Ngày 08/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 57/2018/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Có thể nói Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là Luật của các Luật, hiện tại Bộ tư pháp đang tiến hành lấy ý kiến về Dự thảo Luật này, Tạp chí TAND điện tử giới thiệu để các bạn tiện góp ý, trao đổi.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) đã có một số quy định để bảo đảm đường lối, chủ trương của Đảng được thể chế hóa thành quy định pháp luật và bảo đảm các quy định pháp luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng.
Qua 03 năm thi hành Luật năm 2015 cho thấy, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã có chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản pháp luật đã được nâng cao hơn, nhiều văn bản được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua đã nổi lên một số hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung cho hợp lý.
Dự thảo Luật đã có những điều chỉnh cụ thể như sau:
Về bố cục Dự thảo Luật sửa đổi 3 điều
Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13.
Điều 2: Bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13.
Điều 3: Hiệu lực thi hành.
Về nội dung cơ bản Dự thảo Luật sửa 55 điều (30 điều sửa nội dung, 25 điều sửa về kỹ thuật) và được xây dựng trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua.
Về chính sách:
Quy định cụ thể, trực tiếp hơn về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Dự thảo Luật sửa 05 điều (Điều 5, Điều 47, Điều 58, Điều 92, Điều 121), trong đó bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung các nội dung cụ thể vào một số điều khoản của Luật để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này. Cụ thể:
(1) Bổ sung khoản 1a vào Điều 5 (Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật) của Luật năm 2015 như sau:
“1a. Bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;”
(2) Bổ sung cụm từ “sự phù hợp của nội dung chính sách trong đề nghị, kiến nghị về luật, pháp lệnh với đường lối, chủ trương của Đảng” vào khoản 1 Điều 47; cụm từ “Sự phù hợp của nội dung dự án, dự thảo với đường lối, chủ trương của Đảng, mức độ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và” vào điểm a, khoản 3 Điều 58 của Luật; cụm từ “Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị định với đường lối, chủ trương của Đảng, mức độ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảngđối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật” vào điểm b khoản 3 Điều 92 của Luật; cụm từ “Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, mức độ thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng đối với nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này” vào điểm c khoản 3 Điều 121 của Luật.
Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh trong quy trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật, pháp lệnh
Để thực hiện chính sách này, dự thảo Luật sửa 04 điều: 74, 75, 76, 77.
Với 02 phương án sau đây:
Phương án 1. Giữ như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung quy định tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh
Theo Phương án này thì cơ quan thẩm tra vẫn chủ trì việc chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh như hiện nay. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 6 Điều 74; điểm d khoản 2 Điều 75; điểm a khoản 4 Điều 76; điểm đ khoản 1 Điều 77 để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của cơ quan thẩm tra và cơ quan trình trong quá trình chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Cụ thể:
– Cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm:
+ Chỉ được tiến hành việc chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết khi có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp.
+ Gửi báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo.
+ Gửi Bản tổng hợp ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, dự thảo đã chỉnh lý cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo.
– Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cơ quan trình dự án luật, dự thảo nghị quyết có ý kiến khác với cơ quan chủ trì thẩm tra.
Cơ quan soạn thảo cũng đưa ra những ưu điểm và hạn chế của phương án này
Ưu điểm của Phương án 1:
– Tiếp tục phát huy được vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác lập pháp và giám sát hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
– Nâng cao trách nhiệm, năng lực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL.
– Phù hợp với xu hướng tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện nay và trong thời gian tới; nâng cao năng lực của đại biểu Quốc hội chuyên trách và bộ máy giúp việc của Quốc hội, do đó sẽ huy động được trí tuệ, kinh nghiệm của các đại biểu chuyên trách và sự phục vụ của các cơ quan giúp việc.
– Không phải thay đổi quy trình làm việc của các cơ quan Quốc hội và quy chế làm việc của Chính phủ.
Hạn chế, vướng mắc của Phương án 1:
– Tạo ra sự cắt khúc trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, nên có khả năng dự thảo luật, pháp lệnh sau khi được chỉnh lý sẽ khác nhiều với các chính sách đã được xây dựng, thông qua, gây khó khăn cho việc ban hành văn bản quy định chi tiết và tổ chức thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua, đồng thời có thể gây ra sai sót trong quá trình chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh.
– Cơ quan chủ trì chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh thiếu thông tin và thực tiễn liên quan đến nội dung của dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, do vậy sẽ gặp khó khăn trong việc chỉnh lý.
– Làm giảm tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đại biểu trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh.
Phương án 2. Chuyển việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh sang cho cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh
Theo Phương án 2, dự kiến sửa đổi, bổ sung các quy định sau đây:
Sửa đổi điểm a khoản 6 và khoản 7 Điều 74; điểm a, b, c, d khoản 2, điểm a, c khoản 3 Điều 75; điểm d khoản 3, điểm a, b, c, d khoản 4 Điều 76; điểm đ, g khoản 1, điểm b, c, d khoản 2 Điều 77 theo hướng chuyển trách nhiệm chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh từ cơ quan thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh. Chuyển trách nhiệm trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật từ đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang đại diện cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật.
Theo Phương án này:
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn là cơ quan chỉ đạo việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh. Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến khác hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
– Vai trò của cơ quan thẩm tra là: Phối hợp với cơ quan trình trong việc chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh. Trong trường hợp cơ quan thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án, dự thảo hoặc Chính phủ có ý kiến khác đối với dự án, dự thảo không do Chính phủ trình trong việc giải trình, tiếp thu, chính lý dự thảo thì đại diện cơ quan thẩm tra, Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Ưu điểm của Phương án 2:
– Bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong suốt quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh từ khi đề xuất, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo, từ đó sẽ tạo thuận lợi cho việc quy định chi tiết và tổ chức thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua, bảo đảm cho luật, pháp lệnh có tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống;
– Phù hợp với nguyên tắc phân công, phân nhiệm và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013;
– Tăng tính chủ động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh;
– Đề cao sự phản biện nhằm góp phần bảo đảm tính khách quan và độc lập của hoạt động thẩm tra; cơ quan đã thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết không nên chủ trì việc chỉnh lý, tiếp thu dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết mà mình đã thẩm tra.
Hạn chế, vướng mắc của Phương án 2:
– Phải thay đổi quy trình hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và quy chế làm việc của Chính phủ cho phù hợp với quy định mới về cơ quan chủ trì chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.
– Tăng công việc cho Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, nhất là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được giao chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, do đó có thể ảnh hưởng đến tiến độ trình dự án luật, pháp lệnh.
Về một số nội dung khác
a) Xác định lại cho hợp lý hơn các văn bản phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách
Theo quy định của Luật năm 2015, cơ quan đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với 6 loại văn bản sau: (1) luật; (2) nghị quyết của Quốc hội; (3) pháp lệnh; (4) nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (5) nghị định của Chính phủ; (6) nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Để xác định lại cho hợp lý hơn các văn bản phải lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 84, Điều 90, Điều 111 của Luật năm 2015 với nội dung như sau:
Chỉ quy định việc lập đề nghị xây dựng đối với nghị định quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này (Sửa đổi khoản 1 Điều 84).
Sửa Điều 90 để phù hợp với nội dung sửa đổi của Điều 84, đối với nghị định quy định tại khoản 2 Điều 19 không phải lập đề nghị xây dựng nghị định nhưng vẫn phải đánh giá tác động của chính sách, nếu có chính sách mới; đồng thời dự thảo Luật cũng quy định theo hướng không phải đánh giá tác động đối với nghị định quy định tại khoản 1 Điều 19.
Tương tự như trên, chỉ quy định việc lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này (Sửa đổi Điều 111).
Sửa kỹ thuật Điều 117, Điều 119, Điều 136 của Luật, cụ thể: Bỏ cụm từ “khoản 2, khoản 3 Điều 27”.
b) Quy định hợp lý hơn việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn
Đối với nội dung này, dự thảo Luật dự kiến sửa 03 điều (Điều 146, Điều 147, Điều 148 của Luật năm 2015), theo đó sửa đổi khoản 2 Điều 146 để cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong trường hợp để bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật đã được thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc không còn được áp dụng trên thực tế; ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn và trường hợp cần ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bổ sung khoản 4a vào Điều 147 quy định về thẩm quyền quyết định việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn như sau: “4a. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong việc xây dựng, ban hành thông tư bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật đã được thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc không còn được áp dụng trên thực tế; ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đồng thời bổ sung cụm từ “thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao” vào Điều 148 của Luật năm 2015.
c) Quy định sát thực tế hơn về ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật
Về nội dung này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 02 điều (Điều 14 và Điều 172), cụ thể là:
(1) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 14 (các hành vi bị nghiêm cấm) của Luật năm 2015, theo đó bổ sung trường hợp ngoại lệ cho phép địa phương được quy định TTHC trong trường hợp cần thiết và phải được quy định trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật.
(2) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 172 (Hiệu lực thi hành) của Luật năm 2015 để quy định về việc sửa đổi, bổ sung các quy định về TTHC đã ban hành trước ngày Luật năm 2015 có hiệu lực, cụ thể như sau:
“Những quy định về thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật này được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ bằng văn bản khác hoặc bị thay thế bằng thủ tục hành chính mới. Trường hợp sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính được ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 thì không được làm phát sinh thủ tục hành chính mới hoặc quy định thêm thành phần hồ sơ, yêu cầu, điều kiện, tăng thời gian giải quyết thủ tục hành chính đang áp dụng.”
Một số sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật về kỹ thuật đối với 25 Điều của Luật năm 2015
(Toàn bộ Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật năm 2015 đính kèm dưới bài viết).
Xem tài liệu đính kèm