Trong các quy định về xử lý người chưa thành niên phạm tội thì việc miễn trách nhiệm hình sự đối với đối tượng này là một vấn đề cần để nghiên cứu. Trong phạm vi bài viết này, người viết trình bày cách hiểu là chế định trên, quy định của nó trong pháp luật hình sự Việt Nam qua từng giai đoạn, hạn chế và đề xuất một số ý kiến có liên quan.
1. Khái niệm miễn trách nhiệm hình sự
Miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là một quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) Việt Nam, được hiểu là tùy theo giai đoạn tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) cho bị can, bị cáo không phải chịu trách nhiệm hình sự, được thể hiện dưới hình thức văn bản tố tụng nhất định, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Miễn trách nhiệm hình sự không có nghĩa là bị can, bị cáo không phạm tội. Đối tượng này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự, khi thỏa mãn điều kiện cấu thành tội phạm mà luật quy định, họ được miễn trách nhiệm hình sự. Nói cách khác, không thể miễn trách nhiệm hình sự đối với người không phạm tội hoặc không đủ căn cứ để xác định được hành vi của người đó là hành vi phạm tội. Việc miễn trách nhiệm hình sự này là do chính sách nhân đạo của Nhà nước, chứ không phải oan saido cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, do đó, người được miễn trách nhiệm hình sự không được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Bồi thường nhà nước.
Hình thức văn bản tố tụng thể hiện việc miễn trách nhiệm hình sự có thê là quyết định đình chỉ điều tra vụ án; Quyết định đình chỉ vụ án, Bản án, cụ thể như sau:
– Cơ quan điều tra có quyền miễn trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể, sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra vụ án, nếu xét thấy có đủ căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự thì mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án. Tại điểm a khoản 1 Điều 230 BLTTHS 2015 quy định về đình chỉ điều tra “Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: … có căn cứ quy định tại …. khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự”.
Viện kiểm sát cũng có thẩm quyền đình chỉ vụ án khi có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội. Khoản 1 Điều 248 BLTTHS 2015 khẳng định “Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ ….quy định tại khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự”.
Tại phiên tòa xét xử công khai, Hội đồng xét xử nghị án nhiều vấn đề, trong đó có: Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, hay không. Nếu đủ điều kiện, thì Hội đồng xét xử phải tuyên miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong phần quyết định của Bản án (Điều 326 BLTTHS năm 2015).
2. Quy định về miễn trách nhiệm hình sự trong lịch sử lập pháp Việt Nam
Quốc triều hình luật
Quốc triều Hình luật (còn gọi là Bộ luật Hồng Đức), mặc dù mang bản chất giai cấp phong kiến sâu sắc nhưng Bộ luật Hồng Đức lại có những điểm tiến bộ, nhân đạo cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như người già, trẻ nhỏ, người bị tàn tật.
Miễn, giảm trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 18, 19, 450, 499, 553 của Bộ luật, cụ thể trong các trường hợp như tự vệ chính đáng, tình trạng khẩn cấp, tình trạng bất khả kháng, thi hành mệnh lệnh, tự thú (trừ thập ác, giết người). Pháp luật thời kỳ này không nêu rõ thế nào là miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên. Tuy nhiên, Điều 16 đã nêu rõ người 15 tuổi trở xuống, phạm từ tội lưu [1] trở xuống đều cho chuộc bằng tiền, phạm tội thập ác [2] thì không theo luật này. Người từ 10 tuổi trở xuống, phạm tội phản nghịch, giết người, đánh phải tội chết thì cũng phải tâu để vua xác định; ăn trộm đánh người bị thương thì cho chuộc, còn ngoài ra thì không bắt tội. Từ 7 tuổi trở xuống dầu có bị tội chết cũng không hành hình. Điều đó người viết có thể hiểu là, người từ đủ 7 tuổi đến dưới 10 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội, trừ trường hợp đứa trẻ đó phạm tội phản nghịch, giết người, đáng phải tội chết; ăn trộm đánh người bị thương.
Hoàng Việt luật lệ: [3]
Hoàng Việt luật lệ hay còn được biết đến với tên Hoàng triều luật lệ (Bộ luật Gia Long). Cũng giống như Bộ luật Hồng Đức, bộ luật này cũng có những quy định nhân đạo đối với “đối tượng dễ bị tổn thương” trong xã hội. Việc tôn trọng người già, nhân từ với con trẻ và thương xót những người tàn tật là một trong những tôn chỉ của Bộ luật này. Theo đó, người từ 15 tuổi trở xuống phạm tội lưu trở xuống, cho thu tiền chuộc; người từ 10 tuổi trở xuống phạm việc giết người, thì phải tâu lên vua xem xét quyết định; nếu trộm, làm tổn thương người khác cho chuộc bằng tiền, ngoài ra các điều khác thì không bắt tội; người từ 7 tuổi trở xuống là người thiếu trí và lực, dù mắc tội phản nghịch vẫn không cũng không bị hành hình [4]. Bộ luật không quy định rõ từng câu chữ là miễn trách nhiệm hình sự như luật hiện hành, nhưng qua nội dung được trích dẫn ở trên, người làm luật tại thời nhà Nguyễn đã nhận thức rõ và phát huy tinh thần nhân đạo cao cả. Theo đó, người từ đủ 7 tuổi đến dưới 10 tuổi được miễn trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội, trừ trường hợp đứa trẻ đó phạm việc giết người, thì phải tâu lên vua xem xét quyết định; nếu trộm, làm tổn thương người khác cho chuộc bằng tiền.
BLHS 1985 quy định người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra hoặc xét xử, do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội.
Chủ thể có quyền quyết định miễn trách nhiệm nhiệm hình sự người chưa thành niên phạm tội là Viện kiểm sát, Tòa án nếu xét thấy người đó phạm tội ít nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và nếu được gia đình và tổ chức xã hội nhận trách nhiệm giám sát, giáo dục.
BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 khẳng định người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Tuy nhiên, chế định này trong quá trình áp dụng bộc lộ những hạn chế như: cơ sở pháp lý chưa cụ thể, quy định miễn trách nhiệm hình sự nhưng không kèm theo biện pháp giáo dục, dẫn đến khả năng tái phạm cao từ người chưa thành niên.
3. Điều kiện được miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội
Điều kiện để người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS năm 2015 là:
Thứ nhất, người phạm tội là người chưa thành niên. Người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 14 tuổi đến chưa thành niên đã có lỗi cố ý hoặc vô ý trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là tội phạm.
Thứ hai, tội phạm mà người đó thực hiện phải thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015, cụ thể:
– Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;
– Người chưa thành niên là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án (điểm c khoản 2 Điều 90).
Thứ ba: Người chưa thành niên phạm tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.
4. Hạn chế và đề xuất
Trong quá trình nghiên cứu, người viết nhận thấy quy định miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội là rất cần thiết; tuy nhiên để triển khai chế định này trong thực tiễn xét xử, TANDTC cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể miễn trách nhiệm hình sự về điều kiện được miễn trách nhiệm cho người chưa thành niên về các phương diện như sau:
Thứ nhất: Nếu người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại tại khoản 1 của các Điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả… thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp khiển trách, giáo dục tại xã phường, thị trấn, hòa giải tại cộng đồng. 8 điều luật nêu trên, mỗi điều luật có nhiều khoản, trong đó, Điều 134 – Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, khung hình phạt ở khoản 1 là từ 06 tháng đến 03 năm; Điều 141 – Tội hiếp dâm– khung hình phạt ở khoản 1 là từ 02 năm đến 07 năm; Điều 171 – Tội cướp giật tài sản – khung hình phạt ở khoản 1 là từ 01 năm đến 05 năm; Điều 248 – Tội sản xuất trái phép chất ma túy – khung hình phạt ở khoản 1 là từ 02 năm đến 07 năm; Điều 249 – Tội tàng trữ trái phép chất ma túy – khung hình phạt ở khoản 1 là từ 01 năm đến 05 năm; Điều 250 – Tội vận chuyển trái phép chất ma túy – khung hình phạt ở khoản 1 là từ 02 năm đến 07 năm; Điều 251 – Tội mua bán trái phép chất ma túy – khung hình phạt ở khoản 1 là từ 02 năm đến 07 năm; Điều 252 – Tội chiếm đoạt chất ma túy – khung hình phạt ở khoản 1 là từ 01 năm đến 05 năm. Như vậy người từ đủ 16 tuổi đến chưa thành niên phạm tội quy định tại khoản 1 các điều này, có khung hình phạt cao nhất là 07 năm – loại tội phạm nghiêm trọng, nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả… thì có được miễn trách nhiệm hình sự hay không [5]. Theo người viết, trường hợp này sẽ không được miễn trách nhiệm hình sự. Bởi vì nội dung khoản 2 Điều 91 BLHS đã nêu rõ, không miễn trách nhiệm hình sự khi người từ đủ 16 tuổi đến chưa thành niên phạm tội thuộc 08 tội danh ở trên. Do đó, văn bản hướng dẫn của TANDTC nên khẳng định lại nội dung này, để tránh gây ra sự nhập nhằng trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ hai: Cấp có thẩm quyền cần xác định rõ tình tiết “có nhiều tình tiết giảm nhẹ” là như thế nào, với số lượng là bao nhiêu tình tiết. Có thể áp dụng tương tự như hướng dẫn tình tiết “có nhiều tình tiết giảm nhẹ” theo Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về án treo theo Điều 65 BLHS không. Tại tiểu mục 3 Điều 2 của Nghị quyết 02/2018/NQQ-HĐTP xác định: Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Người viết không ủng hộ quan điểm tương tự này, Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn về án treo theo Điều 65 BLHS, án treo được hiểu là không chấp hành hình phạt tù có thời hạn nhưng có điều kiện. Mức độ hưởng sự nhân đạo từ Nhà nước đối với người chấp hành án treo là thấp hơn so với miễn trách nhiệm hình sự, nên điều kiện về tình tiết giảm nhẹ của người được miễn trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn so với quy định số lượng tình tiết giảm nhẹ án treo.
Người viết đề xuất: Có từ 03 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Thứ ba: Một trong những điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội là việc tự nguyện khắc phụ phần lớn hậu quả được hiểu là như thế nào? Có bao gồm việc người thân của bị can, bị cáo khắc phục hậu quả dùm cho bị can, bị cáo hay không, vì sẽ có tình huống bị can, bị cáo còn nhỏ tuổi không có tài sản để khắc phục hậu quả nhưng người thân của họ thì có tài sản. Mặc khác, theo quy định tại Điều 599 BLDS năm 2015, người chưa đủ 15 tuổi gây ra thiệt hại thì cha mẹ, người giám hộ của họ phải bồi thường trừ trường hợp người dưới 15 tuổi thực hiện hành vi vi phạm trong thời gian trường học trực tiếp quản lý. Người viết đề xuất văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền ghi nhận việc người thân bồi thường cho hành vi gây thiệt hại của họ bằng tài sản của người thân cũng là điều kiện cần để áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự, tương đồng với quy định của BLDS đã nêu ra ở trên.
Thứ tư: Việc phối hợp trong áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội khi được miễn trách nhiệm hình sự cũng chưa được pháp luật quy định cụ thể. Theo đó, Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đương nhiên quyết định miễn trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn có tiêu chí tại khoản 2 Điều 91 BLHS và áp dụng các biện pháp khiển trách, giáo dục tại xã phường, thị trấn, hòa giải tại cộng đồng hay phải có yêu cầu của người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện của họ? Nếu có, hình thức yêu cầu là gì? Trường hợp, hòa giải tại cộng đồng mà không thành thì xử lý người chưa thành niên thực hiện hành vi như thế nào, có tiếp tục cho họ được miễn trách nhiệm hình sự hay không?
Những hạn chế đã được Thông tư 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BTP-BLĐTBTBXH về thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên giải quyết. Thông tư này có hiệu lực vào ngày 05/02/2019, thay thế Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên. Nội dung của văn bản này quy định Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp khiển trách, giáo dục tại xã, phường, thị trấn nếu người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện của họ có văn bản đề nghị áp dụng; Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng nếu người chưa thành niên phạm tội hoặc người đại diện của họ có văn bản đề nghị áp dụng; người bị hại và người đại diện của họ tự nguyện hòa giải và có văn bản đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Kết quả hòa giải thành là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự. Trường hợp hòa giải tại cộng đồng mà không thành thì xử lý người chưa thành niên thực hiện hành vi thì cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án theo thủ tục chung.
Kết luận: Miễn trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho người phạm tội tự giáo dục, cải tạo để hòa nhập với cộng đồng và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Thực tiễn áp dụng chế định này trong thời gian qua mà đặc biệt là từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực đã phát sinh có nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn để chế định này được áp dụng triệt để hơn trong thực tiễn xét xử.
Th.s NGUYỄN THỊ THANH VÂN (TAND huyện Cần Giuộc, Long An)
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
[1] Tức lưu đày đi nơi xa.
[2] Thập ác: Là 10 trọng tội nguy hiểm nhất như: Các tội liên quan đến vương quyền: mưu phản, mưu đại nghịch (điều 2, 411), mưu bạn (phản bội tổ quốc-điều 412), đại bất kính (430, 431). Các tội liên quan đến quan hệ hôn nhân-gia đình: ác nghịch (điều 416), bất hiếu (nhiều điều, chẳng hạn điều 475), bất mục, bất nghĩa, nội loạn. Tội liên quan đến tiêu chí đạo đức hàng đầu của Nho giáo: bất đạo (Điều 420 và Điều 421).
[3] Viện khoa học xã hội Việt Nam (2009), Cổ luật Việt Nam Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[4] Điều 1 Luật Danh lệ Quốc triều hình luật.
[5] Về vấn đề phân loại tội phạm, tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015.