Tội mô giới hối lộ được quy định trong Điều 365 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Điều 365. Tội môi giới hối lộ
1. Người nào môi giới hối lộ mà của hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Biết của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Của hối lộ trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
6. Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
7. Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
1. Làm môi giới hối lộ là gì?
Làm môi giới hối lộ là hành vi làm trung gian tạo điều kiện (móc nối) để đưa hối lộ và bên nhận hối lộ(có thể theo yêu cầu của bên đưa hối lộ hoặc bên nhận hối lộ) thỏa thuận việc đưa và nhận hối lộ.
2. Các yếu tố cấu thành tội môi giới hối lộ
2.1. Mặt khách quan
– Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau:
a) Về hành vi. Có hành vi giới thiệu hoặc giúp cho bên đưa hối lộ và bên nhận hối lộ gặp nhau để thỏa thuận việc hối lộ (như chọn địa điểm, thời gian, chuyển lời đề nghị, yêu cầu…giữa hai bên), kể cả chuyển hoặc nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất hoặc phi vật chất khác cho bên đưa hối lộ hoặc nhận hối lộ;
– Thời diểm hoàn thành tội môi giới hối lộ được tính từ thời điểm bên nhận hối lộ và bên đưa hối lộ đạt được sự thỏa thuận đưa và nhận hối lộ.
b) Dấu hiệu khác. Có một trong các dấu hiệu sau:
– Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất trị giá 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
– Lợi ích phi vật chất.
2.2. Khách thể
– Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt đông đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước.
2.3. Mặt chủ quan
– Người phạm tội môi giới hối lộ thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.
2.4. Chủ thể
– Chủ thể của tội môi giới hối lộ là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Những tình tiết được miễn trách nhiệm hình sự
– Theo quy định tại khoản 6 thì: Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi môi giới hối lộ.
– Đây là quy định mang tính khoan hồng nhằm phòng ngừa chung, đồng thời tạo điều kiện để đấu tranh với các tội phạm tham nhũng (tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ).
4. Về hình phạt của tội môi giới hối lộ
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:
a) Khung một (khoản 1)
Có mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
b) Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
c) Khung ba (khoản 3)
Có mức phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
d) Khung bốn (khoản 4)
Có mức phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
5. Hình phạt bổ sung
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 6 thì:
Người nào môi giới hối lộ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.
Nguồn: Chuyên trang học luật trực tuyến (hocluat.vn)