Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, cho ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 28/8.
3 năm 3 quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) nhận định hệ thống các tiêu chuẩn, quy định về phòng cháy chữa cháy đã góp phần định hình hệ thống quy định, kỹ thuật, giảm rủi ro và thương vong.
Theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, nhưng nữ đại biểu nêu bất cập khi có tiêu chuẩn vừa được ban hành đã được thay đổi bằng tiêu chuẩn mới, thậm chí “3 năm 3 quy chuẩn”, chỉ việc đọc và hiểu các tiêu chuẩn đã rất khó khăn cho triển khai thực hiện.
“Một số tiêu chuẩn thiếu thực tế, không có tính khả thi, do đó các bộ ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi các tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy đảm bảo thống nhất, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân”, bà Ngọc nêu quan điểm.
Với xây dựng nhà ở riêng lẻ nhiều tầng, đại biểu tỉnh Hòa Bình nêu thực tế nhiều căn hộ không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không đảm bảo quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm.
Nơi xảy ra cháy thường là chung cư xuống cấp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà trọ, nhà ở ngõ, hẻm, ngách nơi chứa chất dễ cháy…
Từ thực tế đã nêu, bà Ngọc đề nghị phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ cần quy định khắt khe về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy phải chuyển hình thức sản xuất kinh doanh. Còn với cơ sở sản xuất ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa, quy định về quy chuẩn có thể dễ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế) cũng nêu thực tế là tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy đang quy định quá cao khiến doanh nghiệp rất sợ.
“Có doanh nghiệp chỉ đầu tư 1 tỷ đồng nhưng nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí phòng cháy chữa cháy phải mất 2-3 tỷ đồng, lớn hơn nhiều tiền đầu tư”, ông Minh đặt vấn đề không biết luật lần này có giải quyết được bất cập vừa nêu hay không.
Về phân cấp trong thẩm tra, thẩm định phòng cháy chữa cháy, vị đại biểu ghi nhận hiện tiến bộ lớn là có cơ quan thẩm tra riêng, nhưng ông băn khoăn khi mỗi công trình có 2 cơ quan thẩm định, một cơ quan xây dựng, một cơ quan công an, làm thủ tục hành chính tăng lên, doanh nghiệp kêu và phản ứng.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cũng nhắc đến tình trạng cháy nổ diễn biến phức tạp ở các khu đô thị và nơi đông người để nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện Luật phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn để đảm bảo các điều luật khi vào thực tiễn dễ áp dụng, chặt chẽ, đảm bảo tính răn đe với chủ kinh doanh các công trình.
Về phòng cháy với nhà ở kết hợp kinh doanh, vị đại biểu nhất trí quy định khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực nhà ở, bởi thực tế ở một số vụ cháy vừa qua giữa khu vực kinh doanh và nhà ở không có sự ngăn cách nên khi xảy ra cháy gây hậu quả lớn.
Cần quy định cụ thể phương tiện phòng cháy chữa cháy cho xe trên 9 chỗ
Theo dự thảo luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với tài sản của cơ sở thuộc danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Chính phủ sẽ quy định danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; mức nộp, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
“Tôi không biết danh mục cơ sở phải mua bảo hiểm bắt buộc là loại hình nào”, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu ý kiến và đề nghị phải có danh mục cụ thể để đại biểu Quốc hội có ý kiến.
Theo ông Hòa, việc để tránh sau khi luật có hiệu lực thì “lạm dụng lên danh mục nhiều, bắt các cơ sở phải mua bảo hiểm cháy nổ”.
Quy định về phòng cháy với phương tiện giao thông cũng là điều khiến đại biểu băn khoăn.
Dẫn lại khoản 1, Điều 20 quy định vận tải hành khách trên 9 chỗ phải có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động và đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Bộ Công an. Đại biểu tỉnh Hòa Bình đánh giá quy định này còn chung chung.
Ông góp ý cần quy định cụ thể phương tiện tham gia giao thông xe từ 9 chỗ ngồi trở lên, trên xe phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy gì để dễ tổ chức thực hiện.
Thêm nữa, xe ô tô 9 chỗ của gia đình có phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định hay không cũng cần rành mạch rõ ràng, theo góp ý của đại biểu Hòa.
Với cơ sở phải lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy, theo đại biểu Phạm Văn Hòa cần cân nhắc để quy định cho phù hợp. “Các hộ gia đình đăng ký sản xuất kinh doanh nhỏ, không phải doanh nghiệp, yêu cầu thành lập lực lượng phòng cháy, chữa cháy thì quá khắt khe, khó thực hiện”, ông Hòa nói.
nguồn : Báo dân trí