Nhìn lại vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương: từ lý luận khoa học luật hình sự đến biểu hiện thực tế trong vụ án – kỳ 2

Trong kỳ này, tiếp nối kỳ trước, chúng tôi sử dụng cách đánh số các tiểu mục như thể tất cả các kỳ đăng là một tổng thể thống nhất, Kỳ này sẽ trình bày dẫn nhập Bài 1 và đi sâu trình bày cơ sở khoa học pháp lý về hành vi vi phạm quy tắc an toàn thông thường – hành vi khách quan của tội vô ý làm chết người

BS LUONG

BÀI 1: TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHOA HỌC LUẬT HÌNH SỰ VÀ TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG

[Các “từ khóa” của Bài 1: “Hành vi vi phạm quy tắc an toàn thông thường”; “Quan hệ nhân quả” , “Quan hệ nhân quả kép trực tiếp”; “Lỗi”, “Lỗi vô ý vì quá tự tin”.]
Dẫn nhập bài 1:

Quá trình tố tụng vụ án liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người chết, Cơ quan tiến hành tố tụng đã 3 lần thay đổi tội danh đối với Bác sĩ Hoàng Công Lương: Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cuối cùng là Vô ý làm chết người. Có thể thấy, chính các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có sự lúng túng và không chuẩn xác trong quá trình định tội danh đối với hành vi của Bác sĩ Hoàng Công Lương. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến bản thân Bác sĩ Hoàng Công Lương không chắc chắn về việc mình có phạm tội hay không …

Trong bài viết bàn về tội Vô ý làm chết người (sau đây gọi tắt là tội VYLCN), chúng tôi sẽ xen kẽ luận giải về mặt lý luận để chúng ta hiểu được vì sao lại có sự nhầm lẫn về tội danh của Bác sĩ Hoàng Công Lương như vậy.

Đối với tội VYLCN, Điều 128 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS 2015) cũng như Điều 98 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 (sau đây gọi tắt là BLHS 1999) không mô tả thế nào là hành vi vô ý làm chết người, mà chỉ quy định như sau:
BLHS 2015:

“Điều 128. Tội vô ý làm chết người

  1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”

BLHS 1999:

“Điều 98. Tội vô ý làm chết người

  1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
  2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.”

Có thể thấy, các quy định của BLHS Việt Nam về tội VYLCN không phải là quy phạm định nghĩa, không mô tả các yếu tố định tội danh trong điều luật, đồng thời cho đến nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn BLHS về các dấu hiệu pháp lý cụ thể của tội VYLCN.

Tuy không có quy phạm định nghĩa, hướng dẫn cụ thể các dấu hiệu pháp lý nhưng tội Vô ý làm chết người không phải là một chế định pháp luật hình sự khi xét về mặt khoa học pháp lý còn đang nằm ở trạng thái gây tranh cãi về quan điểm, xung đột quan điểm mà các quan điểm đó lại cùng song song hợp lý. Cần phải phân định rõ, nguyên nhân chủ yếu của việc xuất hiện các cách hiểu khác nhau, không thống nhất về các dấu hiệu pháp lý của tội Vô ý làm chết người là do có quan điểm chưa bám sát nền tảng lý luận cơ bản của Phần chung của BLHS và lý luận chung của CTTP nên trong quá trình diễn giải một số dấu hiệu pháp lý của tội danh này thì lại bị sai lệch đi.

Trong hoạt động áp dụng pháp luật hình sự, mặc dù có những tội danh không được định nghĩa, mô tả trong điều luật nhưng người áp dụng pháp luật vẫn hoàn toàn có thể và phải nhận thức được đúng đắn và thống nhất về các dấu hiệu pháp lý của tội danh đó, nếu có tư duy pháp lý logic, chuẩn xác từ cơ sở lý luận của Phần chung BLHS cho đến Phần các tội phạm, từ lý luận chung về CTTP cho đến cấu thành của một tội phạm cụ thể. Chính xác hơn, việc nhận thức đúng đắn về các dấu hiệu pháp lý của một tội phạm, là trách nhiệm, nghĩa vụ đương nhiên của những người thực hiện hoạt động áp dụng pháp luật một cách chính thức.
Đành rằng việc hiểu sai về một số dấu hiệu pháp lý của tội Vô ý làm chết người là do chưa bám sát nền tảng lý luận cơ bản của Phần chung của BLHS và lý luận chung về CTTP, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đây là hệ quả của sự thiếu sót trong hoạt động giải thích pháp luật (chính thức) của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hi vọng trong thời gian tới, HĐTP TAND Tối cao sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về các dấu hiệu pháp lý của tội Vô ý làm chết người.

Hiện tại, khi bàn về tội Vô ý làm chết người, căn cứ vào các Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam và hầu hết các sách bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, các bài viết nghiên cứu khoa học và thực tiễn xét xử của ngành Tòa án, có thể tổng kết được một cách định nghĩa thống nhất về tội Vô ý làm chết người như sau: Vô ý làm chết người là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự, được thực hiện với lỗi vô ý, vi phạm quy tắc an toàn thông thường về đảm bảo tính mạng sức khỏe con người, dẫn đến hậu quả chết người. Đây mới chỉ là cách hiểu khái quát, còn để nhận thức đúng đắn, chuẩn xác về tội Vô ý làm chết người, chúng ta cần đi vào từng dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.

Chúng ta đều biết, cấu thành tội phạm bao gồm 4 yếu tố: chủ thể, khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan và trong mỗi yếu tố đó lại bao gồm các dấu hiệu pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, khi đi vào vụ án, chúng tôi xác định cần tập trung làm rõ 3 dấu hiệu bắt buộc sau đây trong CTTP của tội Vô ý làm chết người: (1) Hành vi khách quan (Hành vi vi phạm quy tắc an toàn), (2) Quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan với hậu quả của tội phạm và (3) Lỗi; trong đó (1), (2) là 2 dấu hiệu thuộc mặt khách quan và (3) là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Các dấu hiệu này được xem là những “key” quan trọng nhất khi đánh giá về tội Vô ý làm chết người và có ý nghĩa quyết định đến sự nhận thức đúng đắn bản chất pháp lý của vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương. Quá trình giải quyết làm rõ từng dấu hiệu nói trên, chúng tôi vẫn có sự xen kẽ đề cập đến một số dấu hiệu còn lại thuộc về mặt chủ thể, khách thể của tội phạm.

PHẦN MỘT: HÀNH VI VI PHẠM QUY TẮC AN TOÀN THÔNG THƯỜNG VỀ ĐẢM BẢO TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE CON NGƯỜI – HÀNH VI KHÁCH QUAN CỦA TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI VÀ BIỂU HIỆN TRONG VỤ ÁN BÁC SĨ HOÀNG CÔNG LƯƠNG

Phần này sẽ giải quyết các vấn đề sau:

  • Các vấn đề khoa học luật hình sự về hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người; phân biệt hành vi vi phạm quy tắc an toàn (thông thường) trong tội Vô ý làm chết người với hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, quy tắc an toàn trong các lĩnh vực cụ thể thuộc các tội danh khác; nghĩa vụ phải tuân thủ/thực hiện quy tắc an toàn của chủ thể
  • Các biểu hiện thực tế của hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các bệnh nhân chạy thận chu kỳ trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương; phạm vi quy tắc an toàn có bao gồm cả xét nghiệm AAMI hay không? Bùi Mạnh Quốc và Hoàng Công Lương có các hành vi vi phạm quy tắc an toàn nào?

Sau đây chúng tôi xin đi vào nội dung chi tiết:

I. Về mặt khoa học luật hình sự

1.1. Hành vi vi phạm quy tắc an toàn

Hành vi khách quan của tội Vô ý làm chết người là hành vi làm chết người do vi phạm (không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ) quy tắc an toàn. Đó là những quy tắc nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng, sức khỏe con người. Những quy tắc này thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy phạm hóa dưới hình thức văn bản hoặc dưới những quy tắc xử sự xã hội mà mọi người đều biết, thừa nhận và phải chấp hành, tức là bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự cũng nhận thức được (và/hoặc buộc phải nhận thức được) về việc phải tuân thủ các quy tắc đó, thì tính mạng và sức khỏe con người mới được đảm bảo.

Một số hành vi vi phạm quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực có thể được quy định là tội phạm ở những điều luật riêng khác. Trong trường hợp như vậy, hành vi vi phạm quy tắc an toàn không còn là hành vi khách quan của tội Vô ý làm chết người mà là hành vi khách quan của những tội phạm khác đó. Ví dụ: Hành vi vi phạm quy tắc an toàn giao thông trong tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260); hành vi vi phạm quy tắc an toàn lao động trong tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người (Điều 295); hành vi không tuân thủ đúng các quy định về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật y tế trong tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 315). Ngoài ra, trong các quy tắc an toàn, còn có các quy tắc nghề nghiệp và quy tắc hành chính và hành vi làm chết người do vi phạm một trong các quy tắc này cũng được quy định thành tội danh riêng là tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Điều 129).

1.2. Phân biệt hành vi vi phạm quy tắc an toàn (thông thường) trong tội Vô ý làm chết người với hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính, quy tắc an toàn trong các lĩnh vực cụ thể thuộc các tội danh khác

(Quy ước gọi quy tắc an toàn trong tội Vô ý làm chết người là quy tắc an toàn thông thường).

Để nhận thức đúng đắn, thấu triệt về hành vi vi phạm quy tắc an toàn thông thường trong tội Vô ý làm chết người phục vụ cho hoạt động định tội danh chuẩn xác, bắt buộc người nghiên cứu phải có tư duy so sánh, phân biệt giữa hành vi vi phạm quy tắc an toàn của tội Vô ý làm chết người với hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính và hành vi vi phạm quy tắc an toàn thuộc một số lĩnh vực đã được quy định là tội phạm ở những điều luật riêng khác:

  • Các quy tắc nghề nghiệp, quy tắc an toàn trong các lĩnh vực cụ thể (giao thông, lao động, khám bệnh chữa bệnh…) đều phải là các quy tắc đã được quy định trong văn bản do Nhà nước, Bộ, ngành ban hành và có giá trị áp dụng chính thức trong lĩnh vực cụ thể, nghề nghiệp cụ thể đó.
  • Quy tắc hành chính phải do pháp luật hành chính quy định hoặc do các cơ quan hành chính ban hành. Những quy tắc này có thể do các cơ quan hành chính Trung ương ban hành như: Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, các ngành, nhưng cũng có thể do các cơ quan hành chính ở địa phương hoặc một đơn vị, tổ chức quy định nhưng phải được quy định thành văn và được công nhận bởi cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền. Khi xác định một hành vi vi phạm quy tắc an toàn trong lĩnh vực cụ thể của các tội danh riêng khác hoặc vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính thì phải làm rõ quy tắc an toàn, quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính đã vi phạm là gì? Quy định trong văn bản nào?
  • Hành vi làm chết người do vi phạm quy tắc an toàn chỉ bị coi là hành vi khách quan của tội Vô ý làm chết người khi hành vi đó chưa được quy định là hành vi phạm tội ở các điều luật thuộc các lĩnh vực cụ thể.

Tức là, các quy tắc an toàn trong tội vô ý làm chết người là những quy tắc an toàn thông thường trong cuộc sống, chưa được quy định trong các văn bản về quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính hoặc các văn bản quy định về quy tắc an toàn trong các lĩnh vực cụ thể thuộc các tội danh riêng khác.

Có những quy tắc an toàn mà bất kỳ ai cũng phải có nghĩa vụ tuân thủ để đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người nhưng nếu những quy tắc an toàn này đã được “cắt khâu” và trở thành quy trình hoạt động trong một số lĩnh vực, nghề nghiệp, hoạt động nhất định thì những quy tắc an toàn này lại trở thành quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính hoặc quy tắc an toàn trong lĩnh vực cụ thể với điều kiện bắt buộc là quy trình đó phải được quy định trong văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận. Chúng ta đều biết, trong một số lĩnh vực nghề nghiệp, do yếu tố đặc thù của công việc cần chuyên môn hóa và phân công lao động cao, nên nhu cầu “cắt khâu” trong hoạt động là điều khó tránh khỏi và là nhu cầu cần thiết. Đồng thời, do đã được “cắt khâu” nên chỉ một số người được phân công công việc liên quan đến sự “cắt khâu” đó mới phải có nghĩa vụ tuân thủ quy tắc an toàn và nếu vi phạm gây ra hậu quả chết người thì sẽ cấu thành tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính hoặc một số tội danh riêng khác trong các lĩnh vực cụ thể. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh một lần nữa, để việc “cắt khâu” trở thành quy trình an toàn thì quy trình đó phải được quy định trong văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận. Nếu không thỏa mãn điều kiện được quy định trong văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận, thì những quy trình mang tính “cắt khâu” nói trên không được coi là quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính hoặc quy tắc an toàn trong lĩnh vực cụ thể mà đều phải quy về quy tắc an toàn thông thường của tội Vô ý làm chết người.

Dấu hiệu đặc biệt của chủ thể (ví dụ: Bác sĩ, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh…) không phải là dấu hiệu duy nhất quyết định đến các tội danh liên quan đến vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh mà đặc điểm của quy tắc an toàn bị vi phạm mới là dấu hiệu quyết định tội danh. Cho dù là chủ thể hoạt động trong lĩnh vực, nghề nghiệp nhất định với các chức danh đặc biệt (như bác sĩ, người hành nghề khám bệnh chữa bệnh…), nhưng khi thực hiện hành vi bị đánh giá là thiếu an toàn, nằm trong hoạt động nghề nghiệp, lĩnh vực của mình mà hành vi đó lại không được điều chỉnh bởi các văn bản quy định về quy tắc nghề nghiệp, quy tắc chuyên môn nghiệp vụ… thì cũng không thỏa mãn hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp, hoặc quy định về khám bệnh chữa bệnh…

Cần nhấn mạnh lại một lần nữa: Những quy tắc an toàn dù được thực hiện trong môi trường, tổ chức có hoạt động chuyên môn đặc thù của một lĩnh vực, nghề nghiệp cụ thể, thậm chí tạo thành một “mắt xích” trong các hoạt động chuyên môn của tổ chức đó, nhưng chưa được quy định thành quy trình, quy chế thành văn trong hoạt động của tổ chức hoặc đã được tổ chức quy định thành quy trình, quy chế hoạt động nội bộ nhưng lại chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công nhận, thì chưa được coi là quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính mà vẫn là quy tắc an toàn thông thường. Bởi lẽ, để đánh giá một quy trình, quy chế hoạt động của một tổ chức, ngành nghề, lĩnh vực nhất định có đủ an toàn hay không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, đánh giá và phê duyệt, công nhận chứ không thể do một tổ chức tự ban hành, tự thực hiện và tự xác nhận là quy trình an toàn.

Chúng ta thấy rằng, pháp luật hình sự luôn kín kẽ, cách quy định luôn phải mang tính “lọt sàng xuống nia”, phòng ngừa những trường hợp người có trách nhiệm trong công việc thuộc một lĩnh vực cụ thể, nghề nghiệp cụ thể lạm dụng đặc thù chuyên môn, nghề nghiệp của mình để tùy tiện thực hiện các hành vi thiếu an toàn hoặc thực hiện các hành vi chưa đủ cơ sở để xác định là an toàn nhưng lại “ngụy biện” hoặc quá tự tin (tự tin thiếu cơ sở) rằng các hành vi đó đã được xác định là quy tắc nghề nghiệp, để chối bỏ trách nhiệm về việc phải tuân thủ các quy tắc an toàn thông thường.

Do các quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính và quy tắc an toàn trong một số lĩnh vực cụ thể có tính chất là được quy định rõ ràng, thành văn bản, có giá trị áp dụng chính thống trong ngành nghề, lĩnh vực, hoạt động cụ thể nên dễ để xác định và đòi hỏi những chủ thể đặc biệt hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực đó phải đương nhiên nhận thức được. Còn các quy tắc an toàn thông thường rất đa dạng, hầu hết là không thành văn, tính rõ ràng và tính chính thống không cao như các quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính và quy tắc an toàn trong một số lĩnh vực cụ thể; các quy tắc an toàn thông thường nhiều trường hợp rất khó đánh giá thế nào là đủ an toàn hay chưa đủ an toàn, không có quy chuẩn cố định mà phải tùy vào tình huống cụ thể để đánh giá và phải đánh giá toàn diện, đầy đủ. Chính vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc phân hóa TNHS, thì BLHS cũng đã quy định tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính có tính nguy hiểm cao hơn tội Vô ý làm chết người, cũng với tính chất là vô ý làm chết người nhưng người vi phạm quy tắc nghề nghiệp, quy tắc hành chính phải chịu TNHS nặng hơn.

1.3. Nghĩa vụ phải tuân thủ/thực hiện quy tắc an toàn của chủ thể

Pháp luật hình sự quy định chủ thể (có năng lực TNHS, có tự do ý chí) trong những tình huống nhất định phải lựa chọn thực hiện những xử sự phù hợp với đòi hỏi của xã hội (nội dung này liên quan đến vấn đề Lỗi trong luật hình sự – sẽ được trình bày ở mục khác). Đối với tội Vô ý làm chết người, xử sự phù hợp với đòi hỏi của xã hội chính là quy tắc an toàn.

Theo lý luận chung về hình thức thể hiện của hành vi khách quan trong luật hình sự, thì hành vi khách quan của tội phạm có thể được thể hiện qua hành động hoặc qua không hành động, trong đó: Hành động (phạm tội) là hình thức của hành vi khách quan mà trong đó chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm; Không hành động (phạm tội) là hình thức của hành vi khách quan mà trong đó chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù đủ điều kiện để làm việc đó.
Theo đó, đối với hành vi hành động (phạm tội), xử sử phù hợp đòi hỏi của xã hội đối với chủ thể phải là: Không được làm một việc bị pháp luật cấm; đối với hành vi không hành động (phạm tội) thì xử sự phù hợp đòi hỏi của xã hội đối với chủ thể phải là: phải làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù đủ điều kiện để làm việc đó.

Đối với một việc bị pháp luật cấm – thì nghĩa vụ pháp lý của chủ thể ở đây là nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và đó là nghĩa vụ bắt buộc của tất cả các cá nhân, tổ chức chịu sự điều chỉnh chung của quy định cấm. Đối với một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm (mặc dù có đủ điều kiện để làm) – thì nghĩa vụ pháp lý của chủ thể ở đây là nghĩa vụ thi hành/chấp hành pháp luật, phụ thuộc vào từng chủ thể cụ thể và từng tình huống, điều kiện cụ thể. Nghĩa vụ thi hành/chấp hành pháp luật này có thể phát sinh do những căn cứ sau:

  • Nghĩa vụ phát sinh do luật định (ví dụ: nghĩa vụ tố giác tội phạm khi phát hiện tội phạm…);
  • Nghĩa vụ phát sinh do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Nghĩa vụ phát sinh do nghề nghiệp;
  • Nghĩa vụ phát sinh do công việc cụ thể;
  • Nghĩa vụ phát sinh do hợp đồng;
  • Nghĩa vụ phát sinh do xử sự trước đó của chủ thể trong tình huống cụ thể.

Theo đó, đối với tội Vô ý làm chết người, nghĩa vụ tuân thủ hoặc thực hiện quy tắc an toàn về tính mạng, sức khỏe của con người có thể xuất phát từ luật định, từ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ nghề nghiệp, từ công việc, từ hợp đồng hay từ xử sự trước đó của chủ thể trong tình huống cụ thể. Việc xác định nghĩa vụ này trong vụ án Vô ý làm chết người phải chính xác, toàn diện, đầy đủ và không được thừa, không được thiếu. Xác định được nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, là cơ sở để tiếp tục xác định được các quy tắc an toàn cụ thể mà chủ thể phải tuân thủ, thực hiện. Nghĩa vụ pháp lý có thể chính là quy tắc an toàn, có thể không, nhất là đối với nghĩa vụ phát sinh do hợp đồng. Muốn xác định một nghĩa vụ pháp lý có đồng thời là quy tắc an toàn hay không, phải dựa vào sự đánh giá đồng thời các quy định pháp luật, khoa học pháp lý lẫn khoa học thuộc lĩnh vực chuyên môn liên quan đến quy tắc đó.

Như vậy, điều kiện để có thể buộc một người phải chịu TNHS về hành vi vi phạm quy tắc an toàn (gây ra hậu quả chết người) của mình là:

  • Người đó phải có nghĩa vụ tuân thủ hoặc thi hành/chấp hành (sau đây gọi chung là thực hiện) quy tắc an toàn (do Luật định, do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do nghề nghiệp, do công việc, do hợp đồng hay do xử sự trước đó của họ trong tình huống cụ thể), và
  • Người đó có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ này (nội dung này sẽ được đánh giá ở phần phân tích về Lỗi).

———————————————————————
Trong vụ án Bác sĩ Hoàng Công Lương, hành vi vi phạm quy tắc an toàn về đảm bảo tính mạng, sức khỏe con người được biểu hiện như thế nào? Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết ở Kỳ 3:

Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

Ls Hoàng Văn Hướng

Ls Đàm Thị Lan Hương

024 3755 8809