Nên hay không nên luật hóa vấn đề “ly thân”?

I. Thực trạng vấn đề ly thân trong xã hội

Ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó một người hay cả hai không còn muốn sống chung với nhau. Trên pháp lý họ vẫn là vợ chồng cho tới khi được xử ly hôn, và họ không cần ra tòa để được sống ly thân.[1]
Theo thống kê thì tỷ lệ ly hôn của các gia đình tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các gia đình trẻ ở các thành phố lớn. Ví dụ, tại thành phố HCM  hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn lại có 1 cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 35 tuổi chiếm tỉ lệ 30% và năm sau có xu hướng tăng hơn năm trước. [2]
Trong thực tế,  trước khi ly hôn các cặp vợ chồng thường có quãng thời gian sống ly thân với nhau và có thể hiện vẫn đang sống ly thân nhưng chưa ly hôn. Suy ra, tỷ lệ ly thân chiếm một con số không hề nhỏ trong đời sống của các cặp vợ chồng. Vậy nên dù muốn hay không thì vẫn phải thừa nhận ly thân là một hiện tượng xã hội đã đang và sẽ tiếp tục tồn tại.

II. Quan điểm của nhà làm luật

Nhà làm luật đều thừa nhận một thực tế rằng ly thân là một hiện tượng xã hội đang tồn tại trong nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên có nên luật hóa hiện tượng này hay không thì có những quan điểm trái chiều. Vấn đề này đã từng được đem ra thảo luận trong quá trình dự thảo Luật hôn nhân gia đình năm 2000.

1. Quan điểm ủng hộ

Tiêu biểu cho quan điểm này là của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ông cho rằng: “Ly thân là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Pháp luật không thể né tránh thực tiễn và nhu cầu này của người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em‘”. Theo Bộ trưởng, trong thực tế, khi cần ly thân, người dân có thể có nguyện vọng lựa chọn ly thân thực tế hoặc ly thân pháp lý, nếu thấy việc ly thân pháp lý mang lại lợi ích cho mình thì họ mong muốn có sự công nhận của Nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định về ly thân cho nên nguyện vọng chính đáng đó không thực hiện được. [3]

2. Quan điểm không ủng hộ

Dù ly thân là một hiện tượng xã hội đã tồn tại từ lâu, nhưng với đặc điểm văn hóa Việt Nam, rất ít người muốn công khai tình trạng này. Mặt khác, ly thân là sự thỏa thuận mang tính riêng tư của hai vợ chồng, vì vậy không cần thiết phải có sự can thiệp của Tòa án và nên coi ly thân là thử thách bình thường của cuộc sống. Hơn nữa, còn có những lo ngại việc lợi dụng ly thân, biến ly thân thành “hôn nhân treo” mà đối tượng chịu thiệt thòi thường là phụ nữ và trẻ em.[4]

III. Quan điểm của tác giả

1. Thế giới đã có nơi luật hóa vấn đề này

Cụ thể, theo Luật tại bang Massechusetts, Hoa Kỳ, Tòa án có thể ra một phán quyết Hỗ trợ ly thân[5], trong đó có thể bao gồm các án lệnh hỗ trợ cho người sống ly thân, chẳng hạn tiền cấp dưỡng con cái, quyền nuôi con và quyền thăm viếng. Nó cũng có thể bao gồm quyết định ai sẽ được ở trong căn nhà của họ và điều gì sẽ xảy ra cho những thứ như trương mục ngân hàng và tài sản cá nhân. Họ có thể có được phán quyết này trong khi vẫn là vợ chồng về mặt pháp lý.

2. Không luật hóa dễ phát sinh nhiều bất cập

Thứ nhất, không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của các bên khi phát sinh tranh chấp.
Như chúng ta đều biết, ly thân hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của đôi bên và việc thực hiện đúng như những cam kết cũng chỉ xuất phát từ sự tự nguyện đó. Do vậy, khi một trong 2 bên tự ý thay đổi thỏa thuận, gây phương hại đến lợi ích của bên còn lại thì hoàn toàn không có cơ sở để bảo vệ lợi ích của bên bị thiệt hại.
Thứ hai, pháp luật hiện hành không giúp giải quyết được triệt để vấn đề.
Quy định pháp luật hiện hành cho phép vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38 Luật Hôn nhân gia đình 2014) và các bên có quyền thỏa thuận về việc không sống chung với nhau (Khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân gia đình 2014). Về bản chất đây không phải là những quy định có thể thay thế và giải quyết được về việc ly thân giữa vợ, chồng mà chỉ là những quy định nhằm giúp cho vợ, chồng có sự thuận lợi hơn trong đời sống hôn nhân. Hơn nữa, ly thân về bản chất là chấm dứt đời sống tình cảm chứ không phải chấm dứt về tình trạng tài sản hay không gian sống, nơi sống.
Thứ ba, không có quy định rõ ràng dễ gây xung đột lợi ích giữa những người trong cuộc với quy định của pháp luật.
Khi đã ly thân vợ hoặc chồng, thông thường sẽ được thoải mái tự do về mặt tình cảm, có thể yêu và sống chung như vợ chồng với người khác, việc này nằm trong thỏa thuận của đôi bên và đôi bên tôn trọng quyền đó của nhau nhưng theo quy định của pháp luật thì hành vi trên lại xem là hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ có thể bị xử lý hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể,  người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (Nghị định 110/2013/NĐ-CP)
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó hoặc làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).

3. Nên có chế định về ly thân trong Luật Hôn nhân gia đình

a. Thỏa thuận ly thân sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.
Khi pháp luật đã có những quy phạm điều chỉnh vấn đề ly thân, nếu các bên thực hiện theo đúng yêu cầu pháp luật quy định thì thỏa thuận ly thân này sẽ được pháp luật bảo vệ. Quyền và lợi ích của các bên sẽ được đảm bảo khi có sự xâm phạm từ phía đối phương do vi phạm thỏa thuận. Theo quan điểm tác giả thỏa thuận ly thân này không cần thiết phải do Tòa án công bố thừa nhận mà chỉ cần sự chứng thực xác nhận từ phía UBND cấp xã và có ghi nhận trong giấy tờ hộ tịch là đủ. Khi có tranh chấp phát sinh, UBND cấp xã sẽ nơi tiến hành thủ tục hòa giải. Trong trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án mới can thiệp. Quy định như vậy một phần sẽ giúp cho các bên phải suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định có ly thân hay không (hạn chế tình trạng ly thân tràn lan do không có sự can thiệp từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền), mặt khác cũng hạn chế sự phức tạp về thủ tục khi phải nhờ đến Tòa án (trong trường hợp các bên đã thực sự muốn ly thân).
b. Cơ sở quan trọng để Tòa án chấp nhận việc ly hôn
Hiện nay ly thân trong thực tế không phải là một trong các căn cứ để Tòa án quyết định có đồng ý cho ly hôn hay không. Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố nhằm chứng minh cho mục đích đời sống hôn nhân không đạt được v.v…Thông thường thì việc chứng minh này khá phức tạp (đặc biệt là trong trường hợp đơn phương ly hôn), đó là lý do tại sao các vụ án liên quan đến ly hôn thường phải tiến hành hòa giải rất nhiều lần, tốn thời gian và công sức của đôi bên. Một khi giữa các bên đã có thỏa thuận về ly thân trước đó và đã quyết định tiến tới ly hôn thì Tòa cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc chứng minh mục đích hôn nhân không đạt được và không cần thiết phải hòa giải nhiều lần vì Tòa đã có được thông tin trong hồ sơ hộ tịch do UBND cấp xã cung cấp.
c. Hạn chế tình trạng đơn phương ly hôn
Đơn phương ly hôn khi một bên muốn chấm dứt hôn nhân nhưng bên còn lại thì không. Đơn phương ly hôn thường dẫn đến những tranh chấp về tài sản và con cái, do các bên chưa đạt được sự đồng thuận. Nếu các bên đã ly thân và đã có những thỏa thuận về tài sản chung, con chung trước đó thì khi ly hôn những tranh chấp hầu như sẽ không còn, các bên dễ dàng đạt được sự đồng thuận và khi đó việc của Tòa án chỉ là công nhận sự thuận tình ly hôn của các bên. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng.

Nguồn: Trương Tường / Uselaw.vn

[1] Theo định nghĩa của wikipedia.org https://vi.wikipedia.org/wiki/Ly_th%C3%A2n
[2] Nguồn: https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/bao-dong-tinh-trang-ly-hon-o-cac-gia-dinh-tre-20170801190658797.htm
[3] Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/hop-phap-hoa-ly-than-cong-khai-139677.html
[4]Nguồn:  http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/hop-phap-hoa-ly-than-cong-khai-139677.html
[5] Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ly_th%C3%A2n

024 3755 8809