Một số điểm mới trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự 2015

Một số điểm mới trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự năm 2015.

(1) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Chương XIII)

Có 03 điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản tại chương này:

Một là, BLHS năm 2015 không có điều luật riêng quy định về tội hoạt động phỉ như Điều 83 của BLHS năm 1999. BLHS năm 2015 không phi tội phạm hóa đối với hành vi hoạt động phỉ mà hành vi phạm tội này đã được quy định trong cấu thành của một số tội phạm cụ thể, ví dụ như: tội bạo loạn (Điều 112), tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)…

Hai là, tách Điều 91 BLHS năm 1999 quy định tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân thành 02 điều luật: Điều 120 (Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân) và Điều 121 (Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân). Việc tách điều luật này để phân hóa trách nhiệm hình sự phù hợp với tích chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng tội phạm.

Ba là, bổ sung một khung mới trong các điều luật để quy định về việc xử lý đối với trường hợp “chuẩn bị phạm tội”, theo đó, người chuẩn bị phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất đến 05 năm(1). Nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

(2) Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (Chương XIV)

Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người BLHS năm 2015 quy định gồm 34 Điều (từ Điều 123 đến Điều 156) trong đó bổ sung mới 4 điều, sửa đổi 30 điều. Những nội dung mới cơ bản của Chương gồm:

– Bổ sung thêm 02 tội danh mới: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147) và Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154) và tách các hành vi mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em tại Điều 120 BLHS năm 1999 thành 03 điều luật riêng: Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151), Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi (Điều 152), Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153).

– Thay các tình tiết định tội, định khung hình phạt tương đối (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, bằng các tình tiết định lượng tuyệt đối về hậu quả của tội phạm.

– Bổ sung quy định “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” là hành vi thuộc mặt khách quan của một số tội xâm phạm tình dục bên cạnh hành vi “giao cấu” đã được quy định tại các BLHS trước đây.

(3) Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân (Chương XV)

Chương XV BLHS năm 2015 có những sửa đổi cơ bản, tập trung vào 04 vấn đề: (1) Tách 01 điều luật thành 02 điều độc lập và bổ sung 01 tội danh mới (Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167 BLHS năm 2015)). (2) Nâng mức hình phạt tùcải tạo không giam giữ trong một số tội, đồng thời bỏ hình phạt cảnh cáo ở một số tội để thể hiện sự nghiêm khắc trong xử lý nhóm tội phạm này, bảo đảm tốt hơn quyền con ngườiquyền công dân. (3) Làm rõ, khắc phục các tình tiết có “tính định tính”, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễnáp dụng. (4) Bổ sung các tình tiết tăng nặng định khung để bảo đảm phân hóa trách nhiệm hình sự.

(4) Các tội xâm phạm sở hữu (Chương XVI)

– Sửa tên điều luật từ “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước” (Điều 144 BLHS 1999) thành “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” (Điều 179 BLHS năm 2015). Việc sửa đổi như vậy nhằm bổ sung đối tượng bị xâm hại không chỉ Nhà nước mà cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

– Bổ sung đối tượng tài sản bị xâm hại là “cổ vật” và “bảo vật quốc gia”. Những tài sản này có thể có những loại tuy giá trị quy thành tiền không đáng kể, nhưng những giá trị về văn hóa, về lịch sử về tinh thần thì không thể tính hết được, đặc biệt không thể quy giá trị tài sản này thành tiền.

– Nâng giá trị tài sản bị sử dụng trái phép từ 50 triệu lên 100 triệu đồng đối với Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 177); Nâng mức khởi điểm tài sản bị thiệt hại từ 50 triệu lên 100 triệu đồng đối với Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179); Nâng mức khởi điểm tài sản bị thiệt hại từ 50 triệu lên 100 triệu đồng đối với Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản (Điều 180).

– Cụ thể hóa các tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu được quy định trong BLHS năm 1999 (từ Điều 133 đến Điều 143) bằng các hậu quả vật chất và phi vật chất cụ thể.

– Các hình phạt đối với các tội xâm phạm sở hữu đều được sửa đổi theo hướng giảm nhẹ: (1) bỏ hình phạt tử hình ở tội cướp tài sản, bỏ hình phạt chung thân ở các tội lạm dụng tín nhiệm CĐTS; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; (2) giảm hình phạt tù quy định tại Điều 179, Điều 180; (3) bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính ở một số tội: Chiếm giữ trái phép tài sản Điều 176, Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản Điều 178.

– Bổ sung một khoản trong các điều quy định về tội Cướp tài sản và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản để xử lý đối với người chuẩn bị phạm các tội này.

– Bỏ hình phạt tử hình đối với tội cướp tài sản (Điều 168).

– Quy định cụ thể những tội danh mà người chuẩn bị phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự và mức hình phạt cụ thể đối với hành vi phạm tội trong trường hợp này.

Sửa Điều 175 quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nâng cao tính khả thi và phù hợp với yêu cầu phòng, chống tội phạm này. Cụ thể:

– Bãi bỏ tình tiết chiếm đoạt tài sản dưới 04 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng là điều kiện cấu thành tội này quy định tại khoản 1;

– Cụ thể hóa và bổ sung mới hành vi chiếm đoạt tài sản dưới 04 triệu đồng quy định tại Khoản 1 điều luật này, bao gồm: “đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại

– Bãi bỏ “dấu hiệu bỏ trốn”, bổ sung dấu hiệu “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

(5) Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (chương XVII)

– Tội phạm hóa 3 hành vi: Cưỡng ép ly hôn (Điều 181); Cản trở ly hôn (Điều 181); Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187).

– Phi tội phạm hóa hành vi tảo hôn, bởi vì, xét cho cùng thì thực trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu do các nguyên nhân xã hội, sự tuyên truyền, giáo dục của gia đình, xã hội chưa có hiệu quả cao. Thậm chí có trường hợp tảo hôn do sức ép của người lớn, của cha mẹ. Do vậy, đối với hành vi này chỉ áp dụng chế tài hành chính để xử lý là phù hợp.

– Thu hút hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật vào tội danh đăng ký hộ tịch trái pháp luật (Điều 336).

– Hình sự hóa hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187).

Cụ thể hóa một số tình tiết định tội tại một số điều luật: Ví dụ: tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 181 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã được cụ thể hóa thành các hậu quả như “làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn ”, “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát” hoặc tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 185 về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thành các hậu quả “Làm cho nạn nhân bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất danh dự, đau khổ tinh thần” hoặc “Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân”.

(6) Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII)

– Số lượng các tội phạm trong chương này tăng từ 35 tội lên 47 tội;

Bỏ 4 tội: Tội kinh doanh trái phép; Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tội vi phạm quy định về cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng;

+ Thay thế Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng một số tội: Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Đ 217); Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Đ 218); Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Đ 219); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Đ 220); Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Đ 221); Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Đ 222); Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Đ 223); Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Đ 224); Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Đ 230);

Bổ sung 01 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán(2): tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán (Điều 212) nhằm đảm bảo BLHS bao quát được hết những hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực chứng khoán, bởi vì việc làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán đã xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua nhưng chế tài hành chính không đủ sức răn đe, trong khi đó thị trường chứng khoán là thị trường tương đối nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn tới sự ổn định, phát triển của nền kinh tế đất nước.

Bổ sung 4 tội danh trong lĩnh vực bảo hiểm: tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215) và tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Điều 216).

+ Tách tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh tại  Đ 157 BLHS năm 1999 thành 2 tội: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Đ 193) và Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Đ 194);

+ Tách tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm tại Điều 155 BLHS năm 1999 thành 2 tội là: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Đ 190) và Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Đ 191)

– Quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với phần lớn các tội phạm. Do người phạm tội về kinh tế nhằm mục đích về kinh tế nên có thể dùng hình phạt tiền thay thế cho hình phạt tù vẫn đạt được mục đích xử lý tội phạm, thực hiện chủ trương giảm hình phạt tù.

– Quy định xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với 22 tội/ 47 tội danh của chương, gồm: Tội buôn lậu (Đ 188); Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Đ 189); Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Đ 190); Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Đ 191); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Đ 192); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Đ 193); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Đ 194); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để  chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi (Đ 195); Tội đầu cơ (Đ 196); Tội trốn thuế (Đ 200); Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước (Đ 203); Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che dấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Đ 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Đ 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Đ 211); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Đ 213); Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (Đ 216); Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Đ 217); Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Đ 225); Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Đ 226); Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (Đ 227); Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản (Đ 232); Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã (Đ 234).

– Sửa đổi, bổ sung cụ thể hóa một số tình tiết định tính, định lượng làm căn cứ định tội hoặc định khung hình phạt một số tội phạm, cụ thể:

+ Dấu hiệu thu lợi bất chính lớn, thu lợi bất chính rất lớn, thu lợi bất chính đặc biệt lớn quy định trong BLHS năm 1999 đã được BLHS năm 2015 cụ thể hóa tại tất cả các điều luật liên quan bằng số tiền thu lợi bất chính cụ thể.

+ Dấu hiệu gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng được quy định trong BLHS năm 1999 đã được BLHS năm 2015 cụ thể hóa tại tất cả các điều luật liên quan bằng số tiền thiệt hại cụ thể.

Dấu hiệu số lượng lớn, số lượng rất lớn, số lượng đặc biệt lớn được BLHS năm 1999 quy định tại các điều luật thuộc nhóm tội phạm này đã được BLHS năm 2015 cụ thể hóa bằng số lượng cụ thể.

– Dấu hiệu phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng, trong trường hợp rất nghiêm trọng và trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng làm căn cứ định khung hình phạt đã được cụ thể hóa bằng trị giá tiền thật hoặc tương ứng với tiền thật (trong trường hợp tiền giả hoặc tương ứng với công cụ chuyển nhượng giá hoặc những giấy tờ có giá giả khác).

Sửa đổi, bổ sung cấu thành cơ bản của một số tội phạm như: bổ sung thêm phạm vi khách thể cần được bảo vệ của tội vi phạm quy định trong hoạt động của tổ chức tín dụng (Điều 179 BLHS năm 1999), theo đó, BLHS năm 2015 không chỉ xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng như BLHS năm 1999 mà còn xử lý những hành vi vi phạm quy định trong hoạt động của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng thuộc phạm vi bị xử lý hình sự; sửa đổi cấu thành cơ bản của một số tội phạm trong lĩnh vực nhằm đảm bảo chính xác hơn, đầy đủ hơn các hành vi cần được xử lý hình sự cũng như loại bỏ bớt những hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: Điều 207 BLHS năm 2015 (tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả) đã loại bỏ khách thể cần được bảo vệ là “ngân phiếu giả, công trái giả” như quy định tại Điều 180 BLHS năm 1999; Điều 211 BLHS năm 2015 (tội thao túng thị trường chứng khoán) Khoản 1: Bỏ quy định gây hậu quả nghiêm trọng, lượng hóa hậu quả thành tiền; Khoản 2: Lượng hóa quy định thu lợi bất chính lớn bằng tiền; bỏ quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, xác định rõ hậu quả xảy ra đối với nhà đầu tư và lượng hóa hậu quả đó bằng tiền; bổ sung thêm 04 loại hành vi trong cấu thành cơ bản để đảm bảo sự đầy đủ, chính xác và bao quát hết những hành vi nguy hiểm trong lĩnh vực chứng khoán

(7) Các tội phạm về môi trường (Chương XIX)

– Sửa đổi cấu thành các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể để xử lý hình sự, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho thực tiễn áp dụng

Đa số các điều luật quy định tội phạm về môi trường được sửa đổi về cấu thành tội phạm theo hướng cụ thể hóa các hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể để xử lý nhằm bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng.

Đối với các tội phạm quy định cấu thành hình thức thì việc quy định mức độ nghiêm trọng của hành vi để xử lý về hình sự được dựa trên cơ sở tham khảo quy định của các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, đồng thời căn cứ vào các yếu tố khác (quy mô của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, tính hợp lý, khả thi của quy định).

Bên cạnh đó, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, các trường hợp vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị xử lý với mức phạt tiền rất cao (nhiều trường hợp phạt tiền đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 07 năm đối với cá nhân).

Bổ sung 01 tội danh mới “Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông” (Điều 238)

Tội danh này được bổ sung nhằm xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai; bảo vệ bờ, bãi sông; các hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai, công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng, quan trắc, giám sát tài nguyên nước, công trình phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; không tuân thủ quy trình, quy chuẩn vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, công trình phân lũ, làm chậm lũ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành gây hậu quả nghiêm trọng.

Mở rộng phạm vi áp dụng và nâng mức phạt tiền: Do tính chất nghiêm trọng của các tội phạm về môi trường và mục đích chủ yếu của các hành vi phạm tội là nhằm đạt được các lợi ích kinh tế, nên phạm vi áp dụng của hình phạt tiền được mở rộng, mức phạt tiền được nâng lên đảm bảo tính răn đe, trừng trị đối với các hành vi vi phạm. Cụ thể:

Thứ nhất, mở rộng phạm vi áp dụng của hình phạt tiền

Hình phạt tiền được bổ sung tại khung cơ bản tại khoản 1 Điều 241 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người .

Hình phạt tiền được quy định là hình phạt chính tại khung tăng nặng của một số tội (ví dụ: tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm).

Thứ hai, nâng mức phạt tiền tại các điều luật

Tất cả các điều luật trong Chương tội phạm về môi trường (12/12 điều) có sự điều chỉnh theo hướng nâng cao mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm, mức phạt tiền được quy định ở mức rất cao, phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

– Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với một số tội phạm về môi trường

Bộ luật hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại Chương XI; có 09/12 tội phạm về môi trường quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và áp dụng hình thức xử lý vi phạm, gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 236); tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239); tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 242); tội hủy hoại rừng (Điều 243); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245); tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).

Hình phạt đối với pháp nhân phạm tội bao gồm phạt tiền (hình phạt chính và hình phạt bổ sung), đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm huy động vốn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.

– Bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. (09/12 tội danh: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); tội vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237); tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238); tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam); Điều 242 (tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 239); tội huỷ hoại rừng (Điều 243); tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244); tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điêu 245); tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).

(8) Các tội phạm về ma túy (Chương XX)

– Quy định cụ thể hơn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm và định lượng đối tượng tác động, hậu quả do tội phạm gây ra; đồng thời phân hóa trách nhiệm giữa các hành vi phạm tội đảm bảo tính công bằng trong việc xử lý tội phạm. Như vậy đã tạo thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật. Cụ thể:

– Quy định rõ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tại 05 điều luật (Đ. 249, 250, 252, 257 và 258), bổ sung để làm rõ hành vi “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” ở Điều 256,  bổ sung và sắp xếp lại cho phù hợp với quy trình quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần ở Điều 259.

– Quy định rõ các trường hợp cụ thể nếu người thực hiện hành vi phạm tội phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngay tại khoản 1 của 07 điều luật (Đ. 247, 249, 250, 252, 253, 254, 259).

– Quy định rõ mức tối thiểu chất ma túy mà người thực hiện hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự vào 06 điều luật (Đ. 247, 249, 250, 252, 253, 254).

– Thay đổi đơn vị đo trọng lượng thành khối lượng cho đúng với đơn vị đo lường theo quy định của pháp luật quốc tế và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan của Nhà nước ta.

Bỏ hình phạt tử hình đối với 02 tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội chiếm chất ma túy. Hình phạt cao nhất đối với các tội phạm này theo quy định của Điều 249 và Điều 252 BLHS năm 2015 là tù chung thân. Mức hình phạt tù được quy định thấp hơn ở một số tội phạm thuộc các điều luật (Điều 249, 252, 258, 259).-

Tách Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành 04 điều quy định về từng tội danh độc lập và bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội chiếm đoạt chất ma túy. Hình phạt cao nhất đối với các tội phạm này theo quy định của BLHS năm 2015 là tù chung thân, (tội tàng trữ trái phép chất ma túy – Điều 249, tội vận chuyển trái phép chất ma túy – Điều 250, tội mua bán trái phép chất ma túy-

Điều 251, tội chiếm đoạt chất ma túy – Điều 252).

– Tách Điều 200 quy định tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy thành 02 điều: Điều 257. Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy, Điều 258. Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.

– Sửa đổi nhiều điều luật quy định cụ thể hơn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 257), tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258).

– Quy định cụ thể hơn định lượng đối tượng tác động, hậu quả do tội phạm gây ra (số lượng cây chứa chất ma túy tại Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy; số lượng phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 254. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy…).

– Nâng định lượng chất ma túy ở điểm đầu của khung cơ bản (khoản 1) một số điều luật: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252), tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 253), tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 254).

9) Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (Chương XXI)

– Tội phạm hóa một số hành vi xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, bao gồm: Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng mục đích trái pháp luật (Điều 285); Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); Cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292); Sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); Cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294); Cưỡng bức lao động (Điều 297); Bắt cóc con tin (Điều 301); Cướp biển (Điều 302); Vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện (Điều 314).

– Tách 03 tội ghép trong chương này của BLHS 1999 thành 06 tội danh khác nhau, đồng thời cụ thể hóa hành vi phạm tội cũng như các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt (các Điều 263, 264, 270, 271, 275, 276). Đó là các tội: Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ; điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường sắt; điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thuỷ (các Điều 205, 211, 215 BLHS 1999).

– Mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với trường hợp phạm tội nghiêm trọng thuộc các tội: Cản trở giao thông đường bộ (Điều 261); Tổ chức đua xe trái phép (Điều 265); Đua xe trái phép (Điều 266).

– Cụ thể hóa hành vi phạm tội và bổ sung các tình tiết định khung đối với hầu hết các tội xâm phạm an toàn giao thông, các tội xâm phạm an toàn công cộng, các tội xâm phạm trật tự công cộng và cụ thể hóa các tình tiết thu lợi bất chính lớn, rất lớn, đặc biệt lớn tại mục các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

10) Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (Chương XXII)

– Bãi bỏ tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính quy định tại Điều 269 BLHS năm 1999.

Tội phạm hóa hành vi môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép tại Điều 349.

– Tách Điều 275 BLHS năm 1999 quy định về tội tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép thành 02 điều luật (Điều 349. Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, Điều 350. Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép) đề phân hóa chính sách hình sự đối với các tội phạm này.-

Quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với 04 tội danh: Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 340); làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341); chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 342)

(11) Các tội phạm về chức vụ (Chương XXIII)

Chương XXIII BLHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tất cả 15 điều của Chương XXI BLHS năm 1999 với những sửa đổi cơ bản, tập trung vào 08 vấn đề lớn: (1) Điều chỉnh khái niệm tội phạm về chức vụ để xử lý tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư, đồng thời bổ sung hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư trong một số tội(3); (2) Điều chỉnh hợp lý mức định lượng tài sản bị chiếm đoạt trong hầu hết các tội phạm trong Chương này cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong tình hình mới; (3) Điều chỉnh một số cấu thành tội phạm, bổ sung của hối lộ là “lợi ích phi vật chất” trong một số tội; (4) Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt cải tạo không giam giữ, đồng thời điều chỉnh mức hình phạt trong một số tội; (5) Tách các tình tiết định tính “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” quy định trong cùng một khung hình phạt trong một số tội để quy định trong các khung hình phạt khác nhau, đồng thời cụ thể hóa tất cả các tình tiết định tính này bằng các thiệt hại cụ thể.

– Sửa đổi nội dung quy định về định lượng (thay định lượng tương đối bằng định lượng tuyệt đối) tại các cấu thành tội phạm.

– Mở rộng phạm vi của các tội phạm tham nhũng ra cả lĩnh vực tư và mở rộng đối tượng tác động của các tội phạm về tham nhũng (không chỉ là lợi ích vật chất mà gồm cả lợi ích phi vật chất.)

(12) Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (chương XXIV)

Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào 06 vấn đề sau: (1) Sửa đổi khái niệm, phạm vi các tội xâm phạm hoạt động tư pháp(4); (2) Sửa đổi phạm vi chủ thể, đối tượng tác động của tội phạm trong một số tội phạm(5); (3) Tăng nặng hình phạt đối với một số tội phạm cụ thể; (4) Bổ sung khung tăng nặng, các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự và cụ thể hóa các tình tiết có tính “định tính” nhằm bảo đảm sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất; (5) Sửa đổi, bổ sung Tội dùng nhục hình và Tội bức cung nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người mà Việt Nam là thành viên; (6) tội phạm hóa đối với hành vi vi phạm quy định về giam giữ và hành vi gây rối trật tự phiên tòa (Điều 388 và Điều 391).

(13) Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và trách nhiệm của người phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu (Chương XXV)

– Bổ sung tội ra mệnh lệnh trái pháp luật (Điều 393)(6) và tội chiếm đoạt hoặc huỷ hoại di vật của tử sỹ (Điều 418).

– Tách Điều 321 (Tội làm nhục, hành hung đồng đội) thành 2 Điều: Điều 397 (Tội làm nhục đồng đội) và Điều 398 (Tội hành hung đồng đội).

– Tách Điều 327 (Tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự) thành 2 Điều: Điều 404 (Tội cố ý làm lộ bí mật công tác quân sự) và Điều 405 (Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu huỷ tài liệu bí mật công tác quân sự).

– Tách Điều 328 (Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự; tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự) thành 2 Điều: Điều 406 (Tội vô ý làm lộ bí mật công tác quân sự) và Điều 407 (Tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự).

– Bỏ hình phạt từ hình ở tội chống mệnh lệnh (Điều 394) và tội đầu hàng địch (Điều 399).

 (14) Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Chương XXVI)

Chương XXVI BLHS năm 2015 đã có sự sửa đổi nhằm đảm bảo phù hợp và đầy đủ hơn, không để sót, lọt hành vi phạm tội, đồng thời tuân thủ kỹ thuật lập pháp; tội phạm được quy định thành 5 Điều, được quy định từ Điều 421 đến Điều 425 BLHS. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý, xâm phạm vào nền hòa bình của các dân tộc, xâm phạm vào độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ độc lập, có chủ quyền khác.

 1) Mức chế tài này giảm hơn nhiều so với BLHS năm 1999 (các Điều 17 và 52).

(2) Tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán cũng là những tội phạm mới được bổ sung vào BLHS năm 1999 trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2009, gồm có 03 tội danh (tội công bố thông tin sai lệc hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán – Điều 181a; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán – Điều 181b; tội thao túng giá chứng khoán – Điều 181c). 

(3) Việc mở rộng khái niệm tội phạm về chức vụ cũng như khái niệm người có chức vụ để xử lý các hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư chỉ áp dụng đối với tội tham ô tài sảntội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ.

(4) BLHS năm 2015 sử dụng thuật ngữ có tính khái quát cao như sau: “ các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án ”. Hoạt động tố tụng là quá trình (trình tự) giải quyết vụ án, vụ việc ở các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính – lao động – kinh doanh thương mại… bao gồm toàn bộ hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, mọi công dân góp phần vào việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

(5) Sửa đổi, bổ sung tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc (Điều 375) theo hướng mở rộng chủ thể của tội này, theo đó, ngoài Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thâm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự thì những người khác có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp cũng có thể trở thành chủ thể của tội này vì họ có cơ hội tiếp xúc với hồ sơ vụ án, vụ việc.

(6) Tội ra mệnh lệnh trái pháp luật là một tội danh mới được quy định trong BLHS năm 2015 và là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn ra mệnh lệnh trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn: Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội Chính Trung Ương.
(http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201710/mot-so-diem-moi-trong-phan-cac-toi-pham-cua-bo-luat-hinh-su-sua-doi-nam-2015-303126/)

024 3755 8809