Luật sư Hoàng Văn Hướng – công tác tại Đoàn luật sự TP Hà Nội, người bào chữa cho Hoàng Công Lương. |
Để đạt được mục tiêu đó, trong luận cứ bào chữa của mình, luật sư Hoàng Văn Hướng đi theo ba hướng: một là, giảm mức độ tội lỗi cho thân chủ; hai là, làm rõ các nguyên nhân khách quan dẫn đến ý chí chủ quan quá tự tin của Hoàng Công Lương khi ra y lệnh chạy thận; ba là, đưa ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Quá tự tin khi ra y lệnh
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, hành vi ra y lệnh của Hoàng Công Lương không phải vô ý do cầu thả.
Ông cho rằng, Hoàng Công Lương ra y lệnh trong tâm thế quá tự tin bởi bác sĩ Hoàng Công Lương đã làm đúng “quy trình hành chính” về bàn giao trang thiết bị chạy thận sau sửa chữa tồn tại trong suốt 7 năm nay của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐKTHB).
Mặc dù đó chỉ là quy trình bất thành văn theo thói quen, nhưng được cả tập thể các điều dưỡng, bác sĩ cho đến các nhân viên kỹ thuật, trang thiết bị vật tư thừa nhận, thống nhất và đều thực hiện như nhau.
“Bất kỳ bác sĩ nào cũng đều chỉ cần nghe báo cáo miệng, bàn giao miệng đều chấp nhận kết quả sửa chữa đó, không phản ứng gì khác; tuy rằng sau khi xảy ra sự cố thì quy trình thói quen này đã được đánh giá là không an toàn” – Luật sư Hoàng Văn Hướng nói.
Hoàng Công Lương và 5 bị cáo nghe chủ tọa phiên tòa xét hỏi.
|
Bên cạnh đó, Hoàng Công Lương tiếp nhận báo cáo của điều dưỡng bằng miệng, chấp nhận việc bàn giao sau sửa chữa bằng miệng mà chưa cần có biên bản bàn giao nhưng vẫn tin tưởng chất lượng của hệ thống RO đã an toàn để ra y lệnh, là nhận thức mang tính tin tưởng vào các đồng nghiệp, vào công việc của từng phòng, ban, tin tưởng vào quy trình hành chính bất thành văn lặp đi lặp lại và tồn tại bao nhiêu năm nay tại BVĐKTHB.
Do đó, hành vi của Hoàng Công Lương ra y lệnh ngay sau khi nghe báo cáo bằng miệng của điều dưỡng về hệ thống RO là hành vi được thực hiện trong trạng thái tâm lý quá tự tin chứ không phải hành vi cẩu thả.
Và chắc chắn, sự tự tin và niềm tin này của HCL đã nảy sinh từ lâu và tồn tại trong một thời gian rất dài.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Văn hướng khẳng định Hoàng Công Lương rơi vào vòng lao lý không phải do không làm đúng quy trình chạy thận, không phải do không làm hết trách nhiệm được giao, mà do không thực hiện hết các biện pháp, cách thức mà pháp luật và các cơ quan tiến hành tố tụng đòi hỏi để biết nước RO đã đủ an toàn sau sửa chữa hay chưa trước khi ra y lệnh.
Những nguyên nhân khách quan
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, có 2 nguyên nhân khách quan khiến Hoàng Công Lương quá tự tin khi ra y lệnh.
Nguyên nhân khách quan thứ nhất mang tính nội bộ tại BVĐKTHB, các nguyên nhân thuộc về quá trình đào tạo lọc máu tại bệnh viện Bạch Mai cho các bác sĩ của BVĐKTHB, về quy trình bất thành văn của BVĐKTHB, về trang thiết bị hỗ trợ các bác sĩ kiểm tra chất lượng nước RO và về tính cấp thiết của việc ra y lệnh diễn ra vào ngày 29/5/2017.
Hoàng Công Lương ra về sau khi kết thúc ngày đầu tiên của phiên tòa phúc thẩm
|
Trong đó, khi được đào tạo 3 tháng tại Bệnh viện Bạch Mai, Hoàng Công Lương không hề được đào tạo về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế dùng cho lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật chạy thận nhân tạo.
Điều này thể hiện trong giáo trình bài giảng kỹ thuật nhân tạo mà Bệnh viện Bạch Mai sử dụng để đào tạo Hoàng Công Lương, cũng như các cán bộ, y bác sỹ và điều dưỡng khác; nội dung về sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị dùng cho chạy thận nhân tạo thuộc nội dung đào tạo của một số điều dưỡng và kỹ sư.
Quá trình đào tạo như vậy, hình thành nên tư duy, nhận thức của bác sĩ Hoàng Công Lương rằng: mỗi bộ phận tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, nhiệm vụ của mình; khâu sau tiếp nhận kết quả của khâu trước sẽ không phải chịu trách nhiệm về chất lượng thực hiện công việc của khâu trước và hoàn toàn tin tưởng vào kết quả công việc chuyên môn của khâu trước
Niềm tin của Hoàng Công Lương về chất lượng của hệ thống RO sau mỗi lần sửa chữa được củng cố bởi thói quen bàn giao bằng miệng giữa Phòng vật tư với Đơn nguyên thận nhân tạo sau mỗi lần hệ thống RO được sửa chữa, bảo dưỡng – nói cách khác, việc bác sĩ Hoàng Công Lương ra y lệnh khi mới nghe điều dưỡng báo cáo rằng hệ thống RO đã được bàn giao, có thể đưa vào sử dụng mà HCL không kiểm tra xem có biên bản bàn giao hay chưa, xuất phát từ một quy trình hành chính bất thành văn đã tồn tại rất nhiều năm tại BVĐKTHB.
Các nội dung này đã được thừa nhận tại giai đoạn sơ thẩm của vụ án và được thống nhất bằng các lời khai của bị cáo Hoàng Đình Khiếu, Hoàng Công Lương, bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh, Phạm Thị Huyền và một số điều dưỡng của Bệnh viện.
Luật sư trò chuyện với một thành viên của Hội đồng xét xử sau khi kết thúc ngày thứ hai của phiên tòa
|
Bên cạnh đó, để xác định độ an toàn của nước, các bác sĩ và nhân viên y tế tại BVĐKTHB phải phụ thuộc vào thiết bị duy nhất trong Đơn nguyên thận nhân tạo đó là đồng hồ đo độ âm điện.
Ngoài đồng hồ đo độ dẫn điện ra thì không còn thiết bị nào khác để kiểm tra máy chạy, thậm chí cảnh báo khi độ dẫn diện thay đổi trong dịch lọc, mà không phát hiện độ dẫn điện trong nước RO.
Cũng chính Sở Y tế Hòa Bình, trong hoạt động thanh, kiểm tra tại BVĐKTHB, các nội dung thanh kiểm tra và kết luận thanh kiểm tra không chỉ ra bất kỳ thiếu sót gì về quy trình sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị dùng cho chạy thận; cũng không đánh giá gì về độ an toàn của thủ tục bàn giao sau sửa chữa, bảo dưỡng giữa các phòng ban với đơn nguyên thận nhân tạo.
Tất cả những thói quen nói trên được diễn ra lặp đi lặp lại trong vòng 7 năm từ khi hệ thống lọc nước RO đi vào hoạt động đến trước ngày 29/5/2017 mà không hề xảy ra sự cố nào, không hề có cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền nào chỉ ra tính rủi ro của quy trình bất thành văn đó.
Chính vì quy trình bất thành văn này đã được lặp lại 7 năm liền nên đã hình thành tư duy sâu sắc và sự tự tin của các y bác sỹ và điều dưỡng trong đơn nguyên thận nhân tạo.
Hoàng Công Lương cùng 4 bị cáo khác tại tòa.
|
Thứ hai là nguyên nhân vĩ mô xuất phát từ trách nhiệm của Bộ Y tế. Theo tìm hiểu của luật sư Hoàng Văn Hướng, không chỉ BVĐKTHB mà còn tồn tại ở Bệnh viện Bạch Mai cũng như nhiều cơ sở bệnh viện khác, hình thức bàn giao trang thiết bị y tế sau sửa chữa, bảo dưỡng hầu hết đều được bàn giao bằng miệng và đến nay, quy trình hành chính này được đánh giá là thiếu an toàn.
Luật sư Hoàng Văn Hướng chỉ ra, đây là lỗ hổng vĩ mô của Bộ Y tế. Năm 2014, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3592/QĐ-BYT ngày 11/9/2014 trong đó có quy trình lọc máu chu kỳ bằng kỹ thuật thận nhân tạo nhưng không hề ban hành bất kỳ quy trình nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị dùng cho chạy thận nhân tạo.
Sau khi xảy ra sự cố tại BVĐKTHB, năm 2018, Bộ Y tế mới vội vàng bổ sung quy trình sửa chữa, bảo dưỡng các trang thiết bị dùng cho chạy thận nhân tạo. Cho đến nay, trong bộ quy trình mà Bộ Y tế mới ban hành năm 2018 kèm theo Quyết định số 2482 nói trên, không hề nhắc đến một quy chuẩn nào về thủ tục hành chính liên quan đến công tác sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, đặc biệt là thủ tục bàn giao sau sửa chữa.
“Như vậy, từ lỗ hổng mang tính vĩ mô của Bộ Y tế về 1 loạt những quy trình cần thiết liên quan đến trang thiết bị chạy thận là nguyên nhân dẫn đến việc tồn tại những hạn chế tại BVĐKTHB và thậm chí nhiều bệnh viện khác. Đây là một tình trạng hết sức nguy hiểm đối với trách nhiệm pháp lý của hàng vạn y bác sỹ vẫn đang làm việc trong trạng thái không an toàn do chưa có quy trình hành chính chuẩn, mà trách nhiệm chính là của Bộ” – Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết.