Bài viết phân tích quy định của Điều 623 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 về hưởng di sản theo thời hiệu, chỉ ra sự không tương thích với các quy định khác của Bộ luật này, đồng thời đưa ra kiến nghị về nội dung cần hướng dẫn và sửa đổi, bổ sung Điều 623.
1. Xung đột giữa hưởng di sản theo thời hiệu với quy định “kéo dài” thời hiệu khởi kiện
BLDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung về thời hạn khởi kiện, theo đó thời hạn khởi kiện thừa kế về tài sản là động sản, bất động sản quy định tại Điều 623 trùng với thời gian hưởng quyền dân sự theo thời hiệu. Đồng thời, Bộ luật cũng quy định thời hạn để cho các chủ thể thỏa mãn các điều kiện mà Bộ luật quy định được hưởng di sản thừa kế theo thời hiệu. Đây là quy định mới, kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực sẽ không còn tình trạng khi hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế không biết di sản thuộc về ai.
Điều 623 quy định: “1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì… a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này; b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này…”. Xem xét quy định này, chúng tôi thấy có sự xung đột với một vài quy định khác trong BLDS. Cụ thể, theo lời văn và giải thích theo đúng câu, từ của Điều luật thì hết 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản là di sản thừa kế sẽ thuộc về một trong ba chủ thể sau: một là người thừa kế đang quản lý di sản; hai là người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật; ba là di sản thuộc sở hữu Nhà nước.
Điều đó có nghĩa là, dù có người thừa kế nhưng không có thừa kế nào quản lý di sản tại thời điểm hết thời hạn 10 năm hoặc 30 năm thì di sản sẽ thuộc về người đang chiếm hữu di sản ngay tình, liên tục, công khai 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản; nếu không có người chiếm hữu di sản, hoặc có nhưng việc chiếm hữu không ngay tình, không liên tục, không công khai, hoặc việc chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai nhưng không đủ thời gian 10 năm hoặc 30 năm thì di sản thuộc sở hữu Nhà nước.
Nội dung của Điều 623 không phải là quy định tùy nghi, mà là quy định có tính khẳng định. Trong khi đó, bên cạnh quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế, BLDS còn có các quy định khác dẫn đến “kéo dài” thời gian khởi kiện nói chung, thời hạn khởi kiện thừa kế nói riêng. Do đó, loại việc khởi kiện thừa kế không phải trong mọi trường hợp thời hiệu khởi kiện đều kết thúc vào thời điểm tròn 10 năm, 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Các quy định cho phép “kéo dài” thời gian khởi kiện đã được quy định trong BLDS và một số văn bảnkhác gồm có:
Một là, quy định về “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự” (Điều 156). Theo quy định này, trong khoảng thời gian được quyền khởi kiện, quyền yêu cầu đối với vụ việc dân sự nói chung, vụ án thừa kế nói riêng mà xuất hiện một trong các sự kiện làm cản trở việc thực hiện quyền khởi kiện, quyền yêu cầu của chủ thể có quyền, thì thời gian xảy ra các sự kiện đó sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu. Các sự kiện đó là:
– Người có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu gặp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
– Người có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Người có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: (i) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; (ii) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Khoảng thời gian mà người có quyền khởi kiện không thực hiện được quyền khởi kiện, quyền yêu cầu do gặp một trong các sự kiện nêu trên thì thời gian đó không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Ngoài ra, do thời hiệu khởi kiện thừa kế rất dài, nhất là ở Việt Nam thì bão lụt xảy ra nhiều lần trong năm, nên sẽ có khả năng trong một vụ án, thừa kế không chỉ xuất hiện một lần các sự kiện nêu trên.
Ví dụ sau khi mở thừa kế, tại nơi người khởi kiện cư trú diễn ra bão, lũ gây chia cắt giao thông, vùng đó bị cô lập trong thời gian một tháng, thì ít nhất một tháng đó không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án thừa kế. Thời hiệu khởi kiện đối với chủ thể đó sẽ kết thúc vào ngày cuối cùng của 10 năm 1 tháng hoặc 30 năm 1 tháng kể từ ngày mở thừa kế. Trong khi theo quy định tại khoản 1 Điều 623, hết thời hạn 10 năm hoặc 30 năm di sản đã thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó…, thì lúc đó đâu còn di sản để chia thừa kế cho người khởi kiện khi thời hiệu đang còn?
Hai là, quy định về “Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự” (Điều 157).
Theo quy định này, trong khoảng thời gian được quyền khởi kiện, quyền yêu cầu vụ việc dân sự nói chung, vụ án thừa kế nói riêng mà xuất hiện một trong các trường hợp sau đây thì bắt đầu lại thời hiệu:
– Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
– Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
– Các bên đã tự hoà giải với nhau.
Bắt đầu lại thời hiệu có nghĩa là thời hiệu khởi kiện được tính lại từ đầu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 157, thời điểm tính lại thời hiệu khởi kiện là ngày tiếp theo sau ngày xảy ra một trong các trường hợp nêu trên.
Nếu trong vụ án thừa kế, khi gần hết thời hiệu khởi kiện thì xuất hiện một trong các sự kiện nêu trên thì quyền khởi kiện vụ án thừa kế có thể sẽ là gần 20 năm, gần 60 năm tùy theo di sản là bất động sản hay động sản.
Ví dụ: Ngày mở thừa kế là ngày 01/2/2000, đến ngày 01/1/2020 thì các thừa kế tự thỏa thuận với nhau trong việc phân chia di sản thừa kế là nhà và quyền sử dụng đất do bố mẹ để lại. Do người thừa kế đang quản lý nhà, quyền sử dụng đất không tự giác thực hiện thỏa thuận dẫn đến tranh chấp. Theo quy định của Điều 623, Điều 157 BLDS, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, quyền sử dụng đất (là 30 năm) bắt đầu tính lại từ ngày 02/1/2020. Vì vậy, đến ngày 02/1/2050 mới hết thời hiệu khởi kiện (nếu không xuất hiện các sự kiện được quy định tại Điều 156; ngược lại, thời hiệu khởi kiện sẽ không kết thúc ngày 02/1/2050 mà còn dài hơn).
Ba là, ngoài quy định “kéo dài” thời hạn khởi kiện theo quy định của BLDS năm 2015, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành BLDS năm 2015 có quy định cũng dẫn đến thời điểm quyền khởi kiện vụ án dân sự nói chung, vụ án thừa kế nói riêng cũng không kết thúc tại thời điểm ngày cuối cùng của thời hạn 10 năm hoặc 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế[1]: “4…. Đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991, thì sẽ được thực hiện theo quy định của Quốc hội”. Trước đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH ngày 20/8/1998 để giải quyết các giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 nêu trên thì “thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực (ngày 01/1/1999) không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991”.
Tuy nhiên, riêng giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH quy định “Nghị quyết này không áp dụng đối với giao dịch được xác lập trước ngày 01/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia”.
Trên cơ sở quy định tại Điều 4 Nghị quyết của Quốc hội về thi hành BLDS năm 1995, khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH ngày 20/8/1998, ngày 27/7/2006[2], UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH hướng dẫn giải quyết các trường hợp giao dịch về nhà ở (trong đó có thừa kế) được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia. Khoản 2 Điều 39 Nghị quyết quy định: “thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự là nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”.
Như vậy, theo quy định của Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH, trong vụ án thừa kế sẽ phải cộng thêm 2 năm 6 tháng, còn theo Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH thì sẽ phải cộng thêm 10 năm 2 tháng…
Do đó, các vụ án thừa kế thuộc diện áp dụng Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH, có vụ đến thời điểm BLDS năm 2015 có hiệu lực vẫn chưa kết thúc. Sở dĩ như vậy là do có vụ án xuất hiện căn cứtạm đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011), đến thời điểm BLDS 2015 có hiệu lực thì “lý do tạm đình chỉ không còn” Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án; vụ án bị hủy, xét xử lại nhiều lần, hoặc xuất hiện căn cứ tái thẩm.
Như vậy, các quy định “kéo dài” thời hạn khởi kiện trong Nghị quyết của UBTVQH và Điều 623 BLDS năm 2015 có sự khác nhau. Căn cứ theo lời văn của Điều 623 và áp dụng đúng như quy định tại Điều 623 thì tự nó loại bỏ việc áp dụng các Điều 156, 157 của chính Bộ luật này. Trong khi quy định tại Điều 156, Điều 157 là rất nhân văn, khoa học, tạo sự công bằng và nó không chỉ áp dụng cho các vụ án thừa kế mà còn áp dụng cho các vụ việc dân sự nói chung. Vì vậy, theo chúng tôi, cần sửa đổi Điều 623 BLDS năm 2015 cho phù hợp với các nguyên tắc quy định trước đó tại Điều 156, Điều 157.
2. Kiến nghị về nội dung cần hướng dẫn, sửa đổi
2.1 Hướng dẫn làm rõ điều kiện để được hưởng di sản theo thời hiệu
Một là, di sản chỉ “thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản” khi thời hiệu khởi kiện đã hết.
Hai là, nếu người đang chiếm hữu di sản không phải là thừa kế, thì di sản chỉ thuộc về người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai ít nhất 10 năm hoặc 30 năm.
Nếu hướng dẫn như trên, dù đã quá 10 năm, 30 năm mà còn thời hiệu khởi kiện, (do xuất hiện các sự kiện làm “kéo dài” thời hạn khởi kiện), thì người thừa kế đang quản lý di sản, người đang chiếm hữu di sản thừa kế chưa được hưởng di sản theo thời hiệu hưởng quyền dân sự (dù việc chiếm hữu ngay tình, liên tục công khai trên 10 năm hoặc trên 30 năm).
Ba là, cần giải thích thuật ngữ “quản lý” di sản của người thừa kế, làm rõ nội hàm “quản lý di sản” và “chiếm hữu di sản”, từ đó phân biệt rõ “quản lý di sản” khác với “chiếm hữu di sản” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 như thế nào.
2.2 Xác lập quyền sở hữu di sản theo thời hiệu
Thực tiễn cho thấy, có hai trường hợp cần hướng dẫn sau đây: tại thời điểm hết thời hiệu, sau khi hết thời hiệu không có tranh chấp và tại thời điểm hết thời hiệu, sau khi hết thời hiệu có tranh chấp.
Thứ nhất, trường hợp tại thời điểm hết thời hiệu, sau khi hết thời hiệu không có tranh chấp về quyền đối với tài sản thì cần phân biệt:
– Nếu di sản là bất động sản không phải đăng ký thì di sản sẽ thuộc quyền sở hữu của chủ thể đang quản lý, chiếm hữu ngay từ khi hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế.
– Nếu di sản là động sản hoặc bất động sản phải đăng ký thì người thừa kế đang quản lý, người đang chiếm hữu di sản đã thỏa mãn các điều kiện được hưởng di sản theo thời hiệu phải thực hiện việc đăng ký thì mới chính thức trở thành chủ sở hữu tài sản đó, nếu không có các chủ thể trên, di sản thuộc sở hữu Nhà nước khi Nhà nước thực hiện việc xác lập quyền sở hữu.
Thứ hai, trường hợp tại thời điểm hết thời hiệu, sau thời điểm hết thời hiệu mới tranh chấp về quyền đối với di sản đó thì cần phân biệt:
– Nếu người khởi kiện là người thừa kế khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án mà có đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu thì tòa án có thẩm quyền áp dụng khoản 2 Điều 149 BLDS, điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
– Nếu người thừa kế khởi kiện đòi tài sản mà người đang chiếm hữu thỏa mãn các điều kiện được sở hữu di sản theo thời hiệu, và có đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án quyết định thì tòa án có thẩm quyền áp dụng khoản 2 Điều 149 BLDS, điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp người được hưởng di sản theo thời hiệu chưa xác lập quyền sở hữu (đối với loại tài sản theo quy định của pháp luật phải thực hiện việc đăng ký) và không có đương sự nào yêu cầu áp dụng thời hiệu, hoặc người đang chiếm hữu không thỏa mãn các điều kiện để được hưởng di sản theo thời hiệu thì tòa án có thẩm quyền chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, buộc người đang chiếm hữu trả lại tài sản cho các thừa kế, trừ trường hợp khi hết thời hiệu khởi kiện Nhà nước đã xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.
2.3 Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 623 BLDS năm 2015
Khi sửa đổi, bổ sung BLDS năm 2015, nếu vẫn giữ nguyên thời hiệu khởi kiện như quy định tại Điều 623 thì cần sửa đổi, bổ sung theo hướng người thừa kế, người chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục chỉ trở thành chủ sở hữu tài sản là di sản khi đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế. Khi hết thời hiệu khởi kiện mà không có người thừa kế đang quản lý di sản, không có người đang chiếm hữu di sản hoặc có nhưng không thỏa mãn các điều kiện chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục thì di sản thuộc sở hữu Nhà nước.
Theo chúng tôi, Điều 623 viết lại như sau:
Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thờihạn này hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế./.