Điểm mới về thủ tục giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cấp sơ thẩm

Những điểm mới cơ bản liên quan đến thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, bao gồm:

Sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục khởi kiện, xác định ngày khởi kiện trên cơ sở pháp điển hóa những văn bản hướng dẫn BLTTDS hiện hành nhằm quy định rõ ràng, cụ thể về thủ tục khởi kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện của mình;
Sửa đổi, bổ sung quy định về giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 194); theo đó, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện phải được tiến hành bằng phiên họp;
Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi cần đợi kết quả của cơ quan có thẩm quyền xem xét kiến nghị của Tòa án về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà Tòa án đã có văn bản kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ (điểm e khoản 1 Điều 214);
Bổ sung quy định thành phần tham gia phiên hòa giải đối với tranh chấp lao động; Tòa án ban hành quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ khi căn cứ tạm đình chỉ không còn để làm căn cứ pháp lý tiếp tục giải quyết vụ án, xác định trách nhiệm của Tòa án đối với những vụ án tạm đình chỉ, bảo đảm khi căn cứ tạm đình chỉ không còn thì vụ án sẽ được tiếp tục giải quyết kịp thời; sửa đổi căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án, thủ tục thay đổi tư cách đương sự trong trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt mà không có đơn xin vắng mặt, trong trường hợp giải quyết vụ án có phản tố của bị đơn hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn; quy định trường hợp vắng mặt một trong các bên đương sự và người tham gia tố tụng khác thì Chủ tọa phiên tòa phải công bố lời khai của họ để trên cơ sở đó các đương sự có mặt tại phiên tòa tranh luận, đối đáp; quy định trách nhiệm của Chủ tọa phiên tòa trong việc điều hành phiên tòa bảo đảm người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tranh tụng; Hội đồng xét xử chỉ hỏi những vấn đề mà người tham gia tố tụng trình bày chưa rõ;
Bổ sung quy định mới về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Đây là phương thức để bảo đảm các đương sự được quyền biết và tiếp cận tất cả các tài liệu, chứng cứ; trao đổi chứng cứ, bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có), xác định những chứng cứ đã giao nộp; đề nghị triệu tập người làm chứng hoặc những người tham gia tố tụng khác,… của vụ án trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử giúp cho đương sự có đủ điều kiện chuẩn bị việc tranh tụng tại phiên tòa;
Bổ sung quy định mới về căn cứ, thủ tục, thời hạn tạm ngừng phiên tòa trong các trường hợp: Cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa; chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại; do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa: Các bên đương sự đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải; cần phải báo cáo với Chánh án Tòa án để đề nghị, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này (Điều 259).
Bổ sung quy định về thủ tục xét xử trong trường hợp vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng (Điều 238).
 
(Trích bài viết: “Những điểm mới cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015” của TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Tạp chí Kiểm sát số 5/2016).

024 3755 8809