Số thuế giảm từ chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội đạt 44.458 tỉ đồng,
Sáng ngày 25/5, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết 43) của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023. Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Nghị quyết 43 được Quốc hội ban hành đầu năm 2022, trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế – xã hội đất nước.
Qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…
Đáng chú ý, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã được quy định cụ thể) đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, số thuế GTGT dự kiến giảm khi xây dựng chương trình là 49.400 tỉ đồng. Số thực hiện đạt 44.458 tỉ đồng, trong đó làm giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2022 là 41.498 tỉ đồng, làm giảm thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2023 là 2.960 tỉ đồng, bằng 90% số dự kiến.
Việc áp dụng chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được áp dụng chung cho các tổ chức, cá nhân, không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Chính sách có tác dụng kép, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời việc áp dụng chính sách này còn góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện lạm phát, giá cả và chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao.
Tuy nhiên, báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra nhiều tồn tại trong việc thực hiện miễn, giảm thuế. Cụ thể, về việc xác định một số hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT và một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT và tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu; một số doanh nghiệp không nắm rõ các mặt hàng kinh doanh thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỉ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỉ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT.
Số tiền giảm thuế GTGT đối với trường hợp này thấp, một số cơ sở kinh doanh, người mua hàng hóa dịch vụ không muốn thực hiện theo quy định. Còn một bộ phận khá lớn hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhỏ, lẻ không thực hiện hoặc không có điều kiện thực hiện xuất hóa đơn bán hàng nên không quản lý được giá bán hàng hóa. Còn tình trạng lúng túng trong khâu áp dụng, phát sinh các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đòi hỏi cơ quan thuế phải hướng dẫn, giải thích; công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách vẫn còn gặp khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể.
Ngoài ra, Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, việc thực hiện chính sách này đã góp phần khuyến khích, ghi nhận những đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp, tổ chức tham gia ủng hộ, chung sức cùng Nhà nước thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19…
MINH ANH