Báo chí khi viết về những vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng thường dùng những lời mô tả thêm phần gắn mác như “Kẻ bóp cổ ở Boston”, “Sát thủ với những túi đựng rác”, “Kẻ mổ bụng ở Yorkshire”… để đặc tả về một kẻ giết người vẫn còn đang lẩn trốn trong bóng tối và căn cước thật vẫn chưa bị bại lộ.
Mục lục:
- Đâu là dị vết của tội phạm?
- Dị vết hay phương thức phạm tội?
- Tầm quan trọng trong việc tìm ra dị vết
Truyền thông trong những trường hợp này, dẫu là vô tình, cũng đã mường tượng ra được cái cơ chế điều khiển tâm lý của hung thủ một cách vô thức. Đó chính là “signature” (tạm gọi là dị vết) của kẻ gây án.
Đâu là dị vết của tội phạm?
Chỉ có những nhà điều tra giàu kinh nghiệm mới có thể nhận ra đâu là mẫu số chung, đâu là những thay đổi có thể dự đoán được từ vụ án này đến vụ án khác của một kẻ giết người hàng loạt, trước cả khi xuất hiện các nạn nhân tiếp theo. Họ có thể nhận ra dị vết của hung thủ, kẻ đã hiện diện trong những vụ án trước đó.
Cái dị vết này, như một vết sẹo, đã hằn sâu bên trong của hung thủ, chính vì thế một cách vô thức, hung thủ luôn tái tạo lại và lặp lại cái chữ ký đó trong mỗi vụ án mạng mà hắn đã thực hiện. Các nhà điều tra có kinh nghiệm sẽ biết phải tìm kiếm theo hướng nào và làm sao để có thể tìm thấy dị vết của một kẻ giết người và giải mã được thông điệp ẩn giấu trong đó. Đó chính là những chiếc chìa khóa giúp cho việc phá án.
Có thể hiểu dị vết của những kẻ giết người hàng loạt giống như một dạng danh thiếp mà hung thủ đã vứt lại ở hiện trường của mỗi một vụ án. Thông thường đấy là một thứ gì đó rất khác lạ hay đặc biệt. Cái cách mà kẻ sát nhân hàng loạt đã hành động sẽ rất khác với những gì người ta có thể tìm thấy trong các vụ án khác. Mỗi khi chúng ta bắt gặp một dấu hiệu đặc biệt, hiếm gặp trong một vụ án mạng nào đó và một thời gian sau chúng ta lại bắt gặp lại dấu hiệu đó trong một vụ án khác, đó là khi chúng ta đang phải đối mặt với một kẻ giết người hàng loạt.
Ví dụ trường hợp một hung thủ đã đánh đập tàn nhẫn một nữ nạn nhân, tra tấn cô bằng một ống sắt tròn tống vào bộ phận sinh dục rồi để lại chiếc ống thép ở vùng kín trước khi giết nạn nhân. Khi đó điều tra viên phải xem rằng đó là một hành động hết sức khác thường. Nếu ở những vụ án mạng khác, chúng ta bắt gặp lại cùng một cách hành xử như vậy, dẫu có sự thay đổi ở một vài chi tiết, chắc chắn rằng những vụ án này có sự liên quan và có cùng một tác giả. Trong trường hợp này hung thủ đã để lại hiện trường một dị vết.
Những kẻ giết người hàng loạt như Albert DeSalvo luôn bỏ lại xác nạn nhân tại các địa điểm rất quái dị và ẩm ướt, váy bị vén cao và đôi chân gập lại. Kenneth Bianchi luôn đặt các xác chết tại các sườn đồi. Bible John luôn thắt cổ nạn nhân bằng những chiếc dây lưng. Lawrence Bittaker giết người bằng những chiếc kẹp đá. William Kemper thắt cổ các nạn nhân nữ bằng những chiếc áo phông mà họ mặc và vứt xác họ cạnh các xa lộ…
Một cách ngắn gọn, có thể xem rằng dị vết của những kẻ giết người hàng loạt là một hành động “thừa” của chúng. Nó không quá cần thiết trong việc bức hại nạn nhân, nhưng lại luôn hiện hữu. John Douglas, một chuyên gia của FBI đã mô tả dị vết của những kẻ giết người hàng loạt là việc “hiện thực hóa các ám ảnh bạo lực” của hung thủ. Hung thủ đã mơ tưởng tới những ám ảnh bạo lực này trong một thời gian dài, và những ẩn ức ấy đã phát triển thành một nhu cầu thực hiện cho được chúng trong thực tế. Phần lớn những kẻ giết người hàng loạt đã nuôi dưỡng những ám ảnh này trong vực thẳm đen tối của tâm hồn trong nhiều năm, rất lâu trước khi chúng trồi lên trên bề mặt và chuyển hóa thành những hành động sát nhân thực sự. Khi hung thủ ra tay giết người, một vài chi tiết trong các vụ án mạng sẽ phản ánh cái tôi của hắn hay ham muốn, các suy nghĩ, là những gì thuần túy cá nhân và độc nhất chỉ có ở hung thủ này.
Dị vết hay phương thức phạm tội?
Những nhà điều tra không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận ra dị vết của một kẻ sát nhân. Những tội ác tàn bạo thường hướng vào các nạn nhân là nhóm đối tượng có nguy cơ cao (ví dụ như những gái làng chơi) và xác nạn nhân khi phát hiện ra thường đã bị phân hủy nên gần như không “khai thác được thông tin”. Những điều đó đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các điều tra viên. Hơn thế nữa đa số mọi người thường nhầm và đánh đồng hai khái niệm: Dị vết của kẻ sát nhân với phương thức hoạt động tội phạm của chúng.
Phương thức hoạt động là cái cách mà một kẻ tội phạm hoạt động. Có những kẻ tội phạm chỉ hoạt động vào ban đêm. Có những kẻ khác thích ngồi rình trong ô tô để tìm kiếm con mồi. Lại có những kẻ luôn thâm nhập vào nhà qua lối cửa sổ hay thường đóng vai người gặp tai nạn để thu hút sự chú ý của những người khác. Phương thức phạm tội không thật sự đóng vai trò quan trọng trong việc truy tìm hung thủ bởi nó có thể thay đổi từ vụ án này đến vụ án khác. Với những nhà điều tra thiếu kinh nghiệm, họ dễ dàng bị đánh lừa khi nghĩ rằng mình đang đối diện với những kẻ phạm tội khác nhau. Trong khi trên thực tế họ đang đối diện với một kẻ sát nhân duy nhất – một kẻ giết người hàng loạt.
Chẳng hạn như khi một kẻ cướp có vũ trang đột nhập vào một ngôi nhà và dùng súng đe dọa chủ nhà. Hắn ra lệnh cho người chồng nằm úp mặt trên sàn sau đó đặt một tách trà trên một chiếc đĩa và để trên lưng người chồng. Hắn hăm dọa: “Nếu tách trà rung rinh hay rơi xuống đất, vợ mày sẽ bị giết”, sau đó hắn lôi người phụ nữ vào một căn phòng khác và làm nhục cô ấy.
Trong một tình huống khác, một tên cướp khác cũng đột nhập vào một căn nhà, dùng vũ khí khống chế nữ chủ nhà, bắt cô ta phải gọi điện yêu cầu chồng mình quay trở về nhà càng nhanh càng tốt. Khi người chồng trở về, hắn trói anh ta vào chiếc ghế và bắt anh ta chứng kiến cảnh hắn làm nhục vợ mình.
Nếu như trong tình huống thứ nhất, tên cướp dùng tách trà như một phương thức hoạt động để kiểm soát người chồng thì trong tình huống thứ hai, tên cướp đã hành xử vượt ra ngoài phạm vi một vụ cướp – hiếp dâm thông thường, bằng hành động làm nhục người vợ và bắt người chồng chứng kiến, hắn đã thỏa mãn được các ẩn ức bên trong của mình. Những ẩn ức bên trong ấy đã thúc đẩy hắn phải tạo ra một dị vết tại hiện trường.
Một ví dụ khác, tại Paris, một tên cướp nhà băng đã khống chế và bắt các nữ nhân viên phải cởi bỏ quần áo trong lúc hắn tiến hành vụ cướp. Còn ở Marseille, một tên cướp nhà băng khác cũng dùng vũ khí khống chế và bắt các nữ nhân viên cởi bỏ quần áo, hơn thế nữa hắn còn bắt các nữ nhân viên này đứng uốn éo ở các tư thế gợi cảm để hắn chụp ảnh xong rồi mới cướp.
Như vậy, đối với tên cướp ngân hàng ở Paris, việc bắt các nữ nhân viên cởi đồ chỉ nhằm mục đích giúp hắn có thêm thời gian để tẩu thoát bởi vì các nữ nhân viên này có khuynh hướng mặc lại quần áo trước khi nghĩ đến chuyện gọi cho cảnh sát. Ngoài ra khi được cảnh sát thẩm vấn, các nữ nhân viên này sẽ chỉ có thể cung cấp các mô tả mơ hồ về thủ phạm vì trước đó họ chỉ bận tâm về tình trạng khỏa thân của mình và luôn tránh né giao tiếp, dù chỉ bằng ánh mắt với những người khác. Vì thế đây chỉ đơn thuần là một phương thức hành động của tên tội phạm.
Còn tên cướp ngân hàng ở Marseille thì đã tiến hành hàng loạt các hành động “không cần thiết” và không liên quan tới vụ cướp ngân hàng: chụp những bức ảnh các nữ nhân viên trong tình trạng khỏa thân và ở các tư thế kích dục. Hắn muốn để lại một dị vết ở hiện trường vụ án. Đó là nhằm để giải tỏa các ẩn ức tội phạm trong hắn mà việc cướp ngân hàng một cách đơn thuần chưa thể giải tỏa được.
Theo đánh giá của John Douglas, một chuyên gia tâm lý tội phạm của FBI thì “phương thức hoạt động” của một tội phạm là những biện pháp cần thiết mà những kẻ tội phạm này sử dụng để phạm tội và trên thực tế phương thức hoạt động thường xuyên thay đổi một khi những kẻ tội phạm tìm ra những phương thức mới hữu hiệu hơn. Ngược lại dị vết của một kẻ tội phạm, đặc biệt là với trường hợp những kẻ giết người hàng loạt, thường lại là những hành động không cần thiết trong việc phạm tội, nhưng về mặt tâm lý nó lại là yếu tố quan trọng nhất cho những tên sát nhân dạng này”.
Đa phần những kẻ giết người hàng loạt không thỏa mãn với việc phạm tội ác một cách đơn giản. Chúng luôn muốn nhiều hơn thế nữa. Chúng cảm thấy cần có một dấu ấn thể hiện qua thông qua một dị vết để lại ở hiện trường, đó là một thôi thúc hoàn toàn vô thức nhằm thỏa mãn những ẩn ức được chứa chất ở con người bên trong của chúng. Điều quan trọng nhất và vô cùng có ích với các điều tra viên là những gì thuộc về cốt lõi của các dị vết này sẽ không bao giờ thay đổi. Có thể có những thay đổi về tiểu tiết, nhưng cái cốt lõi thì không, vì cái đó đã thuộc về bản chất sâu thẳm của kẻ giết người hàng loạt đó.
Tầm quan trọng trong việc tìm ra dị vết
Hiểu và nhận ra dị vết của tội phạm là một yếu tố cốt tử để bắt giữ chúng và đưa chúng ra xét xử trước pháp luật. Điều đó càng đặc biệt quan trọng trong trường hợp của những kẻ giết người hàng loạt. Vụ án của David Vasquez là một ví dụ điển hình minh chứng cho luận điểm này.
Năm 1984, Vasquez bị truy tố và buộc tội giết hại một người phụ nữ 34 tuổi tên là Carol Hamm, ở Arlington, bang Virginie. Người phụ nữ này sau khi bị cưỡng hiếp đã bị thắt cổ chết bằng một sợi dây thừng ngay tại nhà của cô. Tên sát nhân đã đặt xác cô nằm úp mặt xuống đất, hai tay bị trói quặt ra sau lưng. Hắn đã sử dụng rất nhiều nút thắt với cách chằng buộc rất phức tạp để buộc cổ tay nạn nhân nối liền với cổ. Xác nạn nhân được phơi bày lộ liễu nhằm gây ấn tượng mạnh với những ai chứng kiến. Kẻ sát nhân đã bỏ ra rất nhiều thời gian để tạo ra hiện trường vụ án.
Hắn đã chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể khống chế dễ dàng nạn nhân. Hắn đã bắt cô phải “đi dạo” nhiều vòng trong căn nhà, từ phòng này sang phòng khác, ở khu toilet. Hắn đã bắt cô phải đánh răng. Tất cả những hành động này hoàn toàn không liên quan và không cần thiết, nhưng hung thủ lại cảm thấy cần phải làm như vậy từ một sự thôi thúc nội tâm của hắn. Đó là một thứ ham muốn bệnh hoạn đặc trưng.
Nhiều nhân chứng đã khẳng định đã nhìn thấy David Vasquez quanh quẩn ở địa điểm xảy ra án mạng và người đàn ông này cũng không có được chứng cứ ngoại phạm. David cũng có một chỉ số IQ rất thấp, tình trạng thường gặp ở những người trí tuệ chậm phát triển. Theo lời khuyên của luật sư, David đã nhận tội để có được án tù chung thân thay vì bị tử hình.
Ba năm sau, vào năm 1987, khi David Vasquez vẫn còn đang bị giam trong tù, cảnh sát đã phát hiện ra xác của một người phụ nữ 44 tuổi, Debby Davis trong ngôi nhà của mình. Cô cũng bị siết cổ cho đến chết bằng một sợi dây thừng sau khi đã bị cưỡng hiếp. Cách thức trói quặt tay nạn nhân, các nút thắt của sợi dây thừng đều giống hệt với vụ sát hại Carol Hamm vào năm 1984.
Cảnh sát Arlington đã yêu cầu NCAVC (Trung tâm Quốc gia về phân tích các tội phạm bạo hành) tiến hành một cuộc khảo sát về hai vụ án này và một chuỗi những vụ tấn công tình dục và giết người đã xảy ra từ 1984 đến 1987.
Căn cứ vào những dị vết của hung thủ đã để lại hiện trường, NCAVC đã kết luận những vụ án mạng này đều do một kẻ sát nhân duy nhất gây ra. Và cảnh sát cuối cùng cũng đã bắt được kẻ sát nhân, đó là Timothy Spencer, người đã gây ra tổng cộng 5 vụ cưỡng dâm và giết người.
Những chứng cứ đã cho phép khẳng định chắc chắn rằng người ra tay hạ sát Carol Hamm năm 1984 là Timothy Spencer. Ngay sau đó Tòa án bang Virginie đã tuyên bố David Vasquez vô tội và được trả lại tự do.
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát