Ngày Tết là dịp dường như ai cũng hướng về quê hương, nguồn cội. Ngày Tết ở làng quê, hương vị cũng đậm đà hơn ở các vùng đô thị. Xin giới thiệu cùng quý độc giả một góc nhìn về làng xã xưa bằng những tiêu chí hiện đại – quyền con người.
Việt Nam tuy không phải là nơi sản sinh ra thuật ngữ nhân quyền con người nhưng rất giàu truyền thống nhân đạo, nhân văn. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, cởi mở với sự đa dạng và dung hợp trong tiếp nhận giá trị từ bên ngoài. Nội dung quyền con người vì thế, được tìm thấy trong sử sách, trong các văn bản, văn bia, tư liệu lịch sử. Một trong những nguồn tư liệu đó là hương ước. Ở Việt Nam, hương ước hình thành từ thế kỷ XV và tồn tại chính thức trong khoảng 500 năm, cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, và sau đó, chuyển sang chế độ chính trị mới, có những nội dung trở thành những phong tục tập quán bất thành văn.
Hiện nay, riêng hương ước giai đoạn cải lương hương chính đầu thế kỷ XX, Viện Thông tin Khoa học xã hội còn lưu giữ 4807 bản, trong đó Bắc Kỳ chiếm 4763 bản. Các tỉnh miền núi chỉ có 48 bản, nên đồng bằng Bắc Bộ có đến 4715 bản hương ước này.[1.tr.74]. Khảo sát một số bản hương ước vùng đồng bằng Bắc Bộ đầu thế kỷ XX, chúng ta có thể hàm lượng quyền con người rất sâu sắc. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nghiên cứu các quyền dân sự, chính trị trong các bản hương ước cải lương hương chính.
1. Những nội dung quyền con người được ghi nhận
Đặc điểm của làng xã cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ là tính tự trị và tự quản cao, thể hiện ở hai phương diện là tự quản bằng cơ cấu tổ chức và tự quản bằng các mối quan hệ xã hội [2, tr.311]. Do đó, vai trò quan trọng nhất của hương ước – “bộ luật” của làng, là công cụ pháp lý quan trọng nhất, là “cơ sở pháp lý” chính yếu để làng tự quản các công việc trong cộng đồng.
Do mỗi làng có hương ước riêng của mình, do chính dân làng xây dựng, thông qua và thực hiện nên chứa đựng trong nó những nội dung thiết thực, sát sườn với từng thành viên trong làng.
Trong bối cảnh chính trị kiểu thực dân nửa phong kiến, các quyền dân sự chính trị của người dân đồng bằng Bắc Bộ không thể mang đầy đủ nội hàm của những quyền này được ghi trong một văn bản ra đời sau đó là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người năm 1948 hay Công ước quyền dân sự, chính trị năm 1966, nhưng dù đậm nhạt khác nhau, mỗi bản hương ước đều chứa đựng một số quyền này, hoặc không có quy định ngăn cấm những quyền con người.
1.1.Quyền được tham gia vào đời sống chính trị của làng xã
Đây là điều dễ nhận thấy nhất trong tất cả các hương ước. Người dân có quyền bầu cử, ứng cử vào cơ quan quản lý làng xã, để quản trị và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của cộng đồng. Ở đây tính dân chủ làng xã được thể hiện khá rõ.
Bộ máy quản trị do chính dân làng ứng cử và bầu cử, đó là Hội đồng Kỳ mục và Hội đồng Tộc biểu. Hội đồng Kỳ mục là một tổ chức không phải do dân bàu, nhưng có tiêu chuẩn công khai, ai đủ tiêu chuẩn sẽ được tham gia Hội đồng Kỳ mục – một tổ chức có thẩm quyền lớn trong cộng đồng. Điều 8 Hương ước xã Hữu Bằng ( huyện Thạch Thất, Sơn Tây) nêu: “Hội đồng Kỳ mục, chỉ những người tuổi từ 30 giở lên mà thuộc về hạng kê sau này thì mới được dự vào Hội đồng Kỳ mục: 1. Những người nhất nhị trường, khóa sinh, ấm sinh, viên tử, tú tài, cử nhân, phó bảng, tiến sĩ; 2. Những người có các thứ văn bằng sau này: a. Thuộc về việc học của người Pháp có bằng sơ đẳng, bằng cao đẳng tiểu học cùng những bằng cấp cao hơn hạng này, những người đỗ bằng tú tài, cao đẳng học; b. Thuộc về việc học Pháp – Việt có bằng thành chung, tú tài bản xứ và bằng cao đẳng học cùng các hạng bằng cao hơn hạng này; 3. Những người có phẩm hàm văn giai, vũ giai hoặc đối hàm với chức dịch; 4. Chánh phó tổng cựu ở trong làng mà đã vọng; 5. Chánh phó cựu đã làm việc được 6 năm mà đã vọng; 6. Lý trưởng cựu từ dịch đã làm việc được 3 năm mà đã vọng”. “Người nào đã làm tộc biểu thì không được vào Hội đồng Kỳ mục…
Hương ước Hữu Bằng không có quy định về quyền hạn, nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng Kỳ mục, nhưng Hương ước xã Chàng Thôn, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, quy định về Hội đồng Kỳ mục tương tự như Hương ước xã Hữu Bằng nhưng có ghi: “ 21. Hội đồng Tộc biểu bàn định điều gì can thiệp đến việc tài chính và việc khoán lệ của làng, cùng những việc cúng tế lễ và tục lệ trong làng thì Hội đồng Kỳ mục tất phải cho ý kiến mới được”. Điều này có thể hiểu, Hội đồng Kỳ mục giám sát Hội đồng Tộc biểu, nếu những quyết định của Hội đồng Tộc biểu không được Hội đồng Kỳ mục đồng ý thì cũng không được thi hành.
Điều thứ 3 Hương ước làng Ngọc Cục, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định thì nêu rõ quyền hạn của Hội đồng Kỳ mục: “a. Phàm những biên bản của Hội đồng Tộc biểu can thiệp đến tài sản, khoán ước, tục lệ tử tế của hàng xã, đều phải có ý kiến của Hội đồng Kỳ mục ghi ý nghĩ; b. Bản dự thảo công tiêu và trục sổ công tiêu đã thi hành đều phải đưa cho Hội đồng Kỳ mục ghi ý nghĩ.
Điều thứ 4 “ Hội đồng Kỳ mục không bao giờ thi hành những thể lệ của hàng xã về việc quản trị và tuần phòng và không phải quản trị tài sản của làng. Các chức dịch hàng xã như Lý, Phó trưởng vân vân dưới quyền kiểm soát của Hội đồng Tộc biểu thì trách nhiệm người nào người ấy riêng”. Như vậy, Hội đồng Kỳ mục chỉ cho ý kiến đóng góp về những nội dung quan trọng, chứ không can thiệp vào công việc cụ thể của Hội đồng Tộc biểu và chức dịch.
Quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng Tộc biểu được quy định cụ thể, chi phối hầu hết các hoạt động của cộng đồng làng. Điều thứ 3 Hương ước làng Ngọc Cục ghi: “Chức vụ Hội đồng Tộc biểu là (a) trông nom việc quản trị hàng xã; b. Trông nom các quyền lợi của xã và quản trị tài sản của hàng xã; c. Lập khoán ước lệ làng; d. Lập sổ công tiêu và thi hành sổ ấy; e. Bổ sưu thuế và cũng cùng các thuế khác nộp Kho bạc hoặc nộp quỹ hàng xã; f. Kiểm soát công việc các chức dịch như Lý, Phó trưởng, Trưởng xã tuần vân vân, trong việc tuần phòng và việc thi hành luật lệ và các mệnh lệnh của quan trên; g. Những việc dân, thường sự dân có thể đem tường Hội đồng Tộc biểu hòa giải, nếu hòa giải xong Hội đồng lập biên bản đệ trình quan địa phương; h. Hội đồng Tộc biểu lại có thể phạt 0,1$ đến 1,0$ những người làng đã phạm điều lệ của làng, nếu những việc ấy không truy tố theo Luật hình, Điều thứ 323”.
Về Hội đồng Tộc biểu, để bầu ra người đại diện cho các họ tham gia việc “thu xếp”, “trông nom” việc làng, thì các Hương ước đều quy định người từ đủ 18 tuổi, không can tội mất quyền công dân (theo khoản 9 Điều 5 Luật Hình An Nam) thì đều có quyền đi bầu cử.
Về số lượng tộc biểu, Hương ước xã Hữu Bằng, Điều thứ 2 ghi rõ: “Cứ mỗi 100 người dự bàu thì bàu 4 tộc biểu, quá số 100 người rồi thì cứ 25 người được bàu thêm một tộc biểu nữa”.
Tiêu chuẩn để được bàu làm tộc biểu là từ đủ 25 tuổi trở lên, có học thức, không có can phạm gì, có gia sản. Đây là quy định chung, nhưng thời gian trong một khóa dài ngắn tùy địa phương, xã Hữu Bằng quy định một khóa 6 năm, Mộ Trạch ( Bình Giang, Hải Dương) quy định 3 năm. Quy định này cho thấy, nói chung bất kỳ người dân nào trong cộng đồng làng xã, có đủ tiêu chuẩn theo quy định cũng có thể được ứng cử, được bầu làm Tộc biểu, được trực tiếp tham gia quản trị việc làng hay bàu ra người quản trị việc làng. Đây là một biểu hiện quan trọng về tính dân chủ làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ hồi đó. Hội đồng Tộc biểu bầu ra Chánh hương hội, Phó Chánh hương hội, Thư ký và Thủ quỹ. Thư ký và Thủ quỹ có thể không phải là tộc biểu, nhưng Thủ quỹ phải là người có tài sản. Điều 9 Hương ước làng Ngọc Cục nêu rõ: “Chánh hội là Chánh Hội đồng Tộc biểu cùng Lý trưởng đứng đầu trông nom Phó lý, Xã tuần làm việc cho chu đáo”.
Nhiều hương ước có những quy định nhằm khích lệ Tộc biểu, các vị chức dịch làm tốt nhiệm vụ được dân làng tin cậy giao phó (khi qua đời được Hội đồng phúng viếng, dựng bia khắc tên ở đình làng…) cũng như có nhiều biện pháp trừng phạt nếu những vị này không hoàn thành nhiệm vụ hay để xảy ra sai phạm ( bãi chức, truất ngôi hương ẩm, chết không điếu phúng…).
Về hoạt động của Hội đồng Tộc biểu, cũng có những quy định mang tính dân chủ. Hương ước xã Hữu Bằng quy định, “Hội đồng muốn họp mấy kỳ cũng được, tùy theo công việc trong hàng xã ít hay nhiều… nhưng bắt buộc trong tháng Mười tây phải họp một hay nhiều kỳ để lập sổ chi thu và nửa đầu tháng Giêng tây phải họp một kỳ để lập sổ thu thuế”. Hội đồng có thể họp bất thường khi có quá bán xin Chánh hương hội thì cũng được họp. Điều thú vị là Hương ước xã Hữu Bằng ở Điều thứ 9 ghi rõ “Các kỳ họp Hội đồng cho cả công chúng vào xem”.
Tương tự như vậy, Điều thứ 8 Hương ước làng Mộ Trạch quy định, khi họp Hội đồng “cho hết cả người làng, ai muốn vào xem cũng được” chỉ yêu cầu phải “tĩnh túc” (trật tự) “không gây huyên náo”, ồn ào, hơn nữa “nếu ai cần muốn hỏi Hội đồng điều gì thì phải đứng dậy hỏi cho từ tốn mà Hội đồng cũng phải theo lễ phép đáp lại minh bạch cho người ta biết”. Rõ ràng, đây là những quy định khá tiến bộ. Bất kỳ người dân nào trong làng cũng có quyền, có cơ hội tham gia bàn bạc việc làng, nêu ý kiến chấtvấn và được trả lời chất vấn một cách trực tiếp, công khai và minh bạch. Đó cũng là biểu hiện của quyền tự do ý kiến và biểu đạt của người dân.
Về hoạt động nghị bàn trong Hội đồng, các Hương ước đều quy định, mọi vấn đề phải được quá bán số ý kiến đồng ý mới có giá trị. Các phiên họp đều phải lập biên bản, trong đó “phải có chữ ký các hội viên có mặt lúc bàn định, rồi phải để vào tập công văn hàng xã” – Điều thứ 11 Hương ước Hữu Bằng.
Một trong những quyền rất quan trọng của người trong làng là được tham gia bàn thảo, xây dựng và thông qua hương ước, bộ luật tự quản của làng xã mình. Như Hương ước làng Ngọc Cục cho biết “Hai bên Hương hội, Lý dịch đã chiểu hội dân đinh ở đình làng tuyên đọc, mọi người đều ưng thuận và ký tên”.
Như vậy, trong cộng đồng làng xã xưa, quyền dân sự, chính trị của mỗi người dân được hương ước bảo vệ, mọi người đều được tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Tộc biểu, tổ chức cùng với Lý trưởng nắm quyền điều hành mọi sinh hoạt của làng xã. Mọi người dân đều có quyền tham gia, thảo luận, bàn bạc, đóng góp ý kiến vào việc làng. Những họ nhỏ, yếu thế trong làng được quan tâm, để mỗi họ tộc đều có tiếng nói trong Hội đồng. Hội đồng Kỳ mục là tổ chức có uy thế lớn trong làng nhưng quy định về tiêu chuẩn rõ ràng, con em nông dân nghèo mà học hành đỗ đạt thì hoàn toàn có thể trở thành thành viên Hội đồng Kỳ mục.
1.2.Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Hầu hết các làng xã cổ truyền đều có các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, đền, quán… nhiều nơi có nhà thờ Thiên Chúa giáo, những cơ sở thờ tự này đều được làng dành ruộng công hay kinh phí khác để phục vụ việc thờ cúng và lương cho người trụ trì, trông coi. Không có bất kỳ hương ước nào có quy định ngăn cấm người dân trong làng theo hoặc không theo một tôn giáo, tín ngưỡng nào.
Hương ước làng Mông Phụ, tổng Cam Thịnh, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây, quy định tại Điều 89: “Bên Thích, bên Đạo việc cheo, việc lão, việc hiếu trích lấy tiền thời bên nào để vào quỹ bên ấy, nếu đến việc tiêu chung, hai bên chiểu số đinh điền mà cùng chịu”. Như vậy không có phân biệt bên lương, bên giáo.
Hương ước làng Ngọc Cục thì cho biết, làng có một ngôi đền, một ngôi miếu, một văn chỉ, một ngôi chùa, một đền bách linh và hai nhà thờ họ đạo. Làng dành 2 mẫu cho nhà sư cày cấy lấy hoa màu đèn hương và lương ăn, ngoài ra dành 5 mẫu 6 sào để đấu giá (bán màu- cho thuê hàng năm) lấy tiền chi cho các lễ tiết đền chùa, miếu mạo, và 5 mẫu dành ra “ để cung nhu Cụ Đạo” ở hai nhà thờ Thiên Chúa Giáo.
Tuy nhiên, tìm hiểu nhiều hương ước thì chúng tôi thấy có một hương ước có sự phân biệt đối xử, tuy không quá nặng nề. Điều 26 Hương ước làng Đại Mỗ, huyện Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông nêu: “Theo pháp luật nhà nước, bên lương thờ Phật, bên đạo thờ Thiên Chúa, sự bổ liễm, bên nào theo bên ấy, không có sự hỗn độn, ai đã theo giáo mà không trung thành, nay theo giáo mai về lương thì dân không được nhận cho vào ngôi thứ nữa”. Như vậy có thể hiểu là làng đánh giá người dễ dàng thay đổi tôn giáo là không đáng tin cậy, cũng có thể hiểu là có sự kỳ thị nhất định đối với những người từng theo đạo Thiên Chúa.
1.3.Quyền kết hôn, bình đẳng trong hôn nhân và tham gia hội đoàn
Trong các hương ước cũng không có quy định ngăn cấm, phân biệt đối xử do thành phần xuất thân, tôn giáo hay giàu nghèo. Hương ước làng Mộ Trạch quy định về việc hôn thú mang tính khuyến dụ như sau: “Việc hôn thú tuy rằng việc riêng trong gia đình, nhưng có ảnh hưởng đến xã hội, vậy nên con giai 18 tuổi, con gái 15 tuổi thì mới được hôn thú, mà việc niên sỉ phải tương đương, không được (chênh lệch – NV) nhớn quá, như vợ hơn chồng năm, sáu tuổi, để khỏi sự ngăn trở về sau” ( Điều thứ 121). Về sính lễ, “hai bên phong kiệm phải tùy tình”, nghĩa là làm to hay nhỏ theo điều kiện gia đình, nhưng để “khỏi xa phí”. Hương ước cấm “bên nhà giai không được thế chấp ruộng đất hoặc viết văn tự vay gán về tiền sính nghi, tức là tiền dẫn cưới”. Có thể nói những quy định này rất tiến bộ, có ý nghĩa cho đến ngày nay.
Hương ước làng Cổ Loa, tổng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, Điều 73 về hôn lễ quy định: “1. Trong làng con giai từ 18 tuổi giở lên, con gái từ 17 tuổi giở lên mới được làm lễ giá thú; 2. Trước khi làm lễ vấn danh lễ ăn hỏi, bố mẹ hai bên phải đến tường hội đồng biết để hương hội xét xem hai người định lấy nhau ấy có cập lệ hay không và có điều gì ngăn trở hay không, rồi yết thị ra tại đình hay hội sở, cho ai nấy đều biết. Nếu tuổi hợp lệ và không có điều gì ngăn trở nhà giai mới được làm lễ vấn danh để kết hôn”… 5. Khi nộp đủ lệ lan nhai ( lệ cheo) vào sổ giá thú là hôn lễ đủ rồi, không phải chịu với làng nhẽ gì nữa, còn những tục hủ bại như chăng giây, đóng cổng, đóng cửa, nhà gái đóng cửa nhà thờ, cheo xóm, cheo họ, cheo giáp làm cho lôi thôi việc người ta thời nhất thiết cấm chỉ, ai phạm hương hội phạt 0,5$”. [3, tr. 610-611].
Như vậy có thể nói, hôn nhân quy định trong các hương ước khá tương thích với ngày nay, tuy nhiên trong thực tế thì việc nam nữ tự do tìm hiểu và tự quyết định hôn nhân ít xảy ra, chủ yếu do cha mẹ quyết định. Bên cạnh đó, trong thiết chế làng xã có rất nhiều hội, người dân dễ dàng và tự do gia nhập, sinh hoạt trong các hội của làng như hội Tư văn, hội Đồng niên, hội Đồng môn, hội Chư bà (đi chùa) rồi hội Hiếu, hội Hỷ, cho đến hội Chọi gà, hội Chọi chim… Học giả Đào Duy Anh từng nhận xét: “Người nhà quê ta rất ham lập hội”. [4, tr.155 ]. Đương nhiên, đây chỉ là những hội dân sự, trong phạm vi làng xã, hay trong tổng, trong huyện, chứ không phải những hội mang màu sắc chính trị.
1.4. Quyền được bảo đảm về an ninh, trật tự
Các hương ước đều có quy định chặt chẽ về việc tuần phòng, về đối tượng phải tham gia đi tuần, trách nhiệm của tuần phiên trong việc ngăn chặn trộm cướp, bảo vệ an ninh xóm làng. Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của tuần phiên, các hương ước đều có quy định về thưởng, phạt rất rõ ràng. Hương ước xã Hữu Bằng quy định: “Điều thứ 36 – Ban đêm tuần đinh phải đi tuần luôn trong quanh làng để phòng trộm cướp không cho vào làng, tuần đinh nào bắt được một đứa kẻ trộm thì được thưởng 1$, bắt được một đứa kẻ cướp thì thưởng 10$”. Đối với dân làng nói chung, khi có sự khẩn cấp như trộm cướp, hỏa hoạn, mọi người đều phải đến ứng cứu ngay, ai bắt được một tên trộm, làng thưởng 2 đồng, bắt được một tên cướp thưởng 15 đồng, ai không may bị thương nhẹ thì làng cho 2 đồng, trọng thương thì cho 5 đồng để thuốc thang, nếu bị thành tật thì làng cho 10 đồng, nếu không may quá cố thì làng cấp cho 20 đồng để làm tang lễ. (Khi đó, một con trâu giá khoảng 15 đồng).
Ngoài thưởng tiền, Hương ước làng Phúc Xá, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông còn tưởng thưởng những người đánh cướp không may bị trọng thương mà thành tật bằng cách “cho mười lăm đồng và ngôi kỳ lý, không may mà chết đi thì làng làm đám ma và cắt kỳ lý đi đưa đến mộ, lại được phối hưởng vào hậu”. Có thể nói đó là cách tri ân, khuyến khích nghĩa công rất trang trọng.
Kèm theo tưởng thưởng là phạt trách nhiệm rất cụ thể, cũng Hương ước làng Phúc Xá ghi rõ: “Nếu tuần phòng bất lực, trong làng nhà ai mất trộm, ngoài đồng mất hoa mầu, thời hội đồng chiếu tang vật bắt đền tuần phiên phải bồi và phạt 0,5$” – Điều thứ 22. Hầu hết các hương ước khác cũng đều có quy định buộc tuần phiên phải bồi thường nếu để xảy ra mất trộm, mất cướp như vậy, trừ trường hợp Hội đồng xét thấy tuần phiên đã cố gắng hết khả năng mà không ngăn chặn được thì mới có thể không phải bồi thường. Hương ước xã Hữu Bằng quy định nếu trong làng nhà bị mất trộm, có dấu vết “xuyên tường, cắt lũy” thì phải báo ngay cho “hội đồng lý dịch khám xét đích thực, chiểu giá trách cứ tuần phiên phải đền”; tương tự như vậy, hoa màu ngoài đồng mất trộm “mất trộm bao nhiêu thì tuần đinh đền bấy nhiêu”.
Qua việc thưởng phạt tuần phiên cũng như việc chống trộm cướp, hỏa hoạn trên đây, chúng ta có thể khẳng định mục đích bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân được các hương ước rất chú trọng.
Một khía cạnh khác, liên quan đến án hình sự, hương hội không được phép phân xử hay hòa giải, phải chờ lên cấp trên thì các hương ước đều có quy định ngăn cấm việc sách nhiễu, gây khó khăn cho đương sự. Điều thứ 79 Hương ước làng Mộ Trạch ghi rõ về những việc thưa kiện về việc hình… hương hội “phải đến ngay chỗ sự phát, hỏi duyên cớ đầu cuối rồi làm biên bản trình quan ngay, nếu có tai biến phải ngăn giữ, không được bắt vạ hay cho tuần sách nhiễu nhà chủ”. Bên cạnh đó, những quyền con người như quyền được khai sinh, khai tử được các hương ước cải lương chú trọng, quy định rõ ràng, không phân biệt nam nữ.
2. Những hạn chế
Bên cạnh những quyền dân sự chính trị của người dân được ghi nhận, bảo vệ, hương ước cũng chứa đựng nhiều hạn chế. Đối với cơ quan quyền lực là Hội đồng Tộc biểu, số lượng tộc biểu của mỗi họ bầu căn cứ trên số đinh đủ điều kiện đi bầu của mỗi họ, nên đương nhiên họ lớn có nhiều tộc biểu, họ nhỏ có ít tộc biểu, do đó sự công bằng, bình đẳng trong việc họp bàn, quyết định việc làng giữa các họ khó có thể đạt được. Họ nhỏ vẫn phải chịu lép vế trước các họ lớn, “đa đình cường phú”, có “máu mặt” trong làng.
Một hạn chế khá nghiệt ngã ở nông thôn còn ghi nhận trong hương ước, đó là phân biệt “chính cư” (chính tịch) với “ngụ cư” (phụ tịch). Sự phân biệt này ban đầu thể hiện sự công bằng, ở chỗ người mới đến được hưởng tất cả cơ sở hạ tầng của làng xã do nhiều thế hệ đóng góp xây dựng nên. Tuy nhiên, sự phân biệt quá nặng nề trở thành không công bằng.
Hương ước làng Đông Ngạc, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, quy định trách nhiệm canh phòng thuộc về người “phụ tịch” – Điều thứ 67; mọi mức khao vọng, đóng góp, người “phụ tịch” đóng gấp đôi “chính tịch”, và muốn trở thành “chính tịch” phải trải qua 8 đời, trong đó đời nào cũng phải đóng 10,0$ tiền “trồng đống” , 10,0$ tiền “vọng tịch”, mới được công nhận (Điều thứ 145). Dù mức độ khác nhau nhưng hầu hết các hương ước đều coi dân ngụ cư là “công dân loại 2” của làng.
Liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện, các hương ước đều có quy định, mọi tranh chấp, khiếu kiện trước hết phải trình hương hội hòa giải phân xử, khi làng giải quyết không được mới được trình lên quan trên. Nếu quan trên phán xử như kết quả của làng đã giải quyết thì người đi khiếu kiện phải chịu mọi phí tổn trong trường hợp Hội đồng phải đi làm chứng trước Tòa. Hương ước làng Mộ Trạch và nhiều Hương ước khác còn quy định, trong trường hợp “quan xử như hương hội thì phạt một đồng bạc (1,0$) sung công”. Hương ước làng Ngọc Cục thì nêu: “ Người nào trong làng hay sinh sự kiện cáo vô lý mà bị thua kiện đến 3 lần thời phải phạt từ 0,5$ đến 1,0$, lần thứ tư thì sẽ bị truất ngôi từ một đến ba năm” – Điều 103. Những quy định này có mặt hợp lý là tăng cường “hòa giải tại cơ sở” nhưng mặt trái của nó là hạn chế quyền được tiếp cận công lý, được xét xử trước Tòa án của người dân.
Một hạn chế mang tính phổ biến, đó là sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, phụ nữ không được tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Tộc biểu, phụ nữ “bất dự đình trung”, không được tham dự để bàn bạc việc làng như nam giới. Phụ nữ không được ghi nhận trong sổ đinh của làng xã để hưởng những quyền lợi như nam giới.
Trong Hương ước làng Đại Mỗ, Điều 20 về “Trừng trị kẻ gian dâm” quy định, trai gái còn tân làm “những sự vô giáo dục” bị bắt thì phạt người con gái 1 đồng, nhưng người con trai chỉ bị phạt 0,5 đồng; gái góa chồng ăn nằm với giai phạt 1đồng, khi lấy chồng phải nộp cheo gấp đôi, không thấy ghi phạt người đàn ông…
Nhìn một cách khái quát về quyền dân sự, chính trị của người dân qua các hương ước, bên cạnh những mặt tích cực thì đúng như Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi nhận định, dân chủ làng xã là dân chủ theo đẳng cấp, dân chủ hình thức. Tình trạng này khiến cho cá nhân khó phát triển được năng lực, khó vượt khỏi khuôn khổ định hình nhiều năm của làng xã; khiến cho cộng đồng ngày càng trì trệ, khép kín, tạo môi trường cho nạn cường hào, cho bệnh bè phái và hủ tục ngày càng nặng nề. Tuy nhiên, mức độ ở mỗi làng, mỗi vùng đậm nhạt khác nhau.
**
Bên cạnh những quyền dân sự, chính trị, hương ước xưa cũng ghi nhận một số nội dung về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa. Đây là những di sản quý giá, cần được nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, tái lập hương ước hiện nay. Hương ước mới phải đáp ứng yêu cầu tôn trọng, thúc đẩy, bảo đảm và thực hiện quyền con người thông qua các quy định cụ thể. Đó là mở rộng dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý cộng đồng, giám sát hoạt động liên quan đến cộng đồng, tạo điều kiện cho mọi người dân được lao động, sản xuất, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh…
ThS.NGUYỄN PHAN KHIÊM
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)
1.Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, Văn phòng thường trực, (2012) Tài liệu tổng kết Chỉ thị12 của Ban Bí thư trung ương Đảng về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”, Nxb Chính trị – Hành chính, Hà Nội.
2.Võ Khánh Vinh (chủ biên) (2011), Quyền con người: Khái niệm và bản chất, Giáo trình Quyền con người, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3.Trương Sĩ Hùng (2010), Tuyển tập Hương ước tục lệ Thăng Long – Nxb Hà Nội.
4.Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội