Hiện nay, Công ty hợp danh là loại hình doanh nghiệp ít phổ biến ở Việt Nam. Song loại hình doanh nghiệp này vẫn được một số bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư lựa chọn để hoạt động kinh doanh. Luật doanh nghiệp 2014 quy định chi tiết và cụ thể về thành viên và cơ cấu tổ chức bộ máy công ty.
1. Khái niệm công ty Hợp danh
Khái niệm công ty hợp danh theo Luật doanh nghiệp 2014 quy định tại Điều 172 như sau:
“1. Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
2. Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.”
Như vậy, Công ty hợp danh phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh; luật không quy định giới hạn số lượng thành viên hợp danh; ngoài ra còn có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh buộc phải là cá nhân, chịu trách nhiệm vô hạn về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức; chịu trách nhiễm hữu hạn theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty. Công ty hợp danh có Tư cách pháp nhân kể từ thời điểm thành lập và không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
2. Đặc điểm công ty hợp danh
-
Về thành viên hợp danh và trách nhiệm của thành viên hợp danh:
(1) Thành viên hợp danh của công ty không được là Chủ doanh nghiệp tư nhân; không được là thành viên hợp danh của công ty khác, nếu không được sự đồng ý của tất cả các thành viên hợp danh trong công ty.
(2) Các thành viên hợp danh đều là các đồng sở hữu trong công ty và họ có quyền quyết định ngang nhau trong quá trình quản lý, điều hành công ty mà không tính đến phần vốn góp vào công ty nhiều hay ít.
(3) Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết nghĩa vụ tài chính công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty.
-
Về thành viên góp vốn và trách nhiệm của thành viên góp vốn:
(1) Thành viên góp vốn, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Việc huy động thêm thành viên góp vốn, giúp tháo gỡ được khó khăn tài chính mà công ty hợp danh gặp phải.
(2)Thành viên góp vốn được quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại phiên họp Hội đồng thành viên. Nhưng những lá phiếu của họ không có giá trị ảnh hưởng đến nội dung của cuộc họp.
-
Tư cách pháp nhân:
(1) Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được đăng ký doanh nghiệp
(2) Có sự tách bạch rõ ràng về tài sản của Công ty và tài sản của thành viên hợp danh.
-
Huy động vốn:
(1) Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào.
(2) Huy động vốn bằng các hình thức như: tăng vốn góp của thành viên hoặc tiếp nhận vốn góp của thành viên mới; vay vốn;…
-
Chuyển nhượng phần vốn góp:
(1) Thành viên hợp danh chỉ được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình nếu được tất cả các thành viên hợp danh khác đồng ý.
(2) Nếu thành viên hợp danh chết, người thừa kế chỉ có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được ít nhất ba phần tư số thành hợp danh còn lại đồng ý.
-
Cơ cấu tổ chức:
(1) Tất cả thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
(2) Về nguyên tắc, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty hợp danh do các thành viên thoả thuận quy định trong Điều lệ công ty, song phải bảo đảm các thành viên hợp danh đều được quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty.
3. Ưu điểm, nhược điểm của Công ty Hợp danh
-
Ưu điểm
(1) Công ty hợp danh là loại hình công ty đối nhân. Với loại hình công ty này, có thể kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người (Các thành viên công ty) để tạo dựng hình ảnh cho công ty.
(2) Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh mà công ty hợp danh dễ dàng tạo được sự tin cậy của các đối tác kinh doanh.
(3) Việc điều hành quản lý công ty không quá phức tạp do số lượng các thành viên ít và là những người có uy tín, tuyệt đối tin tưởng nhau.
(4) Ít chịu sự điều chỉnh của pháp luật.
(5) Lợi thế khi hoạt động kinh doanh những ngành nghề chỉ Công ty hợp danh mới được đăng ký kinh doanh.
-
Nhược điểm
(1) Các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn đối với hoạt động kinh doanh của công ty nên mức độ rủi ro về vốn trong quá trình của các thành viên hợp danh là rất cao.
(2) Không được phát hành cổ phiếu để huy động nguồn vốn.
(3) Loại hình doanh nghiệp này không có tính phổ biến gây khó khăn trong việc phát triển và cạnh tranh.
Chính vì vậy, trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, hầu hết các nhà kinh doanh đều lựa chọn thành lập loại hình công ty Trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty cổ phần.