-online hay không (đối với xét nghiệm Endotoxin) và nhằm xếp loại chất lượng nước có đạt đến tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn tối thiểu thông thường hay không (đối với xét nghiệm AAMI – giống như xếp loại “sao” của khách sạn: dù là 1 “sao” hay 2 “sao”, 3 “sao”…thì vẫn đạt tiêu chuẩn để kinh doanh khách sạn, đảm bảo phục vụ nhu cầu ngủ, nghỉ, lưu trú của con người), nếu kết quả xét nghiệm nước không đạt chuẩn AAMI thì không đồng nghĩa với việc không đạt các chỉ số tối thiểu của nước dùng cho lọc máu còn nếu đạt chuẩn AAMI thì chắc chắn đã vượt qua các chỉ số tối thiểu của nước dùng cho lọc máu.

Tại các Công văn trả lời Cơ quan điều tra và tại các phiên tòa, Bộ Y tế cũng như các chuyên gia bệnh viện Bạch Mai đều đã khẳng định: Các cơ sở có quyền tự quyết định để chọn tuân theo một bộ tiêu chuẩn về chất lượng nước lọc máu, theo đó AAMI chỉ là tiêu chuẩn tự nguyện, chỉ mang tính bắt buộc do Hợp đồng và trong phạm vi Hợp đồng, không phải tiêu chuẩn (tối thiểu) bắt buộc về mặt pháp lý. Hơn nữa, xét nghiệm AAMI sau 10-14 ngày mới cho kết quả và thực tế không có bất kỳ cơ sở chạy thận nào dừng để chờ 14 ngày có kết quả AAMI, hệ thống máy RO phải chạy liên tục để tránh tụ đọng nước vì nếu tụ đọng sẽ sinh mảng bám, sinh vi khuẩn trong đường ống, nếu hệ thống RO dừng 14 ngày để chờ kết quả AAMI thì đồng nghĩa với việc hệ thống đó không sử dụng lại được.

Theo đó, xét nghiệm Endotoxin hay AAMI không phải là nghĩa vụ pháp lý mang tính bắt buộc chung mà hoạt động này chỉ trở thành nghĩa vụ pháp lý bắt buộc riêng khi có (hoặc có dấu hiệu) của sự can thiệp của hóa chất cấm trong quá trình sửa chữa hệ thống màng lọc RO mà không có dụng cụ test nhanh tồn dư hóa chất trong nước RO ngay sau khi sửa chữa. Đây là nghĩa vụ riêng và cũng là quy tắc an toàn đặc biệt mà Quốc phải thực hiện, phát sinh từ xử sự trước đó của bản thân Quốc – do Quốc đã sử dụng hóa chất cấm để vệ sinh màng lọc, sục rửa cột lọc nhưng lại không có dụng cụ test nhanh tồn dư hóa chất. Tuy nhiên, nghĩa vụ này của Quốc có đương nhiên kéo theo nghĩa vụ tương ứng của người sử dụng hệ thống RO hay không, tức là phía Đơn nguyên TNT cũng phải có nghĩa vụ chờ cho đến khi có kết quả xét nghiệm AAMI (đạt chuẩn) thì mới được đưa hệ thống RO vào sử dụng hay không, thì còn phải phụ thuộc vào điều kiện để Đơn nguyên TNT nhận biết về việc nước đã có sự can thiệp hóa chất cấm – phải có sự cảnh báo của người sửa chữa hoặc của Phòng Vật tư thiết bị y tế (sẽ được chúng tôi giải quyết ở các nội dung tiếp theo).

+ Thứ hai, về hình thức bàn giao: Việc bàn giao sau sửa chữa là bàn giao giữa Bùi Mạnh Quốc (đại diện cho đơn vị sửa chữa) với Trần Văn Sơn (đại diện cho Phòng Vật tư thiết bị y tế của Bệnh viện; sau đó Phòng Vật tư thiết bị y tế sẽ tiếp tục bàn giao cho Đơn nguyên TNT) và phải bằng Biên bản bàn giao hợp lệ, có chữ ký xác nhận của hai bên. Xét về nội dung Biên bản bàn giao, phải đủ thông tin để bên tiếp nhận đánh giá được quá trình sửa chữa đã đảm bảo để hệ thống RO có thể hoạt động bình thường và nước đã đảm bảo để sử dụng cho lọc máu thông thường hay chưa? (Hình thức bàn giao phải bằng Biên bản – đây là một quy tắc hiển nhiên, phù hợp với đòi hỏi chung của xã hội, đặc biệt là đối với những công việc liên quan đến máy móc trang thiết bị y tế phục vụ cho các hoạt động liên quan đến an toàn tính mạng, sức khỏe con người. Biên bản bàn giao là căn cứ để xác nhận được nội dung công việc và kết quả công việc đã thực hiện, từ đó bên nhận bàn giao mới có cơ sở để đánh giá chất lượng công việc của bên bàn giao đã đảm bảo yêu cầu hay chưa?)

Tuy nhiên, đó là yêu cầu cơ bản đối với trường hợp thông thường – tức là khi việc sửa chữa tuân thủ đúng các Quy tắc an toàn số 1, 2, 3, 4. Còn trong trường hợp thực tế của vụ án, xuất phát từ xử sự trước đó của Bùi Mạnh Quốc là đã vi phạm Quy tắc 1, 2, 3, 4 nên Bùi Mạnh Quốc bị phát sinh thêm nghĩa vụ pháp lý, đó là phải có sự cảnh báo tới bên nhận bàn giao về việc mình đã sử dụng hóa chất HF, HCl để vệ sinh màng lọc, sục rửa các cột lọc và không có dụng cụ test nhanh tồn dư hóa chất. Việc cảnh báo này phải thể hiện trong nội dung Biên bản bàn giao sau sửa chữa và bằng cả cảnh báo theo tình huống thực tế.

Như vậy, Quy tắc an toàn số 5 mà Quốc phải tuân thủ là: Phải tiến hành bàn giao hệ thống RO số 2 sau sửa chữa với đại diện Phòng Vật tư thiết bị y tế của BVĐKTHB bằng Biên bản bàn giao hợp lệ trong đó nội dung Biên bản bàn giao phải thể hiện sự cảnh báo về việc đã sử dụng hóa chất cấm để vệ sinh, sục rửa màng lọc, cột lọc RO; đồng thời phải có sự cảnh báo theo tình huống thực tế.

Thế nhưng Quốc đã vi phạm Quy tắc an toàn số 5 như thế nào?

Quá trình thực hiện các Hợp đồng sửa chữa giữa BVĐKTHB và Công ty Thiên Sơn diễn ra từ trước đến nay luôn có sự bàn giao ngay sau khi sửa chữa (mà không phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm Endotoxin, AAMI) để hệ thống lọc nước RO được đưa vào sử dụng ngay ngày hôm sau phục vụ lọc máu theo đúng chu kỳ cho các bệnh nhân chạy thận. Sau khi có kết quả xét nghiệm Endotoxin, AAMI thì giữa bên sửa chữa với Bệnh viện mới tiếp tục có Biên bản bàn giao kết quả xét nghiệm và nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng sửa chữa. Như vậy, 2 thời điểm bàn giao (bàn giao sau sửa chữa để đưa hệ thống RO vào sử dụng và bàn giao kết quả xét nghiệm Endotoxin, AAMI) mà BVĐKTHB và Công ty Thiên Sơn thực hiện từ trước đến nay là phù hợp với chuyên môn y khoa về chất lượng nước dùng cho lọc máu. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng vụ án, Quốc cho rằng Đơn nguyên TNT đã tự ý đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng khi việc sửa chữa chưa xong vì còn phải xét nghiệm AAMI và phải có kết quả xét nghiệm AAMI thì Quốc mới bàn giao để Bệnh viện đưa hệ thống RO số 2 vào sử dụng; lời khai này của Quốc là không phù hợp với quy trình diễn ra bấy lâu nay giữa BVĐKTHB với bên sửa chữa, không phù hợp với chuyên môn y khoa về nước RO dùng cho lọc máu mà chúng tôi đã phân tích ở trên. Hơn nữa, nếu đúng như lời biện luận của Quốc, thì khi gọi điện cho Sơn, Quốc phải có sự cảnh báo và vào 7 giờ 30 phút ngày 29/5/2017, khi Quốc đến Đơn nguyên TNT để lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm theo hợp đồng, thấy máy chạy thận đã chạy cho các bệnh nhân thì Quốc cũng phải có sự cảnh báo, ngăn chặn nhưng Quốc đã không làm vậy. Cụ thể:

Ngày 28/5/2017, sau khi thay thế, sửa chữa xong hệ thống lọc nước RO số 2, việc bàn giao giữa Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn không được lập thành Biên bản bởi Trần Văn Sơn không có mặt tại đó. Quốc gọi điện cho Sơn và Sơn gọi điện cho Đỗ Thị Điệp là điều dưỡng viên của Đơn nguyên TNT và nói là hệ thống nước đã sửa chữa, bảo dưỡng xong, đề nghị chị Điệp khóa cửa Phòng xử lý nước. (Cần lưu ý là việc bàn giao bằng miệng như vậy cũng đã diễn ra nhiều lần trong các lần sửa chữa, bảo dưỡng khác). Mặc dù không tiến hành bàn giao bằng biên bản với Sơn nhưng khi bàn giao qua điện thoại, Quốc không hề cảnh báo về việc đã dùng hóa chất cấm để vệ sinh, sục sửa màng RO và cột lọc RO. Thậm chí trong hồ sơ vụ án còn có những lời khai của Sơn khẳng định khi Quốc nói với Sơn nội dung đã sửa chữa xong thì Sơn hiểu là việc sửa chữa hệ thống nước RO của quốc đã hoàn tất, đảm bảo để bàn giao lại cho Sơn và để Sơn bàn giao lại cho Đơn nguyên TNT. Đồng thời, các lời khai của Đỗ Thị Điệp cũng khẳng định trong cuộc điện thoại tối ngày 28/5/2017 thì Sơn có nói: chị có thể cho hệ thống RO hoạt động bình thường.

Đến ngày hôm sau (29/5/2017), sau khi xảy ra sự cố thì Sơn và Quốc mới lập Biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa ghi hồi 18 giờ 35 phút ngày 28/5/2017, ghi đại diện Công ty Thiên Sơn do Bùi Mạnh Quốc ký và Phòng Vật tư thiết bị y tế do Sơn ký và đưa cho điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng đưa cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp ký nhận. Đáng chú ý là nội dung Biên bản không hề có từ ngữ nào nhắc đến việc Quốc đã tiệt trùng, vệ sinh màng lọc, sục rửa các cột lọc bằng những hóa chất nào..

KẾT LUẬN: Khi thực hiện hoạt động sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2, Bùi Mạnh Quốc đã liên tiếp vi phạm 5 quy tắc an toàn (đồng thời cũng là 5 nghĩa vụ pháp lý mà Quốc phải tuân thủ, thực hiện). Các hành vi vi phạm quy tắc an toàn này của Quốc có quan hệ như thế nào với hành vi vi phạm quy tắc an toàn của phía Đơn nguyên TNT trong việc sử dụng nước RO sau sửa chữa cho lọc máu và có quan hệ nhân quả như thế nào đối với hậu quả chết người trong vụ án, sẽ được chúng tôi giải quyết ở các phần sau (khi bàn đến dấu hiệu Quan hệ nhân quả và Lỗi).

2.1.2. Nghĩa vụ pháp lý và Quy tắc an toàn trong việc sử dụng hệ thống RO dùng cho chạy thận chu kỳ (của phía Đơn nguyên thận nhân tạo)

Hoạt động sử dụng hệ thống RO dùng cho lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo là công việc trực tiếp của các Bác sĩ, Điều dưỡng tại Đơn nguyên TNT. Tuy nhiên, trong vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng xác định người phải chịu TNHS trong hoạt động sử dụng nước RO dùng để chạy thận cho các bệnh nhân gây ra hậu quả chết người là Bác sĩ Hoàng Công Lương.

2.1.2.1. Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án HSST, Bản án HSPT xác định Hoàng Công Lương có hành vi như sau:

“Bị cáo biết rõ ngày 28/5/2017 hệ thống nước RO số 2 được sửa chữa, mặc dù theo quy chế khoa lọc máu quy định bị cáo không phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng nước dùng cho chạy thận, tuy nhiên sáng ngày 29/5/2017 trước khi ra y lệnh chạy thận, bị cáo chưa được ai bàn giao, chưa được người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc quản lý hệ thống RO2 thông báo, chỉ đạo đưa hệ thống này sau khi sửa chữa vào sử dụng, chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn để sử dụng cho việc chạy thận hay chưa mà chỉ mới nghe điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp thông báo, bị cáo đã tin tưởng…Do cẩu thả, làm việc theo thói quen nên bị cáo vẫn ra y lệnh khi chưa có căn cứ chắc chắn nguồn nước dùng cho chạy thận đã đảm bảo chất lượng, dẫn đến hậu quả 8 người chết, 10 người bị tổn hại về sức khỏe”.

Đồng thời, quá trình tố tụng vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng thể hiện quan điểm phạm vi quy tắc an toàn mà Bác sĩ Hoàng Công Lương bắt buộc phải tuân thủ bao gồm cả việc phải chờ có kết quả xét nghiệm nước Endotoxin, AAMI.

2.1.2.2. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi:

Trên cơ sở làm rõ phạm vi trách nhiệm và các nghĩa vụ pháp lý mà Bác sĩ Hoàng Công Lương và các Điều dưỡng viên phải tuân thủ, thực hiện trong việc sử dụng nước RO để lọc máu cho các bệnh nhân chạy thận chu kỳ, chúng tôi phải hướng đến trả lời được câu hỏi: Bác sĩ Hoàng Công Lương có nghĩa vụ phải BIẾT chất lượng nước RO trước khi ra y lệnh chạy thận không? Và nếu Bác sĩ Hoàng Công Lương có nghĩa vụ này thì sẽ kéo theo các quy tắc an toàn cụ thể nào mà Bác sĩ Hoàng Công Lương có nghĩa vụ phải tuân thủ, thực hiện để BIẾT nước RO đã đảm bảo an toàn rồi mới ra y lệnh chạy thận?

a) Về nghĩa vụ pháp lý của Bác sĩ Hoàng Công Lương liên quan đến việc sử dụng nước RO để chạy thận cho bệnh nhân – trả lời cho câu hỏi: Bác sĩ Hoàng Công Lương có nghĩa vụ phải BIẾT chất lượng nước RO trước khi ra y lệnh chạy thận không?

Bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị, có chứng chỉ hành nghề, đã được đào tạo và được cấp chứng nhận về kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo. Tại Đơn nguyên TNT Bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách về chuyên môn (Việc phân công công việc không bằng quyết định mà chỉ thể hiện trong các cuộc họp, giao ban).

Thứ nhất, căn cứ Quy chế quản lý và sử dụng vật tư, thiết bị y tế nằm trong Quy chế bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế), thì:

“Người sử dụng vật tư, thiết bị y tế phải:

  1. Có tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm ngặt nội quy.
  2. Có chứng chỉ đã được đào tạo nghiệp vụ, kỹ thuật đúng chủng loại thiết bị y tế được giao.
  3. Nắm được tình trạng hoạt động của thiết bị y tế và ghi sổ kết quả hoạt động hàng ngày.”

Theo đó, Đơn nguyên TNT là đơn vị sử dụng hệ thống nước RO cho hoạt động lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo, thì phải nắm được tình trạng của hệ thống nước RO. Tuy vậy, ai ở Đơn nguyên TNT chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện các biện pháp để nắm được tình trạng của hệ thống nước RO, thì phải căn cứ vào Quy chế hoạt động của Đơn nguyên TNT.

Thứ hai, Đơn nguyên TNT trực thuộc Khoa Hồi sức tích cực, mặc dù Đơn nguyên TNT chưa hoàn thiện về tổ chức và quy mô của một Khoa nhưng Đơn nguyên TNT của BVĐKTHB hoạt động theo Quy chế của khoa lọc máu. Theo Quy chế công tác khoa lọc máu nằm trong Quy chế bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế) thì Bác sĩ điều trị không có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước dùng trong lọc máu mà đây là trách nhiệm của Trưởng khoa lọc máu, cũng không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu mà đây là trách nhiệm của Kỹ sư và Kỹ thuật viên. Tuy nhiên, tại thời điểm trước và khi xảy ra vụ án, Đơn nguyên TNT chưa có vị trí Kỹ sư và Kỹ thuật viên cũng như không có người nào được phân công chính thức (bằng các quyết định) để làm nhiệm vụ của Kỹ sư và Kỹ thuật viên trong việc quản lý sử dụng hệ thống lọc nước RO, kiểm tra chất lượng nước, chất lượng dịch lọc trước, trong và sau khi lọc máu. (Sự thiếu sót này thuộc trách nhiệm của Trưởng Khoa Hồi sức tích cực là Hoàng Đình Khiếu – ông Khiếu cũng đã phải chịu TNHS về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng).

Như vậy, trước hết có thể khẳng định: Bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị không có trách nhiệm đảm bảo chất lượng nước dùng trong lọc máu, cũng không có trách nhiệm kiểm tra chất lượng nước trước, trong và sau khi lọc máu.

Thứ tư, theo quy định tại phần Quy chế nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách cá nhân nằm trong Quy chế bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế) thì Bác sĩ điều trị có nhiệm vụ: “Thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật do trưởng khoa phân công. Trước khi thực hiện phải thăm khám lại, ra y lệnh chuẩn bị chu đáo để đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho người bệnh.”

Như vậy, nguyên tắc chung trong nhiệm vụ của Bác sĩ điều trị là khi ra y lệnh phải chuẩn bị chu đáo để đảm bảo điều kiện an toàn nhất cho người bệnh.

Thứ tư, khi vị trí Kỹ sư và Kỹ thuật viên bị bỏ trống, đồng thời cũng không có người nào của Đơn nguyên TNT được phân công chính thức, cụ thể để làm thay công việc của Kỹ sư, thì bắt buộc khi tiến hành hoạt động lọc máu, các Bác sĩ điều trị và Điều dưỡng viên phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật luật định:

Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật Nội khoa, chuyên ngành Thận tiết niệu có quy định các bước tiến hành Lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo bao gồm 8 bước, trong đó chỉ có Bước 2, Bước 3 và Bước 8 là các bước được quy định mang tính “cắt khâu” trực tiếp cho Bác sĩ hoặc Điều dưỡng, chúng tôi xin lược dẫn như sau:

2. Bác sỹ kiểm tra tình trạng người bệnh trước khi lọc máu

3. Chuẩn bị người bệnh lọc máu chu kỳ

Y tá chuẩn bị:

  • Cân người bệnh
  • Đo huyết áp, mạch người bệnh ở tư thế đứng thẳng

8. Y tá lau máy và rửa máy theo chương trình, chuẩn bị ca lọc tiếp theo.”

Trong 8 bước của Quy trình lọc máu ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế nói trên, Bước 1 là bước liên quan trực tiếp đến máy móc, thiết bị và hệ thống nước RO dùng cho lọc máu và cách quy định của Bộ Y tế về Bước 1 lại không mang tính “cắt khâu”, “giao khoán” trực tiếp cho ai (Các Bước 4, 5, 6, 7 cũng vậy). Chúng tôi xin trích dẫn đầy đủ nội dung của Bước 1 như sau:

“1. Chuẩn bị, khởi động máy:

  • Mở hệ thống nước, quan sát hoạt động toàn bộ hệ thống nước, tháo bỏ phần nước ứ đọng, kiểm tra lưu lượng và độ dẫn điện của hệ thống nước;
  • Kiểm tra máy thận, lưu lượng 500ml/phút, không còn chất sát trùng, kiểm tra độ dẫn điện dịch lọc, các báo động an toàn của máy thận;
  • Kiểm tra hệ thống oxy, điện và các thiết bị khác.”

Về mặt thực tế, nếu có vị trí Kỹ sư hoặc Kỹ thuật viên thì Bước 1 sẽ do Kỹ sư hoặc Kỹ thuật viên trực tiếp thực hiện. Nhưng về mặt pháp lý, với cách quy định như vậy, Bước 1 phải được hiểu là cả Bác sĩ và y tá (Điều dưỡng) phải cùng chịu trách nhiệm chung về các công việc của bước này. Cho dù thực tế tại mỗi Bệnh viện, Bước 1 được phân công cho ai thực hiện thì về mặt pháp lý, cả Bác sĩ lẫn Điều dưỡng đều phải chịu trách nhiệm chung. (Như đã phân tích ở phần lý luận luật hình sự, có những công việc dù được “cắt khâu” trong thực tế hoạt động của một tổ chức, nhưng việc “cắt khâu” này chỉ trở thành quy trình an toàn, quy tắc nghề nghiệp, quy chế hoạt động khi được quy định thành văn bản và được ban hành hoặc công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền).

Xét về chuyên môn y khoa, Bác sĩ điều trị được phân công phụ trách chính của ca lọc thận phải là người có chuyên môn cao nhất và phải tầm soát được chất lượng của cả 8 bước trong quy trình lọc thận, dù Bác sĩ không trực tiếp thực hiện một số bước (mà giao cho Điều dưỡng hoặc Kỹ sư, Kỹ thuật viên trực tiếp thực hiện) nhưng Bác sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn của cả 8 bước.

Đặc biệt, xét về thứ tự các Bước trong Quy trình lọc máu nói trên, nội dung công việc kỹ thuật về máy móc, thiết bị, hệ thống nước RO dùng cho lọc máu lại được xếp ở vị trí thứ nhất (Bước 1) – ngay trước hoạt động thăm khám bệnh nhân của Bác sĩ (Bước 2). Như vậy, Bác sĩ vừa phải có trách nhiệm chung với công việc được tiến hành ở Bước 1, có thể Bác sĩ không trực tiếp thực hiện công việc ở Bước 1 (mà giao cho Điều dưỡng/ Kỹ sư, Kỹ thuật viên) nhưng phải nắm bắt và biết được chất lượng công việc được thực hiện ở Bước 1 đồng thời tự chịu trách nhiệm riêng với công việc đã được “cắt khâu”, “khoán” trực tiếp cho mình ở Bước 2.
Quy trình kỹ thuật lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ban hành năm 2010 cũng được chia thành 8 bước nhưng điều đáng chú ý là cách quy định ở cả 8 bước đều không thể hiện sự “cắt khâu” hay giao khoán từng bước cho bất kỳ ai. (Tuy vậy, việc thực hiện quy trình này trên thực tế bắt buộc phải tuân thủ theo văn bản có giá trị pháp lý chính thức và cao nhất là Quy trình lọc máu ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế).

Thứ năm, xét về quan hệ công tác giữa Bác sĩ điều trị với y tá (điều dưỡng): Theo quy định tại phần Quy chế quan hệ công tác trong bệnh viện nằm trong Quy chế bệnh viện (ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế) thì “Quan hệ công tác giữa bác sĩ điều trị với y tá (điều dưỡng) trong khoa là quan hệ giữa người ra y lệnh và người thực hiện y lệnh”.

Từ năm căn cứ pháp lý trên, có thể đi đến kết luận: Bác sĩ điều trị trong hoạt động lọc máu chu kỳ ngoài việc thăm khám bệnh nhân để xác định tình trạng người bệnh thì cũng phải có nghĩa vụ BIẾT tình trạng chất lượng nước RO, khi biết cả 2 nội dung này đã đảm bảo đủ điều kiện (đảm bảo các chỉ số sinh tồn, đảm bảo chất lượng nước) thì mới được ra y lệnh lọc máu.

(Các lời khai của các Điều dưỡng, các Bác sĩ khác tại Đơn nguyên TNT cũng như nhiều lời khai của bản thân Bác sĩ Hoàng Công Lương cũng cho thấy Bác sĩ Hoàng Công Lương có nghĩa vụ trên. Bởi các lời khai của những người này đều thống nhất về việc: Dù việc khởi động hệ thống nước, khởi động máy thận, quan sát nước, quan sát đồng hồ đo độ dẫn điện…được giao trực tiếp cho các Điều dưỡng nhưng sau đó các Điều dưỡng đều phải báo cáo lại cho các bác sỹ và nếu thấy hệ thống hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn không có báo động gì, đồng hồ đo độ dẫn điện của nước có độ dẫn điện trong giới hạn bình thường, chất lượng nước đảm bảo an toàn thì các bác sỹ sẽ ra y lệnh chạy thận sau khi thăm khám các bệnh nhân đủ điều kiện về sức khỏe, đủ khả năng chạy thận. Thậm chí có rất nhiều lời khai thể hiện rằng ở Bước 1, Bác sĩ cũng phải trực tiếp giám sát khi điều dưỡng làm việc, hoặc cả bác sỹ và điều dưỡng viên đều có trách nhiệm thực hiện, đều phải biết rõ để làm, để thực hiện).

Vấn đề kéo theo là, Bác sĩ Hoàng Công Lương phải tiếp tục thực hiện các quy tắc cụ thể nào thì mới được xem là đã BIẾT nước RO đảm bảo an toàn cho chạy thận trước khi ra y lệnh?

b) Về các Quy tắc an toàn mà Bác sĩ Hoàng Công Lương phải tiếp tục tuân thủ/thực hiện để BIẾT nước RO đã đảm bảo an toàn cho chạy thận trước khi ra y lệnh
Chúng tôi phải đánh giá ở cả 2 bối cảnh: Khi không có hoạt động sửa chữa hệ thống RO và khi có hoạt động sửa chữa hệ thống RO:

– Thứ nhất, khi không có hoạt động sửa chữa hệ thống RO:

Về mặt pháp lý, Bác sĩ điều trị lọc máu trước khi ra y lệnh phải biết chất lượng nước RO nhưng làm thế nào để biết thì không có văn bản nào quy định, hướng dẫn vấn đề này.

Căn cứ nội dung Bước 1 của Quy trình lọc máu ban hành kèm theo Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 của Bộ Y tế thì để biết chất lượng nước đã an toàn hay chưa, chỉ có thể dựa vào các quy tắc:

“- Mở hệ thống nước, quan sát hoạt động toàn bộ hệ thống nước, tháo bỏ phần nước ứ đọng, kiểm tra lưu lượng và độ dẫn điện của hệ thống nước;

  • Kiểm tra máy thận, lưu lượng 500ml/phút, không còn chất sát trùng, kiểm tra độ dẫn điện dịch lọc, các báo động an toàn của máy thận;
  • Kiểm tra hệ thống oxy, điện và các thiết bị khác.”

Nhưng theo quy chế của Khoa lọc máu nằm trong Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế, thì công việc này do Kỹ sư/Kỹ thuật viên trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên Đơn nguyên TNT lúc bấy giờ không có vị trí Kỹ sư/Kỹ thuật viên và công việc ở Bước 1 trên thực tế do các Điều dưỡng thực hiện. Thế nhưng, dù công việc này do Điều dưỡng hay Kỹ sư/Kỹ thuật viên thực hiện thì Bác sĩ vẫn phải có phương pháp để tầm soát và “check” được báo cáo của Điều dưỡng/Kỹ sư/Kỹ thuật viên có khách quan, có đáng tin tưởng không? (Chẳng hạn như Bác sĩ cũng phải trực tiếp giám sát Điều dưỡng/Kỹ sư/Kỹ thuật viên làm việc). Bởi Bác sĩ phụ trách vẫn là người chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn tại ca lọc thận và phải lường được những trường hợp khiến cho báo cáo của Điều dưỡng/Kỹ sư/Kỹ thuật viên có thể sai lệch.

– Thứ hai, khi có hoạt động sửa chữa hệ thống RO:

Khi có hoạt động sửa chữa hệ thống RO, thì phát sinh quan hệ giữa 3 bên là Bên sửa chữa (Bùi Mạnh Quốc) – Phòng Vật tư thiết bị y tế (đại diện là Trần Văn Sơn) – Bên trực tiếp sử dụng (Đơn nguyên TNT) trong đó có là thủ tục bắt buộc là thủ tục bàn giao, đây là thủ tục “mắt xích” mang tính kết nối giữa 3 bên và phải có Biên bản bàn giao mới có thể đánh giá, xác nhận được kết quả sửa chữa đã đảm bảo để tiến hành bàn giao và để đưa hệ thống RO trở lại hoạt động bình thường hay chưa? (Với điều kiện Biên bản bàn giao phải hợp lệ, chứa đầy đủ nội dung cần thiết và như đã phân tích ở nội dung trước, Biên bản bàn giao là một quy tắc an toàn đương nhiên trong thủ tục bàn giao vật tư thiết bị y tế sau sửa chữa, phù hợp với đòi hỏi của pháp luật và quy tắc xử sự chung của xã hội).

Về thẩm quyền nhận bàn giao của Đơn nguyên TNT: Phòng Vật tư sau khi nhận bàn giao hệ thống RO từ bên sửa chữa là Bùi Mạnh Quốc (với điều kiện là kết quả sửa chữa đã đảm bảo để hệ thống RO có thể đưa vào sử dụng), thì Phòng Vật tư sẽ bàn giao lại cho Đơn nguyên TNT. Vấn đề đặt ra ở đây là: Ai ở Đơn nguyên TNT là người có thẩm quyền nhận bàn giao để sau đó cho phép các Bác sĩ, Điều dưỡng sử dụng trở lại hệ thống RO phục vụ cho chạy thận?

Xét về mặt pháp lý, theo Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/09/1997 của Bộ Y tế cũng như Quy chế BVĐKTHB thì Trưởng khoa hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu là người chịu trách nhiệm về mặt quản lý trong việc đảm bảo chất lượng nước dùng cho lọc máu và là người phê duyệt các đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước RO do Đơn nguyên TNT cùng Phòng Vật tư trình lên, theo đó ông Hoàng Đình Khiếu là người có thẩm quyền trong việc nhận bàn giao hệ thống RO sau sửa chữa và quyết định cho phép Đơn nguyên TNT đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng.

Nhưng về mặt thực tế, ông Hoàng Đình Khiếu lại cho phép Đơn nguyên TNT tự nhận bàn giao và bất cứ ai trong đơn nguyên TNT cũng có thể đứng ra đại diện nhận bàn giao, nhưng sau khi nhận bàn giao đều phải đứng ra báo cáo người phụ trách chung của đơn nguyên là bác sỹ Hoàng Công Lương. (Ngoài việc là Bác sĩ phụ trách chuyên môn Bác sĩ Hoàng Công Lương còn được giao phụ trách chung các hoạt động của Đơn nguyên TNT, nhưng việc giao này không được thể hiện bằng một văn bản hay quyết định chính thức nào).

Như vậy, xét về quy chuẩn pháp lý: Các Bác sĩ, Điều dưỡng của Đơn nguyên TNT trước khi đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng, thì phải do người có thẩm quyền là Trưởng khoa hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu (hoặc người được Trưởng khoa ủy quyền) cho phép đưa vào sử dụng. Tức là Bùi Mạnh Quốc bàn giao cho Trần Văn Sơn của Phòng Vật tư thiết bị y tế, Phòng Vật tư thiết bị y tế bàn giao cho Đơn nguyên TNT thông qua ông Hoàng Đình Khiếu và ông Hoàng Đình Khiếu cho phép thì Đơn nguyên TNT mới được đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng. Tuy nhiên, xét về thực tế tại Bệnh viện, ông Hoàng Đình Khiếu lại cho phép Đơn nguyên TNT trực tiếp nhận bàn giao từ Phòng Vật tư thiết bị y tế (mà không cần thông qua Hoàng Đình Khiếu).

Theo đó:

  • Nếu áp dụng đúng quy chuẩn pháp lý thì quy tắc an toàn mà các Bác sĩ, Điều dưỡng tại Đơn nguyên TNT phải tuân thủ khi đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng là: Phải được sự cho phép từ người có thẩm quyền là ông Hoàng Đình Khiếu (hình thức thể hiện sự cho phép chúng tôi xin phép không bàn đến).
  • Nếu kết hợp quy chuẩn pháp lý lẫn thực tế tại BVĐKTHB thì quy tắc an toàn mà các Bác sĩ, Điều dưỡng tại Đơn nguyên TNT phải tuân thủ khi đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng là: Nhận bàn giao trực tiếp từ Trần Văn Sơn bằng Biên bản bàn giao, sau đó báo cáo Trưởng Khoa hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu và được sự cho phép của ông Hoàng Đình Khiếu thì mới được phép đưa hệ thống RO vào sử dụng.

Vậy, thực tế vào ngày 29/5/2017, Đơn nguyên TNT đã vi phạm các quy tắc an toàn nào khi đưa hệ thống RO sau sửa chữa vào sử dụng: Không có Biên bản bàn giao, chỉ nhận bàn giao qua điện thoại, chưa báo cáo Trưởng Khoa hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu và chưa được sự cho phép của ông Hoàng Đình Khiếu nhưng đã đưa hệ thống RO vào sử dụng.

Vậy Bác sĩ Hoàng Công Lương có phải là chủ thể vi phạm các quy tắc an toàn đó không? Câu trả lời của chúng tôi là có. Bởi nghĩa vụ pháp lý mang tính nguyên tắc của Bác sĩ điều trị trước khi ra y lệnh là phải BIẾT chất lượng nước RO đã đảm bảo an toàn hay chưa. Trước đó, Bác sĩ Hoàng Công Lương đã biết rõ hệ thống RO số 2 được sửa chữa vào ngày 28/5/2017 (Bác sĩ Hoàng Công Lương là người đã ký vào đề xuất sửa chữa hệ thống RO và đã nghe điều dưỡng thông báo về kế hoạch sửa chữa sẽ diễn ra vào ngày 28/5/2017) thì ngoài việc chỉ nghe báo cáo bằng miệng của Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp, Bác sĩ Hoàng Công Lương còn phải có nghĩa vụ nắm bắt thêm về việc có hay không có Biên bản bàn giao và/hoặc đã có sự báo cáo Trưởng khoa hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu và được sự cho phép của Hoàng Đình Khiếu về việc đưa hệ thống RO vào sử dụng hay chưa? (Ai có trách nhiệm báo cáo Trưởng khoa, chúng tôi không đi sâu vào vấn đề này nhưng ít nhất, Bác sĩ Hoàng Công Lương đã không làm được thêm quy tắc bắt buộc là phải xác định xem hệ thống RO đã được bàn giao sau sửa chữa như thế nào, có Biên bản bàn giao hay không? – chỉ cần vi phạm một quy tắc này thôi, thì cũng đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội Vô ý làm chết người).

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khẳng định, hành vi vi phạm quy tắc an toàn của Bác sĩ Hoàng Công Lương chính xác phải là: chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp (quy tắc) theo đòi hỏi của pháp luật để biết nước RO đã đảm bảo an toàn trước khi ra y lệnh chạy thận, các quy tắc đó là phải biết hệ thống RO sau sửa chữa đã được bàn giao bằng Biên bản hợp lệ hay chưa và/hoặc đã được người có thẩm quyền cho phép đưa hệ thống RO vào sử dụng hay chưa. Phạm vi các biện pháp (quy tắc) mà pháp luật đòi hỏi Bác sĩ Hoàng Công Lương phải thực hiện không bao gồm cả việc phải chờ có kết quả xét nghiệm nước AAMI bởi như đã phân tích ở phần nội dung về hành vi của Bùi Mạnh Quốc, do Bùi Mạnh Quốc không có sự cảnh báo cho bên nhận bàn giao về việc có sự can thiệp hóa chất cấm vào hệ thống lọc nước RO nên không thể kéo theo nghĩa vụ chờ kết quả xét nghiệm AAMI đối với phía Đơn nguyên TNT.

Giả sử, Bác sĩ Hoàng Công Lương có yêu cầu Biên bản bàn giao, có báo cáo Trưởng khoa Hồi sức tích cực Hoàng Đình Khiếu nhưng cuối cùng việc chạy thận vẫn được diễn ra, hậu quả chết người vẫn xảy ra, thì Bác sĩ Hoàng Công Lương có cấu thành tội Vô ý làm chết người không? Những vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết ở các phần tiếp theo, đó là:

  • Phần hai – Quan hệ nhân quả trong tội Vô ý làm chết người và biểu hiện trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương
  • Phần ba – Lỗi trong tội Vô ý làm chết người và biểu hiện trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương.

2.2 Kết luận:

Như vậy, nghĩa vụ pháp lý mang tính nguyên tắc mà Bùi Mạnh Quốc và Hoàng Công Lương phải thực hiện mặc dù đều xuất phát từ công việc, nghề nghiệp và liên quan đến hoạt động nghề nghiệp nhưng quy tắc an toàn cụ thể mà Quốc và Lương vi phạm (chưa tuân thủ hoặc chưa thực hiện đúng, đủ với đòi hỏi của pháp luật) thì lại chưa được quy định thành văn bản trong bất kỳ bộ quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính nào cũng như chưa được là các quy tắc chuyên môn tại bất kỳ văn bản nào trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Đó chỉ là các quy tắc an toàn phát sinh từ nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể, đòi hỏi các chủ thể phải nhận thức được để tuân thủ, thực hiện. Do đó, hành vi vi phạm các quy tắc an toàn này cần được xác định là hành vi vi phạm quy tắc an toàn thông thường trong tội Vô ý làm chết người. Hơn nữa, tội Vô ý làm chết người cũng là loại tội ít nghiêm trọng nhất trong các tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính…

Các chủ thể có hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó có quan hệ nhân quả với hậu quả chết người đã xảy ra và chủ thể có lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm quy tắc an toàn. Những nội dung này sẽ được chúng tôi giải quyết ở các kỳ sau.
———————————————————–
Mời các bạn đón đọc Kỳ 4:

Bài 1: Tội Vô ý làm chết người trong khoa học luật hình sự và trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương

Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

Ls Hoàng Văn Hướng

Ls Đàm Thị Lan Hương

024 3755 8809