Một số điểm mới về chế định Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp năm 2013

Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hộichủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử lập hiến nước ta, là cơ sở pháp lý hiến định để thực hiện mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Hiến pháp năm 2013 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của các bản Hiến pháp trước (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992) và đổi mới về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến; theo đó thể chế hóa sâu sắc và toàn diện chủ trương đổi mới của Đảng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tư tưởng vì con người, đó là tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được xác định là tư tưởng đổi mới chủ đạo của Hiến pháp. Những yêu cầu của Hiến pháp về dân chủ, pháp quyền, đề cao quyền con người sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan tư pháp trong đó có Viện kiểm sát nhân dân, đòi hỏi các cơ quan tư pháp phải có sự đổi mới trong tổ chức và hoạt động. Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 đã quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tương đối toàn diện và đầy đủ. Trên cơ sở kế thừa và đổi mới thể chế, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân để hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của bộ máy. Những nội dung mới đó là định hướng quan trọng đổi mới về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.
hien-phap-2013
Một số điểm mới về chế định Viện kiểm sát nhân dân theo Hiến pháp năm 2013 thể hiện cụ thể như sau:
Thứ nhất, về mặt hình thức, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận chế định về Viện kiểm sát nhân dân được quy định từ Điều 107 đến Điều 109 (Chương VIII – Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân). Còn theo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung 2001 thì được quy định tại Điều 126 và từ Điều 137 đến 140 (Chương X  – Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân). Như vậy, Hiến pháp lần này có số lượng Điều luật ít hơn (chỉ còn 3 Điều), theo đó nội dung của quy định tại Điều 140 Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 “Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân” đã được quy định ghép vào Điều 108 của Hiến pháp năm 2013 và chỉ quy định ngắn gọn: “Chế độ báo cáo công tác của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác do luật định“. Đây là thay đổi về mặt hình thức thể hiện kỹ thuật lập pháp tương đối hoàn chỉnh và tiến bộ trong Hiến pháp lần này.
Thứ hai, về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được sửa đổi phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp.
Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 quy định hệ thống Viện kiểm sát gồm: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự”. Quy định này là nhằm xác định hệ thống Viện kiểm sát được tổ chức theo địa giới hành chính từ Trung ương xuống địa phương. Như vậy, ở Trung ương có Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ở địa phương tương ứng với đơn vị hành chính cấp huyện hoặc cấp tỉnh thì có Viện kiểm sát cấp huyện hoặc Viện kiểm sát cấp tỉnh. Bên cạnh đó, còn có các Viện kiểm sát quân sự cũng được tổ chức thành ba cấp gồm Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và Viện kiểm sát quân sự khu vực. Việc tổ chức hệ thống Viện kiểm sát nhân dân theo địa giới hành chính ra đời từ khi luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 được ban hành.
Hiến pháp năm 2013 quy định tại Khoản 2 Điều 107 “Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do Luật định”. Quy định này có ý nghĩa mở đường thực hiện chủ trương tổ chức lại hệ thống Viện kiểm sát tương ứng hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử(Tòa án khu vực), không tương ứng với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện như hiện nay để bảo đảm nguyên tắc độc lập của Tòa án. Đây là quy định “mở” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Viện kiểm sát nhân dân thực hiện việc kiện toàn bộ máy tổ chức và hoạt động, đặc biệt khi mô hình tổ chức bộ máy đang được xây dựng trong giai đoạn hiện nay. Như vậy, quy định này mang tính tùy nghi thuận tiện cho xây dựng mô hình hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, việc kiện toàn hệ thống Viện kiểm sát nhân dân sẽ được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi, bổ sung sắp tới, trên cơ sở định hướng của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp. Định hướng đó được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết Luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan Điều tra theo Nghị quyết 49, đã xác định tổ chức hệ thống Tòa án theo cấp xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, đồng thời Viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức Tòa án.
Như vậy, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì hệ thống Viện kiểm sát được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án theo cấp xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Do đó, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sẽ được sửa đổi theo hướng quy định về tổ chức Viện kiểm sát theo bốn cấp tương ứng với bốn cấp của Tòa án, cụ thể là:
– Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực (số lượng và địa hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Tòa án nhân dân khu vực);
– Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (số lượng và đại hạt tư pháp tương ứng với số lượng và địa hạt tư pháp của Tòa án cấp cao);
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Như vậy, tổ chức Viện kiểm sát theo bốn cấp nêu trên thì chỉ có Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là gắn với đơn vị hành chính cấp tỉnh, còn Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Theo đó, đây cũng là những yếu tố để đảm bảo cho tính khả thi của nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và nguyên tắc khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Thứ ba, về nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân được quy định đầy đủ hơn, phạm vi rộng hơn
Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001 quy định nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Điều 126: “Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong phạm vi chức năng của mình, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân” và Điều 137: “Góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Tuy nhiên, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ cho thấy ngoài nhiệm vụ như đã quy định trong Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001, thì Viện kiểm sát nhân dân còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bởi lẽ, cụ thể hóa chức năng cơ bản của Viện kiểm sát nhân dân thành những nhiệm vụ qua từng công tác kiểm sát nhằm mục đích giám sáthoạt động tư pháp chính là hoạt động bảo vệ pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; qua đó bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp tránh khỏi sự xâm hại của tội phạm và của cơ quan nhà nước khác; đồng thời bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi họ bị xâm hại.
Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 đã quy định một cách đầy đủ và hoàn thiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân cụ thể như sau: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất” (Khoản 3 Điều 107). Như vậy, bên cạnh những nhiệm vụ đã quy định, Hiến pháp năm 2013 đã có quy định mới về nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân đó là bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ pháp luật thông qua các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Thực chất chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân là bảo vệ pháp luật, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, bảo đảm cho mọi tội phạm và vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý kịp thời, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo đảm việc giải quyết các vụ án đúng pháp luật, nghiêm minh, đồng thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở cụ thể hóa chức năng thành các nhiệm vụ, Hiến pháp năm 2013 đã quy định Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng chứng minh sự tồn tại của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước là đúng đắn.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân được đặt ra là hết sức cần thiết. Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt trong lĩnh vực tư pháp Hiến pháp đã có những điều chỉnh quan trọng nhằm bảo đảm một cách tối đa quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực này, cụ thể như:
– Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Khoản 2 Điều 14). Hiến pháp năm 2013 quy định rõ mọi biện pháp tố tụng có tính chất hạn chế quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp như: bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 21), khám xét chỗ ở (Điều 22)… phải do luật định mà không quy định như Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 (Điều 73) là theo quy định của pháp luật. Đây là những quy định thể hiện sâu sắc tư tưởng pháp quyền, dân chủ, ngăn ngừa sự cắt xén, xâm phạm quyền con người, quyền công dân từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định ngay trong Hiến pháp, tại Khoản 1 Điều 31 “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Khẳng định rõ tính công bằng, nhân đạo của pháp luật XHCN. Bên cạnh đó, bổ sung quy định “Quyền được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai” (Khoản 2 Điều 31).  Đây là yêu cầu hết sức cơ bản của nền tư pháp dân chủ, đòi hỏi việc sửa đổi các luật tố tụng trong thời gian tới phải quy định cụ thể, minh bạch các thủ tụcnhằm tránh sự tùy tiện, lạm dụng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án. Đồng thời, Hiến pháp mở rộng đối tượng được hưởng quyền bào chữa không chỉ gồm người bị tạm giữbị canbị cáo như hiện nay mà còn cả người bị bắt (Khoản 4 Điều 31), quy định mới này sẽ tạo cơ sở để người bị bắt được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng
– Bổ sung nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử (Điều 103). Nguyên tắc này đòi hỏi có sự điều chỉnh cơ bản về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, chế định chứng cứ cũng như các thủ tục tố tụng để bảo đảm cho tranh tụng được  tiến hành có hiệu quả trên thực tiễn. Đặc biệt, qua đó bảo đảm một cách toàn diện nhất về quyền của bị can, bị cáo, từ đó bị can, bị cáo và người bào chữa có cơ sở pháp lý rõ ràng nhất để thực hiện quyền đưa ra chứng cứ gỡ tội. Khi đó, tranh tụng phải trở thành quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, mọi chứng cứ đưa ra phải có căn cứ pháp luật và phán quyết của Tòa phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và những chứng cứ được kiểm chứng tại phiên tòa. Vì vậy, có làm được điều đó mới bảo đảm được chất lượng phiên tòa, bảo đảm chất lượng việc giải quyết vụ án, từ đó bảo đảm được công lý, công minh của pháp luật, đồng thời cũng là bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực tư pháp tố tụng.
Như vậy, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân phù hợp với chức năng được giao đảm nhiệm. Bởi lẽ, khi tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát không chỉ đóng vai trò của một bên (bên công tố, buộc tội) như pháp luật một số nước, mà còn được giao trách nhiệm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, chống làm oan người vô tội; không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, hạn chế các quyền công dân, bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự, nhân phẩm một cách trái pháp luật.
Thứ tư, quy định mới về nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân
Trên cơ sở tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, đồng thời bổ sung nguyên tắc “khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân”. (Khoản 2 Điều 109). Đây là lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 ghi nhận nguyên tắc này như một nguyên tắc hiến định đối với tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, bởi nó có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Nguyên tắc này một mặt khẳng định nhằm đáp ứng yêu cầu tăng tính độc lập, thẩm quyền cho Kiểm sát viên, ngăn ngừa sự can thiệp trái pháp luật của cá nhân, tổ chức vào hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên, đồng thời phù hợp với nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành kiểm sát, bảo đảm sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát mỗi cấp và sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Để cụ thể nguyên tắc này mới được quy định trong Hiến pháp năm 2013, ngành kiểm sát cần nhanh chóng triển khai và thực hiện cơ chế phân cấp thẩm quyền tố tụng nhằm tăng sự chủ động và đề cao trách nhiệm cho Kiểm sát viên khi thực thi công vụ, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án. Đặc biệt, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và Bộ luật tố tụng hình sự sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành theo Hiến pháp năm 2013 không quy định về Ủy ban kiểm sát. Điều này không có nghĩa là Ủy ban kiểm sát không còn nữa, mà cơ chế của Ủy ban kiểm sát vẫn được xây dựng và quy định trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ có sự thay đổi cơ bản về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban kiểm sát trong hệ thống Viện kiểm sát nhân dân. Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã quy định “Ủy ban kiểm sát có quyền thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã không quy định về Ủy ban kiểm sát, nhằm đề cao chế độ thủ trưởng chế của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, khi đó Ủy ban kiểm sát sẽ sửa đổi từ chế độ làm việc tập thể và quyết định theo đa số sang chế độ tư vấn, giúp việc cho Viện trưởng trong một số vấn đề quan trọng để đề cao nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành.
Triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đồng thời cũng là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Đối với Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm tổ chức, quán triệt nội dung của Hiến pháp và xây dựng các kế hoạch cụ thể để triển khai thi hành Hiến pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân, đồng thời phải rà soát, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp để đưa vào các dự án luật quan trọng mà Viện kiểm sát nhân dân tối cao đang được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo. Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh việc bảo vệ và bảo đảm quyền con, quyền công dân, vì vậy, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân phải tổ chức công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo tinh thần chủ đạo của Hiến pháp, đó là đề cao, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tăng cường dân chủ xã hội chủ nghĩa. Do đó, xác định rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp chính là nhằm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật và bảo đảm cho Hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh trong đời sống xã hội. Với những nội dung trên, lần sửa đổi và bổ sung những quy định mới về chế định Viện kiểm sát nhân dân của Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy Nhà nước ta.
Ths. Lê Ngọc Duy – Khoa NN&PL / Đại học Kiểm sát Hà Nội

024 3755 8809