Ngày 29/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng chứng khoán” xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.
Trong những ngày xét xử trước đó, sau khi đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với 50 bị cáo, các bị cáo đã tự bào chữa và luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ của họ. Trong bài bào chữa, các luật sư cũng nêu quan điểm giống như các bị cáo khi đề nghị Hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát xem xét, giảm nhẹ hơn nữa mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị đối với các bị cáo. Một số luật sư đề nghị Viện kiểm sát xem xét lại số lượng bị hại và một số trường hợp bị trùng tên…
Đối đáp ý kiến của các bị cáo và luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, hầu hết các bị cáo trong vụ án này đều có trình độ, hiểu biết về chứng khoán và thị trường chứng khoán, nhiều bị cáo còn làm trong cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán.
Trong phần thẩm vấn và tranh luận, các bị cáo đã nhận lỗi, nhận tội, nhiều bị cáo tích cực tìm cách khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, cần phân tích thêm để các bị cáo hiểu rõ hơn về hành vi phạm tội của mình.
Trong phần tranh luận, nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết nêu ý kiến, vụ án có 133 người đến trình báo và có đơn yêu cầu bồi thường mới là bị hại; còn nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros chưa thể xác định được.
Đối đáp ý kiến trên, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức trong việc lừa đảo bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros cho hơn 30.000 nhà đầu tư, qua đó thu lợi bất hợp pháp hơn 3.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi vi phạm, kéo dài trong nhiều năm, bắt đầu từ việc mua lại Công ty Faros, nâng vốn từ điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên hơn 4.800 tỷ đồng, nhưng trong đó chỉ có gần 1.200 tỷ đồng là vốn thật, còn lại là vốn khai khống.
Từ sai phạm trên, các bị cáo đưa cổ phiếu ROS lên sàn chứng khoán để thực hiện hành vi phạm tội. Hơn 30.000 nhà đầu tư lầm tưởng Công ty Faros có vốn thật như đã khai nên họ bỏ tiền ra mua cổ phiếu ROS. Qua đây, bị cáo Trịnh Văn Quyết thu về hơn 4.800 tỷ đồng, trừ vốn đi còn được hưởng lợi bất hợp pháp hơn 3.600 tỷ đồng.
“Bị hại trong vụ án phải được xác định tại thời điểm hành vi chiếm đoạt thực hiện xong”, đại diện Viện kiểm sát thông tin với các luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Về ý kiến của các luật sư đề nghị xác định lại số lượng bị hại và số người trùng tên, đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, qua rà soát có trường hợp trùng tên nên xác định lại, bị hại trong vụ án là hơn 25.000 người (trước đó xác định hơn 30.400 bị hại).
“Việc xác định lại số lượng bị hại không làm thay đổi kết quả điều tra, bởi trọng tâm vụ án vẫn là việc bị cáo Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu khống, thu tiền bất hợp pháp sử dụng vào mục đích cá nhân.
Trong phần đối đáp, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh) và bị cáo Nguyễn Thanh Bình (cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC) đều thành khẩn khai báo, có thêm tình tiết giảm nhẹ.
Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giảm án cho bị cáo Sinh từ 8 đến 9 năm tù xuống còn 7 – 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; giảm án cho bị cáo Bình từ 8 đến 9 năm tù xuống còn 7 – 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.